Về thăm chùa (tháp) Cói ở Vĩnh Yên
Ngày đăng: 22/11/2023; 1305
LINH NGÃ
 
       Chùa Cói là chùa làng Cói, vào khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, làng Cói thuộc tổng Hội Thượng, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (năm 1903), nay thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Làng Cói xưa là một vùng đất có bề dày lịch sử, chùa có tháp Cói, cùng với quán Tiên, cầu Đá, đình Tiên, chùa Hạ, miếu Mốc, cây trôi… tạo nên một quần thể di tích dày đặc, gắn với những phong tục, lễ hội truyền thống rất phong phú của các làng cổ trong tổng.
       Chùa được xây dựng khi nào đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu khẳng định chính xác về niên đại. Tuy nhiên, qua khảo cứu di tích và dựa vào tài liệu nghiên cứu của Viện Mỹ thuật, các nhà chuyên môn có đưa ra nhận định: Chùa Cói được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII, khi đó chùa gồm có tam quan và chùa chính. Đến thế kỷ XVIII, người ta dựng thêm hai cây tháp bảy tầng ở hai bên phía trước chùa, sau tam quan. Đến thế kỷ XIX, quy mô chùa đã hoàn chỉnh và đồ sộ gồm có các hạng mục: chùa, tam quan, tháp, trong chùa còn có hệ thống tượng pháp có giá trị nghệ thuật cao. Do đó, năm 1939, chùa đã được Viện Viễn Đông bác cổ xếp hạng trong danh mục các di sản văn hóa có giá trị ở Việt Nam.
       Đến những năm 50 của thế kỷ XX, chùa bị tàn phá nặng nề, chỉ còn tam quan, chùa, một cây tháp cùng một số pho tượng cổ. Thời điểm được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1996, chùa không còn kiến trúc cũ, kiến trúc mới được Nhân dân phục hồi lại trên nền mới ở phía trước nền chùa cũ, tịnh tiến lên gần đến chân tháp. Chùa từ đó đến nay gồm có 2 gian thờ dọc, di vật còn giữ được là 12 pho tượng gỗ có giá trị, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê, gồm: 3 pho tam thế, tượng A-di-đà, tượng A-nan-đà, tượng Thích Ca đứng thuyết pháp, tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Tượng chùa không còn được bảo tồn nguyên vẹn, một số pho tượng cũ đã bị mất, một số bị sơn lại.
       Một công trình đến nay cũng chỉ còn trên ảnh lưu hồ sơ đó là tam quan chùa Cói. Tam quan chùa có kiến trúc ba gian, một tầng mái kiểu tàu đao, lá mái, vì kiểu chồng rường truyền thống trong kiến trúc gỗ miền Bắc Việt Nam. Điều đặc biệt của tam quan chùa Cói là kết cấu chịu lực có 10 chiếc cột đá xanh được gọt đẽo công phu, mỗi cột có đường kính khoảng 0,25m, cao 2m. Hai cột cái gian giữa có phần thân cột được tạo như một tấm bia đá: phía trên khắc nổi các hình trang trí hoa văn búp sen, cánh dơi, lá đề…, phía dưới khắc tên những người công đức dựng chùa. Phần lạc khoản bị mờ nên chưa tra cứu được niên đại, chỉ có thể dựa vào tài liệu của Viện Mỹ thuật (sách Mỹ thuật thời Lý Trần - Nxb. Văn hóa - 1976) mà xác định tam quan chùa Cói được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIII (thời Trần). Vào những năm đầu thế kỷ XXI, tam quan chùa hỏng nặng phần mái, Nhân dân và nhà sư trụ trì đã hạ giải và dựng lại trên nền tam quan một kiến trúc mới, trên là gác chuông, dưới đặt bàn thờ Nguyễn Danh Phương.
       Nói về Nguyễn Danh Phương (1690 - 1751), còn gọi là “quận Hẻo”, vốn là người làng Tiên Sơn (xóm Tiên) nay cũng thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên. Ông là người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại chính quyền phong kiến thời Lê - Trịnh. Ông đã cho xây dựng quán Tiên chỉ trong một đêm, thổi vào đó yếu tố thần tiên màu nhiệm để tạo thanh thế cho mình, thu hút quần chúng Nhân dân gia nhập nghĩa quân. Theo truyền thuyết dân gian, Nguyễn Danh Phương chính là người đã cho xây dựng hai cây tháp chùa Cói trong khoảng thời gian những năm 1740 - 1751.
       Giá trị nổi bật nhất của chùa Cói là ở cây tháp xây bằng gạch có niên đại gần 300 năm. Hai cây tháp chùa Cói nay chỉ còn lại một cây, hiện trạng cũng không còn nguyên vẹn. Tháp bị sạt mất phần đỉnh tháp và một mảng lớn ở 2 tầng trên cùng, phần nền móng bị lún, thân tháp bị tróc lớp áo vữa, tháp bị nghiêng, các tầng không còn cân đối và bị nứt một số chỗ. Cây tháp hiện có 7 tầng cao 7,7m, được xây bằng gạch vữa với lối kiến trúc cổ truyền theo kiểu “thượng thu hạ thách”. Chân tháp có kích thước 1,7m, các tầng giảm đều từ dưới lên trên kể cả chiều cao và chiều rộng, khoảng 20cm. Gạch xây tháp là loại gạch bìa hình chữ nhật và hình vuông có kích thước 30cm x 50cm hoặc 30cm x 30cm, độ dày 2 - 3cm. Đây là loại gạch Bát Tràng có độ nung cao, rắn, đanh, không cong vênh, đảm bảo bền chắc, chịu mưa nắng tốt. Gạch bìa chữ nhật chủ yếu để xây các tầng tháp. Loại gạch bìa vuông dày 3cm dùng để xây các lớp ngăn cách giữa các tầng. Lớp này có 5 hàng gạch xây so le thu dần lên trên tạo một vành đai chịu lực đỡ các tầng phía trên. Ở bốn góc tháp cong lên một chút như góc mái đao trong các kiến trúc gỗ, làm giảm vẻ nặng nề, thô cứng của gạch vữa. Bốn mặt thân tháp được trang trí đơn giản giống nhau, chính giữa mặt tháp để bốn ô cửa. Bốn tầng dưới để ô cửa hình vuông, xây gạch 3 lớp thu đều vào trong lòng tháp. Ba tầng trên tạo ô cửa hình vòm cuốn. Toàn bộ thân tháp trát lớp áo vữa để bảo vệ, không có các hình trang trí hoa văn hay họa tiết trên gạch như tháp Bình Sơn (Sông Lô - Vĩnh Phúc) của thời đại trước đó. Các ô cửa để trơn xung quanh bo gờ vuông sắc cạnh. Sự đơn điệu trong trang trí thân tháp có lẽ là do ảnh hưởng của thời đại, khi phật giáo thời kỳ hậu Lê bị lấn át bởi Nho giáo nên không còn thịnh hành, thống trị như giai đoạn trước.
       Một điều đáng lưu ý nữa là ở chất vữa dùng để xây tháp. Các viên gạch được gắn kết với nhau bằng một thứ keo vữa truyền thống, được dân gian chế tạo từ vôi vỏ sò luyện với mật mía, thường gặp trong chế tác các con giống hoặc gắn các hình trang trí trên mái đình, chùa. Ở tháp Cói, những người thợ ngõa đã rất khéo léo, các viên gạch được gắn kết với nhau bằng những đường keo vữa rất nhỏ, kết dính cực chắc. Với kỹ thuật tay nghề cao, sự tỉ mỉ, chính xác, những nghệ nhân dân gian đã tạo dựng nên một công trình kiến trúc bằng gạch có giá trị thẩm mỹ cao, trở thành một biểu tượng văn hóa của vùng.
       Chùa Cói cùng với tháp, tam quan và hệ thống tượng đã được công nhận là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 2882/QĐ-UB ngày 23/12/1996 của UBND tỉnh Vĩnh Phú. Theo Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND ngày 23/10/2019 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, chùa (tháp) Cói được đầu tư tu bổ vào năm 2022. Việc tu bổ, tôn tạo cây tháp chùa Cói không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân địa phương, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc, quảng bá thêm về một điểm đến tâm linh chứa đựng nhiều yếu tố về nghệ thuật kiến trúc cho du khách thập phương, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
 
L.N
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc