Tìm hiểu cách cấu tạo từ đa âm tiết trong tiếng Việt
Ngày đăng: 22/12/2023; 355
NGUYỄN QUÝ ĐÔN
 
Tiếng Việt được ghi âm bằng chữ cái A, B, C... trong tự mẫu La Tinh. Vì vậy, bản thân từng con chữ không mang ý nghĩa gì. Nội dung, sắc thái của mỗi từ là do việc phát âm mà có. Riêng các từ gốc Nho, nếu viết bằng bút lông theo cổ truyền thì 10 nét cơ bản (chấm, vạch ngang, xổ, xổ móc, phẩy, mác, hất, uốn móc, uốn hất, bẻ gập) và 227 bộ chữ thông dụng mới tự thân có ý nghĩa văn tự.
Thí dụ: Nét ngang (chữ Nhất 一) mang ý nghĩa bầu trời, mặt đất. Cho nên chữ Thượng (上)có nét ngang ở dưới chỉ mặt đất, nét chấm (ngang nhỏ) ở trên để biểu thị là trên. Chữ Hạ (下) có nét ngang ở trên để chỉ mặt đất, nét chấm ở dưới để biểu thị là dưới. Chữ Nhân (仁) có bộ Nhân (仁人) chỉ người, hai vạch ngang thì vạch trên biểu thị trời, phía trên; vạch dưới biểu thị đất, phía dưới. Cả chữ Nhân nói lên: “Con người biết kính trời, sợ đất, sống có trên, có dưới là con người nhân hậu, có lòng vị tha”. Bởi vậy, chữ Nho cổ truyền mới thể hiện cái đẹp, cái nghĩa lý ở Thư pháp. Còn tiếng Việt viết bằng chữ cái La tinh, chỉ có thể viết theo các kiểu chữ: Chữ in, chữ hoa, chữ viết tập (chữ thường dùng), chữ rông (uốn tròn bằng bút rông), chữ gô-tích (chữ vuông có cánh), chữ Fantaisie (chữ cách điệu), lấy cái đẹp ở sự cân đối, đều đặn, hoa mỹ làm chủ đạo.
Chữ cái theo tự mẫu La tinh của các nước châu Âu, tiêu biểu là chữ Pháp thì tự dạng của nó cũng có ý nghĩa, chưa nói gì đến nội dung. Người ta phân biệt giống đực, giống cái của mỗi từ bằng mạo từ như Le (lơ), UN (oong) đứng trước danh từ giống đực, La (la), UNE (uyn n/), đứng trước danh từ giống cái. Về số, các từ phương Tây có số ít, số nhiều, biểu thị bằng chữ Les (lê), Des (đề), chữ S hoặc NT. Về ngôi thứ thì chia làm 3 ngôi: Tôi, mày, nó và các đại danh từ nhân xưng, có số ít (số 1), số nhiều (từ 2 từ trở lên) biểu thị bằng tiếp vĩ ngữ.
Các từ phương Tây thường đa âm tiết, viết liền với nhau. Còn các từ của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cao, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam... dù đa âm hay đơn âm cũng đều viết tách rời nhau từng tiếng một. Các giống, số, ngôi thứ, quá khứ, hiện tại, tương lai... đều biểu hiện bằng từ, chứ không phải bằng ký hiệu trên chữ. Cách phát âm của người phương Đông lại tùy theo vùng, miền mà nặng, nhẹ khác nhau, có sắc thái biểu cảm khác nhau, nên rất dễ lẫn lộn, thiếu rành mạch. Thí dụ:
- Mai đi chợ, chơi nhé! (ch/ không dấu, é)
        - Mai đi chợ trời nhá! (tr/ dấu huyền, á)
Bởi vậy, cách chia TỪ TIẾNG VIỆT thành các loại từ khác nhau như danh từ, đại từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ, liên từ, thán từ... chỉ là tương đối, theo nội dung ý nghĩa của từ, chứ không căn cứ vào hình thái của chữ, quan hệ ngữ pháp của câu.
Tùy theo trình độ học vấn, nghề nghiệp và thói quen, câu nói của người Việt Nam có thể chỉ hoàn toàn là các từ ĐƠN ÂM TIẾT.
“Mới học lên lớp 9, em Hoa đã tỏ ra có khiếu làm thơ, viết văn. Em đứng đầu lớp về môn tiếng Việt. Nhiều tờ báo ở vùng miền đã in bài của em trên trang “Ngòi bút xanh”...
Cũng vẫn là người Việt Nam, muốn làm cho giọng văn trở nên trang trọng, nghiêm túc, tỏ rõ một phương châm hành động quyết liệt, có thể viết thành đoạn văn hầu hết là từ ĐA ÂM TIẾT.
“Khai thác, phát huy mọi lợi thế, tiềm năng cho phát triển, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị tăng cao”.
Cách cấu tạo từ ĐA ÂM TIẾT (từ 2 âm tiết trở lên) được tiến hành bằng biểu phương thức khác nhau, ta có thể nhận biết như sau:
1. Dùng một từ có nghĩa chính đặt lên một âm tiết cùng vần hoặc cùng phụ âm.
Lom khom - Xấu xa
Mân mê - Hẹn hò
Mò mẫm - Tênh nghếch
Hôi hám - Dai dẳng
Vội vàng - Ngẩn ngơ
2. Dùng một từ có nghĩa, lấy phụ âm của nó cộng với iếc
Học hiếc - áo iếc - gớm ghiếc
Sách siếc - tử tiếc - mời miếc
3. Dùng một từ chỉ màu sắc hoặc trạng thái cộng với âm tiết bổ sung
Đỏ loét - Đỏ chon chót
Đỏ chói - Đỏ hon hỏn
Xanh rì - Trắng hêu hếu
Trắng toát - Trắng phau
Bạc phơ - Đứng sừng sững
Ngồi lù lù - Gầy hom hem
4. Dùng một từ tiếng Việt cùng nghĩa với từ gốc Nho và ngược lại
Sinh đẻ - quê hương               Vòng xuyến - hàng hóa
Sinh nở - quê quán                 Nhẫn nhịn - chuyên chở
Sinh sống - thơm phức            Thông suốt - sách vở
5. Dùng hai âm tiết không nghĩa thành một từ đa âm tiết
Lơ thơ,  hí hoáy,  tò mò, lèo tèo, vồn vã, lún phún, lăn tăn, lác đác, phấp phới, ti toe, lóc cóc, sướt mướt, lấm lét, tòm tem, tủm tỉm...
6. Nhắc lại âm tiết chính để làm từ lấp láy
Khom khom, xa xa, song song, mờ mờ, ảo ảo, xanh xanh, đo đỏ, trăng trắng, dần dần...
7. Mỗi âm tiết là một từ, kết hợp với nhau thành nghĩa mới
- Mè nheo: Cá mè có mùi tanh, cá nheo có lắm nhớt, là những thứ gây khó chịu. Mè nheo là nài nẩm, quấy quả làm người ta khó chịu.
- Đầm đìa: Vùng trũng nông, ngập nước là đầm. Vùng trũng có bờ thông ra biển hoặc sông gọi là đìa. Đầm đìa mang nghĩa mới là nhiều nước, đẫm nước, như “Nước mắt đầm đìa”.
- Tổ chức: Tổ là đan, chức là dệt, có sợi ngang sợi dọc, sợi trên, sợi dưới, bện lại với nhau, biến thành nghĩa mới là: cắt đặt, sắp xếp.
- Mâu thuẫn: Mâu là ngọn giáo, thuẫn là cái khiên. Ngọn giáo thì sắc nhọn, cái khiên thì dày, chắc, làm bằng gỗ tốt hoặc kim loại. Giáo để đâm, khiên để đỡ. Hai thứ đó chống lại nhau, khó hòa hợp, biến thành nghĩa mới là: đối lập nhau.
- Can đảm: Can là gan, đảm là mật. Hai bộ phận này tác động đến sắc mặt, làm tái mét, hoặc đỏ bừng khi gặp chuyện xung đột, biến thành nghĩa mới là: dũng cảm.
- Khoái chá: Khoái là nem, chá là chả. Khoái chá là hai món ăn ngon, biến thành nghĩa mới là thích thú.
- Thiết tha: Thiết là cắt cửa, tha là mài giũa, biến thành nghĩa mới là gắn bó lắm.
- Tử tế: Tử là nhỏ bé, tế là tinh vi để chỉ những người thợ thủ công có bàn tay khéo léo, biến thành nghĩa mới là đúng đắn, hẳn hỏi.
8. Biến địa danh Nôm thành tên chữ bằng cách phiên âm (đánh vần)
- Chèm (Nôm) đánh vần thành từ (ch) liêm (èm)
- Cánh thành Hương Canh
- Láng thành Yên Lãng
- Hốp thành Hợp Thịnh
- Lác thành Yên Lạc
- Láp thành Yên Lập
- Tiếc thành Tích Sơn
- Noi thành Nội Phật
- Quýt thành Quất Lưu
- Huế thành Thuận Hóa
- Báng thành Đình Bảng
9. Xếp các từ cùng loại thành từ khái quát
- Áo quần, chăn chiếu, nhà cửa, hoa quả, phố xá, ruộng vườn, ao chuôm, tôm cá, vợ con, họ hàng, bánh trái, bú mớm...
10. Thêm chữ , chữ bất lên tên, hoặc tập hợp các âm tiết cùng vần.
- Vô gia cư, vô tích sự, vô hình chung, bất thành tự, bất thình lình, bất lịch sự, bất đắc chí, bất đắc kỳ tử, lơ tơ mơ, ba lăng nhăng, lùng tùng xòe...
11. Tách đôi từ song âm tiết, lấy phụ âm + A chêm vào
- Vớ va vớ vẩn, mập mà mập mờ, lừng khà lừng khừng, nhí nha nhí nhảnh, lờ đà lờ đờ, ấm a ấm ớ, tí ta tí tởn, lúng ta lúng túng...
12. Lặp lại 2 lần mỗi âm tiết trong từ
- Ngó ngó nghiêng nghiêng, vội vội vàng vàng, hớn hớn hở hở, cười cười nói nói...
13. Bắt chước tiếng động ngoài môi trường làm thành từ tượng thanh
- Chiêm chiếp, róc rách, sình sịch, ríu rít, ầm ầm, tí tách, khúc khích, ào ào...
14. Bắt chước dáng vẻ sự vật làm thành từ tượng hình
- Khúc khuỷu, gồ ghề, quanh co, gập ghềnh, lởm chởm, lưa thưa, lồng bồng, cuồn cuộn, lúc lắc...
Ngoài ra người viết dùng từ gốc Nho, có thể tạo ra vô số từ đa âm tiết, như: Mở mang thành phát triển, máy bay thành phi cơ, tên lửa thành hỏa tiễn, tàu hỏa thành hỏa xa, trẻ trâu thành mục đồng, thuốc phiện thành nha phiến, quần áo thành y phục, qua đời thành từ trần, hỏi riêng thành tư vấn... Điều cần nêu ra là: “Các từ đa âm tiết có nên viết rơi từng âm tiết hay không?” còn vấn đề phải lưu ý là dùng từ đa âm tiết gốc Nho cho thật đúng nghĩa, đúng chỗ, tránh dùng theo cảm tính, khiến hư hỏng cả cái hay cái đẹp của tiếng Việt. Thí dụ:
- Đồng trụ: Đồng là kim loại có sắc đỏ hoặc vàng. Trụ là cái cột. Thời Hai Bà Trưng, Mã Viện huênh hoang khoe thành tích của mình và đe dọa dân Giao Chỉ bằng cách trồng một Đồng trụ ở Quảng Đông. Trên cột có khắc chữ “Đồng trụ chiết, giao chỉ diệt”. Bây giờ các cột ở ngoài cổng đình, chùa, miếu, từ đường được xây bằng gạch, hình hộp chữ nhật. Sao lại gọi là cột đồng trụ được? Ta phải gọi là cột phương đăng trên đỉnh cột có ô thắp đèn, hoặc gọi là phương trụ, nghĩa là cột hình vuông.
- Phi vụ: Phi là bay, vụ là cuộc, là việc, như vụ cháy, vụ trộm. Phi vụ là cuộc bay của máy bay. Thí dụ: “Chúng tổ chức hàng trăm phi vụ để đánh phá miền Bắc mà không thể nói: “Ta đã triệt phá được phi vụ buôn ma túy lớn ở biên giới”.
- Thương hiệu: Thương là buôn bán, hiệu là tên gọi (nhãn, mác). Thuật ngữ được dùng trong giới doanh nhân, ca ngợi các mặt hàng được nhiều người biết đến, tăng giá trị kinh tế. Nếu dùng từ thương hiệu gán cho các bậc danh y, thầy giáo dạy giỏi, nhà văn nổi tiếng... là sỉ nhục người ta chỉ biết lấy tiền, không biết gì đến nghĩa vụ nghề nghiệp.
- Kịch bản: Kịch là trò diễn, bản là tập sách. Kịch bản là tập sách viết về trò diễn. Từ này chỉ dùng trong các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của phim ảnh, sân khấu... như kịch bản phim, kịch bản tuồng, chèo, kịch bản múa rồi... kịch bản phản ánh hiện thực xã hội, nhưng phải sử dụng cách hư cấu mới dựng thành phim, thành vở diễn được. Còn dùng từ kịch bản để thể hiện những việc làm nghiêm túc, minh bạch, chính xác, khoa học... là viết “bậy”, nói “bậy”, bao hàm ý nghĩa giả dối, đóng kịch như:
- Thực hiện kịch bản phòng chống dịch Covid-19 tái phát...
- Có kịch bản xây dựng nông thôn mới bền vững...
- Hải quan: Hải là biển (bể), quan là cửa ngõ. Hải quan là chỗ cửa biển, có trạm kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Như vậy, giữa đồng bằng hay trên núi rừng, làm gì có hải quan? Phải chăng là thuế quan?
Học tiếng Việt không phải dễ. Rất may, ta là người Việt Nam, không phải học cũng biết, có thể “lắm mồm, bẻn mép, nói xoen xoét” được. Nhưng như thế là chủ quan đấy. Ta nói: Mặc áo, đội mũ, đi giày, chít khăn, đeo găng, quàng khăn, đi tất... rõ ràng các động từ: mặc, đội, đi, chít, đeo, quàng... đã phân biệt từng loại y phục và từng bộ phận cơ thể. Nhưng đối với người phương Tây chỉ có gọn một chữ mang như mang áo, mang mũ, mang giày, mang khăn, mang găng, mang tất... thiếu sắc thái biểu cảm như tiếng Việt. Lại nữa: gội đầu, lau mặt, rửa tay, tắm táp, cọ chân, kỳ lưng... Trong khi tiếng Pháp chỉ gọn một chữ là lau. Có khiêm tốn đến mấy ta cũng phải tự khen “tiếng Việt rất tinh tế”. Chính vì thế mà những người cầm bút, những người dẫn chương trình cần hết sức thận trọng như cụ Khổng đã bảo: “Quân tử thận ư ngôn”.
 
N.Q.Đ
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc