VĂN GIÁ
Có những người sinh ra dường như chỉ để làm nhà phê bình văn học. Nhưng có nhiều trường hợp, họ không chỉ là nhà sáng tác, mà đồng thời còn là một nhà lý luận, nhà phê bình Văn học. Trên thực tế, mỗi nhà sáng tác cũng đã ẩn tàng một nhà PBVH, ít nhất để tự ý thức về lao động viết và tác phẩm của mình. Ngoài ra, nhiều khi họ còn muốn lên tiếng về tác giả, tác phẩm, vấn đề, hiện tượng nào đó của đời sống văn học nói chung. Khi ấy, nhu cầu viết phê bình Văn học xuất hiện, thôi thúc.
Trang TTĐT Hội VHNT Vĩnh Phúc xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu - phê bình Văn học Văn Giá tập trung bàn về kỹ năng viết phê bình Văn học, xem như những gợi ý thiết thực cho những người muốn viết phê bình Văn học.
NGUYÊN TẮC TƯ DUY PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Phê bình Văn học (PBVH) là một hoạt động tiếp nhận đặc biệt, vượt khỏi tiếp nhận đại chúng để trở thành tiếp nhận chuyên nghiệp. Vì thế, nó rất cần tuân thủ những nguyên tắc trong quá trình tiến hành PBVH, và ứng xử của PBVH đối với toàn bộ tiến trình văn học nói chung.
Thứ nhất, đảm bảo tính hệ thống
Tính hệ thống trước hết được hiểu cần phải đặt trường hợp phê bình vào trong toàn bộ sáng tạo của mỗi nhà văn. Khi đi vào một tác phẩm hay một vấn đề/phương diện nào đó của tác phẩm, của nhà văn, phải có cái nhìn toàn diện về chính nhà văn đó. Nếu tách chúng ra khỏi sự nghiệp chung của nhà văn rất dễ dẫn đến những khái quát sai hoặc không trúng. Ví dụ, khi phân tích tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao, có người chỉ nhấn mạnh vào phẩm chất tình thương đối với con người và con vật nuôi của Lão Hạc, từ đó khái quát về chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao. Điều này không sai, nhưng không trúng trọng tâm. Toàn bộ các sáng tạo của Nam Cao không chủ yếu nhằm vào ca ngợi lòng thương người, mà ông đặt ra vấn đề nhân cách con người: Bảo toàn và gìn giữ nhân cách như thế nào, và một vế khác là con người bị tha hóa, đổ đốn về nhân cách như thế nào. Cho nên câu chuyện “Lão Hạc” là câu chuyện của việc làm sao bảo toàn được nhân cách trong một đời sống khốc liệt và khốn khó như vậy. Để bảo toàn nhân cách cho khỏi sa ngã, khỏi bị tha hóa, lão Hạc đã tìm đến cái chết, không thể khác, một lựa chọn đau đớn của kiếp người. Đó là ý nghĩa sâu sa và lớn lao của tác phẩm. Nếu không đặt tác phẩm vào trong toàn bộ sáng tạo của Nam Cao thì làm sao có thể có một khái quát như vậy.
Việc đọc toàn bộ các sáng tác của một nhà văn cũng vất vả, chứ không dễ và không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, nếu không đọc được hết thì cũng phải đọc được tất cả những thành tựu quan trọng, tiêu biểu nhất, hay nhất của mỗi nhà văn. Làm sao nhận được đó là những tác phẩm hay nhất cũng là thử thách của mỗi người làm phê bình. Những giá trị độc đáo, khác biệt của mỗi nhà văn chỉ hiện lên qua những tác phẩm sáng giá nhất, hay nhất, có ý nghĩa tiêu biểu, đại diện. Nói như Hoài Thanh, thơ dở không đại diện cho một cái gì hết. Ví dụ, để hiểu tài năng và những đóng góp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho nền văn xuôi Việt Nam đương đại, trong khi số lượng tác phẩm của ông quá lớn, khoảng 60 tựa sách (không kể số tập của mỗi tựa sách) có thể chỉ cần đọc mấy truyện dài dưới đây: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Lá nằm trong lá, Ngồi khóc trên cây, Tôi là Bê-tô, Chúc một ngày tốt lành, Cảm ơn người lớn, Ngày xưa có một chuyện tình… Qua các tác phẩm này thấy được văn của Nguyễn Nhật Ánh là văn của những nỗ lực gắng gỏi muốn/phải làm người lớn, trở thành người lớn của những đứa trẻ trong vẻ đẹp cao quý, cảm động và kiêu hãnh; rằng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bảo toàn được một tâm hồn vô nhiễm, trong lành, mãi là trẻ thơ, mãi thuộc về trẻ thơ, cho trẻ thơ; rằng anh là hiệp sĩ của tuổi thơ, của những gì thuộc về tuổi thơ.
Một ví dụ khác nữa. Ở các lần xuất bản, tái bản khác nhau, câu thơ trong bài Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ khi thì in: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”, khi lại in: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Năm 2016, nhân đề thi môn Ngữ văn PTTH, lấy đoạn thơ có câu thơ này làm ngữ liệu, đã khơi lên vụ tranh luận rôm rả, chia làm hai phe “bùn” và “lụa”, không bên nào chịu nhường bên nào. Nhà NCPB Chu Văn Sơn, bằng thao tác thống kê phong cách học về tần số lặp lại của chữ “bùn”, thấy đây là chữ trở lại nhiều lần trong các thi phẩm khác nhau của nhà thơ, cộng với việc chỉ ra tư tưởng thương tiếng Việt, thương người Việt của nhà thơ Lưu Quang Vũ mà câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” được viết lên. Nhờ coi trọng cái nhìn hệ thống, chỉnh thể mà ông đã lập luận một cách xác đáng và thuyết phục:
“Rọi vào phong cách tác giả, thì thấy Lưu Quang Vũ không chỉ là “hồn thơ đắm đuối” (chữ Vũ Quần Phương) mà còn là hồn thơ luôn xót xa dằn vặt. Cả hai tiếng nói này có lúc tách, lúc nhập, nhưng thường quyện nhau trong các tiếng thơ Lưu Quang Vũ.
Soi vào chỉnh thể thi phẩm Tiếng Việt, thì thấy Lưu Quang Vũ không chỉ yêu tiếng Việt mà còn thương tiếng Việt. Nó hiện ra thành cả niềm ca ngợi đến đắm đuối, cả nỗi xót xa đến đớn đau. Hai cảm hứng ấy cứ nương nhau, hòa vào nhau trong cùng một hình tượng xuyên suốt: tiếng Việt là thân phận người Việt, nó mang trong mình cả vẻ đẹp Việt lẫn nỗi khổ Việt. Và cùng hóa thân thành hai hệ thống hình sắc là: hình sắc của vẻ đẹp và hình sắc của nỗi khổ, chúng đan dệt nên thế giới thi ảnh của thi phẩm. Điều này thể hiện ngay trong câu chủ đề của toàn bài theo hướng khái quát: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trong đó, nếu lụa là hình sắc của niềm yêu, thì bùn là hình sắc của nỗi xót thương. Những nỗi niềm ấy đến cuối bài đã kết lại trong cùng một tiếng kêu sâu: “Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”1. Để có được một khẳng quyết như vậy về một câu thơ thôi, nhà phê bình phải đọc và hiểu toàn bộ sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ.
Tính hệ thống còn được hiểu gồm nhiều chỉnh thể khác nhau tùy thuộc vào cách nhìn khác nhau, như là một thời kỳ/giai đoạn văn học, một thể loại văn học, một trào lưu/khuynh hướng văn học, khu vực văn học… Thấy mỗi cá thể cây trong tổng thể rừng, và bao quát rừng để thấy rõ từng cá thể cây trong mối liên hệ ràng rịt giữa chúng, đó là tư duy hệ thống.
Thứ hai, tuân thủ tính lịch sử - cụ thể
Trong khi tư duy về đối tượng phê bình, người viết phải có cái nhìn rất thận trọng về bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mà đối tượng thuộc về hoặc liên đới. Bởi nhà văn và tác phẩm văn học bao giờ cũng gắn bó mật thiết đối với cuộc sống. Chỉ có thể đặt tác phẩm, nhà văn trong bối cảnh đó mới có thể hiểu đúng, hiểu sâu được. Nếu tách ra khỏi bối cảnh, chắc chắn sẽ có những cách hiểu hoặc khái quát lệch lạc, hời hợt, nông cạn. Ví dụ, nếu không đặt thơ Nguyễn Lương Ngọc vào những năm cuối thập niên 80, đầu những năm 90 tràn đầy khát vọng đổi mới cho thơ, chống lại những cái trì trệ, cũ kỹ đương thời thì không hiểu được Nguyễn Lương Ngọc, với một bản tính quyết liệt, sắc sảo, không che chắn, khi anh tuyên bố: “Khi mắt đã no nê/Những quy tắc lên men/Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/Có gì không ổn/Có gì như bệnh tật/Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ/Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/Chính nước mắt, hay máu tứa từ cái nhìn bền bỉ/Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/Nung chảy mình ra mà tìm lõi/Xé toang mình ra mà kết cấu” (Hội họa lập thể). Cũng như vậy, không thể hiểu một thông điệp tư tưởng quan trọng về loại nhân vật lạc thời trong “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp được ra đời năm 1986. Nếu cứ giữ mãi mô hình con người thời chiến, không có khả năng thay đổi, không chịu thay đổi sẽ bị lịch sử vượt qua, tất dẫn đến bi kịch; trong đó có cả cái dự cảm về một loại bi kịch khác trong xã hội hiện đại mà con người lâm vào. Tư duy lịch sử - cụ thể cũng sẽ mang đến một cái nhìn chân thực nhất cho các chủ thể phê bình.
Thứ ba, tìm kiếm và phát hiện các giá trị khác biệt độc đáo
Quan sát hiện nay, không thiếu những nhà phê bình thích “xếp chiếu” các nhà văn trong văn giới. Điều này có thể không sai, nhưng thực sự không hẳn cần thiết. Cái hay và được coi là đóng góp của mỗi nhà văn là tạo nên những giá trị khác biệt. Trong sáng tạo, không có khác biệt độc đáo sẽ không có gì hết. Nhà văn Phạm Thị Hoài có lần nói cái ý mỗi nhà văn phải trở nên “lạ hoắc” nếu anh muốn tồn tại. Dĩ nhiên, có những khác biệt thật lớn, tầm vóc, và những khác biệt nhỏ, khiêm tốn, nhưng tất cả đều đáng quý. Một người làm phê bình cần phải phát hiện ra được những khác biệt độc đáo được coi là thành công của mỗi nhà văn. Nguyên lý đúng và sai, hơn và kém sẽ dẫn đến loại trừ nhau, triệt tiêu lẫn nhau. Trong khi đó, nguyên lý khác biệt, sẽ hướng tới sự bổ sung cho nhau, tôn vinh lẫn nhau. Nhà phê bình cần xử lý tốt mối quan hệ giữa hai nguyên lý này trong việc tiếp cận đối tượng phê bình. Điều này liên quan đến chiều sâu tư duy và tư thế văn hóa của mỗi nhà phê bình.
Nhà thơ Lê Đạt, người luôn cổ súy cho sáng tạo và cách tân đã từng phát biểu:
“Tư duy là gốc của sự khác biệt, sự khác biệt là gốc của văn hóa.
Văn hóa chính là tri thức về sự khác biệt.
Không có khác biệt thì không có văn hóa, hay nói một cách tổng quát hơn, không có lịch sử”2
Nếu biết tôn trọng và phát hiện ra được sự khác biệt ở mỗi tác phẩm, mỗi nhà văn, cũng sẽ góp phần làm cho bài phê bình trở nên khác biệt. Nhờ vậy, thông qua đó, các cây bút phê bình mới có cá tính, không bị lẫn.
Thứ tư, cần phù hợp với tác phẩm và thể loại văn học
Khi PBVH lấy tác phẩm làm đối tượng khám phá của mình, người phê bình cần phải hiểu những đặc điểm, tính chất, đặc trưng của một tác phẩm văn học, trong đó quan trọng nhất là tính chỉnh thể của tác phẩm, các yếu tố cấu thành của tác phẩm, mối quan hệ của tác phẩm đối với chuỗi quá trình: hiện thực - nhà văn - tác phẩm - tiếp nhận - hiện thực. Đó là một quá trình diễn ra trong mối liên hệ ràng rịt, chi phối và tùy thuộc lẫn nhau, trong đó đơn vị tác phẩm là quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu người làm phê bình chỉ khép kín trong nội tại tác phẩm, hoặc ở chiều ngược lại, mở rộng vô hạn độ mối liên hệ giữa tác phẩm với các điều kiện ngoài nó đều không tránh khỏi cực đoan. Để kiểm soát được điều này, cần phải lựa chọn và tuân thủ một hướng tiếp cận khoa học với những giới thuyết cần thiết. Ví dụ, nếu lấy phê bình cấu trúc để giải mã tác phẩm, người làm phê bình đề cao tác phẩm, lấy văn bản tác phẩm làm nguyên tắc tối thượng. Nhưng một khi đã thấy được giới hạn của chủ nghĩa cấu trúc, họ lại tiến lên một bước nữa theo hướng giải cấu trúc, đặt ra và xem xét mối liên hệ giữa tác phẩm với bối cảnh lịch sử, tư tưởng, văn hóa của thời đại mà tác phẩm thuộc về.
Tác phẩm văn học bao giờ cũng thuộc về một thể loại nào đó. Ngay cả khi có tính chất đan xen thể loại, thì tác phẩm ấy vẫn thuộc về một thể loại nhất định mà ở đó có những đặc điểm ưu trội. Mỗi thể loại có những đặc trưng riêng, nên đòi hỏi phê bình về chúng, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc, phương pháp chung, cũng phải có những cách thức, thao tác đặc thù. Trong mỗi loại thể tự sự, trữ tình, kịch, chính luận văn học lại có các thể (tiểu thể) khác nhau. Ở mỗi tiểu thể (cấp độ chưa chắc đã phải thấp nhất) lại có những đặc trưng riêng. Nên với từng cấp độ, người làm phê bình cần phải tính toán sao cho có cách tiếp cận tương thích. Không thể tiếp cận phê bình tự sự giống với trữ tình, kịch. Cũng không thể triển khai cách thức và các thao tác giống nhau cho thơ cách luật và thơ tự do; thơ trung đại và thơ hiện đại/hậu hiện đại… Đây là một đòi hỏi rất quan trọng, đòi hỏi người làm phê bình am hiểu sâu rộng thể loại và tiến trình văn học. Nhà bác học người Nga M. Bakhtin (1895 - 1975) cho rằng lịch sử văn học trước hết là lịch sử hình thành, phát triển, tương tác giữa các thể loại; thể loại là “nhân vật chính yếu” của lịch sử văn học.
Nếu một nhà phê bình chuyên tâm vào một thể loại nào đó sẽ có khả năng chiếm lĩnh đối tượng bài bản hơn, nhờ vậy mang đến những kết quả khả dĩ hơn. Nhà phê bình Hoài Thanh trước đây, hay nhà phê bình Chu Văn Sơn sau này chỉ chuyên tâm phê bình thơ, và các công trình xuất sắc nhất của họ chỉ thuộc về phê bình thơ.
V.G
(Còn nữa)
1. Bài viết này đang nằm trong dạng bản thảo, chưa in bất cứ đâu. Chúng tôi đã xin phép gia đình Chu Văn Sơn được sử dụng phần trích tại đây.
2. Xem bài “Cái khác biệt”, in trong “Đối thoại với đời và thơ”, Nxb Trẻ, 2008.