Lê Duy Ngoạn với “thương hiệu” Gốm Ngoạn
Ngày đăng: 06/05/2022; 235
 
NGUYỄN CẢNH TUẤN
 
Cách đây không lâu, ở Hương Canh xuất hiện sản phẩm gốm nghệ thuật, người tiên phong trong lĩnh vực này là họa sĩ Lê Duy Ngoạn. 
Lê Duy Ngoạn từng là giáo viên dạy mỹ thuật tại trường Trung cấp Văn hóa tỉnh Vĩnh Phú, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) từ năm 1978, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã giành được nhiều giải thưởng lớn ở Trung ương, khu vực và ở tỉnh. Hiện ông nghỉ hưu, sinh sống tại phường Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
 
 
Tâm sự (Gốm sành, Lê Duy Ngoạn)
 
Lý giải niềm say mê với sản phẩm gốm, họa sĩ Lê Duy Ngoạn tâm sự: “Tình yêu nghệ thuật của tôi có từ tuổi lên ba, từ khi còn ở làng quê Thanh Hóa. Những nét vẽ trên lưng trâu, gốc đa làng, sân đình… bằng chất liệu gạch non, không ngờ lại là khát vọng trẻ thơ và đã thành hiện thực, được đồng nghiệp yêu mến gọi Gốm Ngoạn”. Các sản phẩm của Gốm Ngoạn đã lập nên những thành tích đáng trân trọng. Tháng 7 năm 2004, tại Hà Nội, họa sĩ Lê Duy Ngoạn tổ chức triển lãm cá nhân. Các tác phẩm với chủ đề/thể loại “Tranh gốm”, “Gốm trang trí nghệ thuật”, “Tượng gốm” đã được giới mỹ thuật trong nước đánh giá cao. 225 tác phẩm trưng bày trong triển lãm đã được tỉnh Vĩnh Phúc mua lại, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Lê Duy Ngoạn cho rằng, chính chất đất cũng như ngọn lửa truyền thống của làng gốm Hương Canh là chất xúc tác giúp ông bước đầu sáng tạo gốm nghệ thuật thành công.
Tôi như bị cuốn hút vào các sản phẩm gốm nghệ thuật được trưng bày tại gia đình họa sĩ Lê Duy Ngoạn: Tác phẩm điêu khắc “Con rồng”, nhóm tượng gốm “Niềm vui gia đình”, “Các cháu của bà”, “Nỗi đau da cam”... Tác phẩm tranh sơn dầu “Gốm quê ta”,… cùng hàng chục tác phẩm khác. Sau chén trà, tôi hỏi ông: “Tính theo thời gian, các tác phẩm này đã sáng tác vào thời gian họa sĩ về công tác tại trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh từ năm 1987. Vậy là trước đó, gần 30 năm, họa sĩ công tác ở nhà máy sứ Thanh Hà, tỉnh Phú Thọ. Suốt thời gian ấy, chắc họa sĩ đã có thêm những bài học thực tế bổ sung vào kiến thức học được ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội?”.
Lê Duy Ngoạn cho hay, với vai trò là Trưởng phòng Kỹ thuật ở nhà máy, nhiệm vụ chính của ông là lập thiết kế hướng dẫn kỹ thuật ở các khâu: nguyên liệu, nhiên liệu, công thức sản xuất, quy trình công nghệ, thiết kế mẫu và trang trí sản phẩm. Điều may mắn là ông được gặp một số thợ giỏi gốc Bát Tràng sơ tán lên. Chính những kiến thức cơ bản đó, đã giúp ông thêm kinh nghiệm và có đất dụng võ khi về với Hương Canh, nhất là sau thời gian ông nghỉ hưu năm 1992.
- Với Hương Canh hôm nay, điều gì đã thu hút ông? - Tôi hỏi tiếp.
Lê Duy Ngoạn cho biết: Truyền thống nghề gốm ở đây đã có từ lâu đời. Lần đầu tiếp xúc, tôi như bị “choáng” bởi hai thông tin từ các nghệ nhân ở đây. Thứ nhất, có người bị mù mắt vẫn tham gia đốt lò, bằng các giác quan nhận ra mùi khói, tự tính thời gian đốt lò, cảm độ nóng ngọn lửa phả ra… để có sản phẩm tốt. Thứ hai là từ chất đất, từ ngọn lửa, họ đã tạo ra những màu men sành bền đẹp, tuy sản phẩm chủ yếu là hàng tiêu dùng như chum, vại, tiểu sành… Với câu chuyện đó, cộng thêm vốn liếng học ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, tôi đã nỗ lực tạo thêm dòng gốm mỹ thuật và nhận làm chủ đề tài: “Phục hồi sản xuất và cải tiến kỹ thuật sản xuất gốm Hương Canh” của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, được sở đánh giá cao.
Từ làng gốm Hương Canh, họa sỹ Lê Duy Ngoạn mơ ước “nâng cấp” các sản phẩm gốm dân dụng quen thuộc trở thành gốm nghệ thuật, thành tượng gốm, tranh gốm và nghệ thuật hóa gốm dân dụng, tạo nên những biến đổi lớn về chất cho gốm nghệ thuật hôm nay.
Gốm nghệ thuật nói chung đều phụ thuộc vào hai yếu tố, theo cách nói của người làm gốm là “lửa cha, đất mẹ”. Ngoài ra, người làm gốm còn phải biết vận dụng ngôn ngữ đặc thù, tổng hợp như cách chiếm lĩnh khối ba chiều của điêu khắc, cách chiếm lĩnh không gian ba chiều trên một mặt phẳng của hội họa, cách chiếm lĩnh không gian hai chiều của trang trí, đồng thời còn phải biết làm chủ ngôn ngữ, chất liệu, kỹ thuật tác tạo ra gốm. Những thuật ngữ của từng loại hình nghệ thuật đã được họa sĩ Lê Duy Ngoạn “giải thích” cặn kẽ qua từng tác phẩm, giúp tôi bước đầu cảm thụ được giá trị, ý nghĩa các tác phẩm ông đã dày công sáng tạo.
Ông Lê Quốc Bảo - hoạt động trong ngành Mỹ thuật ở Hà Nội - đã từng nhận xét về nghệ thuật gốm của Lê Duy Ngoạn: “Hình tượng nghệ thuật nói chung và hình tượng nhân vật nói riêng khiến người ta liên tưởng đến nghệ thuật chạm khắc đình làng, tượng chùa và nghệ thuật rối nước truyền thống của dân tộc. Đó chính là cội nguồn cảm hứng sáng tạo của Lê Duy Ngoạn, làm cho các tác phẩm gốm của ông vừa truyền thống, vừa hiện đại và đã thực sự đi vào đời sống, hơn thế nữa là được “đứng chân” trong Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. Song, đóng góp lớn nhất của Lê Duy Ngoạn là đưa chất liệu gốm trở thành một chất liệu của nghệ thuật điêu khắc, hội họa: tượng gốm, tranh gốm”.
Tôi thổ lộ với họa sĩ điều mình băn khoăn: Mặt hàng gốm ở phố Hương Canh xếp dài gần 2km, trong khi đồ gốm ở các tỉnh bạn tràn về với giá rẻ. Vậy Gốm Ngoạn đã đứng chân trong bảo tàng rồi vươn ra với thị trường như thế nào?
Ông cho biết, các tác phẩm gốm của ông đóng góp ở góc độ tạo ra các sản phẩm có giá trị. Một số sản phẩm đã trở thành gốm nghệ thuật. Yếu tố quảng bá hiện tại trông vào triển lãm ở bảo tàng, triển lãm định kỳ của người làm gốm nghệ thuật. Sản phẩm để đưa ra thị trường chưa có và nếu có sản phẩm thì giá thành cũng cao. Làm nghệ thuật, có khi phải hy sinh quyền lợi cá nhân để đem lại giá trị tinh thần cho người thưởng thức, đó mới là tác phẩm nghệ thuật chân chính.
N.C.T
 
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc