Cuối mùa
Ngày đăng: 29/03/2024; 59
Truyện ngắn
HÀ ĐÌNH CẨN
 
Tôi với Khóa, bảo là bạn chí cốt cũng không phải, vì chơi với nhau gần hết đời mà có giúp gì nhau được một việc ra tấm ra món đâu. Gặp nhau toàn chuyện tầm phào, thêm dấm ớt một chút để cười, rồi ai về nhà nấy. Toàn chuyện bông phèng mà vẫn hay kiếm cớ gặp nhau. Mà cớ cũng con con thôi, chẳng hạn, uống với nhau cốc bia cỏ, ăn quả hồng mới chín cây.
Chiều nay, Khóa vừa đi ngã ba Đồng Lộc về, ngang đường mua được mấy con chim ngói, dân bẫy được, bán dọc đường, làm mồi, thế là lại nhắn bạn, đến nhá.
Tôi đến, bốn con chim ngói đã vặt lông, tẩm ướp, nướng trên bếp củi. Uống với nhau ba cốc bia, đánh gọn bốn con chim nướng, cho đến lúc tôi sắp về ăn cơm tối cùng vợ, Khóa mới nói: Sắp tới, để tiện đi lại, tôi sẽ mời một thầy cúng cùng vào ngã ba Đồng Lộc, thắp hương cho Hạnh và mười cô tiểu đội Võ Thị Tần rồi thỉnh một nắm đất ở mộ Hạnh, đem về đặt lên ban thờ, để mùng một, ngày rằm thắp hương cho tiện, đỡ phải lách cách đi xa vất vả. Cái đầu gối kỳ này sinh sự rồi, đi lại khó khăn, không được như trước nữa. Tôi bảo, đường xa thì vào trong ấy năm vài lần đi là được, cứ gì phải một tháng đôi lần, cốt ở lòng thành chứ đừng thỉnh đất ở mộ Hạnh về. Đất ở đấy mới quý, mới mang hương hồn của mười cô gái Đồng Lộc, chứ bốc một nắm đem về, không có hơi hướng Đồng Lộc thì chỉ là đất thôi. Tôi nói bình thường nhưng Khóa thì coi mấy lời của tôi là sâu sắc lắm. Rằng, nếu không thỉnh đất về nhà hương khói cho tiện, thì tôi quyết vào trong ấy, kiếm một mảnh đồi, dựng một túp lều, sống bằng lương hưu để ở gần mộ Hạnh. Tôi bảo, ông phải nghĩ kỹ kẻo sểnh nhà ra thất nghiệp, trẻ không đi, già mới lò dò đến quê mới, khổ là cái chắc. Khóa bảo, đời tôi quen khổ rồi, giờ về già chỉ còn Hạnh, chả đến với cô ấy thì không yên tâm mà chết. Nghe Khóa nói, tôi chùn bước, bảo, tùy ông tính thế nào cho phải thì tính.
Tôi với Khóa là bạn học thời cấp ba, cùng lớp năm học lớp mười. Khóa cao, trắng, nhà phố huyện, học tàng tàng như tôi, nghịch ngầm chứ không hòa vào đám đông, ăn nói có nhiều chữ của chưởng Kim Dung vì nhà đầy một tủ sách được bố để lại. Là con liệt sĩ, nên hết lớp mười, rộng cửa với tôi là đi bộ đội hoặc thi đại học, còn Khóa được ưu tiên thẳng một bước đi học kỹ thuật tận Liên Xô. Sướng quá!
Trong nhóm tôi và Khóa có thêm Hạnh. Hồi cấp hai, tôi và Hạnh chỉ gặp nhau trên đường đi học về. Hạnh con nhà nông, nhiều hôm sáng đi học, chiều đi làm hợp tác xã lấy nửa công điểm. Vất vả việc đồng áng nhưng Hạnh không cóc cáy như số bạn con nhà nông mà trắng hồng, dáng cao, mặt trái xoan, mắt lá răm sắc và sáng lấp lánh.
Tuổi mười tám trong trẻo, lại là học sinh, đôi mắt sắc như dao cau kia mà liếc chàng trai nào thì chàng trai ấy mất ngáp. Cặp ba chúng tôi chơi với nhau khá thân, hay có nhau ở các sinh hoạt tập thể của đoàn thanh niên. Chuyện này thì sau này tôi mới biết là Hạnh và Khóa yêu nhau sau lưng tôi mà tôi thì cà tồ, không biết. Cái đận Khóa sắp đi học ở Liên Xô, tình yêu của họ đến cao trào. Trước mặt Khóa là tương lại rạng rỡ còn Hạnh với tôi thì lọ mọ, người sẽ đi bộ đội, người đi học Trung cấp Sư phạm. Cho đến khi sắp chia tay, cũng có thể Hạnh bị quáng gà, nhìn cuốc hóa công, hoặc có thể Hạnh liều tính nước ràng buộc anh chàng Khóa có tương lai rạng rỡ với mình bằng cái khóa bụng. Thế là chẳng giữ gìn gì, Hạnh nhanh chóng bước sang đàn bà ở tuổi học sinh trung học.
Khóa đi, Hạnh ở nhà ruột gan nóng như bếp lò vì chờ thư của chàng. Một tháng. Một năm. Hai năm. Không dòng thư, không một lời thăm hỏi của Khóa với Hạnh. Cực chẳng đã, Hạnh đánh liều sang nhà Khóa hỏi chuyện bác của anh, xem lâu nay Khóa có thư từ gì về nhà hay không. Bà bác không nói có thư hay không mà đánh mắt vào nhìn cô khách trẻ, nói một câu bóng gió. Hạnh phải vội chạy khỏi nhà bà ta, ra tận con đường giữa đồng mới ôm mặt khóc, khóc dúi dụi, khóc tức tưởi, vì tủi thân với cái câu kinh miệt, “Đũa mốc chòi mâm son”. Hôm ấy Hạnh đã nghĩ dại, chết quách cho xong. Nhưng rồi Hạnh cắn răng, tự nhủ, sao phải chết với kẻ lừa đảo. May mà Hạnh không có thai, chứ lỡ ra thì bây giờ biết rúc ở đâu giấu mặt! Buồn quá, việc càng nhàn lại càng buồn. Hạnh muốn đến một nơi chả có lúc nào mà nghĩ đến mình, gần với cái chết, để ngày nào cũng có thể quên mình. Thế là cô xin đi thanh niên xung phong, và loanh quanh một thời gian thì được điều chuyển về Đồng Lộc, làm ở ngã ba cùng với Tiểu đội Võ Thị Tần, nổi tiếng.
 
***
 
Tôi làm ở một tờ báo quân đội, nên việc đi chiến trường, đến các trọng điểm là thường xuyên. Tôi gặp lại Hạnh và các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc trong chuyến đi để viết về tuyến vận tải qua Đồng Lộc, ngược về đường 22, đi nữa thì rẽ sang đất Lào, ta quen gọi là đường Tây Trường Sơn. Tôi gặp Hạnh dịp ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm máy bay Mỹ dội bom ác liệt, đủ loại bom, bom bi, bom phạt, bom đào, bom nổ chậm, bom từ trường... Ngày ít hai lần, ngày nhiều mười bốn lần bom dội xuống cái ngã ba nhỏ hẹp, có con đường vận tải độc đạo đi qua. Các cô gái vất vả lắm, ngày nào cũng dằn mình gỡ bom, phá bom, vác bom đến nơi xa đường để công binh xử lý, rồi san đường cho xe qua. Các cô phơi mặt trong nắng gió Lào nóng rát, ăn lại thiếu, có khi ngày chỉ vài nắm bột mì luộc, không đường, không mỡ nên cô nào cũng đen nhẻm, gầy rạc... Riêng Hạnh bạn tôi thì ngược lại, vẫn trắng hồng, vẫn thon thả, vẫn ngực đầy đặn, vẫn nụ cười tươi rói và đôi mắt lá răm sáng lấp lánh, chỉ có điều như Hạnh nói, mấy năm đôi mắt sắc của cô chưa liếc người đàn ông nào. Hạnh có nhan sắc nên đại đội thanh niên xung phong ở ngã ba mỗi khi phải góp tiết mục liên hoan cho Liên đoàn toàn tỉnh, cô thường được cử đi. Hạnh hát không hay, nhưng bước lên sân khấu như văn công thế kia, lính vỗ tay như pháo nổ. Lính công binh, lính vận tải, lính phòng không suốt ngày trần lưng với bom đạn, đâu cần nghe hát, chỉ nhìn thấy người đẹp đã thỏa rồi.
Đại đội giữa ngã ba bom đạn, các cô sống với nhau rất vui, quý nhau như chị em trong nhà. Hạnh cũng hòa hợp với không khí ấy, nhưng chuyện đời tư thì kín bưng. Nhưng, nói như kinh nghiệm sống của các cụ: “cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”. Chuyện đời tư của Hạnh bị lộ không phải do Hạnh tự nói ra mà nguyên do là bỗng nhiên anh chàng Khóa lò dò đến tận ngã ba Đồng Lộc tìm người tình mà anh đã nhẫn tâm phụ bạc.
Hạnh kể với tôi, chuyện cũ đã ngủ im rồi, còn bới ra làm gì, ghét ghê, đường đường đến tìm người ta cứ như là còn quý lắm đấy. Có mà xúc đất đổ đi, ai còn thèm nhìn mặt. Lúc bấy giờ đã gần sáng, chị em cả đơn vị hì hục làm suốt đêm mới xong đường, bảo nhau về lán ngủ một lát cho lại sức, thì bỗng nhiên ở đầu đường vào ngã ba có tiếng gọi oang oang: “Hạnh ơi, đón anh với”, như là thân nhau lắm ấy.
Mới nghe là Hạnh biết ngay cái tiếng lúc nào cũng như con trai dậy thì vỡ giọng là của ai. Không nghe, không biết, Hạnh tự bảo vậy, lùi lũi về lán. Người gọi vẫn không tha, cứ Hạnh ơi, đón anh, làm cho chị em nghe thấy, nhắc: Hạnh ra đầu đường xem ai gọi kìa, lỡ có việc gì quan trọng thì sao? Phiền quá đi mất. Thế là Hạnh phải ra, cuốn tạm chiếc khăn vuông xanh lên mái tóc bù xù, cứng như rễ tre vì bụi đất chưa kịp gội. Hạnh nhìn thấy Khóa đứng cạnh chiếc xe Uaz ngụy trang đàng hoàng, mặc đồ nâu, đội mũ vải, miệng lập lòe điếu thuốc, cao lớn hơn ngày nào. Hạnh bước thẳng đến trước mặt anh, không rào trước đón sau, chỉ nói có một câu lạnh băng, “Tôi khổ vì anh đã đủ rồi. Anh đừng tìm tôi nữa!”. Nói xong, Hạnh quay gót đi như chạy, mặc Khóa đứng lóng ngóng, hai tay buông xuôi như đứa trẻ nhận lỗi trước người lớn.
 
***
 
Tôi và Khóa lại kiếm cớ gặp nhau, lần này là ai đó cho Khóa một chai rượu Vodka của Nga để chàng nhớ lại thời oanh liệt ở xứ bạn. Vodka uống với cá khô nướng, hợp phải biết, rất ổn, rượu năm mươi độ mà qua họng thấy tròn, không vuông. Kinh nghiệm rượu tròn, rượu vuông là do một ông bạn là họa sĩ nói với cánh tôi. Ông bảo, khi thử rượu, thấy loại rượu nào ngậm vào miệng mà tròn, thì nuốt, loại nào vuông chành chạnh thì nhổ bỏ, chớ nuốt mà chết.
Tôi và Khóa uống mỗi người ba chén, mặt mũi đã tưng bừng. Lúc ấy, rượu vào tôi mới nói với Khóa: “Ông là thằng sướng vì còn có một người phụ nữ đẹp nó giận, chứ như tôi không giận, không hờn, nhạt hoét”. Khóa ngồi im mãi mới nói: “Tội lỗi tình tang do thằng đàn ông gây ra, chứ phụ nữ xấu đẹp gì thì họ còn tốt gấp vạn thằng đàn ông chúng mình”.
Vậy là rượu và câu khích tướng của tôi chạm nọc Khóa mở miệng, không giữ kín chuyện khổ nhục của thằng đã không chung tình. Vài chục năm đã qua rồi, đâu phải ít. Nhưng chuyện tình lỡ dở như cô bạn của tôi nói, những mối tình không đến được với nhau thì xanh mãi, không vàng úa. Trong lòng cái lão Khóa của tôi kia cũng có một chùm xanh, lâu lâu lại nhú ra cái mầm. Lão bảo, ngày học ở Moskva, vừa là phải học để không bị hạ cấp chuyển sang học nghề khác, và cũng tự huyễn mình, mình sáng ngời ngời thế này, lại chui đầu về quê làm gì. Mình lại đang ở phố, mà là cái phố lớn nhất phe xã hội chủ nghĩa, học xong đâm đầu về với rơm rạ thì còn ra thể thống gì nữa. Thế là mình tìm một cô, là học sinh bên ta, sang học bên này, yêu và tính nước lâu dài. Chết cha, càng yêu cái cô vất vưởng ở xứ bạn, lại càng thấy, cô này chả ra gì, chả bằng một góc Hạnh. Hạnh đẹp hơn, dịu dàng hơn, đối với mình không tính toán. Thế là sau một thời gian yêu đương, mình chấm hết, tìm cách quay trở lại với Hạnh mà mình đã lỡ phụ bạc. Một lá thư không thể thanh minh nổi. Đã quyết với người ta thì phải hi sinh chứ, cái gì cũng muốn được tất thì không có đâu. Mình quyết định không ở lại Moskva học cao học, xin về nước sau khi tốt nghiệp kỹ sư cầu đường với một lá đơn rất hợp thời, là về để được tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Thế là toại nguyện. Về Việt Nam chỉ mươi ngày, mình đã lên đường vào ngã ba Đồng Lộc với một tờ quyết định của Quân chủng Công binh, là cử chuyên gia kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, là mình, đi cùng với một sĩ quan công binh trên chiếc Uaz khảo sát các trọng điểm trên đường 15, đường 22 vào tới đường Tây Trường Sơn để có kế hoạch chỉnh trang sau mùa mưa, rút ngắn một cách hợp lý đường qua trọng điểm, chuẩn bị cho mùa vận tải lớn. Mình có cớ vào ngã ba Đồng Lộc để gặp Hạnh. Buổi gặp đầu tiên sau bốn năm xa, cô ấy đổ lên đầu mình cả một thùng nước lạnh, vuốt mặt không kịp.
Tôi là đứa hay so bì, thấy ông bạn việc gì cũng được, nay bị gái giội nước lạnh, sướng hả hê, bảo, đáng đời ông. Không được chia sẻ, Khóa không nói nữa, nút chai Vodka lại để vào xó bếp.
 
***
 
Chuyến đi khác, tôi gặp Khóa đang đo đạc ở ngầm Đá Đĩa, cuối đường 15, chỗ gần gặp đường 22. Khóa ở đây đã mấy ngày, được lính công binh nuôi khá chu đáo, nghĩa là, không biết bằng cách nào các “tướng” kiếm được loại rượu nếp dân tộc, uống rất tròn. Khóa bảo tôi, một hai ngày nữa, hắn sẽ sang đường 22, khảo sát mấy cái trọng điểm và ngầm trên ấy, rồi có thể quay lại, vì đoạn phía trên đã có một tổ khảo sát khác đang làm việc, không giẫm vào chân nhau.
Tôi chẳng quan tâm đến chuyện khảo sát của hắn, chỉ muốn hỏi, ông với Hạnh dạo này sao rồi? Hạnh đã hạ hỏa mà giảm án tù chung thân cho ông chưa? Khóa cười, được giảm án rồi. Tuần trước, nàng còn gửi cho hắn một hộp ruốc, loại đặc biệt quý hiếm trên đường bom đạn. Tôi thấy Khóa gầy đi, gò má nhô cao, đen, nhưng vui vẻ, thường cười hết cỡ và được anh em công binh ở ngầm quý mến. Họ có một cây ghi ta sứt sẹo, Khóa a-ma-tơ về đàn, vẫn ôm đàn hát “Đôi bờ” cho lính nghe nhạc Nga.
Tôi lang thang trên đường, viết những bài báo ngắn nhờ lái xe về hậu phương lấy hàng, chuyển cho tòa soạn. Khi quay ra, dù lúc ấy là quá nửa đêm, tôi vẫn cố ý dừng lại ở ngã ba Đồng Lộc để tìm gặp Hạnh. Bạn bè mấy khi lại được gặp nhau. Được hỏi, cô tiểu đội trưởng Tần như cái cớ để trút bầu tâm sự. Gớm cho cô Hạnh bạn ông, vội đi thăm người yêu, mà mắng cả cấp Liên đoàn, mắng luôn tiểu đội trưởng. Là vì hồi chiều, Hạnh được lái xe từ Khăng Kèn về nhắn, Khóa bị sốt rét, biến chứng thế nào đó mà bụng cứ chướng lên, ăn vào là nôn, người yếu đến mức phải chống gậy đi vệ sinh. Thế là Hạnh cuống. Tiểu đội trưởng bảo, báo cáo lên Liên đoàn rồi về thì hãy đi. Hạnh nổi xung, mặc xác mấy ông Liên đoàn, cứ ru rú ở phía sau thò cần câu ra ngoài, bắt cấp dưới báo cáo. Đi lên các trọng điểm mà xem, không báo cáo, báo cày gì hết, lười nhác ra! Ghê không. Lúc thì coi người yêu như cái giẻ rách, lúc thì sồn sồn lên. Đúng là đàn bà yêu, nóng lạnh thất thường. Đứng đực ra một lúc, là Hạnh đi, cũng mới đi xong, chưa thấy có xe qua đây lên trên đó, chắc là Hạnh còn đâu đó đợi xe. Không gặp được Hạnh, nhưng đã xuống xe rồi, tôi ở lại với tiểu đội Võ Thị Tần vài hôm. Đang còn lơ ngơ đi tìm căn hầm trống nào đó để có thể chui tạm khi có báo động máy bay, thì tôi lại nghe Tần gọi, bảo, khổ thân cái Hạnh, chặng dưới vừa điện lên, có xe quân y chở bệnh binh là ông cán bộ kỹ thuật về hậu phương điều trị. Tôi hăng hái, hay là cho người chạy lên phía trước để gọi Hạnh. Chưa có xe lên để đi nhờ, chắc Hạnh cuốc bộ cũng chưa xa. Ba cô gái chạy đi, vừa chạy vừa gọi, được một lát đã bảo, Hạnh đang về đây rồi.
Cũng là lúc xe quân y vào ngã ba. Để an toàn, Tần không cho xe dừng ở giữa trọng điểm, mà phải qua một đoạn, phía sau, ở đó có vài bờ bụi. Tôi cứ tưởng lão bạn tôi thảm hại lắm rồi, phải chống gậy đi vệ sinh kia mà, nhưng không, sốt rét chưa quật đổ được hắn. Chống gậy thì có, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, xuống xe cứu thương là bước khá dài từng bước ra ngã ba để hỏi thăm chị em ở Tiểu đội cô Tần. Tần nói với Khóa, Hạnh nó đang chạy quay lại rồi, anh chờ lát. Cứ như là sắp đặt, Tần vừa dứt lời Hạnh đã chạy như bay đến chỗ chúng tôi. Tần hét, “Ở đây kia mà” là Hạnh hiểu “ở đây” là chỗ Khóa đang đứng đợi. Do trời còn tối, cô nào đó bấm đèn pin để cố tình xem đoạn phim chàng nàng gặp nhau trên bãi bom, Tần lại hét, ai vô ý thế, tắt đèn đi! Một màn đêm bao trùm, tôi chỉ thấy bóng Hạnh và Khóa lao vào nhau.
Tôi nhớ hôm đó là ngày hai mươi tháng bảy, năm một chín sáu tám, thì chỉ bốn ngày sau, đau đớn thay, chiều ngày hai mươi bốn, tháng bảy, trận bom thứ mười bốn trong ngày đã dội xuống cửa hầm giết cả tiểu đội Võ Thị Tần đang ngồi trú. Hai ngày sau, cũng vì bom, Hạnh hi sinh khi đang san đường cho ô tô qua trọng điểm.
Tháng Chín, trời mát mẻ, khô ráo, ông bạn tôi quyết định vào sống trong khu Đồng Lộc để được gần Hạnh. Là chuyện thiêng, không thể ngăn, tôi chỉ ngồi với Khóa một đêm, cho đến gần sáng thì đưa bạn ra bến xe khách của huyện để xuống thị xã, rồi đi nữa. Khóa bảo, tôi đi hẳn đấy, nhà đã giao cho bà bác họ, coi như cho. Sau này có cóc chết ba năm quay đầu về núi, thì ở nhờ bác. Lúc Khóa xách cái va li từ hồi đi học ở Liên Xô còn lại mốc meo nặng nhọc lên xe, tôi thấy, bạn đã gù lưng mất rồi, mỏi mòn rồi, cũ kỹ rồi, mọi chuyện bây giờ đã muộn, đã cuối mùa, mà sao còn khổ thế, vẫn bị đày vì chót dại bội ước một mối tình mà sửa một đời chưa xong…
H.Đ.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc