Thì thầm với bục giảng
Ngày đăng: 20/12/2024; 122
LÊ GIA HOÀI
 
Những cơn gió se lạnh đầu đông thổi vào không gian còn vương đầy những hạt nắng cuối Thu làm cho tháng Mười Một trở về với tiết trời dịu nhẹ, êm ái, gợi bao cảm xúc thân thương trong lòng người. Năm nay tôi chờ đón tháng Mười Một trong khắc khoải những nỗi niềm ngát vương ký ức. Đó là ký ức về những năm tháng không thể nào quên với bảng đen phấn trắng, với bục giảng thân yêu - nơi gắn chặt ước mơ, hoài bão thanh xuân đời tôi với dòng sông tri thức chảy tự muôn đời.
Tròn tuổi 20 tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm trong niềm vui khôn tả của mẹ. Mẹ vui bởi nhiều lẽ, công lao nuôi nấng bao mồ hôi công sức nay con đã có thành tựu; tâm nguyện “làm thầy” có từ mấy đời bên nội nay đã có người nối dõi; từ nay được làm mẹ của “thầy giáo”, mát lòng và hạnh phúc lắm chứ. Niềm vui của mẹ lây sang họ hàng, làng xóm khiến tôi trở thành “mẫu hình” để các em nhỏ trong làng nhìn vào, theo học. Nhìn ánh mắt mẹ sáng lên trước những lời chúc mừng đại loại như: “Được làm mẹ của thầy giáo sướng nhé!”, tôi thấy mình thật kiêu hãnh khi đứng trên bục giảng.
Bắt đầu nghiệp “trồng người” tại ngôi trường THCS thuộc một xã vùng sâu của huyện nhà - nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá lầy lội ngày mưa, bụi mù ngày nắng, ổ voi, ổ gà khúc khuỷu gập ghềnh; trường lớp tạm bợ, sách vở thiếu thốn, nhiều trò nghèo chỉ chực chờ bỏ học… tuy nhiên điều đó không cản bước lòng quyết tâm, niềm đam mê trao truyền tri thức của tôi tới lớp lớp trò nhỏ thân yêu trên quê hương mình. Vượt bao thử thách với nghề, tôi đã đi, đã tiếp bước con đường mà ông nội và bố để lại. Hơn hai mươi năm đứng trên bục giảng với bao cảm xúc buồn vui, nỗi niềm trăn trở, vinh quang hạnh phúc bên các thế hệ học trò là hơn hai mươi năm tôi được sống với niềm đam mê con chữ, được cháy hết mình với tình yêu bục giảng, với nghiệp trồng người vinh quang. Có thể nói bục giảng đã chọn tôi, đã trao, truyền cho tôi ngọn lửa và niềm đam mê cháy bỏng ấy.
Làm sao có thể quên lần đầu đứng trên bục giảng với bao lạ lẫm, bỡ ngỡ, bối rối… để rồi tiết dạy đầu tiên ấy về đích với kết quả “cháy giáo án” và học trò đến quá nửa lớp “không hiểu bài” - khi được thầy hỏi lại; làm sao có thể quên tháng Mười một đầu tiên với cương vị “người lái đò” - ngày hiến chương các trò nhỏ đã tặng thiệp, hoa và những lời chúc mừng tri ân thầy; làm sao có thể quên những lời động viên chân tình, sâu sắc đầy trách nhiệm của các đồng nghiệp là lãnh đạo, là quản lý mỗi khi tôi gặp khó khăn trên hành trình “ngang sông về bến”; làm sao có thể quên những tập giáo án cũ đã in hằn bao kỷ niệm cùng chiến công thầm lặng mà vinh quang của những thầy cô là “cây đa, cây đề” trong tổ chuyên môn, trong trường, trong cụm tặng lại “thầy giáo trẻ” với mong muốn truyền thêm ngọn lửa nhiệt huyết cho “thế hệ đi sau”; làm sao có thể quên những buổi họp tổ, họp khối, những buổi sinh hoạt chuyên môn cùng các “đồng môn” giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ giúp tôi loại trừ khuyết điểm, phát huy thành tựu để các tiết dạy được xếp loại khá, giỏi ngày càng tăng lên theo thời gian. Tôi biết ơn người đi trước, biết ơn đồng nghiệp, biết ơn bục giảng thân yêu.
Hơn hai mươi năm theo nghề, lòng tôi luôn khắc dấu những đêm thức trắng bên giáo án, với đồ dùng dạy học trong những ngày hội giảng, thao giảng và các hội thi giáo viên dạy giỏi đầy hào hứng say mê và sáng tạo. Tôi còn nhớ một lần mình được đứng trên bục giảng của Trường THCS Tô Hiệu, thành phố Vĩnh Yên thực hiện hai tiết dạy trong “Hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2015 - 2016” do Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức. Lần đầu tôi được tiếp xúc với lực học của các trò thành phố. Các em đến với bài học Ngữ Văn hôm ấy trong tâm thế của những học trò thông minh, năng động và cá tính; tình cảm dành cho “thầy giáo lạ” thật gần gũi và cởi mở. Với sự hợp tác rất chủ động trước câu hỏi phát vấn của thầy, cách kiến giải, trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm của các em đã giúp tôi hoàn thành bài giảng trên cả mong đợi và vinh dự nhận giải cao nhất trong hội thi năm ấy. Nếu bục giảng ở “trường nhà” cho tôi sự tự tin làm nền tảng thì bục giảng ở “trường phố” cho tôi sự thăng hoa để về đích thành công. Cảm ơn bục giảng thân yêu/ Nói sao cho hết những điều ước mong/ Tôi mang cất ở trong lòng/ Ân tình một thuở bên sông chở đò/ Hình như trong mắt học trò/ Tôi còn nợ cả vạn bờ yêu thương/ Bao năm với lớp, với trường/ Bục giảng đã hoá vô thường… tim tôi… 
Cứ ngỡ tôi sẽ gắn bó đời mình với bảng đen phấn trắng, ấy vậy mà đường đời thật “khéo lựa” - Tôi đã rẽ sang một con đường khác. Đó là câu chuyện dài về sự “hữu duyên văn nghiệp” do điều động mà tôi không quyền từ chối. Chỉ biết rằng màu áo trắng tinh khôi, màu khăn quàng đỏ thắm bên sân trường năm cũ; thanh âm tiếng trống trường vang lên báo hiệu ra, vào lớp; những lời chúc ý nghĩa trong ngày “hiến chương” trở về từ quá khứ; những kỷ niệm ngọt ngào với bục giảng thanh cao đã đánh thức những đam mê khát cháy trường xưa, trò cũ trong lòng tôi.
Dẫu đã xa bục giảng nhưng tôi mãi yêu, luôn yêu, luôn trân trọng, luôn thấy tự hào, kiêu hãnh về một thời được “làm thầy”, được sống với “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Tự sâu thẳm lòng tôi luôn biết rằng những đóng góp với nghề của mình chỉ là hạt cát bé nhỏ trong sự nghiệp trồng người vĩ đại mà lớp lớp cha anh đã dày công vun tạo. Tôi biết ơn những đồng nghiệp một thời đã cho tôi được sống dưới mái nhà “sư phạm” mực thước, mô phạm để tôi được là phiên bản của chính mình, có niềm trân quý từ rất, rất nhiều thế hệ học trò từng học tôi.
Ngày 20 tháng 11 năm nay đang đến, những lời tri ân sâu sắc, chân thành của các cô cậu học trò là món quà không gì ý nghĩa hơn cho các thầy cô đã, đang đứng trên bục giảng. Nhớ trang giáo án, nhớ bảng đen phấn trắng, nhớ đồng nghiệp cũ… tôi mong nền giáo dục nước nhà ngày càng tiến lên, đào tạo những thế hệ người Việt Nam mới, vừa hồng vừa chuyên, từ đó chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng thêm văn minh, giàu đẹp.
 
L.G.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc