Mới đây, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn, Giáo sư (GS) Trương Tửu (18/11/1913 - 18/11/2023).
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam; đại diện Thường trực Hội VHNT Vĩnh Phúc, đông đảo các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình, các nhà giáo, nhà văn cùng gia đình, học trò và bạn đọc yêu văn chương đã tới dự lễ kỷ niệm.
Các ý kiến, tham luận tại lễ kỷ niệm khẳng định: Sinh thời, Nhà văn, GS Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa (1913 - 1999) là một tấm gương sáng về sức làm việc và sự cống hiến. Đặc biệt, với một nghị lực phi thường, một quyết tâm tuyệt đối, Nhà văn, GS. Trương Tửu đã vươn lên, vượt qua mọi nghịch cảnh, tự học, tự đào tạo để trở thành một tác gia, một phong cách lớn trên cả bình diện là nhà sáng tác, nhà nghiên cứu khoa học và nhà giáo. Ở bình diện nào, Trương Tửu cũng là “một hiện tượng lớn”, một tài năng. Trong vị trí nhà sáng tác, Trương Tửu là tác gia của những tác phẩm văn học, văn chương đặc sắc, là người đặt nền móng cho loại thể tiểu thuyết luận đề. Với tư cách một nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, với những triết lý rất riêng cùng những công trình nghiên cứu văn hóa tiêu biểu, Trương Tửu là nhà tiên phong về xây dựng tính độc lập, tương đối trong văn học. Những công trình nghiên cứu của ông, theo đánh giá của giới chuyên môn, đều là những chước tác vừa mang tính chuyên biệt đồng thời chứa đựng hàm lượng khoa học lớn, với những góc nhìn đa chiều, mới mẻ, độc đáo. Trương Tửu còn là “nhà diễn giả bẩm sinh”, “nhà hùng biện” với “những cuộc dấn thân, với một tinh thần trung thực, tranh đấu vì học thuật và lẽ phải”. Với sự nghiệp trồng người, Nhà giáo Trương Tửu là một trong những người có công đặt những “viên gạch” đầu tiên xây dựng ngành Ngữ Văn nước nhà. Đồng thời, ông là thầy dạy, trực tiếp góp phần đào tạo nên nhiều chuyên gia, nhà giáo, nhà nghiên cứu lớn trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn của đất nước. Bởi thế, đồng nghiệp, học trò luôn kính trọng, tôn vinh ông vào hàng “vạn thế sư biểu” của khoa ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn).
Nói về sự nghiệp của Trương Tửu, Nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) - người bạn chí thiết của ông - từng nhận định: “Trương Tửu thuộc về loại nhà văn tự học, nhờ đọc sách nhiều. Có lẽ một phần nhờ trường Bách Nghệ huấn luyện, lại sẵn thiên tài văn nghệ nên lý luận của anh rất đanh thép, câu văn của anh như búa, như kềm. Lời nói anh vang ra như tiếng đập sắt trên đe. Lúc nào cũng nảy lửa, nghe chát cả tai”. Và: “Trương Tửu có khiếu ngôn ngữ và lý luận. Lý luận của Trương Tửu là một dây chuyên ngôn ngữ chặt chẽ, liên kết mạch lạc và rèn giũa với một nghệ thuật tinh vi tế nhị. Tương Tửu là một nhà hùng biện bẩm sinh, là một nhà toán học chống giáo lý, đi tìm một bài toán cho nhân sinh với những công thức do tự bản thân chế biến ra không theo công thức điển hình nào cả. Giá như Trương Tửu mơ mộng một tí, thì những ý tưởng sẽ đượm tinh hoa của lý trí thiêng liêng”.
Thời gian và thực tế cuộc sống đã chứng minh: những đóng góp của Nhà văn, GS. Trương Tửu dành cho đời sống văn chương Việt là rất quan trọng. Bởi lẽ đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn, GS. Trương Tửu; Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục có thêm nhiều công trình nghiên cứu, góp phần lưu giữ, lan tỏa những giá trị độc đáo trong sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu, dạy học của Trương Tửu. Từ đó, xây dựng một “chân dung nhìn gần” về Nhà văn, GS. Trương Tửu với đương thời và hậu thế.
Dưới đây, là một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn, GS. Trương Tửu (1913 - 2013). Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Nhà văn, GS. Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa (1913 - 1999). Ảnh TL
Quang cảnh lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn, GS. Trương Tửu
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc - thay mặt Thường trực Hội trao tặng lẵng hoa tới gia đình, chúc mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nhà văn, GS. Trương Tửu
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm
GS. Trần Đình Sử phát biểu tham luận tại lễ kỷ niệm
GS.TS Lã Nhâm Thìn phát biểu tại lễ kỷ niệm
Ông Trương Quốc Tùng - con trai Nhà văn, GS. Trương Tửu phát biểu cảm ơn các đơn vị, cá nhân đã cùng tổ chức và tới dự buổi lễ kỷ niệm
Tin, ảnh: TV