Thái Nhật Minh và khát vọng “cất cánh” cùng cái Đẹp
Ngày đăng: 06/05/2022; 858

Bình Sơn

Họa sĩ, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh sinh năm 1984 tại làng Bình Lạc, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Thừa hưởng gen nghệ thuật từ ông nội - nhà văn quân đội Thái Vượng (1940 - 1996), lại được mang trong mình tố chất của con người sinh ra nơi vùng quê từng được xem là “đất văn bút” (kề cận với quê hương của hai vị tiến sĩ Hà Nhiệm Đại và Hà Sĩ Vọng nổi tiếng thời Trung đại, được khắc tên trong bảng vàng bia đá nơi Văn miếu Quốc Tử Giám), nên từ nhỏ, Thái Nhật Minh đã sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Tận bây giờ, nhiều người dân làng Ao Gỗ (một tên gọi khác của làng Bình Lạc) vẫn còn nhớ nguyên hình ảnh cậu bé Minh đi chăn bò giúp mẹ nhưng chỉ mải mê moi bùn, rồi hì hụi nhào nhào, nặn nặn... Trò chơi cũng là niềm đam mê thời thơ ấu ấy đã theo Minh vào giảng đường đại học. Năm 2009, Minh tốt nghiệp, nhận bằng cử nhân Khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ba năm sau - năm 2012 - Minh nhận bằng thạc sĩ nghệ thuật.

"BÚI TÓC 21.3" (Thái Nhật Minh), nhôm đúc, 75x21x21cm

 

Không ít người cho rằng điêu khắc là một loại hình nghệ thuật vừa khó, vừa khổ, lại chẳng dễ... kiếm tiền. Vì thế, chẳng có mấy người nhất là người trẻ muốn “bén duyên” nghề chứ đừng nói đến đam mê. Thế nhưng, với Thái Nhật Minh, những “khó”, “khổ” ấy dường như lại là động lực, là “chất xúc tác” đặc biệt, khiến anh gắn bó không rời. Không những thế, anh luôn nỗ lực tìm cho mình một hướng đi riêng, nỗ lực “làm mới” mình trong từng tác phẩm với mong muốn thể hiện được cá tính sáng tạo đồng thời có những đóng góp cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.

Trong điêu khắc, chất liệu luôn là một trong những yếu tố mà Thái Nhật Minh và các nghệ sĩ tạo hình rất chú trọng. Hơn 10 năm sáng tác, Minh liên tục tìm tòi, thể nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau, từ đá, sắt, nhôm, đồng, gỗ, tre, giấy, gốm đất nung… Với Minh, mỗi chất liệu lại cho anh một cảm hứng sáng tạo riêng. Vì thế, nếu ở “Những con chim” gồm 150 tác phẩm điêu khắc được tạo từ gỗ và nhôm đúc kết hợp với nan tre; thì đến “Mùa sinh sản”, chất liệu chủ đạo Minh chọn để thể hiện là giấy, keo, màu nước, que đồng. Còn trong “Chinh phu - Chinh phụ”, các tác phẩm lại được Minh tạo từ đá, gỗ, nhôm đúc và sắt. Những chất liệu này còn được Minh thể nghiệm ở nhiều sáng tác khác, mang về cho anh những thành công nhất định. Tác phẩm “Một mình” (Trại điêu khắc thuộc dự án “Art in the Forest - Nghệ thuật trong rừng”, Flamingo Đại Lải, 2015) cao 4,8m, được Minh tạo nên bởi inox và đồng lá, là một ví dụ.

Một góc triển lãm “Chinh phu - chinh phụ” (2016) của nhà điêu khắc Thái Nhật Minh


Với Thái Nhật Minh, ý tưởng là điều tiên quyết làm nên tác phẩm. Cuộc sống với muôn vàn cung bậc, âm thanh, sắc màu, sự kiện... từ những giá trị lớn lao mang tầm lịch sử, văn hoá cho tới những chi tiết nhỏ bé đời thường... đều có thể gợi mở cho anh những suy ngẫm. Minh cho biết: ý tưởng để hình thành và sáng tạo nên “chuỗi” tác phẩm mang tên “Mùa sinh sản” của anh được bắt nguồn từ một sự việc rất đời thường. Đó là, có nhiều lần, trên đường đi, Minh vô tình bắt gặp những con vật đang lang thang, và hễ thấy động là chúng lập tức bỏ chạy. Động thái đó của chúng thu hút Minh. Anh liền dõi theo và nhận ra rằng khi chạy trốn, biểu hiện, hình dáng của những con vật bỗng trở nên khác lạ, những thay đổi trên cơ thể chúng tiếp biến rất sinh động... Vậy là chuỗi tác phẩm “Mùa sinh sản” ra đời, chứa đựng những ý niệm trừu tượng về khung cảnh, thời gian và tâm trạng của người nghệ sĩ trước cuộc sống muôn vẻ muôn màu. Và nếu ở “Những con chim” hay “Mùa sinh sản”, ý tưởng sáng tạo chỉ giản dị bắt nguồn từ một nét chấm phá trong cuộc sống, thì với “Chinh phu - Chinh phụ”, nguồn cảm xúc cho Thái Nhật Minh sáng tạo được bắt nguồn từ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước với những cuộc trường chinh đằng đẵng và bi tráng chống ngoại xâm của dân tộc ta, quyện hoà với câu chuyện của gia đình Minh. Anh chia sẻ: Trong kháng chiến chống Mỹ, cả năm người con trai, con rể trong gia đình cụ nội của anh, gồm ông nội và các anh trai, em trai, anh và em rể của nhà văn Thái Vượng (ông nội Minh) - đều lên đường đánh giặc. Trong đó, có người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường (Nhà văn Thái Vượng từng nhiều năm liền chiến đấu ở vùng Bảy Núi thuộc chiến trường Đông Nam Bộ rồi tiếp đó, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc). Hơn ai hết, Minh cảm thấu sự “một đi không hẹn ngày trở lại” trên đường đánh giặc của những người thân yêu, cảm thấu phần nào sự khốc liệt khủng khiếp, những đau đớn, chia ly, mất mát không gì bù đắp nổi do chiến tranh gây nên cho cả dân tộc Việt Nam... qua sự vò võ đợi chờ, qua những hy sinh to lớn mà thầm lặng của bao người mẹ, người vợ, người chị, người em gái, những đứa trẻ... nơi hậu phương dành hướng về những người chồng, người con, người cha, người anh, người em trai - những con người nơi chiến trận. Cảm thức, suy ngẫm và dồn tâm huyết vào sáng tạo, sau gần 4 năm miệt mài (2013 - 2016), Thái Nhật Minh đã tạo nên một “Chinh phu - Chinh phụ” bao gồm chùm 63 tượng đá trắng khắc họa hình ảnh những chinh phụ ôm con, hóa đá chờ chồng trong nỗi nhớ thương mòn mỏi và 150 tượng kim loại chia làm 21 đoàn chiến binh, đặt trên các mũi lao bằng gỗ với đường kính 13 - 15cm, chiều dài 3,5 đến 4m - khắc họa hình ảnh những đoàn chinh phu “một đi không trở lại”... cùng một sắp đặt với rất nhiều mảnh vỡ mô phỏng sự đổ vỡ khốc liệt khi cuộc chiến đi qua... Bằng nghệ thuật điêu khắc cộng hưởng cùng sự sắp đặt kết hợp với cảm xúc được tạo bởi ánh sáng và thị giác, “Chinh phu - Chinh phụ” đã mang đến cho người xem những ám ảnh khôn nguôi về sự tàn bạo, phi lý, vô nghĩa của chiến tranh. Đồng thời, gợi lên khát vọng về sự bình yên không bao giờ nguôi của nhân loại.

Không gian cho tác phẩm là điều mà nhà điêu khắc nào cũng quan tâm. Thực tế hiện nay, không gian trưng bày, lưu giữ tác phẩm điêu khắc ở Việt Nam luôn là một vấn đề. Minh quan niệm: Nghệ thuật điêu khắc phải gắn liền với yếu tố không gian. Vì thế, mỗi lần “trình làng” tác phẩm mới, Minh đều cân nhắc, lựa chọn nơi những “đứa con” tinh thần của mình bước đến với công chúng. Với “Những con chim”, Minh chọn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - một không gian nghệ thuật chuyên nghiệp để trưng bày. Sang “Mùa sinh sản”, Minh tìm đến không gian một quán bar trong ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp ở 14 Pham Huy Ích, Hà Nội. Anh cho biết: Đặt “Mùa sinh sản” trong không gian một quán bar là bởi Minh muốn phát triển ý tưởng sáng tác theo một quan niệm mới: đưa điêu khắc đến với cuộc sống dưới dạng thức nghệ thuật thị giác. Ở quán bar hay một không gian đời thường nào khác, cuộc sống hằng ngày với đủ mọi cung bậc, trạng huống vẫn diễn ra như tự thân nó. Và không gian trong một quán bar vốn không phải là không gian của triển lãm nghệ thuật, nhưng Minh đã chọn nơi đó để đặt các tác phẩm của mình vào là bởi anh còn mong muốn: đưa nghệ thuật điêu khắc hòa nhập với đời thường một cách tự nhiên và hài hoà, làm sao để nơi nào có tác phẩm “đứng” chân, nơi đó trở thành một “không gian sống” thật sự. 19 tác phẩm trong sê-ri (series) “Mùa sinh sản” của anh được đặt, gắn trên những góc nhỏ, ở bậc cầu thang, trên mặt bàn hay mảng tường trống… khiến người xem cảm nhận được sự hoà nhập - tương tác giữa nghệ thuật điêu khắc với cuộc sống đời thường. Không gian điêu khắc của Thái Nhật Minh theo đó, mang nét ngẫu hứng và tương tác. Đó cũng là một trong những quan niệm về nghệ thuật điêu khắc đương đại của dự án New Form, một dự án thử nghiệm mà Thái Nhật Minh đang tham gia.

Người yêu nghệ thuật, khi “chạm” vào “khối tài sản tinh thần” của Minh, sẽ bắt gặp Không gian, Không gian 1, không gian 2, Những cái đuôi, 36 thứ chim, Những con thú, Voi vỏi vòi voi, Những chân dung - búi tóc, Những cái mặt, Những hạt mầm, Những mặt khỉ, Khỉ, Hổ... Đó là tên của hàng trăm tác phẩm, chùm tác phẩm mà Thái Nhật Minh đã miệt mài sáng tạo trong thời gian qua. Nhiều tác phẩm trong số đó đã thuộc về các bộ sưu tập cá nhân của người yêu nghệ thuật. Phải bán chúng - đó là điều Minh không hề muốn. Nhưng phải bán chúng thì Minh mới... có tiền để có thể tiếp tục độc hành trên con đường sáng tạo nghệ thuật luôn sẵn gian khó. Những “đứa con tinh thần” phải “ra đi” để người sinh ra chúng có thêm chút kinh phí cho những “thai nghén”, “sinh nở” mới. Chỉ niềm hy vọng, niềm tin, là động lực cũng là sự an ủi ở lại với Minh, đó là: công chúng yêu nghệ thuật sẽ không quên những sáng tạo của anh dành cho cái Đẹp.

Hơn mười năm miệt mài sáng tạo nghệ thuật, Thái Nhật Minh đã giành được nhiều giải thưởng sáng giá: giải A, giải thưởng văn học, nghệ thuật Vĩnh Phúc 5 năm lần thứ 4 (2011 - 2015) cho tác phẩm “Mùa sinh sản”; giải B (không có giải A), Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc, 2019); giải Khuyến khích, tác phẩm “Ký ức đồng quê” (sắt hàn, 120x26x22).

Dọc hành trình sáng tạo, Thái Nhật Minh còn liên tục tham gia trên 20 triển lãm nhóm như: Triển lãm 48.2; Triển lãm nghệ thuật (nhân kỷ niệm 10 năm thành lập lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka - Nhật Bản); Triển lãm nghệ thuật và trao đổi văn hóa quốc tế tại Việt Nam, 2019… Đặc biệt, trong khoảng thời gian không dài (2013 - 2016), Thái Nhật Minh đã có cho riêng mình ba triển lãm nghệ thuật cá nhân: “Những con chim” (2013), “Mùa sinh sản” (2014), “Chinh phu - Chinh phụ” (2016) lưu lại trong lòng đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật nhiều cảm xúc sâu sắc.

Nhiều tác phẩm của anh được chọn tham dự các triển lãm nhóm, một số dự án nghệ thuật lớn của nhiều workshop tại Hồng Công, Singapo… Với những nỗ lực, cống hiến rất đáng trân trọng cho nghệ thuật, Thái Nhật Minh còn là một trong số 21 hội viên, văn nghệ sĩ, nhà báo xuất sắc, tiêu biểu của Hội VHNT Vĩnh Phúc được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vinh danh, khen thưởng, giai đoạn 2015 - 2020.

Nhưng Thái Nhật Minh chưa hề bằng lòng với chính mình. Với Minh, tác phẩm mang giá trị đỉnh cao vẫn ở phía trước. Những sáng tác vừa mang tính thể nghiệm về chất liệu, là sự chiêm nghiệm sâu sắc hơn về hình thể, không gian và tiến tới tính ý niệm trong nghệ thuật điêu khắc vẫn đang được Minh nỗ lực thực hiện, mà hiện tại, là cuộc thể nghiệm với chất liệu gốm sành. Nơi làng gốm Hương Canh, những phôi gốm chứa đựng ý tưởng, khát khao chinh phục cái Đẹp của Thái Nhật Minh và các đồng nghiệp đang chờ đến ngày được hoá thân cùng vũ điệu của lửa để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị dâng tặng cuộc sống.

B.S

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc