“Sông có khúc, người có lúc”
Ngày đăng: 29/03/2024; 58
Truyện ngắn
 NGUYỄN NHUẬN HỒNG PHƯƠNG
                                                                Là nén tâm nhang dành cho L.
 
Khúc 1
Từ hôm ấy tôi cố ý lánh xa Hoài. Không phải vì Hoài không đem cho tôi những phong bánh khảo nhân đậu xanh thơm nức mùi hương vani quyến rũ, hay dăm chiếc oản đường xinh xẻo, ngọt lịm, cùng với tệp giấy bóng kính nhiều màu cho tôi bện “cầu chinh”, để mỗi khi đá, quả cầu bay lên không trung, những sợi tua rua xanh, đỏ, tím, vàng sặc sỡ, lấp lánh khoe sắc trong ánh nắng mặt trời trông rõ thích…
 Để tránh, tôi cố tình đi học thật sớm hoặc thật muộn nhưng lúc nào cũng thấy Hoài lù lù đứng đợi ở ngã ba đường. Kể ra cũng khó, vì nhà tôi ở cuối phố còn nhà Hoài lại ngay đầu phố. Tôi có ý lánh nhưng nó lại cố tình đợi, mà lối đến trường học chỉ có một ngả nên kiểu gì hai đứa vẫn đụng mặt nhau. Nhận ra thái độ của tôi khang khác, Hoài phân trần:
- Vì nhà tớ xảy ra chuyện nên mấy bữa nay xưởng làm bánh kẹo tạm nghỉ...
- Mày tưởng tao thèm ăn bánh kẹo của mày lắm à? - Tôi giật giọng khó chịu ngắt ngang lời nó.
Nghe vậy Hoài ngước khuôn mặt bầu bĩnh có đôi mắt màu vàng thau ngơ ngác nhìn tôi:
- Nhưng cậu thích ăn của ngọt lắm cơ mà…
- Trước khác, bây giờ khác. - Thêm một lần tôi ngắt lời nó, rồi không đợi Hoài phản ứng, tôi nói chắc như đinh đóng cột: Từ nay trở đi mày đừng mang bánh, kẹo hay giấy bóng cho tao nữa. Mày có đem tao cũng không lấy đâu.
Hoài chau mày khó hiểu. Vừa lúc ấy tiếng trống báo vào lớp vang lên, tôi lấy cớ co cẳng chạy vút đi mặc cho thằng bạn bần thần không hiểu vì sao tôi lại thế.
 
Khúc 2
Ngỡ tưởng một mình tôi muốn xa lánh nó, ai ngờ gần như cả lớp đều như vậy. Ngay như cô giáo Thùy - cô giáo có khuôn mặt đẹp như bức ảnh Đức Mẹ đồng trinh treo trong nhà thờ Phước An, tính tình hiền lành, nền nã như chiếc áo dài màu tím hoa cà cô thường mặc mỗi khi đứng trên bục giảng bài, vậy mà bỗng nhiên trở nên khó tính, cáu bẳn, nhăn nhó như con khỉ của gánh xiếc chuyên bán thuốc dạo ở chợ tỉnh bị trẻ con trêu ghẹo cho ngửi mắm tôm. Tôi đồ rằng tính tình cô giáo biến đổi như thế nguyên cớ là do chuyện xảy ra với gia đình Hoài. Mà đúng như thế thật. Thời buổi tranh tối, tranh sáng, miền Bắc vừa mới hòa bình, thị xã Phước An lại là nơi trước kia quân Pháp chiếm đóng, lập đồn bốt làm hậu cứ, nên nhiều gia đình có thân nhân làm việc, liên đới tới chế độ cũ. Vì thế để phân biệt người tốt, kẻ xấu chính quyền mới phải thanh lọc… Vậy thì chuyện ông An Lành, bố Hoài bị xử bắn vì tội theo “Quốc dân Đảng” làm “Việt gian bán nước” khác nào cơn địa chấn hay tiếng sét trái mùa. Vì thế thời gian ấy cả thị xã Phước An như người ốm bị nghẹt thở; đi đâu, chỗ nào, từ vỉa hè đến quán chợ, dân tình mắt la mày lét, thì thào bàn tán, nào là: Ông An Lành từng dẫn lính Pháp chỉ điểm hầm bí mật của du kích; thậm chí họ còn đồn chính tay ông ấy bắn chết cán bộ cách mạng… Vì thế trước khi đưa ra pháp trường ông bị dân quân trói giật cánh khuỷu, ngực đeo tấm biển có dòng chữ “Tôi là phản động” dẫn giải quanh vùng… Tội rành rành như thế bị xử bắn là đúng rồi còn oan ức gì nữa. Chả thế ngay cả cơ sở sản xuất bánh kẹo của gia đình Hoài ở thị xã Phước An, trước đây khách ra - vào nườm nượp, nay tịnh không ai qua lại…
 
Khúc 3
“Đời cha ăn mặn đời con khát nước” - câu thành ngữ ấy như một điều mặc định, cho nên ở trường học, Hoài bị ghẻ lạnh, xa lánh là đương nhiên. Tất nhiên, trong đó có tôi, một thằng bạn chơi thân với Hoài từ khi “tóc còn để chỏm”. Còn cô giáo Thùy thì lừ lừ, coi Hoài như bệnh truyền nhiễm. Để phân biệt, Hoài đang ngồi cùng tôi ở dãy bàn trên, bỗng nhiên sáng thứ hai, sau tiết chào cờ, vào lớp, cô giáo bảo Hoài xuống bàn cuối ngồi. Hoài yếu ớt hỏi lại:
- Thưa cô, sao em lại phải xuống đấy ạ?
- Lại còn hỏi à! - Cô giáo Thùy cau có, giọng sắc lẹm như lưỡi dao bổ cau của mẹ tôi - Gia đình thành phần Tiểu tư sản, bố làm tay sai cho giặc, bị cách mạng xử tử, nhà trường cho đi học là đã khoan hồng lắm rồi đấy biết không…
Hoài hiểu ra, tủi thân, cúi đầu, nhìn tôi qua hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuống cặp má bầu bĩnh, phúng phính, hồng hào như con gái, khiến lúc ấy không hiểu sao tự dưng tôi thấy mủi lòng, vô phép cô giáo, phản ứng lại:
- Cô giáo nói làm cho bạn Hoài khóc kia kìa…
Cô giáo Thùy gằn giọng:
- Oan ức lắm hay sao mà khóc! - Nói rồi cô giáo quay sang bảo tôi - Còn cậu đấy, lý lịch cũng không tốt đẹp gì đâu. Gia đình thành phần Tiểu thương, có anh trai đi lính Bảo chính Đoàn, may mắn được bộ đội giải cứu cho sang làm dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, chứ không bây giờ nếu không bị xử tử thì cũng đi tù mọt gông rồi.
Tôi bất ngờ không hiểu sao cô giáo lại biết tường tận về gia đình tôi như thế. Nhưng rồi chợt nhớ chồng cô giáo là Trưởng đồn Công an Phước An, vậy thì có gì mà cô không biết. Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn nói thêm:
 - Bố bạn ấy có tội chứ có phải bạn ấy đâu mà cô phạt bạn ấy như thế!
 Mặt cô giáo Thùy tối sầm, nhìn tôi như chèm lửa:
  - Biết thân, biết phận thì im đi còn ở đó mà nỏ mồm bênh bạn. Hay là muốn xuống ngồi cùng thì xuống.
  Nghe cô giáo Thùy nói thế, tôi đứng phắt dậy (đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao lúc đó tôi lại hành động thế) mở cặp cho sách vở vào rồi đi xuống chiếc bàn cuối lớp ngồi cùng Hoài trước sự sững sờ của cả lớp.
   Từ đấy tôi và Hoài trở lại tình bạn thân thiết như trước. Hình như những kẻ đồng cảnh thường có sự liên cảm ràng buộc vô hình ngoài ý muốn. Tôi vướng chuyện có anh trai đi lính cho Pháp, gia đình thành phần lớp trên, còn Hoài thì buồn vì mất bố, nhưng được an ủi vì có tôi ngồi cùng bàn và hằng ngày làm bạn đồng hành. Để “bù đắp”, ngày nào Hoài cũng mang quà cho tôi. Hôm thì phong bánh khảo, bữa thì gói kẹo, còn giấy bóng kính màu xanh, đỏ, tím, vàng… thì hàng tệp vì Hoài biết tôi mê và đá cầu chinh rất giỏi.
 
   Khúc 4
   Cuộc sống như dòng chảy cứ thế trôi qua. Tôi và Hoài lớn lên theo cung bậc tuổi học trò, nhưng vết ố ghi trong lý lịch thì không xóa được. Nhất là Hoài, việc có bố mang tội phản động, làm tay sai cho giặc và bị xử bắn như đối diện trước một bờ vực cách ngăn sâu thăm thẳm… Học xong cấp 3, Hoài thi chuyên nghiệp đạt điểm cao nhưng không trường nào tuyển; làm hồ sơ xin thoát ly không cơ quan nào nhận. Thậm chí Hoài còn viết đơn bằng máu xung phong đi bộ đội hay gia nhập Thanh niên xung phong cũng không được. Còn tôi thì “số đỏ” hơn Hoài. Sự kiện anh trai tôi đi lính cho Pháp bị bộ đội bắt, sau đó được bổ sung vào đoàn dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ hóa ra lại có công. Anh tôi được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, nhờ thế tôi được khu phố xác nhận có “lý lịch trong sạch” nên khi nộp đơn xin việc, được một cơ quan trên Lào Cai tuyển dụng. Tôi mừng lắm, dù biết phải xa quê hương và gia đình hơn 300 km, nhưng vào thời buổi ấy, được thoát ly làm viên chức nhà nước là một may mắn lắm rồi. Hôm chia tay, Hoài đưa tôi ra tàu, nó buồn lắm, nấn ná mãi cho đến khi tàu chạy khuất sau quãng đường cong tôi vẫn thấy Hoài tần ngần đứng trên sân ga nhìn theo…
 
  Khúc 5
  Tuy xa quê, nhưng thi thoảng tôi vẫn nghe tin về Hoài. Nào là chuyện xưởng bánh kẹo của gia đình Hoài bị đóng cửa; rồi chuyện Hoài vào làm xã viên hợp tác xã Nông nghiệp thị xã Phước An, vì thông minh, năng nổ nên Hoài được đề bạt lên phụ trách Tổ Khoa học - Kỹ thuật, hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng cải tiến kỹ thuật theo lối canh tác mới như: “Cấy lúa thẳng hàng”, “Ươm bèo hoa dâu”, “Phun thuốc trừ sâu”, “Phân xanh, phân chuồng”… Rồi một thời gian sau lại nghe nói Hoài chuyển sang Tổ Chăn nuôi của hợp tác xã gột cá giống quẩy lên mãi Yên Bái, Lai Châu để bán… Nhưng ly kỳ nhất vẫn là chuyện Hoài và Hiền, cô bạn lớp trưởng lớp học của chúng tôi trước kia nay là Bí thư Đoàn thanh niên thị xã Phước An vừa đẹp người vừa đẹp nết yêu nhau bị chính quyền ngăn cản… Xung quanh chuyện hai người yêu nhau còn được thêu dệt rất nhiều chuyện như: Đoàn thể địa phương sợ mất thành tích vì để cán bộ nguồn quan hệ với thành phần không cùng giai cấp, đến nhà vận động Hiền rời xa Hoài; rồi chuyện dân quân, tự vệ lập mưu rình bắt quả tang hai người hẹn hò nhằm chia rẽ…
 Nhưng rồi mối tình của Hoài và Hiền về sau như thế nào thì tôi không rõ nữa. Năm 1968, theo lệnh tổng động viên, tôi nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu nên từ đó bặt tin. Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi ra quân mới biết Hoài và Hiền đã nên vợ nên chồng. Và tất nhiên, vì mối tình ấy Hiền mất tất cả quyền lợi chính trị, nhưng bù lại, Hoài rất năng động và nổi tiếng về phương cách xoay xỏa làm kinh tế, đặc biệt trong đó có sáng kiến dùng tre thay cốt thép đúc tấm đan bê tông và cải tiến sản xuất ngói lợp mái nhà bằng nguyên liệu xi-măng trộn với rơm…
 
  Khúc 6
  Về được mấy hôm tôi tìm đến nhà Hoài. Gia đình Hoài ở sau chợ Phước An. Đường đất, ngõ vào nhỏ; nhà một gian hai chái, lợp giấy dầu, lâu ngày từng mảng tường lở loét trơ ra lớp phên nứa và bùn trộn rơm... Lúc tôi đến không có ai ở nhà. Cửa ghép bằng khung tre nẹp bìa carton, không khóa, còn trên khoảng sân rộng bừa bộn vật liệu sỏi, đá, vôi, cát, tre… Quanh hiên nhà, tấm đan bê-tông và ngói lợp xếp từng chồng cao ngất ngưởng… Nhưng trông chừng mọi thứ lâu ngày không động đến nên vật liệu bị vón cục, cỏ dại trùm lên, phất phơ trước gió…
   Đang ngẫn ngờ chưa biết nên về hay chờ đợi thì Hoài về. Thoạt đầu Hoài không nhận ra, tưởng tôi là khách đến mua hàng, vồn vã bắt tay, hỏi:
   - Anh mua tấm đan hay ngói lợp… - Đang chào mời nhưng khi thấy tôi cười, chăm chăm nhìn thì Hoài nhận ra, reo lên - Ôi… thằng bạn… -  Rồi riết róng ôm lấy tôi rưng rưng xúc động…
   - Mẹ con Hiền đi đâu mà lúc mình vào không thấy ai ở nhà? - Tôi hỏi Hoài lúc vào nhà.
   - Tất cả đang ở trên xưởng - Hoài nói - Chả là hôm nay mẻ nước chấm magi thí điểm đầu tiên ra lò.
   - Sao? - Tôi ngạc nhiên - Tôi nghe nói vợ chồng ông sản xuất vật liệu xây dựng, ngoài ra còn hùn vốn với ai làm lò gạch cơ mà.
   - Vợ chồng tôi đang tính đổi nghề - Hoài đẩy chén nước về phía tôi - Vì từ hồi nhà máy Gang thép Thái Nguyên hoạt động, lại thêm các lò ở Đa Hội bên Bắc Ninh tung sắt thép tái sinh ra thị trường, nên dân tình không dùng tấm đan bê-tông cốt tre nữa. Đấy, ông xem, thành phẩm làm ra lưu cữu hàng năm nay có bán được đâu.
  - Thế còn lò gạch? - Tôi hỏi.
  - Bây giờ gạch thủ công chất lượng so thế nào được với gạch tuynel của nhà máy gạch Xuân Hòa và xí nghiệp gạch liên hoàn Quất Lưu - Hoài giải thích - Nhưng cái chính tôi không làm nữa vì ảnh hưởng đến môi trường. Chưa nói độc hại tới con người, chỉ nhìn những thửa lúa gần lò gạch là biết: Xám ngoét, thui rụi bởi khói, bụi than… Vì thế tôi bàn với Hiền không làm nữa…
   - Vốn liếng bỏ ra có thu lại được không? - Tôi hỏi Hoài.
   Ngập ngừng một lát, Hoài nói sau tiếng thở dài:
   - Người xưa có câu: “Số đỏ trồng cỏ thành mía. Vận đen thắp đèn thành đom đóm”. Chắc số của vợ chồng tôi chưa đến lúc.
   Nghe Hoài nói tôi băn khoăn, hỏi:
   - Thế còn nước chấm magi làm ra có dễ bán không?
   - Tôi và Hiền tính rồi - Hoài nói - Hiện nay mọi thứ đều phân phối theo tem phiếu, xếp hàng dài hơi mới mua được chai nước mắm. Công thức làm magi không khó, nguyên liệu như đậu nành, đỗ tương, bà con nông dân quanh vùng mang lên bán ở chợ Phước An sẵn. Magi sản xuất ra chỉ cần bỏ mối cho các hàng bán lẻ ở chợ Phước An và các chợ xép quanh vùng cũng ổn.
   - Vốn đầu tư ban đầu nhiều không Hoài? - Tôi hỏi.
   - Địa điểm sản xuất tôi mượn em trai Hiền, cái lều chăn vịt cậu ấy làm trên thửa đất 5 phần trăm gần bờ sông Tiền. Chỗ cái bến hồi bé bọn mình hay kéo nhau lên bơi ấy - Giải thích thêm cho tôi hiểu rồi Hoài nói tiếp: Phải làm ở đấy vì “cái anh nước chấm” này cần nhiều nước và hệ thống tiêu thoát. Còn nguyên liệu và phụ phẩm thì các mối hàng họ ứng trước, ghi nợ, mình bán hàng được trả dần…
    Nói đến đây Hoài dừng lời, tôi nghe biết vậy nhưng trong lòng thấy lo lo. Nghĩ thế nhưng không dám nói ra. Vì tôi chỉ là người lính, còn Hoài thuộc hàng ngũ từng “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” rồi. Tôi bảo Hoài:
    - Lát ông đưa tôi lên thăm Hiền và các cháu, nhân tiện tham quan cơ sở sản xuất magi xem thế nào.
 
   Khúc 7
   Hiền vẫn niềm nở và chân tình như ngày nào. Dường như công việc gia đình bộn bề cùng với sự vấp váp, thiệt thòi trong quá khứ không làm cho người phụ nữ một nách ba đứa con nhỏ quên phong cách người cán bộ chuyên hoạt động phong trào quần chúng. Hiền dẫn tôi đi xem và nói về sự phát triển tương lai của cơ sở sản xuất magi. Lựa lúc Hiền ngừng lời, tôi hỏi:
   - Chính quyền có làm khó, dễ gì không?
   - Đỡ hơn trước anh ạ - Hiền nói - Tuy nguyên tắc vẫn thế, nhưng không còn cứng nhắc nữa, nhất là sau giải phóng miền Nam. À… - Hiền nói như chợt nhớ - Anh Hoài tìm được những người hoạt động cách mạng cùng thời với ông nội của các cháu rồi đấy, anh biết chưa?
   - Có chuyện ấy thật ư? - Tôi nhướng mắt nhìn Hiền - Sao không thấy Hoài nói gì với tôi.
   - Chắc công việc chưa đâu vào đâu nên anh Hoài không phô với anh - Hiền nói - Nhưng theo như các bác ấy nói thì bố chồng em bị oan. Hoài nhà em gửi đơn lên trung ương mấy năm nay rồi, đang chờ trả lời.
 
   Khúc 8
   Phần vui vì chất lượng mẻ nước chấm magi đầu tiên đạt tiêu chuẩn; phần nữa tò mò với nguồn tin Hiền nói ông An Lành bị tố oan, vì thế trưa ấy tôi ở lại ăn cơm với vợ chồng Hoài để tìm hiểu ngọn ngành… Bữa cơm đạm bạc, nhưng vui vì ba đứa trẻ thi nhau gắp rau muống luộc chấm magi ăn ngon lành. Còn vợ chồng Hoài và tôi ngồi nhâm nhi chén rượu với đĩa lạc rang niệm hoài quá khứ… Hoài uống khá nhiều, mặt lựng đỏ, mắt lơ mơ; lúc nghe tôi nhắc đến bạn bè cùng lớp, Hoài bảo:
   - Tháng trước mình vừa vào nhà thương Phước An thăm cô giáo Thùy. Cô ấy mổ dạ dày, may mắn xét nghiệm sinh thiết bác sĩ chẩn đoán chỉ là u lành thôi. Chắc hôm nay cô giáo được xuất viện rồi.
   - Bây giờ gọi là bệnh viện rồi có ai gọi là nhà thương nữa đâu - Hiền cười, rồi nói - Anh thông cảm, cứ uống rượu vào nhà em lại nhớ về chuyện cũ.
   - Hoài này - Tôi vỗ vai bạn - Thế cô giáo có nhắc đến chuyện “tống” hai thằng mình xuống bàn cuối ngồi không? - Tôi hỏi.
    Hoài quay sang quàng tay lên vai tôi thân thiết:
   - Chuyện xưa rồi bạn ơi. Ai trong hoàn cành ấy mà không phải làm vậy. Thù dai làm gì, hãy nhìn về tương lai mà sống.
    - Không thù nhưng khó quên - Tôi đay đả.
    Nghe vậy Hiền góp chuyện:
   - Theo em, anh Hoài nói đúng đấy anh ạ. Chế độ đẻ ra lòng người mà anh. Lúc về làm dâu, nghe mẹ anh Hoài kể em mới hiểu. Bề ngoài cô giáo Thùy biểu hiện vậy, nhưng trong tâm khác lắm anh ạ. Anh đi công tác nên không biết đấy thôi, chứ hồi khó khăn nhất, cả nhà bị cắt sổ gạo, thi thoảng tối đến lại có ai đấy để túi gạo hay gói thực phẩm vào nhà. Mẹ em rình mãi mới biết đó là cô giáo…
    Nghe Hiền kể, tự dưng mắt tôi cay xè, và sự ưu tư, ẩn ức lẩn khuất trong lòng tôi từ lâu bỗng nguôi ngoai nhẹ bẫng. Nén cảm xúc tôi bảo Hoài:
  - Thư thư hôm nào rảnh Hoài đưa mình đến thăm cô giáo Thùy nhé!
  - Ừ, hôm đó sẽ rủ cả mấy đứa cùng lớp đến thăm cô - Hoài cầm tay tôi nắm chặt - Bạn biết không, cho dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào, vợ chồng mình vẫn động viên nhau: Rồi đến một ngày sự thật sẽ trở về với sự thật, giống như câu nói viết trong sách kinh Phúc Âm: “Của Xê-da, trả cho Xê-da”…
 
   Khúc 9
  “Của Xê-da, trả cho Xê-da” - Câu nói như chân lý ấy cho Hoài một niềm tin. Nhưng cuộc đời đâu là mơ, để tới đích, trước mặt là con đường dài đầy gian nan vất vả. Nước chấm magi của gia đình Hoài hằng ngày vẫn rải đều ở các quán chợ, nhưng lượng tiêu thụ và giá thành giảm dần… Thời đại sang trang, hết chế độ bao cấp, tem phiếu bỏ, đất nước mở cửa, thị trường bùng phát, cạnh tranh khốc liệt; đồ tiêu dùng, thực phẩm, hoa trái các loại từ miền Nam chở ra; hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc tràn lan khắp nơi, nhiều và rẻ. Nhiều cơ sở do nhà nước quản lý giải thể, máy móc, trang, thiết bị bán lại cho tư nhân; đến như Nhà máy Hoa quả Đạo Tú, rồi Xí nghiệp sản xuất nước chấm magi, xì dầu Tam Canh hiện đại, công suất cao như thế còn phải giải thể, huống chi làm ăn “cò con” manh mún như vợ chồng Hoài. Hàng trăm lít nước chấm magi ế không tiêu thụ được, quá đát phải đổ bỏ. Thêm một lần nữa Hoài và Hiền thất bại, phải chuyển đổi công việc. Trong thư Hiền gửi kể với tôi: Hoài bán nhà, lấy tiền thuê một mảnh đất 20 năm ở rìa thị xã Phước An đầu tư làm trang trại VAC (vườn - ao - chuồng). Tôi xem thư chỉ biết thở dài và tự hỏi: Không biết cuộc sống còn đưa đẩy đời bạn tôi đến đâu, nhưng tôi biết có một điều trong tâm khảm Hoài chưa bao giờ suy giảm: Cho dù vỡ nợ, thiếu thốn và nghèo đói thế nào, Hoài vẫn kiên trì, nhẫn nại tìm chứng tích để giải oan cho cha mình.
 
    Khúc 10
    Năm 2000, tôi nhận được thư Hoài gửi mời về nhân 45 năm ngày giỗ bố. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước nơi ở của vợ chồng Hoài. Mới có vài năm mà trên khu đất hơn nghìn mét vuông, bưởi, cam, nhãn, khế, vải… cây nào cũng trĩu trịt quả… Ngôi nhà xây ba gian lợp ngói đỏ tươi rực rỡ dưới ánh mặt trời, nổi bật, điểm xuyết giữa màu xanh ngút của vườn cây hoa trái.
    Lần giỗ này ngoài người thân trong gia đình, vợ chồng Hoài mở rộng, mời khá nhiều khách nên tôi có dịp gặp lại bạn bè cùng học. Cô giáo Thùy cũng tới. Gặp lại cô giáo đứa nào đứa nấy xúm xít vây quanh, tranh nhau chào, líu tíu không khác gì hồi còn là học trò nhỏ ngày xưa làm cô xúc động. Cô giáo Thùy bảo:
   - Nhân dịp này cô, trò mình cùng vào thắp hương tưởng nhớ và mừng cho ông An Lành được Đảng và Chính phủ minh oan…
     Chúng tôi xếp hàng sau cô giáo, chắp tay thành kính, mắt hướng lên ban thờ: Dưới bức bài vị không có ảnh là cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Minh Quang” và tên ông Đỗ An Lành, người cha thân yêu của Hoài in màu đỏ được phóng to nằm ngay ngắn, trang nghiêm trong danh sách những người đầu tiên thành lập Chi bộ Đảng… 
   Tôi không cầm được nước mắt, các bạn tôi và cô giáo Thùy cũng vậy, rưng rưng mặc cho những dòng lệ tuôn trào…
          
                                                                                                 N.N.H.P
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc