Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc: kỹ thuật tốt, đúng chủ đề, ảnh đẹp... vì sao không được chọn?
Ngày đăng: 20/07/2024; 113
CHU PHÚC
                                                                                               
     Chỉ còn mấy tháng nữa là đến Liên hoan Ảnh nghệ thuật (ANT) khu vực miền núi (KVMN) phía Bắc năm 2023. Nhìn lại Liên hoan ANT khu vực miền núi phía Bắc năm 2022 tổ chức tại Lai Châu thấy có nhiều điều cần suy ngẫm. Năm qua, các nghệ sĩ nhiếp ảnh tỉnh Vĩnh Phúc đã gửi tham dự không ít tác phẩm. Nhiều nghệ sĩ nói rằng ảnh tham gia lần này của mình khá tốt, nhưng số lượng ảnh triển lãm chỉ được 9 tác phẩm của 6 tác giả. Vì sao ảnh đẹp, đúng chủ đề, kỹ thuật tốt… mà không được chọn?
     Sau liên hoan ANT khu vực năm 2022, đáng mừng là nhiều ý kiến khen triển lãm khu vực năm sau tốt hơn những năm trước. Từ trước năm 1995, Liên hoan ANT các khu vực trên toàn quốc là sáng kiến của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các tỉnh trong khu vực. Những năm đầu, liên hoan ANT khu vực thường chấm, chọn ảnh triển lãm và trao giải theo tinh thần “phong trào”, số lượng ảnh được chọn trưng bày và trao giải có “nới” hơn đối với một số tỉnh có phong trào còn yếu. Số lượng ảnh trưng bày và giải thưởng của các tỉnh chia đều “sêm sêm” nhau. Tỉnh nào trội hơn một vài huy chương và số lượng tác giả, tác phẩm cao hơn sẽ được trao giải đồng đội. Từ những liên hoan ANT khu vực mà số hội viên chuyên ngành Nhiếp ảnh ở các tỉnh tăng lên đáng kể. Số hội viên đủ điểm kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng ngày một gia tăng. Chất lượng các tác phẩm được chọn trao giải và trưng bày triển lãm ngày càng được nâng cao. Có nhiều ý kiến cho rằng nên đổi Liên hoan ANT khu vực thành cuộc thi ANT khu vực để nâng cao chất lượng tác phẩm trưng bày. Mặc dù điều đó, Hội NSNA Việt Nam vẫn chưa thống nhất được với các tỉnh, tuy nhiên hình thức chấm chọn đã có sự thay đổi. Ban Tổ chức đã “trộn” tất cả ảnh của các tỉnh vào theo từng chủ đề để chọn chung chứ không chọn riêng từng tỉnh như trước nữa. Điều đó dẫn đến tình trạng số lượng giải thưởng và ảnh được chọn “treo” giữa các tỉnh không đồng đều. Có một vài tỉnh số lượng tác phẩm được chọn trưng bày rất ít và thậm chí không có giải thưởng.
 Chúng ta cùng quay trở lại Liên hoan ANT khu vực miền núi phía Bắc năm 2022 tại Lai Châu.
      Đồng bộ, hoành tráng và chuyên nghiệp
     Ấn tượng đầu tiên khi đến với Liên hoan Ảnh nghệ thuật KVMN phía Bắc năm 2022 tại Lai Châu vừa qua là sự hoành tráng, chỉn chu nhờ sự chuẩn bị và tổ chức chu đáo của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu (tỉnh đăng cai) và Hội NSNA Việt Nam. Triển lãm được trưng bày tại trung tâm thành phố Lai Châu. Các tác phẩm đều được Ban tổ chức trưng bày trên giá đỡ trong hai sảnh chính rộng rãi của Trung tâm Hội nghị tỉnh. Lần đầu tiên trong các liên hoan KVMN phía Bắc, ảnh triển lãm được in cỡ lớn như vậy (50x75cm cho ảnh đơn và 80x120cm cho ảnh bộ). Toàn bộ ảnh trưng bày triển lãm đều được trình bày đồng bộ trên chất liệu formex bo nền trắng, phần nào tạo nên sự hoành tráng và chuyên nghiệp cho triển lãm. Trong lễ khai mạc và trao giải, ảnh chân dung tác giả và tác phẩm của họ được chiếu lên màn hình led lớn, độ nét cao, rất trang trọng. Đây là sự thay đổi nhằm tôn vinh tác giả và tác phẩm đoạt giải mà những liên hoan trước đây chưa hề có.
     Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam - đánh giá: “Năm nay nhiều ảnh dự thi có ý tưởng tốt, có sự đầu tư sáng tạo, xử lý hậu kỳ kỹ hơn. Nhiều tác phẩm có hình thức thể hiện mới, vận dụng sáng tạo ngôn ngữ nhiếp ảnh đặc trưng. Một số tác phẩm được ứng dụng kỹ thuật tạo hình độc đáo, qua đó xuất hiện một số tác giả trẻ năng động, sáng tạo. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hoá phương pháp và đề tài sáng tác…”.
     Xem triển lãm năm nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đây là một triển lãm khá hoành tráng, một bữa tiệc bằng ánh sáng và sắc màu. Ảnh được phóng lớn, độ nét cao với kỹ thuật và công nghệ mới. Nhiều bức ảnh thật sự xuất sắc, phản ánh được nét đẹp của vùng đất và con người các tỉnh miền núi phía Bắc. Những tác phẩm được chọn triển lãm, đặc biệt là những tác phẩm được trao giải đã thể hiện được vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực và phản ánh những thành tựu kinh tế, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội. Khắc hoạ được những nét đặc trưng vùng đất - con người miền núi phía Bắc, luôn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc mình trong sự phát triển chung của khu vực. Một cộng đồng với trên 30 dân tộc anh em chung sống, KVMN phía Bắc có nhiều nét độc đáo, đa dạng về văn hoá và phong tục tập quán. Nhưng bộ ảnh liên hoan năm 2022 còn khá thiếu vắng những nét đặc trưng của KVMN phía Bắc.
     Những thiếu vắng có là tín hiệu mừng?
     Hai mươi tác phẩm được chọn trao giải là những bức ảnh có nội dung tốt nhất trong liên hoan, chắc chắn Hội đồng giám khảo cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng nên không có những ý kiến phản hồi “trái chiều” như trong nhiều liên hoan trước đây ở một số khu vực khác. Cá biệt, đã từng có một số bức ảnh “có vấn đề” trong một vài cuộc thi phải “xem xét” lại vì nghi bị chắp ghép làm sai lệch thực tế, gây ra những tranh luận “lùm xùm” không đáng có trên mạng, khiến tác giả tự ái xin rút không nhận giải. Nhìn chung, người xem năm nay hài lòng với chất lượng các tác phẩm trưng bày trong triển lãm. Những sắc đỏ rực rỡ trong những bức ảnh chụp về dân tộc Dao chiếm một tỷ lệ khá cao. Riêng ảnh bộ đã có tới 4 bộ ảnh về những sinh hoạt văn hoá của đồng bào Dao đỏ được trưng bày và trao giải. Ảnh trắng đen là thể loại rất được “tôn trọng” trong nhiếp ảnh nhưng lại chiếm một tỷ lệ “khiêm tốn” trong liên hoan năm vừa qua, cả cuộc triển lãm chỉ có 4 tác phẩm trắng đen được trưng bày. Tham khảo ý kiến người xem, một số người cho rằng, triển lãm vẫn còn những hạn chế, tuy nhiên đó là điều không thể tránh khỏi trong mỗi lần liên hoan hoặc thi ảnh. Cụ thể, còn một vài tác phẩm in phóng không đảm bảo độ nét hay màu sắc chưa chân thực (có thể do chất lượng file gốc không đảm bảo hoặc lỗi do kỹ thuật khi phóng ảnh). Vẫn còn một số tác phẩm khiến người xem “ngờ ngợ” hình như đã nhìn thấy ở đâu đó những tấm ảnh “na ná” như thế. Tác phẩm về đề tài an ninh, quốc phòng chiếm tỷ lệ rất ít trong triển lãm. Nhiều nét đẹp, nét văn hoá đặc trưng của một số dân tộc chưa “có mặt” trong triển lãm. Triển lãm lần này vắng bóng các bức ảnh về ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì… và một số địa danh đặc trưng cho KVMN phía Bắc. Năm 2022, một sự kiện lớn trong khu vực đó là "Nghệ thuật Xòe Thái" được UNESCO vinh danh vào danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng cả phòng trưng bày không có một tấm ảnh nào về “Xòe Thái”. Các bức ảnh về những đề tài này do Ban giám khảo không lựa chọn hay các nghệ sĩ trong khu vực không gửi tham gia? Trao đổi với ông Hoàng Ngọc Thạch, NSNA xuất sắc, thành viên Ban giám khảo Liên hoan ANT khu vực miền núi phía Bắc năm nay về vấn đề này, NSNA Hoàng Ngọc Thạch cho biết: “Năm nay thành phần Ban giám khảo đều là các nghệ sĩ có uy tín và tước hiệu cao đến từ 3 miền. Giám khảo làm việc độc lập và công tâm. Trước khi chấm, Ban giám khảo đã tham khảo rất kỹ ảnh trưng bày của nhiều liên hoan trước đây để khi chấm, chọn có thể loại ra những tấm ảnh ở cùng địa danh mà chất lượng không bằng những lần triển lãm trước. Ảnh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải không phải không có, nhưng nếu cho vào triển lãm thì chất lượng sẽ “yếu” hơn ảnh ở địa danh này đã được trưng bày trong những năm trước đây”. Xòe Thái cũng vậy, thời điểm UNESCO vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại thì đã hết hạn nhận ảnh. Những tác giả có ảnh đẹp thì đã tham gia năm trước, hai năm vừa qua không có một lễ hội nào được tổ chức vì đại dịch Covid-19. Hơn nữa, qua nhiều liên hoan ANT khu vực, điều không thể tránh khỏi là ngoài những năm có đề tài phụ, nội dung hầu như năm nào cũng là “ca ngợi những nét đẹp quê hương, con người KVMN phía Bắc”. Trên những “cánh đồng chất liệu” đã cũ, người sáng tác “cày xới” hơn 20 năm thật khó tránh khỏi những sự “na ná”, “trùng lặp”. Vì thế, những bức ảnh dẫu đẹp nhưng đã “quá quen thuộc” đều ngậm ngùi bị loại. Nhiếp ảnh luôn yêu cầu phải có những tác phẩm mới, độc đáo với những góc nhìn lạ và phong cách tạo hình sáng tạo. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trước sự trợ giúp của công nghệ và các thiết bị mới như flycam; những ống kính siêu tele; siêu rộng… sự “mới lạ” cũng chỉ đáp ứng được một vài năm rồi bão hoà. Mỗi năm chúng ta chiêm ngưỡng trên internet cả ngàn bức ảnh Mù Cang Chải mùa nước đổ và mùa vàng; thung lũng Tú Lệ; huyền ảo Sa Pa; bình minh Long Cốc; biển mây Tà Xùa hay Bản Phùng trong mây, v.v... Giám khảo nhìn thấy ảnh quen thì loại là “an toàn” nhất vì có thể “nó” đã được “treo” ở đâu đó rồi chăng? Đây cũng là một trong những lý do triển lãm thiếu vắng những “tác phẩm mới trên địa bàn cũ” trong KVMN phía Bắc. Điều này cũng trả lời cho câu hỏi “Vì sao gửi ảnh dự thi đúng chủ đề, kỹ thuật tốt, nội dung tốt, ảnh đẹp… chưa đủ để được chọn triển lãm”.
     Tóm lại, ảnh đẹp nhưng phải “độc” và lạ mới là điều tiên quyết để thuyết phục Hội đồng Giám khảo.
 
C.P
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc