Nhớ về cách mạng tháng Tám, tự hào đi tới tương lai
Ngày đăng: 17/08/2022; 131
   VĨNH NGUYÊN
 
Theo vòng quay bất tận của thời gian, tháng Tám đã về, mùa Thu đã khởi.
Tháng Tám mùa Thu này, thêm nhớ Tháng Tám mùa Thu của 77 năm về trước.
Ngày ấy, căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, để giành thời cơ và tạo đà cho tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân đã sớm nổ ra ở một số địa phương.
Tại Vĩnh Phúc, trận đánh hạ đồn binh Nhật trên núi Tam Đảo được xem là trận khởi đầu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trung đội trưởng Nguyễn Huy Minh (tức đồng chí Thạch Sơn) và Chính trị viên Vũ Tuân đã chỉ huy Trung đội Việt Nam Giải phóng quân Phạm Hồng Thái tấn công đồn binh Nhật trên khu nghỉ mát Tam Đảo.* Cuộc chiến đấu đã diễn ra rất quyết liệt, đến ngày 16 tháng Bảy năm 1945 mới giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng này, vừa đồng thời giải phóng Tam Đảo từ tay phát xít Nhật, vừa được xem như phát pháo lệnh, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đồng thời, tạo một tiếng vang lớn để cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cả dân tộc ta khi ấy bùng nổ và đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Từ ngày 12 tháng Tám, các đồn Nhật ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, v.v… lần lượt bị các đơn vị Giải phóng quân của ta tấn công.
Ngày 13 tháng Tám năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, nhận định: điều kiện để tổng khởi nghĩa đã chín muồi. Đêm 13 tháng Tám năm 1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy giành chính quyền.
Chiều 15 tháng Tám, khi có tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, hai ông Trần Tử Bình và Nguyễn Khang, đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ, được giao nhiệm vụ ở lại Hà Nội, đã cấp tốc bàn bạc và đi tới quyết định thành lập Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa) của Mặt trận Việt Minh - do ông Nguyễn Khang làm chủ tịch và bốn ủy viên: Trần Quang HuyNguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Quyết cùng cố vấn Trần Đình Long - để gấp rút chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Tinh mơ ngày 19 tháng Tám năm 1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận từ các ngả đường rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Khoảng 10h30, một cuộc mít-tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, của Việt Minh Hoàng Diệu Hà Nội được tổ chức. Mệnh lệnh được Việt Minh phát ra: Tổng khởi nghĩa!
Làn sóng cách mạng dâng lên cuồn cuộn như thác lũ. Lần lượt, các vị trí xung yếu của chính quyền cũ ở Hà Nội về tay Nhân dân. Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thành công. Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 20 tháng Tám năm 1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ - đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời, đã chính thức ra mắt quốc dân đồng bào tại vườn hoa Con Cóc (nay là vườn hoa Diên Hồng) trước Bắc Bộ phủ.
 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình
 
Cũng từ ngày 14 đến 19 tháng Tám năm 1945, chớp thời cơ, nhiều địa phương trên cả nước lần lượt khởi nghĩa, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Ở hai tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc ngày nay), việc giành chính quyền có những thuận lợi và khó khăn riêng. Vì thế, từ 17 - 31/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra ở hai địa phương theo phương thức: giành chính quyền ở cấp huyện trước, sau đó đến cấp xã và kết thúc ở cấp tỉnh. Theo đó, ngày 19 tháng Tám năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Phúc Yên thắng lợi, chính quyền tỉnh Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) được xác lập. Đầu tháng 9 năm 1945, chính quyền Dân chủ Nhân dân tỉnh Vĩnh Yên ra đời, đóng trụ sở ở huyện Yên Lạc, điều hành hoạt động của địa phương.
Lửa cách mạng gọi lửa cách mạng. Từ miền Bắc, tổng khởi nghĩa giành chính quyền lan rộng khắp mọi vùng, miền trên cả nước.
Tại Huế, ngày 17 tháng Tám năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mit-tinh ra mắt quốc dân, nhưng sau đó, cuộc mit-tinh đã biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Ngày 23 tháng Tám, khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân tại Huế giành thắng lợi.
Ngày 25 tháng Tám năm 1945, tại cửa Ngọ Môn (Huế), trước hàng ngàn người, vua Bảo Đại đọc Tuyên bố thoái vị, bày tỏ: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước bị trị”. Sau lời tuyên bố, ông trao ấn, kiếm cho đại diện chính quyền cách mạng tiếp nhận.
Cùng ngày 25 tháng Tám năm 1945, ở miền Nam, tại thành phố Sài Gòn, các tầng lớp Nhân dân nơi đây mà nòng cốt là tổ chức Thanh niên Tiền phong, đã nhất tề xuống đường. Chính quyền thành phố Sài Gòn về tay Nhân dân.
Đến ngày 28 tháng Tám năm 1945, chính quyền trên cả nước hoàn toàn về tay Nhân dân. Hà Tiên và Đồng Nai Thượng là hai tỉnh sau cùng giành được chính quyền.
Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 - “là một cuộc đổi thay cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta” (Hồ Chí Minh), đưa nước Việt Nam bước lên một vị thế mới, một tầm vóc mới: từ một nước nô lệ, thuộc địa trở thành một đất nước độc lập, tự do; đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân một nước tự do, độc lập.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã khẳng định vai trò, tầm vóc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc cách mạnh dân tộc dân chủ Nhân dân điển hình này, đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và Nhân dân những dân tộc bị áp bức những nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần đầu tiên trong lịch sử Cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.”.
Nói về cuộc Tổng khởi nghĩa - cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, từng có đánh giá rằng: Dường như, trên thế giới, chưa có một cuộc cách mạng nào bùng nổ ngoạn mục đến như thế. Mọi diễn biến đều ăn khớp nhịp nhàng như một bản thiết kế đã vạch sẵn. Cả một dân tộc, với hàng chục triệu con người thuộc mọi giai tầng trong xã hội, đã đoàn kết như một, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam (Mặt trận Việt Minh), của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chớp thời cơ, nổi dậy mau lẹ nhất, giành thắng lợi nhanh nhất.
Từ đây, Nhà nước công nông đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, cũng là Nhà nước vô sản đầu tiên được thành lập ở Đông Nam châu Á.
Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, ngày mùng 2 tháng Chín năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hơn 50 vạn quốc dân đồng bào, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền thân của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.
Kể từ đó, đất nước ta, một đất nước “từ thuở còn nằm nôi”, đã phải “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”, với bốn mươi thế kỷ cùng ra trận đánh giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi; cũng là một đất nước, một dân tộc tha thiết yêu hòa bình, độc lập, tự do đã bước sang một trang sử mới, một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Để đến hôm nay, sau bao thử thách, sau những cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm với bao gian khổ, hy sinh, với bao nhiêu máu, nước mắt, mồ hôi đã đổ, một tương lai tươi đẹp đang ngày mỗi ngày hiện hữu trên dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta. Đất nước, quê hương ta đang tiến những bước dài, vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển, đạt được những thành tựu rất to lớn, như lời đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”.
Những ngày tháng Tám này, ôn nhớ về những ngày tháng Tám của mùa Thu vàng 77 năm về trước, lòng mỗi người Việt Nam thêm vững tin, thêm quyết tâm, thêm nghị lực để tiếp tục chiến thắng mọi gian khó, thách thức mới.
 
 
Ngày mới về trên thành phố Vĩnh Yên
 
Hơn khi nào, cùng cả nước, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống luôn vượt qua và chiến thắng mọi khó khăn; vận dụng trí tuệ, sáng tạo trong điều hành, chỉ đạo, nỗ lực thực hiện các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp và ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, nền kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục thu về nhiều thành quả rất đáng tự hào. Với nỗ lực phục hồi nhanh, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục của tỉnh tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước, nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh (dự kiến tăng khoảng 8,3%). Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã và đang được kiểm soát tốt, với việc triển khai hiệu quả việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà/nơi lưu trú; đồng thời làm tốt “Chiến dịch tiêm vắc xin”, đưa tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 của tỉnh đạt cao so với mức bình quân chung của cả nước.
Toàn tỉnh đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Một số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm Logistic ICD Vĩnh Phúc; Dự án Khu công nghiệp Sơn Lôi; Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện… tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm đã, đang hoàn thiện, như: Đường từ nút giao thông lập thể đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (khu vực xã Văn Quán huyện Lập Thạch) đến Trung tâm huyện lỵ Sông Lô và tuyến nhánh đi Khu công nghiệp Sông Lô I; Đường nối Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên; Đường vành đai 4; Bệnh viên Sản - Nhi tỉnh; Nhà kỹ thuật nghiệp vụ Bệnh viện đa khoa tỉnh; Cầu Đầm Vạc…
77 năm đã trôi qua kể từ mùa thu vàng ngày ấy, nhưng hào khí cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại thì vẫn mãi rực sáng - ánh sáng của sức mạnh, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam; ánh sáng của niềm tin vào ngày mai tất thắng, là điểm tựa đặc biệt để cả dân tộc ta luôn vững bước, tiếp tục vượt mọi thử thách, khó khăn, cùng nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đi tới tương lai ngày mỗi tươi sáng hơn.
      
    V.N
Ảnh: Nguồn Internet; Khánh Linh
 
* Nay là thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) - thuộc khu du lịch quốc gia nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc