VŨ HẢI ĐĂNG
Tham dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang do Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc tổ chức (giữa tháng 9/2022) tôi được anh Nguyễn Xuân Hoàn (thành viên tham dự trại) mời tới thăm gia đình người thân của anh là cụ Nguyễn Toán (cụ Toán lấy em gái bố anh Hoàn). Tại gia đình cụ Toán, tôi được cụ và con cháu kể cho nghe câu chuyện: Cuộc hẹn hai năm và hơn hai mươi năm trở lại thật xúc động.
Cụ Toán sinh năm 1930, quê ở thôn Phú Lễ (Phú Bình), xã Minh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cụ Toán năm nay ở tuổi 93 với 73 năm tuổi Đảng. Tiếp chúng tôi trên bộ bàn ghế đặt dưới tán cây sa kê xanh mát, trước ngôi nhà cấp bốn trên sườn Hòn Khô, thuộc dãy núi Cô Tiên, phía Bắc thành phố Nha Trang, cụ Toán kể: Cũng như cả nước, lúc đó quê hương Khánh Hòa chúng tôi nằm trong sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai. Chứng kiến bao cảnh bắt bớ tù đày của thực dân Pháp đối với những người thân trong làng xã, nên 17 tuổi tôi xung phong nhập ngũ vào Đại đội Lê Hồng Phong, thuộc bộ đội địa phương của tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình công tác và chiến đấu, tôi quen cô Đàm Thị Phong - cán bộ địa phương hoạt động bí mật cùng quê. Chúng tôi yêu nhau nhưng vì mải chống càn và tham gia các chiến dịch nên tôi cũng như nhiều anh em trong đơn vị không có điều kiện tổ chức đám cưới. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị chúng tôi được lệnh tập kết ra Bắc. Trước khi chuẩn bị ra Bắc, tôi bàn với anh Nguyễn Văn Vịnh - là anh con nhà bác tôi lúc đó đang là Đại đội trưởng Đại đội Lê Hồng Phong, anh Nguyễn Văn Sách cùng anh Lê Văn Trọng (anh Trọng sau này là Đại tá quân đội) cùng tổ chức một đám cưới tập thể ngay tại đơn vị để “danh chính ngôn thuận” cho người ở lại. Nói là đám cưới tập thể cho oai, thực ra là một buổi ra mắt các bà vợ để anh em trong đơn vị biết. Sau đó, anh em cùng liên hoan bằng một nồi ngô luộc xin được trong dân. Ngày hôm sau, chúng tôi xuống tàu ra Bắc trong cảnh chia tay bịn rịn. Bốn chúng tôi tuổi đời còn trẻ và rất tin vào hiệp định Giơ-ne-vơ nên không ai nghĩ rằng con đường phía trước lại đằng đẵng và vô định đến vậy. Sau ba ngày, hai đêm lênh đênh trên biển bằng tàu vận tải quốc tế của Ba Lan chúng tôi cập bến Cửa Hội, miền Nghệ An rồi hành quân ra Thanh Hóa. Sau một thời gian ở Thanh Hóa, Sư đoàn 305 của chúng tôi hành quân lên Thậm Thình, đóng quân trên vùng đất Tổ Vua Hùng ở Vĩnh Phú (Phú Thọ ngày nay). Tại đây, trong một lần hành quân di chuyển qua đường sắt gần ga Phủ Đức, Việt Trì không may chiếc xe kéo pháo của chúng tôi bị mắc kẹt ngay trên đường ray tàu hỏa. Đúng lúc đó thì có tín hiệu tàu sắp đi qua. Là đại đội phó, từ ca-bin chiếc xe kéo pháo tôi nhảy xuống chỉ huy anh em nhanh tay tháo pháo khỏi xe kéo để giải phóng xe và pháo đang mắc kẹt trên đường ray. Khi vừa cứu được pháo và xe kéo ra khỏi đường ray thì đoàn tàu vun vút lao đến. Vì không để ý nên tôi bị càng pháo bật lên đập vào ngực ngất xỉu phải vào viện Quân y 109 cấp cứu, điều trị gần sáu tháng. Ra viện, bác sĩ kết luận tôi không đủ sức khỏe để phục vụ lâu dài trong quân đội, vì vậy, cấp trên đã cho tôi tham gia học Đại học Kinh tế tài chính để chuẩn bị cho lực lượng trở lại tái thiết miền Nam sau này. Tôi nhớ đó là năm 1960. Thời điểm chưa bị thương tôi nghe được tin từ một người bạn trong Nam ra Bắc tập kết cho biết: Vợ tôi ở miền Nam bị địch tố cộng, bị chúng bắt đi tù và sau đó qua đời ở trong tù. Tôi vô cùng đau khổ nhưng phải nén đau thương để tiếp tục công tác. Trước khi làm lễ cưới tập thể, vợ chồng tôi yêu nhau gần 5 năm, đã từng mất hai sinh linh bé bỏng, cả trai lẫn gái. Khi ấy các con của chúng tôi vừa chào đời đều mắc bệnh sốt rét, do điều kiện chiến trường vô cùng ác liệt, thuốc men cho trẻ sơ sinh không có, nên các cháu đều ra đi khi mới mấy ngày tuổi…
Cụ Toán ngừng kể, đưa tay lau nước mắt. Lát sau cụ kể tiếp: Tốt nghiệp đại học, tôi làm đơn xin đi B, nhưng vì lý do sức khỏe không đảm bảo nên cấp trên không duyệt. Sau đó tôi được phân công làm cán bộ huấn luyện lực lượng đi B ở Vĩnh Phú trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Tại Vĩnh Phúc, năm 1961, tôi đã gặp nhà tôi hiện nay - đó là bà Trần Thị Đông (sinh năm 1942) tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên. Bà nhà tôi cũng làm công tác tài chính ở bệnh viện Vĩnh Yên. Sau này chúng tôi kết hôn và có ba người con, hai trai một gái, đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du ân tình này.
Sau ngày 30/4/1975 tôi mới có dịp trở lại quê hương Khánh Hòa sau 21 năm xa cách. Ngày đi mái đầu ai cũng xanh, nay có nhiều người tóc đã điểm bạc. Gặp lại người thân trên quê hương thật xúc động. Có một bất ngờ lớn đối với tôi là khi được nghe bác tôi bảo: “Mi có một thằng con ở Nha Trang đấy!”. Rồi ông kéo tôi đi tìm cậu con trai đã 20 tuổi vừa học xong lớp 12, đang làm công tác đoàn xã. Thì ra sau đám cưới tập thể trước khi tập kết ra Bắc tôi đã có con mà không biết. Vợ tôi cũng không mất ngay sau lần tố cộng đầu tiên ấy mà tận 14 năm nữa ở vậy nuôi con... Nguyễn Thành Sơn là tên cậu con trai do vợ tôi đặt, sinh năm 1955 nhưng phải khai rút đi mấy tuổi để trốn quân dịch nên 20 tuổi mới học xong lớp 12 là vậy.
Nói rồi cụ chỉ sang người con trai to, khỏe, trạc tuổi tôi cùng vợ đang ngồi bên giống cụ như đúc, bảo: “Nó đấy!”. Sau này nghe người thân kể lại tôi mới biết vợ tôi trở về quê nội, sống cùng mẹ tôi. Hai mẹ con chuẩn bị cho việc sinh cháu rất chu đáo nhưng không may mẹ tôi ốm nặng rồi qua đời, nhà cửa lại bị Tây đốt cháy sạch. Vợ tôi bụng mang dạ chửa về quê ngoại ở Ninh Giang, Ninh Hòa tá túc chờ sinh. Ở quê ngoại, do phong tục, tập quán còn lạc hậu, nên việc sinh cháu cũng rất vất vả. Tuy thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố, nhưng rất may cháu Sơn lớn lên trong sự thương yêu của mẹ và đùm bọc của người thân nên được học hành tử tế. Còn tôi ra Bắc, thu xếp nhưng mãi đến năm 1977 mới đưa được hai cậu con trai vào miền Nam, vợ và cô con gái đầu lòng phải chờ học hết cấp 2 nên năm 1978 mới vào được trong này. Vào Khánh Hòa, tôi được phân công làm Phó Ban Tài chính phụ trách Trưởng phòng Thuế huyện Khánh Linh (Ninh Hòa và Vạn Ninh). Sau đó tôi được phân công làm Trưởng Ban Tài chính của Tỉnh ủy Khánh Hòa cho đến khi về hưu năm 1992.
Câu chuyện giữa tôi và cụ Toán bị xen ngang bởi tiếng chuông điện thoại vang dồn trong nhà. Khi cụ Toán vào nghe điện thoại, anh Sơn tra thêm nước vào ấm trà rồi tâm sự: Năm 1975, tôi thi đỗ Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh và theo học tại đó hết năm nhất thì hay tin ở Nha Trang vừa mở Trường Đại học Khai thác thủy sản Khánh Hòa nên đã về Nha Trang dự thi và đỗ vào trường này. Tốt nghiệp đại học tôi xin đi làm đúng chuyên môn một thời gian rồi được cấp trên điều về làm công tác mặt trận của tỉnh cho tới khi nghỉ hưu.
Cầm chiếc điện thoại trên tay từ trong nhà bước ra cụ Toán vui vẻ nói: Tôi rất tin tưởng vào công việc “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Tôi cũng rất vui vì những đổi thay của thành phố Nha Trang nhưng trong thâm tâm vẫn lo lớp trẻ giờ nhiều người chạy theo sức hút của đồng tiền mà quên truyền thống hào hùng của cha ông. Vì vậy tôi mong thế hệ trẻ hãy tích cực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để phát huy những truyền thống quý báu đó, có vậy đất nước ta mới luôn vững vàng, giàu đẹp.
Chia tay cụ Toán và gia đình trong sắc vàng của nắng Thu rực rỡ trong tôi ánh lên niềm vui, tự hào về người cán bộ kháng chiến 93 tuổi đời, 73 năm tuổi Đảng ấy.
V.H.Đ