Phạm Công Bình - Trạng nguyên đầu tiên của Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 22/11/2023; 564
THANH HẢI                                     
 
       Trạng nguyên Phạm Công Bình (chưa rõ năm sinh năm mất) là người An Lạc, huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh An, thị trấn Sơn Tây (nay là thôn An Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông là danh nhân văn hóa đầu tiên của Vĩnh Phúc và cả vùng đất xứ Đoài. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là bài học quý báu, là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau noi theo.
       Con đường tìm người tài trước hết là khoa mục, muốn thu hút người tài năng tuấn kiệt vào phạm vi của mình thì người làm vua một nước không thể nào không lấy khoa cử làm trọng. Nước Đại Việt ta kể từ các thời Đinh - Lê về trước chưa có khoa cử, triều đình dùng người không câu nệ, việc cất nhắc còn rộng rãi, chưa có điều mục quy định rõ. Đó cũng là mặt hạn chế của một đất nước bắt đầu xây dựng Nhà nước phong kiến tự chủ. Bước sang nhà Lý (1010 - 1225) văn hóa mở dần: “Năm Thái Ninh thứ 4 (1075), Lý Nhân Tông, tháng 2 hạ chiếu chọn người giỏi kinh, học rộng và thi Nho học tam trường…; năm Đại Định thứ 13 (1152), triều Lý Anh Tông mùa Đông tháng 10 có thi Đình…” (Lịch triều hiến chương loại chí tập III của Phạm Huy Chú, Nxb. Sử học, Hà Nội 1961, tr6). Triều đình có quy chế dùng người, có điều mục và đại cương gần đầy đủ. Vì buổi đầu nên cách thức và niên hạn chưa được rõ ràng, nhưng chọn người cốt lấy khoa cử là chính, mở rộng phạm vi thu nhận nhân tài ngoài hoàng tộc. Bấy giờ nhân tài bốn phương đều ứng tuyển. Song các khoa thi chỉ ghi người đỗ đầu, còn số đỗ bao nhiêu thì không tài liệu nào ghi cả. Mà triều Lý Nhân Tông (1072 - 1127) có khoa thi: Năm 1075 (khoa thi đầu tiên) thi Nho học tam trường (số đỗ chưa rõ), đỗ đầu Lê Văn Thịnh, người xã Đông Cứu, huyện Gia Định (nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1086 (khoa thi thứ 2) thì những người có văn học trong nước bổ dụng vào làm quan ở Hàn lâm viện, số đỗ chưa rõ, đỗ đầu Mạc Hiển Tích, người xã Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương). Sang triều Lý Thần Tông (1128 - 1138) thì không có khoa thi nào cả. Nhà Lý còn tổ chức một khoa thi nữa được ghi trong chính sử là năm 1185, khoa này thi học trò trong cả nước, tuyển được 20 người cho vào hầu học ở Ngự diên (nơi giảng sách cho vua). Nhà Lý về cơ sở vật chất của nền văn hiến Đại Việt cũng chỉ ghi chép được như thế. Việc đào tạo và giáo dục các địa phương trong cả nước hiện chưa hay biết gì thêm. Phạm Công Bình ứng thí qua các khoa thi của triều Lý Nhân Tông nằm trong lý do trên, nên không rõ Phạm Công Bình thi vào năm nào? Nhưng có giả thiết đưa ra là Phạm Công Bình ra ứng thí qua các khoa thi thứ 2 “thi những người có văn học trong nước bổ dụng vào làm quan tại Hàn Lâm Viện” chăng? Song đỗ đầu không phải là Phạm Công Bình. Qua khảo sát, nghiên cứu các tài liệu và dấu tích hiện còn tại đền thờ thôn An Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hiện còn bài vị thờ có ghi:
  “Giáp Thìn khoa bảng chiếm khôi nguyên
    Long cổn xuất thân đăng tiến sĩ
    Ngao đầu trúng tuyển vân ngũ sắc đan trì
    Nhạn tháp đề danh lôi nhất thanh ư địa bạch
  Tạm dịch: Người đỗ đầu (Trạng nguyên) khoa Giáp Thìn. Danh cao, đức lớn, tiếng tăm lẫy lừng trời đất (Thiều Quang dịch).
         Theo tư liệu này đối chiếu với triều Lý Nhân Tông (1075 - 1127) thì năm Giáp Thìn là năm 1124, niên hiệu Thiên Phù Duệ Võ thứ 5, mà các danh sách đăng khoa lục vẫn tồn ghi. Đó là khoa thi thứ 3 của triều Lý Nhân Tông mà không được chép trong chính biên. Điều này phù hợp với các sách sử ghi Phạm Công Bình đã đỗ, được bổ dụng làm quan và được ban Quốc tính (mang họ vua Lý Công Bình) qua những lần đi dẹp quân Chân Lạp, triều Lý xét công trạng và ban Quốc tính mà sử sách sau có chép Lý Công Bình: Trong Đại Việt sử ký toàn tập thư, tập I, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1967) Nxb. KHXH, Hà Nội 1983, trang 136 có ghi: “Năm Mậu Thân, Thiên Thuận thứ nhất (1128) triều Lý Nhân Tông ngày Giáp Dần, tháng Giêng hơn hai vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính… Tháng 3 (1128), Lý Công Bình đem quân về kinh sư, dâng tù 169 người…”; trang 327 lại ghi “Năm Đinh Tỵ Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 4 (1137), Lý Thần Tông. Mùa xuân tháng Giêng, châu Nghệ An chạy trạm tâu việc tướng nước Chân Lạp là Phá Tô Lăng (Việt Sử lược chép là Tô Phá Lăng) cướp châu ấy, xuống chiếu cho thái úy Lý Công Bình đem quân đi đánh. Công Bình đánh bại người Chân Lạp”… Cả hai lần đem quân đi đánh, đều thắng trận trở về, Lý Công Bình là người có công lớn trong triều Lý Thần Tông (1128 - 1138). Triều đại nhà Lý người có công lao, tài đức “Về sự tích công trạng rõ rệt ai cũng nghe thấy chỉ có 4 người là: Lý Đạo Thành, Lê Bá Ngọc, Tô Hiến Thành, Lý Kinh Tu. Thứ đến Lý Công Bình, Hoàng Nghĩa Chất dường cũng đáng khen, nhưng sự tích đầu đuôi không rõ, không thể chép vào đây” (trích Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, trang 184). Lý Công Bình sự tích không rõ đầu đuôi cũng bởi một lý do nữa là hạn chế của Lý Thần Tông: “… Quá thích điềm lành, sung thượng đạo Phật, thắng giặc cũng quy công cho Phật”… (trích Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, trang 106). Lý Công Bình làm thái phó triều Lý Thần Tông, mấy lần đem quân đi phá quân Chân Lạp đều thắng mà công trạng nhà vua lại quy công cho Phật nên chăng phần sử liệu về Lý Công Bình quá ít ỏi. Chính vì vậy mà Lý Công Bình phần sử liệu về quê quán, tuổi tác và sự nghiệp của ông sau triều Lý Thần Tông ra sao thì chưa thấy tài liệu nào ghi chép cả.
       Song căn cứ vào một số sử liệu trên, đồng thời nghiên cứu, khảo sát, dấu tích hiện còn và lưu truyền trong dân gian về Trạng nguyên đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc hiện còn tại làng An Lạc (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc) đã phần nào sáng tỏ về ông. Qua chuyện kể lưu truyền trong dân gian, sắc phong, câu đối tại đền thờ (Nhân dân địa phương quen gọi là đền Quan Trạng), cho thấy Phạm Công Bình sinh ra và lớn lên ở An Lạc huyện, Vĩnh An tỉnh, Sơn Tây trấn (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) và đỗ Trạng nguyên triều Lý qua đôi câu đối:
  “Sơn trấn Vĩnh An, An Lạc địa
  Lý triều chinh khánh, Trạng nguyên từ”
  Tạm dịch:
“Người An Lạc, tỉnh Vĩnh An, trấn Sơn Tây
  Trạng Nguyên triều Lý có công lớn được dựng đền thờ”
(Thiều Quang dịch)
        Và ông đỗ thứ nhất (trong khoa thi thứ 3 của triều Lý Nhân Tông) vì triều Lý cho đỗ Tam Giáp (nhất - nhị - tam). Đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247), triều Trần Thái Tông mới lấy Tam Khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Nên Nhân dân gọi là đền thờ Quan Trạng (vì đỗ đầu) sau này tên gọi thành quen và các triều vua đều phong sắc Trạng nguyên Phạm Công Bình: “Vĩnh An tỉnh, An Lạc huyện, An Lạc xã trong tiền phụng sự Lý triều Trạng nguyên Phạm Công Bình, quý công tôn thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng…” (trích sắc Khải Định năm thứ 2, 1917). Cùng bức đại tự “Long đầu trọng vọng”, chứng tỏ Phạm Công Bình là người có tài văn võ, công lao đứng đầu triều Lý Thần Tông (1116 - 1138), được nhà vua rất mực tin dùng, giao cho nhiều trọng trách. Công trạng ấy được ghi nhận qua đôi câu đối ở đền như một vị thánh giúp nước phù tá cho dân:
“Lôi thanh lâm trận khôi tam giáp
Vũ hóa ân chiêm trạch tứ dân”
Tạm dịch:
Công lao dẹp giặc của Phạm Công Bình
Ví như mưa lớn đem lại lợi ích ấm no, hạnh phúc cho bốn dân (bốn phương)
                                                                         (Thiều Quang dịch)
       Ngoài đền thờ và các dấu tích hiện còn tại thôn An Lạc (xã Đồng Văn ngày nay) trong phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc không có đền thờ và tài liệu nào ghi chép lập đền thờ Phạm Công Bình.
       Qua các tài liệu ghi chép và dấu tích hiện còn ta có thể kết luận Phạm Công Bình là người An Lạc, huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh An, thị trấn Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Sau  khi đỗ đạt được phong quan tiến chức, lập công lớn được sử sách lưu truyền, Phạm Công Bình được Nhân dân địa phương lập đền thờ ghi nhớ muôn đời. Trải qua các triều đại song đền thờ vẫn được bảo tồn, trân trọng. Đền thờ là di sản văn hóa quý báu mà sự nghiệp Phạm Công Bình được ghi nhận. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của thiên nhiên, sự thay đổi của xã hội, song tên tuổi Phạm Công Bình vẫn được Nhân dân lưu truyền gìn giữ. Dù ở mức độ khác nhau: tương truyền, chuyện kể, dã sử hoặc chính sử, tựu chung lại đều ghi lại công lao, tài đức của Phạm Công Bình - người đầu tiên đem ánh sáng văn hóa của vùng đất này, phục vụ sự nghiệp của đất nước mà các thế hệ sau đều chiêm bái, ngưỡng mộ.
        Hiện nay ở Yên Lạc có hai trường học mang tên Phạm Công Bình là Trường Trung học cơ sở Phạm Công Bình, xã Đồng Văn và trường Trung học phổ thông Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc. Có hai đường phố ở thị trấn Minh Tân và Thành phố Vĩnh Yên mang tên Phạm Công Bình. Đồng thời, Phạm Công Bình được thờ và mang danh tiến sĩ ở Trung tâm Khoa học (Văn Miếu tỉnh). Đền thờ Phạm Công Bình ở An Lạc là di tích tiêu biểu về lưu niệm danh nhân văn hóa đầu tiên của Vĩnh Phúc và cả vùng đất xứ Đoài. Phạm Công Bình có học vấn cao sâu, uyên bác, thông thái văn chương, tài về quân sự, ông đã mang lại kết quả to lớn qua hai lần đi đánh quân Chân Lạp, cứu nguy cho đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là bài học quý báu, là tấm gương sáng cho chúng ta và thế hệ mai sau noi theo. Đồng thời, Phạm Công Bình còn là người khai khoa mở đường cho hàng trăm nhân tài của vùng đất này, qua các triều đại tiếp theo đem tài năng phục vụ đất nước, dân tộc.
 
T.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc