Tình quân dân đằm thắm
Ngày đăng: 22/11/2023; 122
(Nhân đọc tập thơ “Biên giới lòng dân” của Nguyễn Đức Việt, Nxb. Hội Nhà văn, 2019)
 
NGUYỄN NGỌC TUNG
 
       “Biên giới lòng dân” (Nxb. Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ được nhà thơ Nguyễn Đức Việt - Hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc sáng tác từ năm 1976 đến năm 1986 trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Tập thơ gồm 55 bài thơ ghi lại cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt mà hào hùng của quân và dân ta trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc. Cuộc chiến đấu dù đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng những câu thơ của người lính trực tiếp chiến đấu ngày ấy vẫn ấm nồng hơi thở, đọc lên vẫn dào dạt bao niềm cảm xúc.
       Tập thơ mở đầu bằng bài thơ “Nhớ bạn”: "Có một ngày không ai có thể quên/ Lũ giặc "con trời" tràn lên cao điểm/ Khẩu đại liên thù ngăn bước tiến/ Bạn hy sinh trong tư thế anh hùng". Không có cuộc chiến tranh nào là không đổ máu - đó là cái giá của Độc lập và Tự do. Đó là nghĩa vụ và niềm vinh quang mà lịch sử trao cho thế hệ thanh niên khi đất nước bị xâm lăng. Nguyễn Đức Việt là người chiến sỹ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, ông đã sống cùng những khoảnh khắc lịch sử, chớp được những cảm xúc giữa cái sống và cái chết mong manh giữa hai làn đạn: "Giặc lại bắn vào nơi ấy ngã ba/ Ngàn vạn quả trong nhiều ngày như thế/ Đường đất đá dăm tung bụi đỏ/ Cây gạo cao ngọn gục lưng trời... Những quả đạn điên cuồng lao tới/ Bao bản làng cháy trụi tan hoang" (Ngã ba Thanh Thuỷ) và "Cả Vị Xuyên thành chiến trường súng nổ/ Khẩu súng nào cũng khao khát lập công" (Nhớ bạn). Câu thơ "Khẩu súng nào cũng khao khát lập công" phản ánh ý chí quyết chiến, quyết thắng hừng hực không ngại gian khổ, không sợ hy sinh vì Tổ quốc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của cả dân tộc ta mà những người chiến sỹ trên mặt trận là những chiến sỹ xung kích.
       Trong tập thơ tác giả đưa ta đến những tên đất, tên làng nơi biên cương thân thương và anh dũng như: Bản Khẻn, Linh Hồ, Phú Lĩnh, Nậm Tà, Nậm Tẹ, Lao Chải, Thanh Thuỷ, Cao Bồ, Cổng Trời, Quản Bạ, Đồng Văn, Phó Bảng, Yên Minh, Bắc Quang, Nông Tiến... Gặp những đồng bào Tày, Mán, Cao Lan, Kinh... "Cùng có mặt nơi tiền tuyến/ Coi nhau như thể anh em một nhà" (Như trong một nhà). Càng trong gian khó, càng thấy rõ tình quân dân gắn bó keo sơn, các dân tộc kề vai sát cánh cùng chung một ý chí quyết chiến, quyết thắng: "Quản chi vất vả gian lao/ Khi súng đạn, lúc muối rau ngược rừng/ Quân dân chung sức chung lòng/ Quyết tâm gìn giữ một vùng nước non" (Ai lên Nậm Tẹ chiều nay). Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi khi đất nước bị giặc ngoại bang xâm chiếm, tinh thần ấy lại được phát huy hơn bao giờ hết "Dân thương, củ sắn củ khoai/ Bát chè xanh cũng nhớ hoài các anh... Dân quý bộ đội như con/ Trai trăm xứ vẫn vẹn tròn tình quê" hay "Đạn vang khốc liệt gần xa/ Vì lẽ sống cả quê nhà đứng lên... Bao nhiêu gian khổ ngày qua/ Có dân biên giới vững như thành đồng" (Bên một dòng sông). Hay "Lòng dân vùng đất biên cương/ Chưa một lần sợ đạn bom quân thù... Nậm Tà bản nhỏ lưng trời/ Hiên ngang như một pháo đài quê hương" (Lên Nậm Tà).
       Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, không chỉ những người lính mặc quân phục, đội mũ sao vàng mới làm nên chiến tích, mà biết bao người dân bình thường cũng dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm nên bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc "Vẫn là em người con gái Nậm Tà/ Nghe súng giặc băng nhanh lên điểm tựa/ Nguy hiểm đấy vẫn không hề run sợ/ Cứu thương binh giành sự sống cho đời" (Cô gái Tày). Mỗi lần nhớ về những ngày sống và chiến đấu ở Hà Giang, nhà thơ Nguyễn Đức Việt lại như muốn nói lời tri ân với đồng bào dân tộc đã đùm bọc ông và đồng đội "Có phải xa quê đi chiến đấu/ Ân tình cá nước mãi còn thơm” (Tạ ơn người). Trong cuộc chiến đầy cam go và quyết liệt, tình yêu, tinh thần lạc quan của người chiến sỹ với quê hương xứ sở mù sương trên cao nguyên đá thơ mộng càng sâu nặng, ân tình: "Người yêu đất đến mê say/ Nên tình đất vẫn dâng đầy hương thơm... Khẻn bao giờ cũng nhớ anh/ Ôi câu hát cứ ngỡ mình đang yêu" (Khẻn mãi trong tôi). Hay "Lên Hà Giang chưa vào Thanh Thuỷ/ Nghĩa là duyên nợ mãi không thôi" (Ngã ba Thanh Thuỷ), "Phải không em trong gió lạnh sương chiều/ Tình anh đó gửi vào bao nỗi nhớ... Chỉ có quê hương chan chứa tình người/ Sẽ hóa thành ngọn lửa ấm muôn nơi" (Khi mùa đông đến).
       Cuộc sống của chiến sỹ dù thiếu thốn, gian khổ những cũng rất lãng mạn, nhân văn. Trong bài thơ "Tình yêu nơi biên giới" tác giả viết về một người vợ chiến sỹ, mới cưới xong mà chồng phải về đơn vị, chị vợ lên chơi "Đơn vị dành cho một căn hầm/ Hết phiên tuần tra chồng vào thăm... Hơn tháng sau ngày quyết tâm ấy/ Vợ viết thư lên "khác trong người"/ Cả đơn vị bỗng nhiên nhìn thấy/ Anh chồng làm việc tăng gấp đôi". Đến đây tôi chợt nhớ bài thơ "Nhớ vợ" của nhà thơ Cầm Giang thời đánh Pháp ở Điện Biên: "Tôi nhớ vợ tôi lắm/ Xin được về hai ngày/ Nhà tôi ở Mường Lay/ Có con sông Nậm Rốm/ Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn trúng Tây/ Vì tay có hơi vợ...”.
      Tập thơ “Biên giới lòng dân” dù đã có những thành công nhất định nhưng tôi tiếc một vài câu thơ nhà thơ còn dễ dãi, ngôn ngữ khẩu hiệu như: "Quyết tâm gìn giữ một vùng nước non" (Ai lên Nậm Tẹ chiều nay) hay "Bàn chân vẫn bước tiến lên không ngừng" (Ngấm vào trong tim). Mong rằng những tập thơ sau, tác giả sẽ có những sáng tác mới hay hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của độc giả.
 
N.N.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc