Nghĩa vợ - Tình chồng
Ngày đăng: 21/12/2023; 123
Ghi chép
 NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG
 
         Nghe tôi ngỏ lời xin viết bài, học giả Trần Trọng Sâm khiêm tốn, bảo: “Tôi là một công dân bình thường như mọi người thôi, chẳng có gì đáng viết cả. Quê tôi ở Nghệ An, một vùng quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học, Nhân dân có tinh thần yêu nước, điển hình là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Vì thế khi lớn lên, tôi đã sớm giác ngộ, thoát ly gia đình tham gia công tác xã hội. Nhưng như là định mệnh nên sau khi học ở Trung Quốc về, số phận đã đẩy đưa vợ chồng tôi tới miền đất Vĩnh Phúc này “an cư lạc nghiệp...”. Học giả Trần Trọng Sâm ngưng lời, mắt tư lự nhìn ra xa, dường như quá khứ trở về đang đè nặng lên trái tim mẫn cảm của con người mang mệnh kiếp tha hương…
          Tôi bưng chén nước mời, đợi cho học giả Trần Trọng Sâm bớt phẫn cảm rồi hỏi: “Hai bác xây dựng với nhau trong hoàn cảnh nào? Bác có thể kể đôi chút cho cháu nghe được không ạ?”. Học giả Trần Trọng Sâm đón chén nước, nghe câu hỏi, nét mặt ông bừng sáng: “Được chứ, nhưng nói anh đừng cười, chúng tôi lấy nhau khá sớm. Theo như bây giờ là vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Vì bà nhà tôi lúc ấy mới tuổi 15, còn tôi thì 18. Bây giờ kể lại lớp trẻ cho là lạc hậu, nhưng với tôi, hoàn cảnh dường như đã tạo nên duyên phận. Chả là lúc đó bố tôi mắc bệnh kinh niên, mẹ tôi một thân một mình, ngoài công việc đồng áng, vườn tược còn phải chăm sóc cho chồng. Tôi thì trọ học xa nhà. Gia đình neo nên cần có người đỡ đần công việc. Tuy vậy bố tôi là con nhà nho học nên hoài cổ, có ý chọn vợ cho con trai theo cách các cụ dạy: “Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống”. Nhờ giao thiệp rộng, được người thân giới thiệu nên từ lâu cô bé Trần Thị Phương Lan là người được bố tôi “chấm” làm con dâu. Vì thế khi cô ấy đến tuổi “cập kê”, bố tôi liền nhờ người mai mối, sắm sanh lễ lạt hỏi, cưới cho tôi liền. - Đang nói chợt học giả Trần Trọng Sâm  dừng lại, như cân nhắc rồi tiếp: Có điều lúc về nhà tôi, Phương Lan còn nhỏ tuổi, tính tình, nết ăn, ở, ý tứ chưa hiểu chuyện, thông thổ lại khác nhau. Cô ấy người thị trấn Nam Đàn, thành phần gia đình tiểu thương, tôi ở Thanh Chương, cách nhau hơn chục cây số, xa người thân, không ai quen biết, phong tục địa phương, khuôn phép gia phong lạ lẫm, mà hai đứa có biết nhau đâu. Lấy nhau theo kiểu “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên khi về làm dâu không tránh khỏi vấp váp. Bố tôi rất thương và thông cảm cho con dâu, nhưng mẹ tôi lại là người mang nặng tư tưởng phong kiến, hay chấp nhặt, thiếu sự thông cảm. Bà không ác nhưng khắc nghiệt, bắt bẻ từng li từng tí...
         Nét mặt học giả Trần Trọng Sâm trở nên đăm chiêu, những nếp nhăn trên vầng trán hằn sâu theo dòng chảy hoài niệm. Tôi hỏi: “Thế lúc ấy hai bác đã có em bé chưa?”. “Chưa!” -  Học giả Trần Trọng Sâm cười bẽn lẽn rồi lắc đầu: “Nói thật với anh, thậm chí cho đến khi lên đường ra Bắc hai đứa tôi còn chưa ngủ với nhau, phần còn non nớt, phần do ý thức. Cuối năm 1952 cưới, tôi đang học lớp 8 ở trường cấp 3 tỉnh Nghệ An, cách nhà gần 50 cây số. Năm 1953 học xong lớp 9, tôi lại cùng với những học sinh đang học dở cấp 3 bỏ học, được “Khu Giáo dục khu 4” triệu tập tham gia lớp chỉnh huấn, nhằm giáo dục và xác định ý thức phục vụ kháng chiến, phục vụ Nhân dân. Học tập xong, tháng 2 năm 1954 tôi và một số anh, em được tuyển chọn ra chiến khu Việt Bắc…”.
          - Thế lúc đó các bác đi bằng phương tiện gì? - Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Chúng tôi đi bộ - Học giả Trần Trọng Sâm đáp - Phải hành quân hơn hai tháng mới đến được ATK (An toàn khu). Chúng tôi được bố trí vào học ở Trường Phổ thông Lao động Trung ương. Hằng ngày, ngoài giờ học chính trị chúng tôi vào rừng lấy tranh, tre, nứa, lá về dựng lán trại. Cho đến sau ngày ký hiệp định đình chiến 20/7/1954, tôi và một số đồng chí được tuyển vào lực lượng “Thanh niên xung phong” tập huấn làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Nói thật với anh - Ông khẽ vỗ vào tay tôi: Lúc đó tôi và những đồng chí cùng đi mới mười chín, đôi mươi, ngoài tí văn hóa, còn mọi thứ mù mờ lắm. Mình người nhà quê, thật thà, chất phác, nay vào thành phố, đối mặt với Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Chiếu… làm sao không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng được cái tinh thần hăng hái, bên cạnh đó có sự động viên và chỉ bảo của các đồng chí lãnh đạo. Chúng tôi lao vào công việc bất kể ngày, đêm. Từ việc gây dựng đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên nhi đồng… đến việc tuyên truyền chính sách, vận động bà con giáo dân không nghe bọn phản động xuyên tạc, xúi bẩy, lôi kéo di cư vào Nam… Vất vả, bận bịu nhưng vui lắm. Càng làm càng vỡ ra nhiều điều...
          - Thế lúc đó bác có thư từ, liên lạc về cho gia đình và bác gái không? Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Liên lạc sao được - Học giả Trần Trọng Sâm lắc đầu, giải thích: Nhiệm vụ lúc bấy giờ vô cùng khẩn trương và cấp bách. Mà có nghĩ tới thì cũng không được. Đội công tác của chúng tôi nay ở phố này mai chuyển khu khác, làm gì có địa chỉ cố định. Cho tới tháng 5 năm 1955, khi công việc đã hòm hòm, tôi định bụng xin cấp trên cho về thăm nhà ít bữa thì đùng một cái được tuyển sang Trung Quốc học.
          - Vậy đến bao lâu bác mới được gặp bác gái? - Tôi sốt ruột hỏi học giả Trần Trọng Sâm như mình là người trong cuộc.
          - Đừng vội! - Học giả Trần Trọng Sâm khoát tay - Thư thư tôi kể tuần tự cho mà nghe: Sang Trung Quốc, năm đầu tôi học Hán ngữ ở Trường Đại học Bắc Kinh sau vào học Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. Thời điểm đó tình hình chính trị Trung Quốc rất phức tạp. Trong phong trào cách mạng văn hóa chống “Phái hữu”, giáo viên và học sinh chia hai phe, một bên ủng hộ “Phái tả” một bên ủng hộ “Phái hữu” nên thường xuyên xung đột, mất đoàn kết, thậm chí cả trong trường lẫn ngoài đường liên tục xảy ra những cuộc cãi lộn, đánh nhau. Là sinh viên, trong khi thảo luận, tôi trình bày quan điểm riêng của mình… Cứ tưởng vô tư trên tinh thần quốc tế, ai ngờ, năm 1958, sau ba năm học ở Trung Quốc tôi được về Việt Nam thăm nhà, đến khi làm thủ tục trở lại Trung Quốc để học tiếp thì bị từ chối.
          - Họ có nói lý do vì sao không ạ? - Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Được thế còn nói làm gì! - Học giả Trần Trọng Sâm đáp - Đằng này họ không nói lý do, cũng chẳng ai cho tôi biết sai, đúng gì cả. Cứ ngấm ngầm treo khống thế. Và, tới bây giờ tôi cũng không hiểu nguyên do vì sao mà tôi bị cấm xuất cảnh. Sốt ruột, sau thời gian nghỉ hết hè ở quê nhà, cuối tháng 8 năm 1955 tôi ra Hà Nội mua vé liên vận đi Bắc Kinh, nhưng khi đưa hộ chiếu cho người bán vé mới biết trong hộ chiếu không ghi rõ thời gian xuất cảnh. Tôi vội quay về Bộ Giáo dục hỏi, họ trả lời tôi không đủ tiêu chuẩn và bắt tôi ngồi viết kiểm điểm. Tôi không chấp hành, vì thực tế tôi có tội gì đâu mà viết. Cuối cùng không tìm ra nguyên cớ, họ gửi công văn điều tôi đến làm việc ở xí nghiệp gỗ Cầu Đuống, nhưng tôi không đi. Tôi nghĩ: Vô tình tôi mắc vào cái vòng luẩn quẩn của chính trị, vì thế sẽ chẳng bao giờ họ tin tưởng mình mà giao việc, cho nên có phấn đấu thế nào cũng khó. Phần nữa, sinh hoạt ở môi trường Hà Nội không hợp với hoàn cảnh của tôi, vì tôi còn có mẹ già và vợ chưa có nghề nghiệp ổn định. Tình cờ đọc báo, tôi thấy Nông trường Tam Đảo thành lập đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản, vậy là tôi xin Bộ Giáo dục lên đó làm việc.
          - Thế lên trên đó bác làm việc ở bộ phận nào? - Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Làm công nhân lao động bình thường thôi - Học giả Trần Trọng Sâm đáp rồi kể tiếp: Được một năm thì tôi đón bà xã tôi ra. Lúc đầu vợ chồng tôi ở tạm tại nhà kho của đội sản xuất, sau đó tôi mua một căn nhà ở xóm Đồn, xã Kim Long để ổn định cuộc sống gia đình với giá 40 đồng thời ấy. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ có ba gian nho nhỏ cột tre, vách đất, mái lợp rạ thôi, nhưng được cái tự do thoải mái.
          - Vậy khi nào thì hai bác có con đầu lòng ạ? - Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Đầu tháng 9 năm 1959 bà xã tôi ra ngoài này thì ngày 18/5/1960 vợ chồng tôi có cháu đầu - Học giả Trần Trọng Sâm nói.
          - Thế bác gái làm gì trong thời gian này ạ? - Tôi hỏi tiếp học giả Trần Trọng Sâm.
          - Vợ tôi ra ngoài này là có thai ngay nên tôi xin cho nhà tôi nhập cư vào xã Kim Long đồng thời xin vào làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp xóm Đồn để bảo đảm là một công dân hợp pháp. Từ nhỏ, bà xã tôi vốn đã mang “gien” thương mại, cho nên vừa làm công điểm cho hợp tác xã nông nghiệp vừa tranh thủ mua khoai sọ, bầu bí, rau xanh… tìm mối cung cấp cho bếp ăn đơn vị bộ đội xe tăng 202. Mãi sau này vợ tôi mới thoát ly. Vừa lúc đó, xã Kim Long thành lập hợp tác xã mua bán, thấy nhà tôi nhanh nhẹn, tháo vát, biết tính toán nên chính quyền vận động bà ấy ra đứng quầy bán tạp phẩm phục vụ bà con. Bán được khoảng sáu tháng thì nhà tôi xin nghỉ, lý do, cứ vài ngày lại phải đi bộ lên tận phố Me (Tam Dương) nộp tiền và báo cáo công việc nên nhiêu khê, vất vả lắm. Sau đó bà xã tôi sắm máy khâu, học may, vào hợp tác xã may mặc Kim Long làm xã viên. Khoảng nửa năm 1961, Nông trường Tam Đảo thành lập căng-tin, trong đó có bộ phận may mặc nên tôi bàn với nhà tôi chuyển lên đó làm thợ may. Cho đến đầu năm 1966 nhà tôi xin đi làm công nhân ở nhà máy hoa quả Đạo Tú vừa mới thành lập.
          - Tôi nghe nói khi ở Nông trường Tam Đảo bác còn phụ trách văn hóa, dạy bổ túc cho cán bộ, công nhân viên phải không ạ? - Tôi hỏi học giả Trần Trọng Sâm.
          - Đúng vậy - Học giả Trần Trọng Sâm gật đầu - Tôi dạy Toán, Vật lý, Hóa học… nâng cao trình độ cho những anh em có nhu cầu đi học chuyên nghiệp.
          - Đang công tác ổn định ở Nông trường Tam Đảo như vậy sao bác lại chuyển lên Lào Cai. Liệu trong quan hệ có vấn đề yêu, ghét gì không ạ? - Tôi đặt một câu hỏi mang hơi hướng phóng sự.
          - À… tôi hiểu - Học giả Trần Trọng Sâm vuốt mái tóc bạc phơ, cười rồi đáp: Đó là vào năm 1968. Lúc nghe tin tôi chuyển lên Nông trường Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nhiều người nghi ngờ tôi có vấn đề nên bị trù dập, đẩy đi. Nhưng thực tế không phải vậy. Nguyên do là ông Ngô Văn Chẩn - Phó Giám đốc nông trường được đề bạt lên đó giữ chức vụ Giám đốc, biết trình độ, khả năng của tôi nên muốn mời tôi lên làm trợ lí cho ông ấy, vì tôi đã làm trợ lý cho Giám đốc hơn 5 năm rồi...
           - Bác đi như thế mà bác gái cũng đồng ý à? - Tôi hỏi ngang lời học giả Trần Trọng Sâm.
          - Ừ! - Học giả Trần Trọng Sâm đáp - Kể ra lúc đó tôi cũng liều. Để bà xã ở nhà một nách mấy con nhỏ, công việc trong nhà máy làm theo ca kíp. Nhưng vốn là người kham nhẫn, chịu thương chịu khó, lại thấy người ta tin tưởng, quý mến chồng mình nên dù không muốn nhà tôi cũng không nói ra, cứ âm thầm chịu đựng. May bên cạnh đó có mẹ tôi đỡ đần nên cũng cũng đỡ.
          - Thế từ khi mẹ chồng ra ở cùng, quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu còn căng thẳng không bác? - Tôi hỏi tiếp học giả Trần Trọng Sâm.
          - Không! - Học giả Trần Trọng Sâm cười, đáp - Vì lúc ấy mẹ tôi đã hiểu ra rồi. Vả lại vợ tôi chăm sóc bà rất chu đáo nên không có điều tiếng gì.
           - Kể ra một chốn đôi nơi thế cũng vất bác nhỉ? - Tôi phụ họa câu nói cảm thông.
          Học giả Trần Trọng Sâm nheo mắt nhìn tôi: Lên đó được một thời gian, do chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày một căng thẳng nên tôi đưa các cháu và mẹ tôi lên ở với tôi tại nông trường để vợ tôi yên tâm công tác. Đến năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, tôi lại cho các cháu về ở với bà xã nhà tôi. Ở Nông trường Thanh Bình, tôi mua được 7m3 gỗ để chuẩn bị xin chuyển về xuôi sửa lại nhà thì tháng 2 năm 1979 xảy ra chiến sự biên giới, thế là hơn 10 năm trời công cốc. Tôi cùng mọi người “bỏ của chạy lấy người”, dạt về Nông trường Trần Phú - Yên Bái làm việc ở đấy đến năm 1983 thì về nghỉ hưu.
          Kể đến đây, học giả Trần Trọng Sâm im lặng, hai hàng mi nhuốm bạc rung rung, vết rạn chân chim trên khóe mắt hằn sâu. Dòng hồi tưởng xao động tâm tư một con người gần 90 năm cuộc đời cùng bao nỗi gian truân mà vẫn để cho đời số lượng kiến văn đồ sộ gồm 20 tác phẩm dịch thuật từ Hán ngữ trong kho tàng văn hóa Trung Hoa sang ngôn ngữ Việt Nam. Trong đó có những tác phẩm cổ điển như “Khuất Nguyên”, “Tư Mã Thiên”, “Cổ văn Trung Hoa”, “Tứ thư”, “Ngũ kinh”... Đáng chú ý hai tác phẩm “Ngũ kinh” “Tứ thư” đã tái bản đến ba lần. Đặc biệt nữa, trong giai đoạn xã hội Trung Quốc xảy ra những sự kiện lớn, học giả Trần Trọng Sâm đã cho ra mắt bạn đọc hai cuốn “Tôi nói thật với Thủ tướng” và “Tôi nói thật với Nhân dân” của Lý Xương Bình - Bí thư Đảng bộ xã Bàn Cờ, huyện Giám Lợi, tỉnh Hồ Bắc đã gây tiếng vang lớn trong giới văn học và dịch thuật trong nước.
           - Tôi không hiểu công việc bận bịu vậy và thời gian bỏ lâu như thế, làm thế nào mà ông có thể thực hiện được một khối lượng công việc dịch thuật đồ sộ như vậy? - Tôi hỏi với sự cảm phục.
          Học giả Trần Trọng Sâm điềm tĩnh: Tôi bốn lần đi Trung Quốc, đến các hiệu sách tìm mua sách văn học cổ, kim rồi sưu tầm thêm tài liệu ở một số bạn đồng học; vừa đọc vừa ôn luyện, nghiên cứu, ghi chép, phân tích, so sánh và phản biện, mục đích để dịch thuật sao cho sát và chuẩn.
          - Thưa ông, người ta vẫn cho rằng: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ”. Vậy xin ông có thể nói về vai trò của bà nhà mình như thế nào với cuộc đời và sự nghiệp của ông?
           - Với bà nhà tôi - Học giả Trần Trọng Sâm ngước nhìn bức ảnh ông bà chụp cùng các con, cháu đặt trên sàn tủ sách rồi nói - Sau 70 năm chung sống, bà nhà tôi chưa bao giờ núp trong hai từ “bóng dáng”. Tuy văn hóa có hạn, nhưng tình cảm và trách nhiệm của bà ấy đối với xã hội cũng như người thân là vô hạn. Tôi nhớ hồi năm 1967 vợ tôi làm công nhân ở nhà máy hoa quả Đạo Tú, Tam Dương (lúc đó chúng tôi đã có 4 con, 3 trai và 1 gái, đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới được vài tháng tuổi) ngoài tiêu chuẩn chế độ nghỉ đẻ, thì suốt từ năm 1966 đến 1991, bà ấy là nữ công nhân duy nhất không có một công “mẹ ốm” hay “con ốm mẹ nghỉ” cả. Chị em cùng làm hay trêu bà ấy mắn đẻ, nhưng vợ tôi lại được khen là người “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”. Năm 1997, với tinh thần lao động tích cực, bà xã tôi được Bộ trưởng Lê Huy Ngọ tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn”. Giờ đây, dù đã ngoài tuổi 80 nhưng bà ấy vẫn cần mẫn, yêu lao động, quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp một phần công sức vào phong trào “sáng - xanh - sạch - đẹp” của quê hương. Với xã hội và bên ngoài thì vậy, còn trong cuộc sống gia đình, bà xã tôi là người phụ nữ đức hạnh. Ngoài thiên chức là vợ, là mẹ, là người bà kham cần, chịu thương, chịu khó, tần tảo sớm khuya… Kể cả những lúc còn nghèo khó, hàn vi, hay năng lực của tôi không được phát huy đúng chỗ… bà nhà tôi không hề than thân trách phận. Bà ấy còn là người gieo trồng, vun xới, bảo vệ cho “cây đời” mãi mãi rời rợi tươi xanh, xum xuê tỏa bóng, chở che, mang lại niềm vui, nguồn sống, tình yêu và sự an lành, thanh tĩnh cho những người thân yêu… Với tôi, bà ấy là tất cả.
                                                                                 N.N.H.P
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc