Trúng đất
Ngày đăng: 20/08/2024; 77
Truyện ngắn
HOÀNG CÚC
 
Mấy tháng nay, xứ vùng đồi heo hút quê Huân bỗng náo nhiệt lạ thường. Những gương mặt lạ, những giọng nói không phải người làng đổ dồn về đây, cười nói, chỉ trỏ… Chưa khi nào con đường dẫn vào nhà Huân lại nhiều xe ô tô đến thế. Hạng sang có, bình dân có, đỗ dọc ngang chiếm hết cả lối đi. Hôm nay khi về tới ngõ, Huân liên tục nhấn còi kết hợp vợ Huân phải xuống “điều tiết giao thông” thì anh mới lái được chiếc xe bán tải vào nhà.
Chuyện là từ khi rộ tin vùng đồi này sẽ được quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp, đội đất thi nhau về đây làm ăn. Vẫn chiêu bài mua đi bán lại, đội giá, ăn chênh lệch hoa hồng... Nhà mẹ Huân cũng thường xuyên bị đội đất làm phiền. Sáng gọi bà Chiền... Trưa, chiều cũng có người đứng cổng gọi bà Chiền. Họ tới chỉ một câu hỏi: “Ba triệu một mét, bà bán không?”. Quá mệt mỏi khi gặp và trả lời những người tới hỏi mua đất, bà Chiền nhờ cháu viết giúp dòng chữ “Chủ nhà đi vắng” trên tấm ván gỗ nhỏ rồi treo ở trước cổng. Sự “sáng tạo” ấy nhiều khi cũng thật bất tiện. Ví như lúc người làng có việc cần tìm, đến trước cổng thấy cái biển thông báo lại quay xe nên thành ra, việc cần thì lại nhỡ… Chiếc điện thoại Huân mua cho bà để tiện liên lạc thì nhiều lúc người một nơi, máy một nơi, chuông đổ cả chục hồi vẫn không nghe được tiếng “a lô”.
Bốn trăm mét đất thổ cư nhà bà Chiền lọt tầm ngắm của nhiều đội . Khi ngã giá với bà không thành liền quay sang phương án đánh tiếng nhờ người làng thương thảo. Vì thế, hôm nay khi gia đình Huân vừa từ thành phố về thăm mẹ đã thấy sự xuất hiện của ông Tư Đàn (nghe đâu con trai ông vừa mở văn phòng giao dịch bất động sản trên thị trấn). Câu chuyện mở đầu vẫn là: “Các cháu về chơi đấy à! Thế ở chơi được lâu không…” rồi đi thẳng vào vấn đề: “Đất làng ta đợt này lên giá lắm, cháu bàn với mẹ bán đi lấy tiền mà đầu tư làm ăn, còn lại thì cho mẹ dưỡng già. Tội gì ôm mãi...”. Nghe đến đây, bà Chiền đằng hắng rồi nhắc khéo:
- Con thay quần áo rồi xin phép ông Tư ra sau nhà hạ cho mẹ cây tre để mẹ đan lại cái chuồng gà.
 Thấy bà Chiền nói vậy, ông Tư Đàn chuyện trò qua quýt với hai đứa con của Huân rồi xin phép ra về. Đứng sau vườn bà Chiền thở dài:
- Ngày nào cũng bị họ bủa vây thế này, mẹ mệt mỏi quá con à. Chả nhẽ nhà mình bằng thật lại đóng cửa rời đi. Mà đi thì biết đi đâu.
- Hay mẹ thu xếp lên ở với chúng con một thời gian. Đợt này bọn trẻ với vợ con đang nghỉ hè cũng rảnh mẹ ạ!
- Để mẹ tính đã. Đi thì dễ, nhưng còn đàn gà, đàn vịt… ai chăm.
Từ ngày bố Huân mất, cũng chỉ vì viện cớ đàn gà, đàn vịt nên chẳng mấy khi bà Chiền lên phố với gia đình Huân được lâu. Nói thế thôi chứ Huân lạ gì tính mẹ. Người già mà, lúc nào cũng thương nhớ vườn xưa chốn cũ, hàng xóm láng giềng. Về phố ở, cửa nhà ai cũng im ỉm, nhiều lúc im lặng đến phát sợ. Mỗi sáng, khi các cháu đến trường, vợ chồng Huân đi làm, bà Chiền chỉ còn chiếc tivi bầu bạn. Không phải làm lụng vất vả như ở quê, không phải thức khuya dậy sớm nhóm bếp, củi lửa… thế mà bà Chiền vẫn thấy buồn và uể oải. Đến bữa, chỉ lưng bát cơm chan canh là bà bỏ đũa. Nào là nem rán, chả giò, thịt kho tàu… vợ Huân đặt mua online, có người giao tới tận nhà, rồi lại hì hục chế biến nhưng bà Chiền cũng chỉ gắp vài miếng cho con cháu vui. Bà bảo với con dâu:
- Có đi chợ thì mua cho mẹ cân cà pháo về mẹ muối dưa. Mùa này ăn cơm với canh cua mồng tơi và cà pháo muối thì hết ý. Thằng Huân nó thích nhất món đấy con ạ.
 Vợ Huân thưa:
- Siêu thị cái gì cũng có, mẹ không cần vất vả muối mắm đâu ạ.
- Siêu thị cái gì cũng công nghiệp, sao bằng món quê được con.
Những lúc như thế Huân thường là người “hạ nhiệt”. Khẳng định sở thích ăn cà pháo muối với rau mồng tơi canh cua, rồi bảo vợ mai ghé qua chợ mua hai cân cà pháo để mẹ muối ăn dần vừa ngon lại vừa đảm bảo. Vợ Huân hiểu ý chồng nên trả lời ngay: “Vâng ạ!”. Bà Chiền nhìn con dâu, cười vui…
 
***
 
Bữa cơm tối ở quê được bà Chiền rải chiếu, dọn ăn ở hiên nhà. Gió từ đầu nhà thổi vào mát rượi. Hai đứa con Huân đánh vèo hết nửa nồi cơm với đĩa cá rô rán giòn. Bà Chiền trở đầu đũa, gắp vào bát cho con dâu miếng thịt gà, bảo:
- Con này ngon nhất đàn, nay mẹ thịt đãi con cháu về chơi. Còn món canh cua đồng mà thằng bố Huân thích mai mẹ mới nấu nhé. Sư anh, về mà không báo cho mẹ trước. 
- Con gọi mãi mà mẹ có nghe điện thoại đâu.
- Thế à, chắc cái chuông điện thoại nó bị hỏng ấy chứ…
Biết tính bà, bọn trẻ cười vang:
- Thế chắc con mèo mướp lại phá chiếc điện thoại của bà rồi.
- Huân này, nhà mình đích thị là nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp, mai kia là phải di dời đấy con à. Mẹ vừa được lãnh đạo xã mời dự họp thông báo hôm trước, không phải là tin đồn nữa đâu. Hai vợ chồng con xem tính toán dần là vừa.
- Thì tính gì cho mệt mẹ. Tới đâu hay tới đấy. Chuyển đi thì nhà nước lại đền bù, mẹ có khoản tiền dưỡng già, không phải vất vả trồng rau, nuôi gà nữa chả phải tốt hơn à.
- Cha bố anh, mẹ tuổi này rồi cần gì nữa mà tính. Tính là tính cho vợ chồng anh thêm vốn làm ăn, nay mai lo cho bọn nhỏ kia kìa.
- Mặc dù bìa đỏ đứng tên con nhưng tài sản là của bố mẹ, nay bố không còn, mẹ quyết định thế nào, vợ chồng con xin theo thế.
- Hai thằng anh mày, trước, bố mẹ mua cho mỗi đứa một mảnh đất ra ở riêng rồi, mảnh này là phần của vợ chồng con. Các con có quyền quyết định sao cho nó hợp tình hợp lý.
Vợ Huân nói vui:
- Thế mẹ cho tất vợ chồng con rồi mẹ không có phần nào à?
- Mẹ thì cần gì, mai kia có đất tái định cư, các con chuyển ngôi nhà này sang đấy, sửa sang lại chút gọi là có chỗ hương khói cho bố các con là mẹ yên lòng rồi.
Gia đình Huân trở về thành phố, còn bà Chiền vẫn ở lại quê. Cánh cổng nhà ngày ngày khóa chặt với tấm biển thông báo “Chủ nhà đi vắng” lại được treo lên.
 
***
 
Sau bữa cơm, Huân tâm sự với vợ:
- Em à, thỉnh thoảng em gọi điện về cho hai chị thăm hỏi chuyện trò cho tình cảm nhé, giữa lúc đất đai ở quê đang sốt nên đôi khi dễ gây hiểu lầm, sợ các chị nghĩ vợ chồng mình xa cách.
- Hôm bữa cháu Min thi vào cấp III em có gọi cho chị dâu cả hỏi thăm tình hình thế nào. Nghe chị bảo cháu làm bài tốt, khả năng sẽ đỗ vào trường gần nhà nên em cũng thấy mừng.
- Thế thì được rồi em ạ. Mà chị dâu có nói gì về chuyện đất đai không em?
- Thì cũng than vãn với em, trước bố mẹ mua cho vợ chồng anh chị mảnh đất đấy tuy to nhưng cũng chỉ được một trăm mét thổ cư, còn đâu là đất vườn nên không được giá trị như mảnh đất anh đang đứng tên.
- Sao chị lại đi so sánh việc đấy nhỉ, anh thấy ngại quá…
- Anh lạ gì tính chị dâu mình nữa. Cũng có nói với em là tính sửa lại cái bếp mà chưa có kinh phí, đợi mai kia mình có tiền đền bù đất thì cho chị vay một ít…
- Chả trách, mẹ mình ở dưới quê cứ buồn rười rượi thay vì như người làng đồn là sắp nằm trên cả núi tiền nên vui quá đến mất ăn mất ngủ.
- Ngẫm ra thì đúng là mất ăn mất ngủ thật anh ạ. Người đời nói đúng, đồng tiền nó bạc… Việc gia đình mình sau này anh không thu xếp ổn thỏa, dễ mất tình cảm anh em như chơi ấy chứ.
Nhiều tháng trôi qua, dự án khu công nghiệp vẫn cứ treo và đội đất vẫn không ngừng lùng sục, giao dịch làm ồn ào cả vùng quê. Có nhiều gia đình đã nắm thời cơ, bán đất nhận tiền rồi chuyển đến một nơi ở mới. Có gia đình tranh thủ xây thêm các hạng mục công trình như tường rào, nhà vệ sinh, nhà tắm, hầm biogas, đào giếng; thậm chí có người bàn nhau làm vài cái chuồng bò, khi nào cán bộ tới kiểm đếm sẽ mượn bò hàng xóm nhốt vào… Số khác, ngày đêm tập kết, khuân vác nguyên vật liệu, quây bạt kín để xây dựng công trình chui, đợi kiểm đếm tài sản, nhận tiền đền bù. Đó là những công trình xây dựng cấp tốc. Chưa đầy một tháng ven đường làng đã mọc lên những ngôi nhà hai, ba tầng với màu sơn bóng nhoáng. Người làng kháo nhau: “Khôn ngoan chả lại với giời đâu”. Và thực tế là khi dự án khu công nghiệp vẫn còn treo dài ngày tháng, gia chủ của những ngôi nhà xây cấp tốc này lại tận dụng địa điểm để làm quán bán bia, quán nhậu, quán karaoke phục vụ các “thượng đế” người làng có, khách phương xa có. Nhưng ai ngờ rằng, một ngày nọ, có một toán thanh niên ngồi nhậu ở sân đang cười nói vui vẻ bỗng hét toáng lên… Nguyên do là mái hiên của ngôi nhà ấy nứt toác, lơ lửng những thanh sắt mỏng như lá lúa bấu víu bên ngoài là lớp xi-măng đã khô. Từng mảng xi-măng nham nhở rơi xuống khiến đám “thượng đế” chạy tán loạn. Hai cậu thanh niên choai choai được đưa ra trạm y tế xã khâu mấy mũi ở đầu. Mấy tay “bình luận viên” nhận định: “Đã bảo làm lấy mô hình rồi mà vẫn dám sử dụng. Đúng là ngang với giẫm chân vào lưỡi cuốc để cho cán cuốc nó đập vào đầu. Đau hơn hoạn...” rồi cả đội vỗ đùi cười như nắc nẻ.
Mảnh đất bốn trăm mét nhà bà Chiền vẫn được nhiều người tăm tia, nhòm ngó. Ông Tư Đàn hễ có dịp là lại lui tới gạ hỏi. Mỗi lần nghe ông Tư Đàn hỏi, bà Chiền đều quả quyết:
- Đất của thằng Huân, tôi phải giữ cho nó, không bán mua gì sất. Tiền bao nhiêu tiêu rồi cũng hết, biết mấy cho vừa...
 Và rồi, cho đến lúc bà Chiền ốm nặng, nằm trên giường bệnh, bà vẫn nắm chặt tay vợ chồng Huân dặn dò:
- Con nhớ phải giữ lấy mảnh đất để hương khói cho bố mẹ sau này, còn nếu phải di dời thì tùy vợ chồng con quyết định, nhưng hãy cứ để mẹ ở lại quê cho gần bố các con.
 
***
 
Hiếu sự cho mẹ vừa xong, vợ chồng anh cả, anh hai đã kéo sang bàn với vợ chồng Huân về mảnh đất. Người thì cho rằng, vợ chồng Huân được lợi hơn cả, nay lại nằm đúng vào khu quy hoạch, nắm trong tay mấy tỉ bạc chứ đâu có ít. Chị dâu thứ thì nhắc lại chuyện xưa:
- Vợ chồng chị phải phụ thêm một chỉ vàng với bố mẹ để mua được mảnh đất đang ở bây giờ… Thế nên tài sản này chú Huân cần cân nhắc, cho các anh chị em đỡ thiệt thòi và quan trọng là công bằng để bố mẹ nơi chín suối được an lòng.
Vợ Huân ngồi kế bên không nói gì, cô lặng lẽ rót nước mời các anh chị rồi đứng dậy châm thêm tuần nhang mới trên bàn thờ mẹ chồng.
Mấy tháng sau có quyết định giải tỏa, di dời. Vợ chồng Huân thuê đội thợ làng xây ngôi nhà cấp bốn nho nhỏ trên mảnh đất mới, chuyển bàn thờ bố mẹ về đấy nhang khói cho ấm cúng. Hôm tổ chức bữa cơm gia đình, chị dâu cả nói với con trai mình là cu Min:
- Nhà chú Huân xây xong rồi, mai kia có khi Min chuyển sang đó ở cho yên tĩnh mà học hành. Nhà chú lắp điều hòa mới mát lẹm, không nóng như nhà mình.
Cu Min thấy mẹ nói vậy liền đáp:
- Mẹ buồn cười nhỉ. Thế sao mẹ không lắp điều hòa cho cả nhà mình dùng mà phải sang nhà chú Huân. Rồi tiền điện ai đóng?
- Ơ cái thằng này, bố mẹ làm gì có tiền mà mày bảo lắp điều hòa.
- Thế năm trăm triệu tiền đất đền bù chú Huân chia phần cho bố mẹ đâu mà lúc nào mẹ cũng kêu ca… Mẹ giống y hệt thím Hai, bữa con sang cũng bảo không có tiền xây cái nhà tắm mới. Rõ ràng ai cũng được chú Huân chia cho hẳn nửa tỷ bạc…
- Ờ thì… Còn bao nhiêu việc phải lo, bao nhiêu cái miệng ăn đây này…
Lúc ấy, thím Hai có vẻ ngượng ngùng, đi nhanh vào bếp phụ vợ Huân làm cỗ.
Chiều muộn, lúc vợ chồng Huân chuẩn bị đồ đạc đưa các con trở về thành phố, cu Min chạy đến, bảo:
- Lát nữa chú ghi lại cho cháu số điện thoại của chú để cháu tiện liên lạc nhé. Cháu vừa được mẹ “thanh lý” cho chiếc điện thoại cũ để nghe - gọi. Có gì chú cứ gọi cho cháu.
- Thế à, thế thì phải thường xuyên gọi điện hỏi thăm chú thím và các em đấy nhé.
- Nhưng… cháu nháy máy rồi chú gọi lại được không ạ? Vì mẹ cháu chắc không nạp tiền điện thoại cho cháu đâu ạ.
- Được rồi, việc đó cu Min khỏi lo. Ở nhà nhớ ngoan, chăm học là được.
- Cháu sẽ ngày ngày sang nhà thắp hương cho bà nội. Sẽ quét dọn sân vườn sạch sẽ để bà cũng sẽ thấy vui.
- Cảm ơn cháu trai của chú! Cháu trưởng thành rồi đấy.
- Với lại... Chú Huân nói với thím là thím thông cảm cho mẹ cháu. Cháu biết, có nhiều lời mẹ cháu nói không phải cho lắm, làm thím buồn.
- Ừ! Được rồi, thím không phải là người hẹp hòi đâu. Min không phải lo nhé!
Chiếc xe rời ngôi nhà. Con đường nhỏ ẩn hiện trong chiếc gương chiếu hậu rồi khuất dần. Huân vẫn bùi ngùi khi nhớ lời cháu Min nói: “Thỉnh thoảng chú thím nhớ đưa các em về đây chơi. Không chỉ cháu nhớ các em mà bà nội cũng sẽ nhớ chú thím và các em nữa. Cháu nghe người ta bảo, người đã mất cũng có linh hồn nên cũng biết buồn biết vui đấy ạ...”.
Huân thầm nghĩ cách thu xếp việc gia đình của vợ chồng anh như vậy không biết có vừa ý mẹ ở nơi xa ấy không nhưng dù sao, vợ chồng anh cũng thấy vui vẻ, thanh thản và nhẹ nhàng. Tiền bạc có thể làm ra nhưng tình anh em nếu rạn nứt rất khó để hàn gắn. Thêm nữa, để lời ra tiếng vào chỉ vì tiền thì lại càng không hay…
Thôi thì… phận làm em “ăn thèm vác nặng”.
H.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc