Tết Nguyên đán trong tâm thức người Dao quần chẹt
Ngày đăng: 22/01/2024; 275
LÂM QUANG HÙNG
 
Mỗi dịp tết đến xuân về, khi hoa đào, hoa mận đua nhau nở trong vườn ngoài ngõ, cũng là lúc người Dao quần chẹt ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) nô nức chuẩn bị cho tết Nguyên đán.
Tết Nguyên đán của người Dao quần chẹt cùng thời gian như người Kinh và một số dân tộc khác. Tết này các nhà thường mổ lợn và làm các loại bánh như: bánh chưng tày (còn gọi là bánh “thoòng lọng” vì nó tròn và dài như chiếc thoòng lọng cày), bánh rán (gọi là rùa poỏng) và một số loại bánh khác.
Trong những ngày tết, người Dao thường tổ chức cùng nhau ăn tết từng nhà, xong nhà này đến nhà khác. Trước tết thường nghỉ ngơi sớm để đi sắm tết và đi chơi chợ, nên không khí tết rất vui vẻ, đoàn kết.
Theo tục lệ của người Dao nói chung và người Dao quần chẹt ở Vĩnh Phúc nói riêng, sau mỗi năm làm ăn với bao nỗi gian nan vất vả, bao niềm vui, nỗi buồn, ở mỗi gia đình, nhất là ở các nhà tổ, đều chọn ngày làm lễ đánh dấu một chu kỳ mùa vụ, trình báo và tạ ơn tổ tiên về những thành tựu của gia đình đã đạt được trong năm qua, nhờ sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình và sự phù hộ độ trì của các chư thánh hương hỏa, tổ tiên. Lễ này được làm vào dịp cuối năm nên được gọi là Nhằng chậm. Đây là một lễ quan trọng trong Tuần lễ tiết cổ truyền của mỗi gia đình người Dao.
Theo lệ cổ, mỗi gia đình đều chọn một trong những ngày cuối năm từ sau lễ đóng cổng làng đến hết ngày 30 tháng Chạp để làm lễ Nhằng chậm (tức là làm Tết tất niên của gia đình). Xưa kia, việc chọn ngày thường tùy thuộc vào tuổi của người chủ gia đình. Nhằng chậm của từng gia đình là dịp bà con họ hàng, thân thích lần lượt tụ tập về nhà của nhau, nhất là các nhà tổ để cúng lễ, ăn uống, sum họp sau một năm mải miết làm ăn, lo toan vất vả. Những gia đình thuộc cùng một nhà tổ dù ở cách sông, cách núi, xa cách nhau hàng trăm cây số, dù cách trở biên giới quốc gia cũng tụ tập về gặp nhau trong dịp này.
Nhằng chậm là một lễ quan trọng của gia đình và dòng họ, do đó các gia đình, nhất là các gia đình nhà tổ thường nhờ các thầy cúng đến hướng dẫn, kiểm tra việc chuẩn bị của gia đình và trực tiếp thực hành các nghi lễ nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm và chặt chẽ theo luật tục.
Tâm lý chung của người Dao là muốn làm Lễ Nhằng chậm càng gần ngày cuối năm càng tốt vì Nhằng chậm có nghĩa là tất niên. Tập quán này khiến cho việc xếp lịch cúng Nhằng chậm trong làng thường trở thành một vấn đề không đơn giản đối với các gia đình cũng như đối với các thầy cúng. Thường thì các gia đình thân thích thỏa thuận trước với nhau về thứ tự làm Nhằng chậm. Trong dịp này, chỉ có một số ít gia đình có thể nhờ thầy làm lễ Nhằng chậm đúng theo dự định của mình. Đa số còn lại phải chấp nhận quy luật “Pủa dạng síp gang - Pủa gang síp dạng” nghĩa là “bảo trước cúng sau, bảo sau cúng trước”. “Lịch làm việc” của các thầy cúng trong dịp này thường “chật cứng”.
Theo tục lệ cũ của người Dao quần chẹt, từ sau ngày lễ Nhằng chậm của các gia đình, tất cả người lớn, bé, già, trẻ, nam giới thuộc về nhà tổ nào thì tập trung về nhà tổ đó để làm lễ hộ lạp miến. Lễ này gồm hai nội dung:
- Cúng tạ ơn và mời tổ tiên về ăn tết, chung vui với con cháu và xin phép cho con cháu múa hát mừng đón tổ tiên, cầu xin tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mới làm ăn nhiều may mắn.
- Khai mạc niên khóa dạy, học và luyện tập các kỹ năng đọc sách lễ, thực hành nghi lễ và ca múa nhạc phục vụ nghi lễ cho nam giới các lứa tuổi thuộc nhà tổ.
Hộ lạp miến (tập đọc sách cúng, làm lễ, ca, múa, sử dụng các nhạc cụ và kỹ năng khác phục vụ nghi lễ) là một nội dung quan trọng của những ngày Tết, kể từ sau lễ Nhằng chậm đến Rằm tháng Giêng năm mới. Theo tục của người Dao, các điệu múa, các nhạc cụ và một số điệu hát chỉ được phép sử dụng trong khi thực hiện nghi lễ. Do đó, đây là khoảng thời gian duy nhất trong năm mà người Dao được phép làm những việc này (khi không phải cúng lễ) nhằm đào tạo, luyện tập các kỹ năng nói trên cho lớp trẻ.
Có thể nói, lễ Nhằng chậmHộ lạp miến là hai nội dung lớn và quan trọng trong ngày Tết cổ truyền của người Dao quần chẹt.
Lễ khai xuân
Lễ khai xuân (khai lọng): Tiếng Dao gọi là “sún làn sàn chảy”, lễ này được tổ chức vào ngày mồng Ba tháng Giêng hằng năm, được cúng ở miếu của bản. Cả bản chỉ có một miếu, đến ngày hành lễ dân bản và các thầy đều tập trung tại miếu. Lễ được tiến hành vừa để khai xuân, vừa kính báo với các thần linh là ngày Tết Nguyên đán đã hết, mọi cuộc chơi theo ngày tết coi như tạm dừng, để trở lại cuộc sống lao động bình thường. Lễ cúng là tiệc mặn, mỗi gia đình đem theo một con gà, rượu, đậu phụ, mấy quả trứng, một bát gạo. Làng cử ra hai người gọi là “làu thôi” phục vụ nấu nướng. Có 5 bàn cúng và 5 thầy cúng tham gia hành nghề là:
Bàn 1: Ông mo đứng cúng bàn thứ nhất, cúng các Thần bản, Thổ địa, Chúa đất, Miếu vương, Thần nông và Thượng giới.
Bàn 2: Một ông thầy chuyên cầu cúng cho dân bản làm ăn may mắn.
Bàn 3: Một ông thầy cầu thần Nông cho hoa màu, lúa tốt.
Bàn 4: Một ông thầy cầu thần Sông cho cá, tôm đầy sông, đầy ngòi.
Bàn 5: Cúng những linh hồn bị chết, không có người chôn cất, cần nơi nương tựa.
Lễ cúng xong, cả làng bày cỗ ăn chung, đoàn kết và vui vẻ.
Lễ Nhằng chậm là nét văn hóa đặc sắc của người Dao quần chẹt mỗi dịp tết đến xuân về, qua đó, người dân muốn gửi gắm những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
L.Q.H
Tài liệu tham khảo:
1. Lâm Quý - Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt nam, Sở VHTT Vĩnh Phúc xuất bản năm 2005.
2. Các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc, Ban dân tộc Vĩnh Phúc xuất bản năm 2011.
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện tài liệu

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc