Thể tài du ký trong văn học
Ngày đăng: 17/05/2022; 224

                                                                                                                                   ĐÀO TIẾN THI

 

Du ký là một thể tài văn học quan trọng, nhưng trước đây chưa bao giờ được đưa vào chương trình và sách giáo khoa (sách Văn học trước kia và Ngữ văn bây giờ) với tư cách là một thể loại/ thể tài trong "gia đình" văn học. Thượng Kinh ký sự của Lê Hữu Trác thực sự là một tác phẩm du ký nhưng được học với tư cách ký sự. Điều này ngoài lý do bị "đóng cứng" bởi tên tác phẩm còn vì thể du ký suốt một thời gian dài bị lãng quên trên văn đàn Việt Nam.

Mới đây, cùng với sự trở lại của thể tài du ký trên văn đàn, thể tài này còn được đưa vào chương trình Ngữ văn 2018, cụ thể là Ngữ văn lớp 6 (2021). Nó trở nên mới mẻ và gây không ít bỡ ngỡ. Cho nên trong bài này chúng tôi dành để nêu những đặc điểm chính của thể du ký để bạn đọc hình dung. Với dung lượng hạn hẹp của một bài viết thì đây cũng chỉ là những phác họa sơ lược.

Du ký ở khu vực nào của văn học?

Theo cách chia phổ biến ở Việt Nam trong khoảng sáu mươi năm qua thì văn học (ở đây chỉ xét riêng về văn sáng tác) chia làm bốn loại: thơ ca, truyện (gồm truyện cổ dân gian, truyện ngắn, truyện dài hay tiểu thuyết, truyện thơ), kịch và ký.

Ký khác tất cả ba loại kia: ký ghi chép sự thực (nghĩa đen của từ tố Hán Việt "ký" nghĩa là "ghi chép", "ghi lại"), tức là những cái đã diễn ra trong thực tế (kể cả cảm nghĩ của người viết), không hư cấu. Nói một cách khác, trong khi thơ, truyện, kịch là hiện thực gián tiếp, là hiện thực đã được nhào nặn lại (hư cấu) thì ký là hiện thực trực tiếp. Ký là văn học phi hư cấu.

Thể ký gồm có các tiểu loại: ký sự, phóng sự, tùy bút, hồi ký, du ký, bút ký, ét-xe (essay) hay ký chính luận,…

Nội dung của du ký

Trong từ du ký thì du nghĩa là "đi chơi", thường chỉ những cuộc đi tương đối xa, tức là đi du lịch. Từ điển từ Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích du ký: "Sách ghi chép những điều trải qua trong cuộc du lịch". Trong văn bản tiếng Anh, cụm từ travel writing (ghi chép về cuộc du lịch) hoặc travel litrature (văn du ký) để chỉ thể du ký. Tuy nhiên khái niệm du ký trên thực tế được mở rộng. Không chỉ ghi chép khi đi du lịch mà có thể đó là những chuyến đi công vụ hay bất cứ chuyến đi nào thấy có điều mới lạ cần ghi chép, phổ biến. Dù đi đâu thì nhiệm vụ của du ký là ghi lại những điều tai nghe mắt thấy cùng những suy nghĩ, cảm xúc, lý giải của mình về những điều tai nghe mắt thấy đó.

Với nội dung nói trên, tên gọi "du ký" không chỉ thể hiện nguyên tắc phản ánh, mà còn hàm chứa cả nội dung phản ánh, cho nên du ký được coi là một thể tài (thể loại và đề tài) văn học, các nhà nghiên cứu thường gọi là thể tài du ký thay vì thể loại du ký.

Trong du ký luôn luôn có một cái "tôi" hiện diện: "Tôi" là người kể chuyện đồng thời cũng chính là người đi (lữ khách) và người đi cũng chính là tác giả[1].

Trong một tác phẩm du ký thường chứa các yếu tố sau:

(1) Sự đi. Đó là việc người đi kể lại quá trình diễn ra các sự kiện hoặc sự việc (theo thông lệ, sự việc là cấp độ nhỏ hơn sự kiện) của một chuyến đi. Một chuyến đi thường có các chặng: khởi hành, hành trình đi, diễn biến ở nơi đến, hành trình trở về và kết thúc. Nhưng thường người ta chỉ chú trọng kể về hành trình đi và những gì diễn ra ở nơi đến. Cũng có khi nơi đến chỉ thoáng qua, tất cả chuyến đi là một cuộc hành trình liên tiếp.

Du ký thường kể về những cuộc đi xa nhưng cũng không nhất thiết như vậy. Trước năm 1945, các trí thức Hà Nội chỉ đi ra ngoại thành thăm thú là có thể đã có những bài du ký hay. Nhà văn Tô Hoài khi đã 85 tuổi chỉ làm một vòng xe đạp quanh Hồ Tây (vốn đã rất quen thuộc với ông) đã có một bài du ký đặc sắc (Một cuộc chơi xuân).

(2) Sự thấy. Khi đi ra khỏi phạm vi sống quen thuộc, người ta thường để ý những cái lạ, từ sông núi, cỏ cây cho đến con người, con vật, món ăn,… Cũng có khi nơi đến đã quen thuộc nhưng nhờ tài quan sát, nhờ cách nhìn mới nên vẫn phát hiện ra nhiều điều mới lạ. Cho nên cùng với thuật việc, du ký luôn chú ý miêu tả, có khi miêu tả rất cặn kẽ. Miêu tả giúp cho người đọc "không đi mà thấy".

(3) Sự giới thiệu. Những điều tai nghe mắt thấy thường mới chỉ là dáng vẻ bề ngoài; muốn người đọc hiểu và cảm được sâu sắc, người viết còn phải thuyết minh, tức là phân tích, kiến giải bằng các cứ liệu khoa học và bằng chính những kinh nghiệm, sự từng trải của người viết. Du ký cũng như nhiều thể ký hay ở chỗ có thể biến những tri thức khoa học "lạnh lùng" trong sách vở trở nên sống động do sự hòa kết giữa tri thức hàn lâm với tri thức đời sống, giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ sinh hoạt, dễ tiếp nhận với đa số người đọc.

(4) Sự cảm, sự nghĩ. Người viết du ký bộc lộ những ngỡ ngàng, thích thú (hay buồn lòng) trước những gì mình gặp. Lại có những liên tưởng, so sánh với những gì quen thuộc ở quê hương mình, đất nước mình, hoặc so những vùng miền khác nhau, đất nước khác nhau. Lại có khi trên bước đường tha hương, có những tình cảm, cảm xúc đột đến, chẳng hạn nhận ra những giá trị mà bình thường không nhận ra được khi ở môi trường quen thuộc của mình.

Tóm lại, trong du ký có hầu hết các phương thức phản ánh: tự sự, miêu tả, thuyết minh, trữ tình (biểu cảm), nghị luận. Tuy nhiên, dung lượng, mức độ của các yếu tố trên ở mỗi thời kỳ, mỗi tác giả, tác phẩm du ký rất khác nhau. Du ký của Nguyễn Tuân thời trước Cách mạng tháng Tám thiên về bộc lộ cảm giác, suy tưởng hơn là kể sự kiện, sự việc, khác với Nhật Nham, cây viết du ký khá quen thuộc cùng thời lại chú trọng kể và tả những gì gặp trên đường đi. Điều quan trọng là các yếu tố của nhiều kiểu văn bản đó đan xen với nhau, xâu kết với nhau, hòa vào nhau trên trục tự sự. Nếu chia các thể ký thành ba loại lớn là ký tự sự (thiên về kể), ký trữ tình (thiên về biểu cảm) và ký chính luận (thiên về nghị luận) thì du ký thuộc loại trung gian, nằm ở giữa các loại. Nếu cho rằng "ký là sự hợp nhất truyện và nghiên cứu" (M.Gorky) thì điều này đúng nhất với du ký.

Phân biệt du ký với một số thể ký khác

Phân biệt du ký với ký sự

Ký sự (sự: sự kiện, sự việc) là thể ký ghi chép một sự kiện tương đối hoàn chỉnh hay một chuỗi sự việc kế tiếp nhau. Do lấy sự kiện, sự việc làm mạch chính nên ký sự thường phát triển trong các thời kỳ chiến tranh. Trong kháng chiến chống Pháp có những ký sự nổi tiếng: Trận phố Ràng của Trần Đăng ghi lại trận đánh vào đồn Phố Ràng (1949), Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng (1950), ghi lại chiến dịch Biên giới (1950).

Ký sự nặng về "sự" - sự kiện, sự việc, dùng bút pháp tự sự là chính, còn du ký thì tổng hợp cả bốn yếu tố như trên đã nói. Thượng Kinh ký sự dù có từ "ký sự" trong tên gọi nhưng thực ra là du ký vì có đủ bốn yếu tố của du ký. Trên một số bìa sách về thể ký hiện nay, tuy ghi là "ký sự" nhưng có thể là một tập du ký.

Phân biệt du ký với tùy bút

Nếu du ký cân bằng cả phương thức tự sự và trữ tình thì tùy bút thiên hẳn về trữ tình. Trong tùy bút, tác giả chủ yếu bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ; sự việc cũng có nhưng rất ít, có khi chỉ là cái cớ để tác giả triển khai mạch cảm xúc của mình. Tùy bút gần với thơ trữ tình về phương thức biểu hiện. Các tác phẩm ký của Nguyễn Tuân thường gắn với các chuyến đi nhưng hầu hết là tùy bút, chỉ có một ít là du ký (đến nay vẫn in trong các tập tùy bút) và là những du ký thật đặc sắc: Cửa Đại, Một chuyến đi, Một lần đi thăm nhau (sẽ nói thêm ở phần 2).

Phân biệt du ký với hồi ký

Hồi ký là thể ký ghi lại những gì đã xảy ra trong quá khứ liên quan đến cá nhân người viết (nhân vật "tôi") và những người liên quan vào một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình. Nếu một chương của hồi ký kể về một chuyến đi có đầy đủ bốn yếu tố như đã nói thì nội dung đó không khác mấy du ký. Sự khác nhau trong trường hợp này là: 1. Du ký kể về những gì mới diễn ra, thời điểm diễn ra sự việc với thời điểm kể gần trùng nhau, còn hồi ký thì đó là một khoảng thời gian tương đối xa; 2. Du ký chỉ có một điểm nhìn, còn hồi ký luôn tồn tại hai điểm nhìn, một từ chính thời điểm đang kể (ví dụ thời thơ ấu) và một từ thời điểm hiện tại (ví dụ lúc đã già).

Phân biệt du ký với nhật ký

Nhật ký là thể ký dành riêng cho cá nhân, ghi lại những sự việc, những cảm nghĩ từng ngày của mình hoặc liên quan đến mình. Nếu đó là nhật ký hành trình thì có thể nó rất giống du ký. Và thực tế có những du ký được ghi dưới hình thức nhật ký như Giá Viên biệt lục (tức Tây hành nhật ký) của Phạm Phú Thứ, Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh. Nhưng không phải nhật ký hành trình nào cũng thành du ký. Nó chỉ thành du ký khi chứa bốn yếu tố đã nêu ở trên. 

Phân biệt du ký với bút ký

Bút ký là thể ký vừa kể chuyện vừa bình luận. Bút ký khá gần với truyện ngắn nhưng câu chuyện trong bút ký là người thực việc thực. Câu chuyện trong bút ký cũng có thể gắn với một cuộc đi nhưng cuộc đi ấy chỉ gắn với một hoặc một vài đối tượng. Thường người viết bút ký theo đuổi một phận người, một chủ đề xã hội, chính trị nóng hổi,... Trên văn đàn Việt Nam những năm chín mươi của thế kỷ trước nổi lên cây viết bút ký Minh Chuyên, chuyên viết về những câu chuyện nhức nhối thời hậu chiến. Chú ý: trên một số bìa sách của thể ký hiện nay có chua thể loại là "bút ký" nhưng có thể trong đó là du ký hoặc có chứa một số bài du ký, tùy bút.

Một số chú ý khác

Đừng lầm lẫn thể du ký với tên tác phẩm có từ "du ký" hoặc tương tự. Ví dụ, Guliver du ký (Jonathan Swift), Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài),... đó là những tác phẩm kể về những cuộc đi nhưng dưới dạng truyện (tiểu thuyết), được xây dựng bằng hư cấu, trái hẳn với nguyên tắc ghi chép sự thực một cách trực tiếp của ký.

Ngày nay các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật có cách đi thu thập tài liệu trong thực tế (điền dã) rồi viết ra những điều ấy, nó được gọi là du khảo (vừa đi vừa nghiên cứu trên thực địa). Trong khi thuyết minh về đối tượng, cũng có khi tác giả miêu tả bằng ngôn ngữ có hình ảnh, nhưng về cơ bản vẫn là ngôn ngữ khoa học, phục vụ nội dung khoa học. Do đó, du khảo không thuộc du ký.

Thay lời tiểu kết

Trên thị trường sách văn học, ta thường thấy trên bìa ghi tên thể loại như tiểu thuyết, tập truyện ngắn, ký,... Khi ghi những thể lớn như thế thì không có vấn đề gì, nhưng riêng về ký, nếu ghi tên thể ký (tùy bút, ký sự, bút ký, v.v.) thì sự ghi này khá chủ quan, tùy theo ý muốn của tác giả hoặc nhà xuất bản. Thực tế có khi không đúng với thể ký trong ruột sách, hoặc là trong đó gồm nhiều thể ký chứ không phải một. Do sự trở lại mới đây của thể du ký cho nên chỉ những tập du ký mới ra đời khoảng 10 năm trở lại đây mới được ghi trên bìa sách là "du ký", còn lại nhiều bài du ký nằm trong các tập gọi là "tùy bút", "bút ký", "tản văn", "tạp văn",... Lấy ví dụ trường hợp Tô Hoài, ông có nhiều bài du ký thật hay nằm trong các tập gọi là "bút ký" (Ký ức phiêu lãng, Ký ức Đông Dương) hay thậm chí một số bài trong các tập gọi là "tạp bút", "tản văn". Cho nên tìm đọc du ký không nên chỉ tìm trong các tập thấy ghi ngoài bìa là "du ký".

 

                                                                                                                                                    Đ.T.T

 

[1] Thực ra vẫn có những ngoại lệ. Ví dụ, khi người đi kể cho người khác ghi và người ghi đứng tên tác giả; tuy nhiên "tôi" trong tác phẩm thì vẫn là người đi (du ký Đường về nhà, Nxb. Hội nhà văn, 2016). Lại có khi người đi không xưng "tôi" mà như một nhân vật ở ngôi thứ ba, đó là trường hợp một số bài du ký của Mộng Tuyết những năm ba mươi thế kỷ trước: "tôi" được thay bằng "cô Tuyết" (Mộng Tuyết) hoặc "cô thiếu nữ".

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc