THANH KÝ
Xu hướng mở cửa và tự do hoá thị trường đang trở thành tất yếu. Khi thấy nhiều nước trong khu vực và trên nhiều vùng đất đang tiếp thị với thế giới hàng trăm triệu lao động có giá rẻ hơn Việt Nam, thì vấn đề cũng chưa làm mấy ai… nghĩ ngợi.
Khi Việt Nam được xếp vào tốp “các nền kinh tế mới nổi và dẫn đầu tăng trưởng”, thì điều rất dễ tưởng tượng là, nền kinh tế ấy phải duy trì tốc độ tăng trưởng bằng công nghệ, bằng phát minh, sáng chế và kinh tế tri thức ít nhất là tương xứng, chưa nói vượt trội các nước đang phát triển.
Nhưng thực tế, tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào gia công và xuất khẩu tài nguyên, khung chính sách dành cho kinh tế tri thức vẫn chờ “hoàn thiện”… thì nguy cơ tụt hậu là rất gần.
Mặc dù được biết rằng, những năm gần đây, Bộ KH&CN đã có nhiều hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và triển khai các Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hoá; thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hoá mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao...
Là vì: Chúng ta vẫn đang là nước có thu nhập trung bình thấp. Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai của 100 quốc gia, Việt Nam chỉ nằm trong nhóm 4 gồm 58 quốc gia/ nền kinh tế non trẻ. Về tiêu chí liên quan trực tiếp là KH&CN và nhân lực/trình độ khoa học, Việt Nam chỉ đứng thứ 90/100.
Ở phạm vi tỉnh, Sở KH&CN Vĩnh Phúc cho biết, trung bình mỗi năm, Vĩnh Phúc triển khai trên dưới 100 đề tài cấp tỉnh nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất và đời sống, mong góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể nói, lĩnh vực KH&CN luôn được tỉnh quan tâm từ tổ chức bộ máy, kinh phí sự nghiệp, trang thiết bị, cơ sở vật chất đến chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực. Trong quá trình phát triển, Vĩnh Phúc đã đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vẫn gặp khó khăn. Có thể thấy như việc đào tạo nhân lực để cập nhật với công nghệ hiện đại; việc quản lý ứng dụng công nghệ; việc thẩm định, giám sát chuyển giao công nghệ; việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng…
Nhìn từ chiều sâu của tiến trình lịch sử, nhân loại thấy rõ vai trò ngày càng cao của lao động tri thức. Cùng với quá trình hình thành cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế tri thức là sự hình thành lực lượng lao động mới, được gọi là lao động tri thức vừa có tính chất chuyên nghiệp, vừa có tính chất liên ngành, tiêu biểu cho giai đoạn “khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp”.
Nhưng khi nói đến chỉ số khoa học đứng thứ 90 không có nghĩa là chỉ liên quan đến khoa học và công nghệ, cũng không có nghĩa là chỉ liên quan đến công nghệ sản xuất, mà liên quan đến cả chính sách, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư. Có hay không, ít hay nhiều chính sách chưa thực sự coi KH&CN là quốc sách, là động lực, là chìa khoá quan trọng bậc nhất để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? Cái cụm từ “đi tắt, đón đầu” vẫn chấp chênh khi hàm lượng công nghệ, tri thức trong mỗi sản phẩm vẫn chỉ đứng rất xa vòng hội nhập.