Nắng có còn Xuân…
Ngày đăng: 26/03/2025; 36
                                                     Truyện ngắn
HƯƠNG NGHĨA
 
 Chị về nhà chồng vào một ngày nắng đổ nghiêng, gió heo may xao xác bờ đê làm xao động con sông trước làng nước quanh năm ngầu đỏ. Triền hoa xuyến chi nở trắng ven sông, trắng cả triền đê, miên man khắp cánh đồng làng. Loài hoa tinh khôi, mỏng manh có sức sống mãnh liệt mang tên một cô gái với câu chuyện tình đầy nước mắt mà mẹ đã kể cho chị nghe từ khi chị còn là cô bé có hai bím tóc đuôi gà. Bao lần chị hỏi mẹ về loài hoa này, và cũng không biết bao lần mẹ kể cho chị nghe về câu chuyện của loài hoa ấy đều bắt đầu bằng hai từ: “Ngày xưa” và chị cũng thuộc lòng, thuộc cả những lời căn dặn của mẹ: “Mai này lớn lên, con hãy sống như loài hoa đồng nội quê mình, dù bão tố, phong ba vẫn luôn vươn lên đón ánh mặt trời, vượt qua khó khăn, gian khổ, nhân hậu, bao dung để cuộc sống bình yên, tốt đẹp”.
Hôm chị về làm vợ anh không có xe đưa, cũng chẳng có xe đón vì hai nhà chỉ cách nhau đoạn đường chưa đầy bốn mươi mét. Cho đến tận bây giờ, đám cưới của chị vẫn được người làng nhắc tới bằng sự ngưỡng mộ bởi được tổ chức to nhất làng, nên thơ nhất làng. Đám cưới có dàn nhà trai, nhà gái lịch sự, sang trọng với những hình ảnh đẹp như thước phim quay chậm. Chị trong chiếc váy cô dâu trắng ngần rạng rỡ, nghe thì thào đâu đó:
- Đúng là chuột sa chĩnh gạo.
- Lấy chồng nhà giàu có khác, sướng quá…
 Chị rưng rưng, e ấp bước đi. Còn anh trong bộ quần áo sơ mi xuềnh xoàng làm chú rể nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp trai, chỉ có điều anh bước đi như chạy, mặc cho hai họ nhắc nhở, anh vẫn coi như không có chị ở bên, mặc chị lơ ngơ, ngại ngùng đến tội nghiệp. Giữa cảm xúc hỗn độn, chị nghe ai đó xì xào:
- Nó lấy vợ cho vui lòng mẹ thôi, còn nó có người yêu trên tỉnh rồi.
Lời nói ấy vô tình lọt vào tai chị khiến trái tim chị tan nát. Chị bước đi như người vô hồn…
Hôn lễ của chị rồi cũng qua. Đêm tân hôn, cái đêm mà người phụ nữ bình thường nào làm vợ cũng hồi hộp, ngượng ngùng nhưng cũng đắm chìm trong hạnh phúc, còn chị chỉ biết ôm chiếc gối, ngồi thu lu ở góc giường mà nhìn anh dưới ánh đèn ngủ mờ ảo ngồi rít hết điếu thuốc lá này sang điếu thuốc lá khác. Chị tái người khi nhìn thấy bộ vest và chiếc áo sơ mi trắng muốt của chú rể vứt lăn lóc ở cuối giường. Gà gáy sang canh, anh “quăng” cho chị một câu bẽ bàng, chua xót:
 - Cô còn chờ gì mà không ngủ…
Câu nói đó của anh khiến chị hiểu rằng, chị không bao giờ có được những phút giây hạnh phúc của đời người con gái bước chân đi lấy chồng…
 
                                                    ***
 
- Mẹ xin con, mẹ cưới con về nhà này, tay bưng trầu, đặt lễ, nhà mẹ thuộc gia đình nề nếp, gia phong, không có chuyện trai bỏ vợ, gái giãy chồng, hơn nữa mẹ và mẹ con bên ấy lại là đồng niên với nhau.
Chị gạt nước mắt trước những lời mẹ chồng nói.
Nghĩ đến mẹ mình trái tim chị thắt lại. Với mẹ chị, dù chỉ là mẹ kế nhưng chị là tất cả của bà. Mẹ đẻ chị qua đời vì mắc trọng bệnh mà vẫn cố sinh ra chị. Cha ôm chị hon đỏ trên tay khóc không thành tiếng. Một năm sau cha lấy vợ. Năm chị lên ba, cha lại bỏ chị về cõi hạc mẹ. Lúc ấy chị bé bỏng, hồn nhiên nhoẻn miệng cười xinh xắn trong tiếng gào khóc của anh em, họ hàng. Chị đâu hiểu rằng, người ta thương cha chị một phần nhưng thương chị phần hơn vì từ nay chị là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ kế của chị lúc ấy còn trẻ và đẹp, mới chỉ về với cha chị được hai năm. Chẳng ai tin rằng mẹ kế lại sẵn sàng từ bỏ cả tuổi xuân của mình cho một đứa con chồng bé bỏng như chị. Chị chỉ nghe mà biết, lúc ấy, mẹ đã ôm chặt lấy chị trong vòng tay, nước mắt ướt đầm trên gương mặt. Rồi bao tủi cực, đắng cay mẹ hy sinh tất cả để cho chị nên vóc, nên hình. Trước ngày cưới chị, mẹ vui lắm, trông mẹ trẻ ra dăm, bảy tuổi. Mẹ bảo:
- Con được về bên ấy làm dâu, mẹ mừng và rất yên tâm vì nhà bên ấy có điều kiện lại nề nếp, gia phong, chồng con lại đẹp trai, có tài nữa.
Mẹ chị đâu có ngờ…
 
***
 
Những ngày sau đó là chuỗi ngày dài đằng đẵng với chị. Nhiều lúc chị không có khái niệm ngày và đêm, cung cúc trong ngôi nhà chồng chăm bố mẹ già, nuôi đứa con gái thơ dại - kết quả của một đêm anh say rượu. Trong nồng nàn hơi men, anh ôm ghì, xiết chặt chị, miệng lảm nhảm gọi tên cô Diễm My lạ hoắc, lạ huơ nào đó. Cay đắng, tủi nhục dâng trào, nước mắt chị cứ lặng lẽ tuôn rơi… Rồi bé Khánh An ra đời mà chưa lần nào được bố bế bồng, nựng nịu, thương yêu.
Viện lý do không yêu chị, anh dọn ra ngoài ở cùng một người phụ nữ khác trên tỉnh. Thi thoảng anh mới đảo qua nhà, hỏi thăm bố mẹ đôi ba câu rồi lại biệt tăm, biệt tích. Ngày cha mất anh không về. Một năm sau mẹ chồng chị phần vì đau buồn, phần vì giận đứa con bất hiếu cũng theo chồng bỏ lại chị và đứa cháu nội bé bỏng, bơ vơ. Trước khi mất, mẹ chồng chị lập di chúc để lại toàn bộ mảnh đất, ngôi nhà và tài sản cho chị. Chị nhớ lời dặn dò của bà:
- Tất cả tài sản, đất, nhà mẹ cho hết con, nếu thằng Hùng có về mà đòi, con cũng không được cho nó. Nó ăn ở bạc bẽo nên mẹ coi như không có nó trên đời. Con ở lại hương khói cho tổ tiên và nuôi cháu nội của mẹ nên người. Mẹ thương con nhiều lắm.
Mẹ chồng chị chút hơi thở cuối cùng mà hai giọt nước vẫn còn rỉ bên khóe mắt. Chị khóc khản giọng phần vì thương mẹ, phần thương cho hoàn cảnh của mình. Cuối cùng, mẹ và cha chồng của chị cũng được ở cạnh nhau. Những ngày lễ tết, giỗ chạp, đều đặn, người ta vẫn thấy một người phụ nữ mảnh mai và một bé gái nhỏ dắt nhau ra thăm và thắp hương cho hai ngôi mộ ấy. Mỗi lần ra thăm mộ cha mẹ chồng, trong chập chờn khói hương, chị lại nhớ lại tất cả…
Mẹ chồng mất được vài ngày, chồng chị về nhà không phải chịu tang mẹ hay viếng mộ cha mà là về để đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà để bán cơ ngơi cha mẹ để lại. Chị nhớ như in hình ảnh phồng mang, trợn mắt, giọng chì chiết, đay nghiến của anh lúc ấy:
- Mẹ con cô cút ra khỏi đây để tôi còn bán nhà lấy tiền lo cho vợ con tôi.  
- Vợ con anh…
Chị lắp bắp, điếng người khi hiểu ra rằng, với anh, chị mãi là kẻ xa lạ, là kẻ mà anh chán ghét dù chị không hề có lỗi. Người vợ anh đang nói kia chính là người mà anh đã dám vì cô ta cùng đứa con trai riêng của cô ta mà từ bỏ cả gia đình, cả cha mẹ, bỏ cả đứa con gái ruột của mình. Bình tâm, chị nói như chưa hề có chuyện gì xảy ra:
- Toàn bộ tài sản giờ thuộc quyền sở hữu của tôi, được pháp luật công nhận, anh chỉ có thể lấy được nó khi bước qua xác tôi thôi...
Anh gầm lên như con thú bị thương:
- Cô là loại rắn độc, tham tiền, ham của. Tôi chưa bao giờ coi cô là vợ mà cô cứ bám mãi gia đình tôi, nịnh nọt cha mẹ tôi để chiếm hết tài sản. Cô đúng là...
- Anh nghe cho rõ đây, tôi là loại đàn bà nào cũng được, miễn là tài sản này, đất đai, nhà cửa này giờ là của tôi với đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Còn anh, anh không làm gì được tôi đâu.
Chị cũng không hiểu sao lúc ấy mình lại có thể kiên quyết, mạnh mẽ đến thế. Còn anh, mặt đỏ ké, tức giận bước ra khỏi nhà sau khi “ném” cho chị một câu:
- Đúng là loại tham lam, khốn nạn. Tôi ân hận vì đã nghe lời mẹ và cũng hận mình vì một đêm quá say mà ra nông nỗi…
 
                                                    ***
 
Ngày tháng dần trôi. Một ngày đầu Xuân lúa thì con gái ngoài đồng xanh ngắt một màu, vươn lên phơi phới, anh trở về bơ phờ, tàn tạ… Người phụ nữ mà anh gọi là vợ kia sau khi “bòn” hết tiền của anh ném vào bài bạc, lô đề… đã ôm đứa con riêng của mình chạy theo một người đàn ông khác. Còn anh, sau những tháng năm lê thân khắp chốn, không còn nẻo đường nào để đi đành thất thểu quay về nhà…
 Nhìn người đàn ông thảm hại trước mặt mình, chị bình thản:
- Anh ngồi xuống ghế uống nước đi, tôi có chuyện muốn nói với anh.
Quay vào nhà, chị mang cho anh một cốc nước ấm, ngồi đối diện. Anh cúi đầu, câu được câu mất nhưng chị vẫn hình dung ra và hiểu tất cả…
- Tôi biết thế nào anh cũng có ngày này nên đã kiên quyết giữ lại những gì cần phải giữ. Giờ anh đã không còn gì mới chịu quay về, tôi trả lại cho anh tất cả. Tôi sẽ cùng con về ở bên ngoại chăm sóc mẹ tôi tuổi già. Tôi khuyên anh hãy cố gắng thay đổi và gìn giữ những gì mà cha mẹ anh để lại.
Chị nói rồi bước tới chiếc tủ chè, mở khóa lấy tập hồ sơ, giấy tờ nhà đất đặt lên bàn trước mặt anh. Anh bàng hoàng, ngồi chết lặng. Nỗi ân hận chua xót, xấu hổ xen lẫn sự cảm phục người vợ đức hạnh, thủy chung, tảo tần mà bấy lâu anh không hề có chút tình cảm nào dâng lên khiến cổ họng anh nghẹn đắng, mồ hôi túa ra đầm khuôn mặt.
- Anh xin lỗi… Anh…
- Với tôi, anh không cần phải xin gì cả, vì tôi không còn gì để cho anh hết, cả một thời thanh xuân của tôi anh đã giẫm đạp có thương xót gì. Còn với cha mẹ anh giờ có xin, có nguyện, và họ có muốn cho thì cũng không còn hình hài để có thể cho anh lần nữa. Nhưng với tất cả những gì tôi đã giữ cho anh ngày hôm nay, thì việc làm lại với anh vẫn còn chưa muộn đâu. Anh hãy tìm một người phụ nữ đàng hoàng, tử tế để họ chăm lo cho anh và hương khói cho bố mẹ. Tôi và con sẽ rời ngôi nhà này ngay bây giờ.
- Không, em và con hãy ở lại đây… Tôi sẽ bù đắp cho em để chuộc lại những lỗi lầm mà lâu nay đã gây ra và cũng để bù lại những gì em đã giành cho cha mẹ tôi.
- Quá muộn rồi anh ạ!
Chị cười khẩy trả lời anh rồi bước nhanh vào buồng ngủ, rọn quần áo vào chiếc vali, quay ra.
Bé Khánh An nép bên cửa từ bao giờ, nước mắt chảy dài hai bên má. Dù chưa bao giờ có được tình thương yêu của bố, nhưng Khánh An đã được chị gieo vào lòng bao điều tốt đẹp về bố. Chính chị đã tự gom góp tình thương để con gái có hình ảnh đẹp về anh qua những lời nói dối ngọt ngào: Nào là “bố đi làm xa để lấy tiền gửi về cho mẹ con mình đấy”, “bố bận làm việc mà chưa có thời gian về thăm mẹ con mình”, “quần áo này bố mua cho con”, “con búp bê này bố mới gửi”… Từ khi cảm nhận được, giờ bé An đã lên bảy tuổi nhưng chưa phút giây nào An ghét hay hờn trách bố. Hôm nay, dù chưa hiểu rõ chuyện bố mẹ đang nói với nhau nhưng Khánh An cũng hiểu được rằng bố, mẹ sẽ không ở cùng nhau và mẹ sẽ đưa nó rời xa ngôi nhà này - ngôi nhà đã gắn bó với nó và mẹ bao tháng ngày qua. Bất chợt Khánh An chạy ào vào nhà, đứng trước mặt anh lắp bắp:
- Bố… Bố…
Anh lúng túng, định dang tay ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng, nhưng, chị bước tới nắm tay con gái, dứt khoát:
- Đi thôi con, mẹ con mình về ở với ngoại…
Thấy thái độ của mẹ, bé Khánh An nem nép, líu ríu bước theo. Anh nhoài về phía trước, chới với:
- Em ơi, con ơi, anh cầu xin hai mẹ con em đấy, con gái của bố, ở lại với bố đi…
Bé Khánh An giật mạnh tay chị, thút thít:
- Mẹ ơi… Bố kìa…
Chị quay lại, nhìn tấm thân anh đổ xuống bên thềm, đầu gục xuống thật thảm hại. Khánh An níu cánh tay chị rung rung, đôi mắt thăm thẳm, ngấn nước ngước lên nhìn chị… Nhìn giọt nước mắt của con gái, chị thấy lòng mình chùng lại. Chị cúi xuống, ôm chặt con gái vào lòng…
Ngoài kia, nắng Xuân mênh mang, trải một màu vàng ấm áp, lấp lánh trên khắp triền đê và cánh đồng làng chị.
H.N
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc