Phương thức tự sự trong văn bản tự sự và phi tự sự
Ngày đăng: 31/03/2024; 120
ĐÀO TIẾN THI
 
Trong các sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn THCS và THPT trước Chương trình 2000, văn bản tự sự được gọi chung trong một danh từ là "truyện", bao gồm truyện cổ dân gian, truyện dài (tiểu thuyết), truyện ngắn, truyện thơ,… Cách gọi đó là theo thói quen, không nói lên mối quan hệ giữa kiểu văn bản và phương thức phản ánh. Từ SGK soạn theo Chương trình 2000 đã chia văn bản thành sáu kiểu (loại): tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính - công vụ. Đây là cách chia dựa trên phương thức phản ánh: văn bản tự sự tương ứng với phương thức tự sự, văn bản miêu tả tương ứng với phương thức miêu tả,… Sách giáo khoa Ngữ văn mới theo Chương trình 2018 (đã ra một số bộ và đang tiếp tục soạn) chia văn bản thành ba kiểu lớn: văn học, nghị luận, thông tin, nhưng đồng thời vẫn sử dụng cả cách "chia sáu" nói trên ở hệ thống nhỏ hơn.
Trong sáu kiểu văn bản, văn bản tự sự không chỉ chiếm dung lượng lớn nhất mà yếu tố/ phương thức tự sự còn có mặt phổ biến trong tất cả các kiểu văn bản còn lại.
1. Khái niệm tự sự
Nếu chiết tự từ tự sự thì tự nghĩa là "kể", sự là sự việc, sự kiện, cũng gọi là biến cố; nếu các biến cố xảy ra liên tiếp có quan hệ với nhau thì ta có câu chuyện. Thuật lại các câu chuyện đó gọi là kể chuyện, thuật ngữ khoa học gọi là tự sự (dùng như động từ hoặc danh từ). Như vậy, thuật ngữ văn bản tự sự tuy mới đưa vào SGK Ngữ văn khoảng hơn 20 năm nay nhưng thực tế từ lâu đã dùng với những tên gọi khác như (văn) kể chuyện, (văn) tường thuật, câu chuyện, truyện kể,...
Xương sống của tự sự là các biến cố. Đó là một cái gì xảy ra trái với lệ thường, được con người ý thức. Khi biến cố được kể lại thì có ý nghĩa thông báo, làm thành một cái tin. Một cái tin luôn luôn là một cái bất thường, mới mẻ (“Chó cắn người không thành tin, nhưng người cắn chó thì thành tin” - Tục ngữ Anh). Có những biến cố lớn được ghi vào tài liệu lịch sử, ví dụ, sự kiện quân Pháp tấn công Đà Nẵng ngày 31/8/1858, sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội Việt Nam ngày 7/5/1954 đối với quân đội viễn chinh Pháp,... Trong đời sống thường nhật cũng có nhiều biến cố. Ví dụ: Hằng ngày, em vẫn đi học trên con đường ấy vào những thời gian ấy trong ngày. Nhưng một ngày nọ trên đường, em bị hỏng xe. Đang lúng túng thì có bạn cùng trường dừng lại hỏi han. Người bạn này giúp em gửi xe rồi đèo em đến trường. Từ đó em và bạn ấy thành đôi bạn. Câu chuyện trên em có thể kể lại cho người thân, bạn bè hoặc viết thành bài văn kể chuyện (kể đúng như thực), cũng có thể viết thành một truyện ngắn (trên cơ sở sự thực mà hư cấu thêm).
Như vậy phương thức tự sự khi được sử dụng hằng ngày, khi được dùng trong văn bản; ngoài văn bản tự sự nó còn được dùng trong hầu hết các kiểu văn bản khác, tùy mức độ nhiều ít khác nhau. Ta hãy điểm qua yếu tố tự sự trong các văn bản không phải tự sự (phi tự sự) trước.
2. Yếu tố tự sự trong các văn bản phi tự sự
a. Tự sự trong văn bản thuyết minh
Khi thuyết minh về một đối tượng, người viết có khi dùng những câu, những đoạn tự sự để kể lại một biến cố, một câu chuyện có liên quan, nhất là khi nói về nguồn gốc của sự vật, của nhân vật. Ví dụ:
Đền ở núi Mộ Dạ, làng Tập Khúc, xã Xuân Ái, nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thờ An Dương Vương. Tương truyền, sau khi bị Trọng Thủy đánh tráo nỏ thần, An Dương Vương bị thua trận, phải chạy về phía Nam. Khi dừng ngựa ở xã Cao Xá, thấy quân Triệu Đà đuổi theo rất gấp, bèn gọi thần Kim Quy cứu mạng. Thần Kim Quy hiện lên bảo giặc đang ngồi sau lưng nhà vua. An Dương Vương bèn chém Mỵ Châu rồi cưỡi ngựa đi xuống biển dưới chân núi. Người địa phương dựng miếu ở trên núi để phụng thờ.
(Theo Từ điển địa danh văn hóa - lịch sử Việt Nam)
Trong các tài liệu lịch sử, ta gặp rất nhiều đoạn tự sự khi thuật lại sự kiện hoặc kể về cuộc đời nhân vật lịch sử.
b. Tự sự trong văn bản nghị luận
Văn bản nghị luận khi cần cũng phải kể lại số biến cố, thậm chí có khi cả câu chuyện. Cách kể như văn bản thuyết minh vừa dẫn nhưng cũng có thể hòa lời kể vào lời nghị luận, biểu cảm. Ví dụ:
Thi sỹ Tản Đà sinh năm 1889 giữa lúc vận mệnh đất nước đang hồi nghiêng ngửa. Từ Bắc đến Nam, suốt trên dải đất này, phong trào đòi giải phóng ầm ầm lôi cuốn các tâm hồn. Đề Thám, Phan Đình Phùng cùng với các văn thân, sỹ phu trong nước đồng cảm một mối thù chung và đều dự bị một buổi chiều vĩ đại cho chủng tộc! Than ôi, buổi chiều thê thảm này đã kết liễu đau xót ở một chiến địa hãi hùng, nơi đó cùng với đàn con khảng khái. Tổ quốc Việt Nam ngã gục trên mối hận. Non sông khoác một màu tang. Bi kịch lúc hạ màn thành yên lặng. Xa xa trong mù khơi, con chim Việt đậu cành Ngô, thỉnh thoảng vọng về phương Nam vài tiếng kêu hằn học. Ngôi sao Tản Đà, dù muốn hay không cũng phải tắm mình trong bầu trời sầu thảm ấy[1]. (Trương Tửu)
c. Tự sự trong văn bản biểu cảm
Trích đoạn dưới đây trong một tùy bút (văn biểu cảm). Bối cảnh của tùy bút này là một buổi chiều tối, tác giả đi trên đường Nam Giao hoàn toàn vắng vẻ, bỗng nhiên nảy sinh nhiều ý nghĩ vẩn vơ, đặc biệt thấy thương những con người, những cuộc đời mình đã gặp. Ấn tượng mạnh nhất là cuối cùng gặp một một bà già nghèo không rõ sẽ đi về đâu trong đêm tối. Vẫn mạch chính là ý nghĩ và cảm giác (văn biểu cảm) nhưng ở đây nó phải nương tựa vào sự việc.
Ở đằng kia, một bóng đen lù lù đi lại. Không ánh sáng, nên nét mình không thấy nữa; ấy là một cục bóng có hình người. Khi tôi nhìn lại trước tôi, thì hình người đã gần thêm.
Bây giờ tôi mới để ý. Tôi bước dài bước nhưng vẫn rón rén. Bóng ấy gần thêm một chút; tôi bèn đi như thường. Tôi không dám nặng chân, sợ bóng ấy tan mất.
Bóng đã gần. Một luồng tê lạnh bỗng chạy qua óc tôi. Sao một cái hình người có thể "ma" như vậy. Im lặng quá, yên tĩnh quá. Cả mình đen, chỉ cái nón xám. Tuy thế, tôi cũng đoán được những miếng vải vá nơi áo dài lổ đổ không toàn màu.
Phải rồi, một bà già. Lưng khòng chân chậm. Mắt bà lão mở lim dim, mà bóng thì mờ thế này, thế có khác gì nhắm? Tay xách một cái rổ, không trông thấy được những thức gì trong ấy. Có chỉ là rổ không.
Bà già hay hiện hình của sự đau khổ? Nghèo như vậy, sao lại làm thinh mà đi, gặp khách không đón xin tiền? Cũng không nói, cũng không rên, cũng không ngừng. Cứ tha đôi chân vào mất trong tối.
(Theo Xuân Diệu, lược trích tùy bút Thương vay)
c. Tự sự trong văn bản hành chính - công vụ
Văn bản hành chính - công vụ hoặc dùng để điều hành xã hội (tuyên ngôn, chỉ thị, thông cáo, nghị định, quyết định,…) hoặc dùng trong các giao tiếp thông thường (biên bản, hợp đồng, thư từ giao dịch,…). Trong các văn bản này nhiều khi cần lược thuật một hay nhiều sự việc, sự kiện. Đoạn dưới đây lược trích trong một tờ "tấu" (lời bề tôi tâu lên vua) của quan đại thần Phạm Phú Thứ gửi vua Tự Đức ngày 20/9/1873. Tác giả kể một số hành động ngang ngược của thực dân Pháp để nhà vua thấy rõ dã tâm của kẻ xâm lược của chúng và từ đó cũng gián tiếp cho nhà vua thấy chủ trương thương lượng rất khó thành công:
"Kinh nghĩ: Lòng của Hoàng thượng gấp như lửa cháy, quá lo lắng thời buổi gian nan; hiềm chúng thần tầm thường kém cỏi, chẳng ai bổ ích cho cao dày. Xét vì người Pháp gần đây đã dòm ngó ta, âm mưu về ta không chỉ là một sớm. Bàn tiếp sứ bộ mà nó đòi xằng có được toàn quyền, muốn tới Bắc Kỳ mà ắt trước nói việc bảo hộ. Tình trạng tham lam giảo quyệt thật khó tâu bày đầy đủ. Nay sứ thần thương lượng, nó bỏ mà không nói, lại ra Hà Nội mở ra thương nghị. Chưa kịp khai thương đã chiếm cứ thành trì (…) Chúng thần kính xem không khỏi nghẹn ngào, tự lường mình tầm thường, không công trạng, không làm sao giải được nỗi lo ngày đêm của Hoàng thượng, mang tội ngày càng sâu nặng vậy. Bèn mạo muội dâng tờ mật phiến, xin chờ xét định".
(Theo Phạm Phú Thứ toàn tập)
3. Tự sự trong tác phẩm văn học thuộc loại tự sự
Tác phẩm văn học thuộc loại tự sự gồm có các thể loại truyện như đã nói ở phần mở đầu, ngoài ra phải kể đến một số thể loại ký (ký sự, bút ký) và thơ tự sự. Tự sự trong tác phẩm này phong phú, phức tạp hơn rất nhiều so với các yếu tố tự sự trong các kiểu văn bản nói trên.
a. Cấu trúc tự sự
Nhìn chung, để một câu chuyện có thể "diễn ra" trước mắt độc giả cần các thành phần sau đây:
Cốt truyện và tình tiết
Người đọc thường có cảm giác cốt truyện gồm biến cố. Nhưng thực ra biến cố mới chỉ là "nguyên liệu". Mỗi biến cố phải được con người ý thức thì mới "có chuyện". Nghĩa là xung quanh một biến cố phải có hoàn cảnh, tâm trạng, thái độ (của nhân vật hoặc của người kể, hoặc cả hai). Nói cách khác, đó là một sự tình. Mỗi một sự tình trong tác phẩm tự sự thường được gọi là một tình tiết[2]. Thông thường chuỗi các tình tiết làm nên cốt truyện nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Có những truyện ngắn thuộc loại truyện trữ tình, không có cốt truyện nhưng vẫn có tình tiết. Ở đây không có biến cố gì để có thể kể lại được nhưng có "khoảnh khắc của tâm trạng", tức là có sự tình, ví dụ truyện ngắn Tôi đi học của Thanh Tịnh.
 Nhân vật
Nhân vật thường song hành với các biến cố. Biến cố có thể mờ nhạt (những truyện không có chuyện) nhưng nhân vật bao giờ cũng phải có. Nhân vật khi đó ít hành động nhưng thay vào đó, nghĩ nhiều, cảm xúc nhiều (tình nặng hơn sự) khiến cho các tình tiết của câu chuyện vẫn hấp dẫn (ví dụ tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao).
Người kể
Người kể bao gồm ngôi kể, lời kể và điểm nhìn. Ngôi kể (vai kể) thường là một người vô hình (không hẳn là tác giả) nhưng biết hết mọi chuyện. Ngôi kể cũng có thể là một nhân vật trong câu chuyện, xưng "tôi" (trong vai này, anh ta có thể không biết hết mọi chuyện). Lời kể là lời dẫn chuyện. Đứng ở ngôi nào thì có lời kể phù hợp với ngôi đó. Điểm nhìn là vị trí người kể trước các sự kiện và nhân vật được bộc lộ qua giọng điệu và ngôn từ kể chuyện. Người kể có thể chọn điểm nhìn khách quan (thản nhiên trước mọi tốt xấu) hoặc chủ quan (bộc lộ thái độ yêu ghét).
b. Các yếu tố phi tự sự trong tác phẩm tự sự
Trong tác phẩm tự sự không chỉ có tự sự mà nhiều phương thức biểu hiện khác như miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh,… cũng được sử dụng. Các mạch ấy đan xen vào mạch tự sự, làm cho tác phẩm tự sự trở nên phong phú, hấp dẫn.
Miêu tả và biểu cảm trong tác phẩm tự sự
Miêu tả gồm có tả thế giới khách quan (cảnh thiên nhiên, sinh hoạt, con vật, đồ vật,…) và thế giới chủ quan, tức nội tâm (ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc) nhân vật. Tả nội tâm trong nhiều trường hợp trùng với biểu cảm. Nhờ có miêu tả và biểu cảm mà các tình tiết trở nên cụ thể, sinh động. Ví dụ:
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…
(Thanh Tịnh, Tôi đi học)
Trong các tiểu thuyết hoặc truyện ngắn trung đại, những tác phẩm tự sự thiên về sự, nhưng không phải cứ triền miên các biến cố mà khi cần để tô đậm một sự kiện, một nhân vật, người ta có thể chen vào một bài thơ để cảm thán về sự kiện, nhân vật vừa kể, đó cũng là một cách đưa yếu tố biểu cảm vào tự sự.
Nghị luận trong tác phẩm tự sự
Nghị luận trong tác phẩm tự sự là những nhận xét, bình luận xen vào mạch câu chuyện, nó có thể biểu thị ở lời nhân vật hoặc lời người kể. Đọc tiểu thuyết Sống mòn, ta thấy nhân vật thầy giáo Thứ triền miên trong suy tưởng (được nói ra bằng các đối thoại hoặc được nhà văn miêu tả nội tâm). Bất cứ cái gì cũng có thể làm Thứ bận tâm và mạch suy tưởng có thể nhảy hết chuyện này sang chuyện khác.
Khi ở lời người kể, yếu tố nghị luận thường được khái quát từ những chi tiết của tác phẩm, nhưng cũng có khi người kể liên tưởng đến nhiều vấn đề khác, ví dụ:
Tôi đang mơ màng thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển, trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vầng trăng vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: đã là hy vọng thì không thể nói đâu là thực đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi. (Lỗ Tấn, Cố hương)
Trong đoạn trên, những câu in đậm cuối đoạn là lời triết lý mang tính khái quát không gắn nhiều với mạch kể của câu chuyện. Những triết lý này thường được gọi là "trữ tình ngoại đề".
Chú ý, những lời nghị luận là của người kể chuyện, không phải bao giờ cũng là tác giả - hay được tác giả đồng tình. Ví dụ:
Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khỏe mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực ở đời này, bao nhiêu những anh béo, khỏe, đều là những anh thích ăn bẩn cả.
Thì đấy, các bạn hãy nhìn xem ông huyện Hinh, hẳn các ngài phải chịu ngay rằng tôi không nói đùa.
 (Nguyễn Công Hoan, Đồng hào có ma)
Có thể thấy, tự sự là phương thức phản ánh được sử dụng rất rộng rãi, từ giao tiếp trong đời sống thường nhật đến tạo lập văn bản, từ văn bản văn học đến các kiểu văn bản khác. Tự sự thâm nhập vào nhiều kiểu văn bản, đồng thời tự sự cũng thâu nhận vào mình các yếu tố của các kiểu văn bản còn lại.
Trên đây chỉ là khái quát đặc điểm chung của phương thức tự sự. Đi sâu vào kỹ thuật tự sự trong văn bản tự sự sẽ còn vô vàn sự phức tạp mà phải trình bày trong một bài khác.
Đ.T.T
 

[1] Cả đoạn này tác giả gợi lại phong trào Cần Vương chống Pháp hồi nửa sau thế kỷ XIX, bị thực dân Pháp đàn áp dã man và cuối cùng bị dập tắt hoàn toàn.
[2] Thuật ngữ tình tiết ở đây mang tính quy ước, không đồng nhất với từ tình tiết trong các tường hợp khác, ví dụ "tình tiết của vụ án".

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc