Về nhà với mẹ
Ngày đăng: 22/01/2024; 70
Truyện ngắn
HOÀNG CÚC
 
Giang vừa đặt chân xuống chiếc xe taxi, bước những bước xiêu vẹo về hướng nhà trọ thì bỗng có tiếng chuông điện thoại reo. Là cuộc gọi của shipper1. Trong sự ngà ngà của men rượu vang, Giang vẫn nhớ, cả tuần nay mình có đặt mua thứ gì đâu mà sao lại có người gọi giao hàng. Theo thói quen, Giang vẫn hỏi lại: “Của em hết bao tiền đấy ạ!”. “Dạ, đơn 0 đồng chị ơi!”, càng làm cho Giang thêm tò mò…
Ồ, một chiếc bánh kem nhỏ xinh với hình mặt cười ngộ nghĩnh. Dù chẳng có thêm ký hiệu nào đi kèm nhưng Giang vẫn đoán ra, người gửi không ai khác chính là Bình. Giang cười, lấy điện thoại định chụp ảnh chiếc bánh gửi zalo thông báo với Bình đã nhận được hàng thì vừa hay có tin nhắn Bình gửi đến: “Anh phải đi thẩm định dự án gấp không kịp đến chào em. Chiếc bánh này xem như là quà “hối lộ” để em không thay đổi ý định đưa anh về ra mắt mẹ. Đúng ba ngày nữa anh đến đón, rồi chúng ta cùng về nhà mẹ em nhé. Nhớ em nhiều!”. Giang thả một chiếc sticker2 cảm ơn vào tin nhắn và không nói gì thêm.
Giang không biết mình đang trong trạng thái lâng lâng vì mấy ly rượu vang uống cùng đám bạn trưa nay hay vì chính món quà kia của Bình. Đám bạn Giang cũng ngầu thật, chỉ là tạm xa nhau mấy ngày Tết thôi mà chúng nó cứ làm như biền biệt góc bể chân trời, không hẹn ngày gặp lại ấy. Thành ra bữa tụ tập ăn trưa như thường lệ đã biến thành buổi liên hoan chia tay... Cũng chả trách, gắn bó với nhau gần bốn năm, thực thi bao dự án nông nghiệp trên khắp các vùng đất mới. Có đứa ngày mới gặp còn độc thân, nay đã lấy chồng và có hai con. Có đứa “cưa” đổ hẳn bốn, năm em nhưng còn chưa vội cưới. Còn Giang, vẫn thấy mình như thế, vẫn còn đeo mang những vết thương lòng sau lần đổ vỡ. Thế nên, dẫu có người gợi chuyện trăm năm, Giang vẫn cứ nâng lên, đặt xuống, hững hờ…
Mà cũng phải thôi, phận gái đã qua một đời chồng, Giang nào dám mơ tưởng khi Bình vẫn là trai tân. Miệng lưỡi thế gian nhiều đường lắt léo. Mình cam chịu quen rồi, Bình cũng chấp nhận tất cả, nhưng còn họ hàng, gia đình Bình, mấy ai thấu cảm cho phận dâu mới. Mặc cho thái độ của Giang thế nào, Bình vẫn ân cần quan tâm, chăm sóc, để ý từng thói quen nhỏ, ghi nhớ những sở thích của Giang. Ví như biết Giang thích ăn bánh kem, mà đặc biệt phải là loại nhiều kem nên thỉnh thoảng trên đường đi làm về, Bình ghé cửa hàng bánh kem ngon nhất thị trấn chọn mua một chiếc bánh nho nhỏ. Khi người bán hàng hỏi: “Có ghi dòng chữ gì không?”, Bình khẽ mỉm cười: “Vẽ một cái hình mặt cười ngộ nghĩnh nhé!”. Cứ thế, Giang chẳng còn nhớ ngày nào, tháng nào là sinh nhật mình, vì bất kể lúc cô vui, buồn hay thậm chí chả cần lý do nào, Bình cũng mang đến tặng cô một chiếc bánh kem.
Nhìn chiếc bánh đặt trên bàn, Giang bỗng nhớ lại hình ảnh chiếc bánh kem hai tầng trong đám cưới cô ruột của Giang. Đó là chiếc bánh kem đẹp nhất, ngon nhất, hấp dẫn nhất trong tuổi thơ Giang từng thấy. Bữa đó, khi họ nhà trai đã rước dâu đi, để lại lễ với nhiều mâm quả và chiếc bánh kem hai tầng. Bọn trẻ con thèm quá, cứ bảo Giang cắt bánh cho mỗi đứa một miếng. Dù là đứa to đầu lớn xác nhất trong đám cháu, nhưng Giang chẳng dám quyết định cái việc tày trời này, nhỡ đâu, đoàn nhà gái về, mẹ điều tra ra được thì ăn no đòn. Bản thân Giang cũng thèm nhỏ dãi, nhưng phải cố kiềm chế kẻo bọn trẻ con biết chúng lại chế giễu kiểu “thích còn kiêu”. Thế là hôm ấy, Giang nảy ra một phát minh mà sau này, lũ em vẫn hết lời ngợi khen: “Chị Giang đúng là một nhà khoa học”. Thực ra, phát minh đó chỉ là lấy một chiếc nón mới úp lên cái bánh kem hai tầng kia, sau đó giữ cái nón sao cho áp vào phần bánh rồi từ từ xoay nửa vòng tròn. Hết nửa vòng lại lật chiếc nón ra, kem dính xung quanh vòng nón, bọn trẻ tha hồ quệt tay rồi mút lấy mút để. Xoay vài lần, lớp kem bao quanh bên ngoài chỉ còn mỏng như lá lúa nhưng may là vẫn in những vòng tròn đều nhau từ nan nón nên nhìn chiếc bánh vẫn rất nghệ thuật… Đến đây, Giang quyết định dừng trò chơi “chiếc nón kỳ diệu”, còn lũ em dẫu tiếc hùi hụi nhưng cũng đành chịu vì sợ ăn đòn. 
Mấy năm sau, khi cô chú có với nhau một mặt con thì Giang lại được tin, cô chú ấy đã bỏ nhau. Bà nội Giang bảo: “Ngày đó nhà gái nhận lễ mà không lại quả cho nhà trai nên cô chú ấy ở với nhau không bền là đúng rồi”. Giang lại chạnh lòng nhớ tới đám cưới của mình. Hôm đó, nhận lễ xong, mẹ vẫn lại quả lại phần cho nhà trai cẩn thận… vậy mà hôn nhân của Giang vẫn đứt gánh giữa đường. Có lần mẹ tâm sự với Giang: “Mẹ không mê tín nhưng hôm cưới, thợ trang điểm cho con khi chải tóc, chiếc lược bị gãy. Rồi khi đang tổ chức lễ cưới, gió bất ngờ thổi mạnh làm rơi, vỡ cả khung kính chiếc ảnh cưới… là lòng mẹ đã thấy bất an. Nhưng rồi mẹ vẫn cầu trời, khấn Phật mong cho con được mọi điều tốt lành, hạnh phúc êm ấm…”. Có lẽ mỗi người khi sinh ra đã được cuộc đời định đoạt số phận. Thế nên, khi nghe mẹ kể lại những điềm ấy trong ngày cưới của mình, Giang càng thêm tin, cô và anh ta (chồng cũ) có duyên không phận. Nếu có nợ nhau từ kiếp trước thì quãng thời gian đó, coi như kiếp này Giang trả cho anh ta. Quá nhiều những vết thương, quá nhiều những giọt nước mắt… 
Mỗi lần ngồi trước gương trang điểm, khi thoa lên lớp phấn má hồng mà Bình cất công săn trên mạng để tìm đúng loại mà Giang ưa dùng, Giang lại thấy một nỗi thương cảm, xót xa cho đời mình. Một lớp phấn má hồng phủ lên, gương mặt như thêm phần nhuận sắc, tươi tắn. Thế mà cũng tại vị trí đấy, trước đây, Giang không nhớ đã bao lần sưng bầm, thâm tím vì những cú đấm, cú đánh của chồng mỗi khi anh ta uống rượu trở về nhà. Mà riêng gì gương mặt, anh ta thỏa mãn cơn vũ phu như động đất, sáng hôm sau, cả người Giang ê ẩm, chân đi bước cao bước thấp. Cận ngày giỗ bố, mẹ gọi điện bảo hai vợ chồng về nhà, Giang không dám kể với mẹ về những trận đòn, càng không muốn mẹ nhìn thấy bộ dạng này của mình nên đành nói dối mẹ là mình bị ốm. Mẹ tưởng Giang có tin vui, giọng khấp khởi: “Con nhớ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ nhé. Kiêng đi lại nhiều con nhé. Một mình mẹ nấu cơm giỗ bố cũng được. Khi nào khỏe hẳn, hai vợ chồng về thăm mẹ”. Điện thoại ngắt, Giang nấc lên trong nước mắt… Ở nhà với mẹ, mẹ chăm sóc, lo lắng cho Giang như lo lắng cho một đứa trẻ. Mà hình như với mẹ, Giang mãi là một đứa trẻ bé bỏng như ngày nào còn ngồi một bên quang thúng, mẹ gánh ra chợ cùng với thúng hàng. Nắng thì mẹ đội vào đầu Giang chiếc nón, mưa thì mẹ quây tấm ni-lon. Có hôm trời mưa to, mẹ gánh Giang chạy vội vào trú tạm hiên nhà người, nhưng vì đường trơn, chân mẹ vội vàng nên vấp ngã. Cả mẹ, cả con, cả gánh hàng ướt sũng, lấm lem bùn đất. Giang từng bảo với mẹ: “Lớn lên con sẽ không lấy chồng, ở vậy suốt đời để chăm lo cho mẹ”. Nghe Giang nói vậy, mẹ chỉ cười hiền: “Thế lúc mẹ già mẹ chết, lấy ai lo cho con…”.
Bố mất khi Giang chưa đầy một tuổi, vì thế mẹ luôn cố gắng để bù đắp cho Giang cả phần của bố. Chan chứa yêu thương nhưng không nuông chiều. Mẹ sẵn sàng đòn roi nếu như Giang mắc lỗi. Mà hình như, cả tuổi thơ mình, Giang cũng chỉ bị mẹ đánh đòn duy nhất một lần. Đó là lần Giang theo đám bạn đi trộm hạt điều nhà cụ Bường về phơi khô rồi mang đi đổi kẹo kéo. Mới đổi được tới cây kẹo kéo thứ hai thì Giang bị mẹ phát hiện. Mẹ vừa đánh Giang, vừa khóc:
- Mẹ có dạy con đi ăn cắp, ăn trộm không Giang. Con không sợ thiên hạ họ cười cho à…
 Rồi mẹ dắt Giang đến nhà cụ Bường xin lỗi. Giang thì nước mắt giàn giụa, còn cụ Bường không cáu giận, chỉ nhỏ nhẹ:
- Biết nhận lỗi là tốt. Nhớ từ nay không được tái phạm nghe cháu. Nào, lại đây ông cho cháu chiếc bánh bò, ăn thử xem có ngon hơn kẹo kéo của cái ông hay bóp còi ngoài đường không nhé.
Ấy vậy mà cũng đã hơn hai mươi năm trôi qua. Giang đã cùng mẹ trải qua những tháng ngày cơ cực; trải qua những tháng ngày sinh viên nơi thành phố hoa lệ; nếm trải trái đắng của tình yêu đầu đời, và, cũng đã chịu đựng một cuộc hôn nhân hơn cả địa ngục… Nhờ có mẹ mà Giang đã dũng cảm bước qua, thoát khỏi nó, để sống tiếp phần đời còn lại. Sĩ diện để làm gì khi nó không thể cứu vãn được hôn nhân, không thể làm dịu đi những vết thương bầm tím trên thịt da mỗi ngày, không thể làm ngắn hơn quãng đường về nhà với mẹ. Mẹ đã giúp Giang gỡ bỏ chiếc mặt nạ mang tên sĩ diện đó xuống và dắt tay con gái ra tòa. Khi biết mình chính thức mất đi thằng rể “quý”, mẹ ôm cô con gái, nước mắt lưng tròng vì nhẹ nhõm, mừng vui.
 
***
 
Giang gặp Bình vào đúng tháng Giêng năm ấy, trong chuyến đi khảo sát thực địa để phát triển giống nho lai không hạt của Hàn Quốc. Có lần Bình bảo với Giang:
- Anh bị em thu hút bởi ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Mà thường, người có đôi mắt buồn là người sống nội tâm, sâu sắc. Mỗi khi nhìn vào đôi mắt ấy, anh muốn được che chở, được khơi lại những niềm vui.
Bình kể cho Giang nghe về hoàn cảnh của gia đình mình… Nghe Bình kể, Giang biết, gia cảnh Bình cũng chẳng khác nhà Giang là mấy. Từ nhỏ Bình đã lớn lên bên bố vì mẹ bỏ đi biền biệt. Bình luôn khao khát được nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ thân thương trong gian bếp nhà mình. Chắc hẳn, bữa cơm của phụ nữ nấu sẽ khác nhiều so với đàn ông nấu. Khác từ hương vị mặn, nhạt cho đến cách bày biện, trang trí. Đó là Bình thường hình dung thế thôi. Bình bảo với Giang: “Từ bé đến giờ đã có người phụ nữ nào nấu cho riêng anh một bữa cơm đâu”. Chẳng biết có phải vì mủi lòng mà lần đó Giang đã mời Bình ở lại dùng cơm tối. Bình vui lắm, vội nhận ngay chân đi chợ... Trong gian bếp chật của ngôi nhà trọ, Giang cười thầm rồi loay hoay không biết bắt đầu từ món nào. Hình như vị khách ấy có phần làm Giang bối rối…
Ba năm trôi qua, Bình vẫn lặng lẽ quan tâm, ân cần và thi thoảng lại nhờ Giang nấu riêng cho mình những bữa cơm cuối tuần. Thế mà khi Bình ngỏ ý muốn đưa Giang về nhà thăm bố, Giang vẫn lưỡng lự. Chẳng phải vì Giang chưa thấy đủ ấm áp, cũng chưa hẳn vì vết thương cũ chưa lên da non mà vì cái rào cản vô hình về thân phận. Nhiều lần Bình nói với Giang rằng: Anh không quan trọng chuyện quá khứ. Tương lai mới là đích anh hướng đến. Chừng đấy thời gian đủ để hai người trưởng thành hiểu và chia sẻ, đồng cảm với nhau.
Giang lấy điện thoại bấm số gọi về cho mẹ. Thấy con gái điện, mẹ Giang bắt máy, vồn vã:
- Giang à, ngày kia con đi chuyến tàu sáng hay chiều để mẹ biết còn làm cơm đãi khách.
- Khách nào hả mẹ?
- Còn khách nào vào đây. Thế con không đưa thằng Bình về chơi Tết à?
- Dạ, con cũng không biết nữa mẹ ạ!
- Hôm qua Bình đã gọi điện xin phép mẹ về chơi nhà. Mẹ đồng ý rồi.
- Sao mẹ lại quyết định vội thế.
- Mẹ đã quyết gì đâu, hai đứa về đây rồi mẹ tính cho. Để nó chờ đợi mãi, mẹ thấy cũng tội nghiệp. Thôi, giờ mẹ ra chợ chiều tìm mua vài lít mật ong đã.
- Mật ong nhà mình vẫn còn nhiều đã dùng hết đâu mà mẹ mua thêm nữa.
- Còn nhiều nhưng mật ong nhà mình không được ngon. Mẹ mua ít gửi thằng Bình mang về làm quà cho ông già nó. Mùa này lạnh, buổi sáng dùng ít mật ong pha cùng nước ấm uống rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người già con ạ.
- Cứ như mẹ là mẹ của ai kia không bằng…
Giang nghe tiếng cười của mẹ lanh lảnh trong điện thoại mà ngỡ như mình đang nằm trên chiếc chõng tre bên hiên nhà mình, lặng nhìn mẹ ngồi chắt từng chai mật ong vàng sánh. Những ý nghĩ cứ trôi qua trong suy nghĩ của Giang. Có khi tới Giêng, Hai nào đó, đồng đất quê Giang sẽ lại xanh lên những vườn nho lai, giúp người dân nghèo vượt lên cái khó. Lúc ấy, Giang và Bình sẽ đến từng thôn hướng dẫn tận tình quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc giống nho mới cho người dân. Rồi cả vùng đồi này sẽ biến thành khu du lịch trải nghiệm, mỗi ngày đón vài trăm lượt khách. Bà con không còn lo cảnh “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nữa. Và mẹ Giang sẽ lại tươi tắn nụ cười, bận bịu với đàn cháu ngoại, sẽ cơm ngày ba bữa quây quần mẹ con sau những tháng ngày xa vắng… Nghĩ đến đây thôi, Giang đã thấy lòng ngập tràn những ấm áp, tha thiết muốn dựng xây.
Giang sẽ đợi Bình để cùng anh trở về trên chuyến tàu sớm nhất. Về để cùng mẹ sửa soạn lại gian bếp chật; về để cùng mẹ ra vườn chọn hái những tàu lá chuối, lá dong xanh mướt chuẩn bị gói bánh chưng, bánh rợm. Giang sẽ cùng Bình đi dạo một vòng qua chợ hoa chọn mua một cành đào thật nhiều nụ trang trí trong nhà để màu Tết thêm ấm lòng mùa sum họp.
Những gió bụi dặm dài Giang sẽ gửi lại nơi phố để mang bình yên, thương mến về đón Tết quê nhà!
H.C
 
1. Shipper: Là người trực tiếp đảm trách công việc lấy hàng từ chủ dịch vụ rồi giao hàng tới tận nơi cho khách hàng.
2. Sticker: Là nhãn dán với nhiều biểu tượng và màu sắc bắt mắt, giúp cho cuộc đối thoại trên tin nhắn zalo trở nên sinh động và hài hước hơn, mang lại nhiều cảm xúc cho người nhận và người gửi tin nhắn.
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc