Tín ngưỡng phồn thực trong các lễ hội mùa xuân ở Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 05/05/2022; 92
HOÀNG LĨNH
 
Xa xưa, khi sự hiểu biết về thế giới xung quanh còn hạn chế thì con người đặt niềm tin và ước vọng thờ phụng vào bất cứ người, vật hay sự việc, hiện tượng nào mà họ coi là có linh thiêng trong đó. Vì vậy, hệ thống tín ngưỡng của con người thuở sơ khai khá đa dạng, hỗn tạp. Một trong số những tín ngưỡng quan trọng và có ý nghĩa nhất, tồn tại lâu dài, bền vững trong tiềm thức cũng như đời sống con người là tín ngưỡng phồn thực - tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi, phát triển cho con người, vạn vật và mùa màng.
Tín ngưỡng phồn thực bắt nguồn từ một nền văn hóa nông nghiệp lâu đời, nền văn hóa ấy sùng bái sự sinh sôi, nảy nở của tự nhiên và con người bởi đó chính là nhu cầu thiết yếu để duy trì và phát triển giống nòi. Người ta cần mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống và con người phải sinh sôi, nảy nở để tồn tại phát triển. Qua các nghi lễ, cách thức thờ cúng, người xưa thể hiện lòng tin năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy tín ngưỡng phồn thực với vô số các nghi thức thờ cúng đã phát triển hết sức phong phú, đa dạng.
Vĩnh Phúc là vùng đất cổ giàu truyền thống trong cái nôi của văn hóa nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Tín ngưỡng phồn thực cũng phát sinh và phát triển suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này. “Xuân thu nhị kỳ”, mỗi năm, các làng quê Vĩnh Phúc thường tổ chức lễ hội náo nhiệt vào hai mùa là mùa thu và mùa xuân. Tuy nhiên, lễ hội mùa xuân chiếm đa số và được tổ chức rầm rộ hơn cả. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm, mùa sinh sôi nảy nở của vạn vật. Tổ chức lễ hội và đi lễ, vui hội mùa xuân là thể hiện mong muốn cho mùa màng tốt tươi, cho trai gái gặp nhau giao duyên để sinh con đẻ cái. Ấy cũng là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Nhưng để thấy rõ rệt nhất tín ngưỡng phồn thực phải nhìn vào các nghi lễ và các trò diễn, trò chơi của các lễ hội.
Ở Vĩnh Phúc, tín ngưỡng phồn thực cũng được thể hiện ở hai dạng: thờ sinh thực khí và thờ hành vi giao phối. Song dạng thứ nhất là phổ biến và rõ nét hơn cả. Các hình thức thờ “sinh thực khí” trong các lễ hội ở Vĩnh Phúc rất phong phú, đa dạng, nhiều hình thái biểu đạt. Tùy theo phong tục của từng làng xã ở mỗi địa phương mà có những cách làm và thờ những hình “giống” khác nhau. Tuy nhiên vẫn có những nét mang đặc tính chung của văn minh nông nghiệp lúa nước. Cơ quan sinh sản của nam và nữ được “hình tượng hóa” thành hai vật thiêng là “Linga” (Dương vật) và “Yoni” (Âm vật), đã được Việt hóa với cái tên “Nõ” và “Nường”. Nõ: khúc gỗ ngắn tượng trưng cho sinh thực khí nam, nói lên sức mạnh dương khí, sinh sản. Nường: mảnh gỗ hình tam giác có đục lỗ, tượng trưng cho sinh thực khí nữ, biểu thị sức chứa đựng. Chất liệu nếu không là đá, gỗ, mo cau thì cũng là tre, lá dứa, mà cách điệu nữa là lúa, bột, gạo làm nên những biểu tượng khác nhau mang hàm nghĩa cho Dương vật (cột đá dựng đứng, cột trụ tròn, cây bông, cây gậy, quả cầu tròn, chiếc bánh chưng dài...) và Âm vật (khe đá, bánh dày, lỗ tròn hoặc vuông...). Những vật tượng trưng đó được thờ, cúng sau đó được đem ra phân phát hoặc để cho mọi người dự hội tranh giành, cướp, lấy… coi như được lộc. Tất cả đều nhằm biểu hiện cho sức mạnh về sinh sản mà dân gian quen gọi là “cầu đinh” hay “cầu con”, mang đậm yếu tố phồn thực được sùng bái trong tín ngưỡng dân gian.
Hình thức thờ sinh thực khí phổ biến nhất ở Vĩnh Phúc là thờ các “cây bông” với các lễ hội “rước bông” “cướp bông” diễn ra ở khá nhiều nơi. Chẳng hạn như:
- Hội cướp bông làng Bồ Sao, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường
- Hội rước cây bông làng Cam Giá, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường
- Hội rước cây bông làng Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch
- Hội cướp bông làng Trung Hà, xã Trung Hà, huyện Yên Lạc
- Tiệc cây bông làng Phủ Yên, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường
- Trò “huy bông” (tung cướp bông) làng Hạ Ích, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch.
Cây bông tượng trưng cho sinh thực khí nam, được tạo thành từ một đoạn thân cây tre, xung quanh thân cây có các cụm bông xù ra. Có nơi cây bông chỉ là một đốt tre non tước xơ rất mỏng rồi được buộc lại thành hình cuộn sợi bông, có nơi là một đoạn tre dài nhiều lóng, người ta dùng dao vót tre cho xù lên tạo thành các cụm bông giữa mỗi lóng, trông như các quả bông (làng Bồ Sao). Đặc biệt nhất là cây bông làng Thượng Yên, ngọn cây là một đoạn tre non đầu dưới được dóc thành tua tỏa ra, phần thân tre còn lại được quấn vòng quanh bằng giấy đỏ, trên ngọn cắm một lá cờ hình vuông hoặc tam giác. Ngọn cây bông lại được cắm vào một thân cây chuối hột, tức là thân cây bông, cao khoảng từ 3 đến 4 mét, xung quanh người ta cắm các bông lúa, bông vải, bông đỗ làm bằng các dải tua cạo từ lõi cây tre non, nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, trắng. Mỗi cây bông được trang trí bằng hàng chục bông như thế, cắm dày đặc trên thân cây, tạo thành một tháp bông tung xòe sặc sỡ. Đúng như tên gọi “cây nõ nường” của dân làng, đây là một hình ảnh rõ nét nhất về dạng thờ sinh thực khí của tín ngưỡng phồn thực.
  Ngoài hình thức “cây bông”, xuất hiện nhiều trong các lễ hội xuân ở Vĩnh Phúc là hình ảnh một quả cầu tròn bằng gỗ hoặc đá hoặc bông, cũng tượng trưng cho sinh thực khí nam, thường được gọi là “cầu” hay “phết”. Vì thế, các lễ hội “cướp phết” “cướp cầu” mang ý nghĩa là các lễ hội “cầu đinh” hay “cầu con trai” của dân làng. Đây cũng là một hình thức lễ hội khá phổ biến vào mùa xuân, diễn ra ở nhiều nơi như:
  - Hội đả cầu cướp phết bốn làng Đông Lai, Trụ Thạch, Ngọc Xuân, Hoa Giang và hội phết làng Tây Hạ ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch.
- Hội cướp cầu làng Thượng Yên, xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch.
- Hội cướp cầu làng Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên.
- Trò hất phết làng Thượng Lạp, xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường.
- Trò móc khiểu và gieo cầu làng Đôn Hậu, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Mặc dù việc thờ cúng, tế lễ, hay trò chơi trò diễn với các quả cầu ở trên thường được ẩn sau một sự tích hoặc một lời giải thích nào đó có liên quan đến các vị thần được thờ ở đình, đền, miếu của làng, song xét về nguồn gốc, đây chính là một dạng thức của tín ngưỡng phồn thực bắt nguồn từ tâm thức nông nghiệp. Ai cũng mong muốn cướp được cầu hay phết để được lộc, để có con trai, để vụ mùa được tươi tốt…
  Dạng thứ hai của tín ngưỡng phồn thực là thờ các hành vi giao phối. Dạng này không được thấy nhiều và rõ ràng ở Vĩnh Phúc mà chỉ xuất hiện dưới hình thức một số trò chơi dân gian trong lễ hội. Đó là các trò:
  - Leo cầu đinh làng Thạc Trục, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch
  - Bắt chạch trong chum ở xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường
  - Đu tiên hay đu cây, đu bay ở hầu hết các làng có tổ chức lễ hội…
  Tham dự các trò chơi này thường là một hay nhiều cặp nam nữ, vừa thực hiện các yêu cầu của trò chơi như: cùng leo cầu gỗ, cùng bắt chạch trong một chum nước… vừa thực hiện các hành vi mô phỏng hoặc có liên quan đến hành vi giao phối như: ôm eo, ôm vai, sờ ngực, đu nhún… Các trò này ngày nay vừa là tồn dư của lễ thức cầu đinh lại vừa mang tính chất vui đùa, nghịch ngợm, tăng tính hào hứng, nhộn nhịp cho các dịp lễ hội.
  Có thể thấy, tất cả các dạng thức: Cướp bông, cướp cầu/ phết hay leo cầu, bắt chạch (cầu đinh) và đu tiên… đều là các hình thức trình diễn nhằm một mục đích thể hiện ước muốn trước thần thánh và đất trời với thông điệp rằng: Hỡi các đấng thần linh cao viễn. Hỡi cha trời mẹ đất! Hãy thấu hiểu những lời chúng con cầu khấn, mong muốn, hãy xem những gì chúng con “làm” mà “bắt chước”, mà theo đó giao hòa trời đất, để cho mưa - tinh dịch của cha trời rơi xuống tưới nhuần đất mẹ, cho ngô lúa đâm chồi, cây cối nảy lộc, vạn vật và con người sinh sôi, nảy nở, tốt tươi…
                                                                                                                                                           H.L
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc