Góp phần xác định hệ giá trị văn nghệ
Ngày đăng: 09/05/2022; 188
NGUYỄN VĂN DÂN
 
 
1. Hệ giá trị văn nghệ với tư cách là đối tượng của giá trị học nghệ thuật
 
Trong hoạt động nhận thức và sáng tạo của con người, mọi kết quả của hoạt động đều là những giá trị. Giá trị của một vật tự nhiên là kết quả của nhận thức phán định của con người. Giá trị của một vật nhân tạo là do con người tạo ra. Vậy giá trị vừa là thuộc tính của sự vật vừa là sản phẩm của nhận thức và của lao động sáng tạo. Có thể nói, giá trị là thuộc tính quan trọng nhất của sự vật, nó biện minh cho sự tồn tại và vai trò của sự vật.
Hoạt động con người có hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần, nên kết quả của nó cũng có các giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Văn học nghệ thuật là một loại hoạt động tinh thần đặc thù, vì thế các giá trị của nó cũng là một loại giá trị tinh thần đặc thù. Giá trị là một phạm trù có ý nghĩa ích dụng thực tiễn, nó có ý nghĩa quan trọng do con người và cho con người. Vì thế, từ lâu nó đã trở thành đối tượng nghiên cứu và dẫn đến hình thành một khoa học gọi là khoa học về giá trị hay giá trị học. Trong tinh thần này, giá trị văn nghệ chính là đối tượng của giá trị học nghệ thuật trong khuôn khổ của ngành mỹ học.
Theo các nhà mỹ học, giá trị học nghệ thuật, hay lý thuyết về giá trị nghệ thuật, đặt trọng tâm chú ý vào giá trị tác phẩm. Với tư cách là một khoa học, giá trị học nghệ thuật cũng vận dụng các phạm trù đặc thù, như các phạm trù: lý tưởng và tiêu chuẩn nghệ thuật, đánh giá thị hiếu, phán định giá trị, ngôi thứ, hệ thống (bảng) giá trị, v.v... Chiều cạnh giá trị là thành phần nội tại của nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật là sự biểu hiện của một thái độ không chỉ mang tính nhận thức mà còn mang tính đánh giá, cho dù nhiều khi chức năng đánh giá mang tính hàm ẩn. Trong tất cả các hệ giá trị cổ điển hay hiện đại, nghệ thuật xuất hiện như là một giá trị thuộc loại đặc thù, không thể quy giản vào các loại giá trị khác. Chính quá trình tự chủ hoá để dẫn đến việc tách nó ra khỏi tình trạng hỗn tạp tinh thần ban đầu đã góp phần làm hình thành quy chế giá trị học riêng biệt của nó. Như vậy, các tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật cần phải xuất phát từ bản tính đặc thù của nó. Tuy nhiên, điều này không biện minh cho những sự phóng đại duy mỹ cũng như cho quan điểm cho rằng tác phẩm nghệ thuật đặt ra sự định giá riêng cho mình, hoàn toàn độc lập với bối cảnh giá trị chung. Việc nghệ thuật có khả năng thu nạp các giá trị thuộc các loại khác nhau như mỹ học, triết học, đạo đức, chính trị, tôn giáo, v.v... đã đặt ra một sự tiếp cận phức hợp và đa diện; nhưng nó không cho phép áp đặt các tiêu chuẩn không phù hợp với nghệ thuật, những tiêu chuẩn đặc trưng cho các lĩnh vực khác, mà chỉ đánh giá cách thức thể hiện và biến đổi các giá trị đó trong tác phẩm nghệ thuật. Một số xu hướng mới của nghệ thuật hiện đại (như nghệ thuật đồ vật, v.v...) muốn tìm cách thoát khỏi chiều cạnh giá trị học thì chỉ là một việc làm có nguy cơ loại bỏ tính nhân văn, tức là loại bỏ cái làm nên chính linh hồn của mọi sản phẩm có giá trị. Những quan niệm, nhận định và vận dụng phạm trù để phán định giá trị của tác phẩm nghệ thuật trong sáng tạo và tiếp nhận như thế chính là công việc của giá trị học nghệ thuật.
Vậy chúng ta phải hiểu bản chất và đặc trưng của giá trị và giá trị nghệ thuật như thế nào?
Giá trị học quan niệm rằng, với tư cách là sản phẩm của nhận thức và sáng tạo, giá trị đại diện cho các mục đích, các khát vọng, các dự định hay các lý tưởng được cải biến thành hiện thực, tức là nó khách quan hoá bản chất con người thành các sản phẩm thuộc loại đặc thù, phù hợp với những nhu cầu xã hội nhất định. Giá trị là việc hiện thực hoá một cách có ý thức hay tự phát đối với một số lý tưởng hay khát vọng của con người trong quá trình thực tiễn xã hội, khi đó sự tiếp xúc giữa khách thể và chủ thể là tiền đề ban đầu cũng như là điều kiện cho sự tồn tại của nó với tư cách một sản phẩm có thể có được giá trị trong trường giá trị học xã hội. Đây là nói về một sản phẩm sáng tạo mới mà theo các nhà khoa học thì ta không nên nhầm lẫn nó với hiện thực được nhìn từ góc độ bản thể, nhưng nó cũng không thể được đặt trong một thế giới tách rời hiện thực, mà chỉ là ta phải nhìn nó trong một khung giá trị học được hình thành trong điều kiện lịch sử. Việc phân biệt giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần là thuộc về bản chất của đối tượng giá trị, nhưng có một sự tương tác cũng như một khả năng chuyển đổi giữa chúng với nhau. Do đó, giá trị có cả tính khách quan lẫn chủ quan.
Giá trị có một tính đặc trưng xã hội theo nghĩa là nó đáp lại nhu cầu xã hội và vận hành vì xã hội chứ không vì cá nhân, tuy nhiên nó lại có một tính tự chủ tương đối và một đời sống tương đối độc lập. Điều này một mặt bác bỏ một kết luận sai trái cho rằng giá trị có một sự tồn tại “tự nó”, mặt khác nó bác bỏ thái độ tuỳ tiện chủ quan của chủ nghĩa thực dụng và của thuyết công cụ. Ngoài ra, tính mục đích của giá trị cũng cần phải được hiểu một cách thích hợp trong từng trường hợp, nó không chấp nhận những cách giải thích của thuyết duy tín ngưỡng hay của chủ nghĩa chủ quan.
Trong một xã hội, giá trị thuộc các kiểu khác nhau có thể tạo thành một hệ giá trị đặc thù cho từng nhóm, từng tầng lớp xã hội hay từng chế độ xã hội tương ứng mà trong đó, trên cơ sở tương tác chung, có thể có những giá trị ưu thế, nhưng chúng vẫn có những sự khác biệt đặc thù bất khả quy giản. Nhưng, trên bình diện xã hội vẫn phải có một hệ giá trị chung cho xã hội, và nó phải đáp ứng các khát vọng và mục đích tiến bộ chung của cả xã hội chứ không được dựa vào hệ giá trị của riêng một tầng lớp nào. Trong xã hội có phân chia đẳng cấp trước đây, người ta đã có quan niệm sai lầm khi quy định giá trị con người theo sự áp đặt địa vị xã hội một cách chủ quan từ giá trị quý tộc đến thường dân. Vậy mà ngày nay, ở nước ta, có người vẫn có quan niệm nhầm lẫn giữa “quý tộc” với “cao quý”, với “tinh hoa”, họ cho rằng tầng lớp quý tộc “có một tinh thần cao quý”, rằng “sử sách xưa nay gọi đó là tinh thần quý tộc, được xã hội coi là tinh thần dẫn đường cho xã hội”[1]. Theo quan niệm ngộ nhận đó, nhiều người hiện nay đang kêu gọi chúng ta phải xây dựng một tầng lớp quý tộc để dẫn dắt xã hội! Đây là sự nhầm lẫn giữa việc áp đặt với sự sáng tạo. Thực tế, đẳng cấp xã hội không phải là giá trị vì nó không phải là kết quả của nhận thức và lao động sáng tạo của con người mà là sản phẩm áp đặt của chế độ chính trị. Nó cũng không giống với sự định danh tầng lớp theo nghề nghiệp như công, nông, binh, trí, thương... Không thể mặc định đồng nhất đẳng cấp xã hội với giá trị con người. Quan niệm giá trị như thế là một quan niệm siêu hình. Trên thực tế, ngay cả trước đây, một người quý tộc cũng có thể có giá trị thấp hèn, và một thường dân cũng có thể có giá trị cao quý. (Trong tiếng Hán, hai khái niệm “cao quý” và “quý tộc” cũng được viết khác nhau). Việc áp đặt chủ quan như thế sẽ bóp nghẹt tinh thần sáng tạo giá trị của con người và vi phạm các giá trị dân chủ và công bằng.
Trong lĩnh vực mỹ học và nghệ thuật, các nhà mỹ học đã phân biệt giá trị thẩm mỹ với giá trị nghệ thuật. Theo họ, giá trị thẩm mỹ liên quan đến tự nhiên, đến đời sống xã hội nói chung, còn giá trị nghệ thuật chỉ liên quan đến nghệ thuật với tư cách là một hình thức chuyên biệt của thái độ thẩm mỹ. Trong khi giá trị thẩm mỹ có một bản tính tinh thần, còn cơ sở vật chất của nó thì thuộc một bản tính và chức năng khác, thì giá trị nghệ thuật, mặc dù cũng có một bản tính tinh thần, nhưng nó được dựa trên một công trình kiến tạo của con người, trên một đối tượng có mục đích chủ yếu là mang tính thẩm mỹ. Trong trường hợp của giá trị thẩm mỹ, việc tạo giá trị có thể được tiến hành với cả các đối tượng ngoại thẩm mỹ. Trong trường hợp của giá trị nghệ thuật, đối tượng được tạo giá trị cần phải hoàn toàn mang tính thẩm mỹ cả về mặt chức năng và mục đích của nó. Nếu như trong trường hợp của giá trị thẩm mỹ, tính biểu cảm cùng tính tượng trưng đại diện của nó còn được thực hiện bằng chính những thành phần của xã hội hay của tự nhiên, thì trong trường hợp của giá trị nghệ thuật, những thuộc tính đó thuộc về một đối tượng nhân tạo, được xây dựng một cách chuyên biệt. Giá trị nghệ thuật là thuộc tính của tác phẩm nghệ thuật biểu thị sự đánh giá đối với nó, được tạo thành về mặt xã hội bằng việc phát huy giá trị và xác lập vị trí cho nó trong khung cảnh của một bảng giá trị. Thông qua tính đặc thù của mình, giá trị nghệ thuật có một tính tổng hợp, thâu gộp vào trong nó những giá trị thuộc các loại khác nhau (mỹ học, chính trị, đạo đức, triết học, nhận thức, tôn giáo,...), chúng hoà tan vào cấu trúc của hình tượng nghệ thuật, thể hiện sự thống nhất giữa tự trị và dị trị và do đó nó mang tính pha tạp. Có ý kiến còn cho rằng các giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật không tồn tại như những “thực thể tự nó”, mà chúng được hình thành và tồn tại trong những “hoàn cảnh giá trị”; những yếu tố khác nhau của hoàn cảnh giá trị đó có vai trò không thể thiếu trong sự tạo thành giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật, tuy nhiên “nếu xem xét mỗi yếu tố một cách biệt lập thì nó chưa phải là một giá trị”[2].
Như vậy, giá trị không thể tồn tại tự nó và vì nó, mà nó tồn tại do con người và vì con người, cho nên nó là sản phẩm của cả hai quá trình sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Và vì thế, để sáng tạo và phán định giá trị, hành vi sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật phải có các tiêu chuẩn.
Các tiêu chuẩn dùng để nhận thức và sáng tạo giá trị nghệ thuật chủ yếu là mang tính thẩm mỹ (khả năng biểu cảm, sức khơi gợi, mức độ đại diện, sự hoà hợp giữa dụng ý với hiện thực hoá hình thức, vị trí và vai trò trong khuôn khổ của chuỗi giá trị hay của bối cảnh phong cách, v.v...) nhưng đồng thời chúng cũng mang tính ngoại thẩm mỹ, với nghĩa là chúng nhằm tới cả những chức năng xã hội, tới tầm quan trọng, khả năng dễ tiếp cận, tới thành công hay thất bại của sự biểu đạt đặc biệt đối với bản chất con người (việc ứng dụng một số tiêu chuẩn gián tiếp về nghệ thuật cần phải chú ý đến tính đặc thù của đối tượng phân tích, tức là phải làm cho phù hợp với phương diện thẩm mỹ). Ví dụ rõ nhất là giá trị của nghệ thuật kiến trúc.
Như thế, giá trị nghệ thuật phải nằm trong cái nhìn tổng thể của văn hoá, nó thể hiện các mục đích và khát vọng chung của con người trong việc tạo ra các giá trị cơ bản là cái chân, cái thiện cái mỹ. Ba mục đích tối cao này cũng làm thành tiêu chuẩn để phán định giá trị của mỗi một nền văn nghệ chân chính. Trong sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, các tiêu chuẩn gốc nói trên lại được cụ thể hoá thành những tiêu chuẩn tác động lẫn nhau như chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, tính dân tộc cũng như khả năng hội nhập với thế giới. Nhưng các tiêu chuẩn này không chi phối một cách tự động ở bên ngoài cấu trúc đặc thù của nghệ thuật, bên ngoài việc hiện thực hoá hình thức của nó. Theo nghĩa này, các đặc điểm nghệ thuật cũng chính là những tiêu chuẩn giá trị nghiêm ngặt nhất. Giá trị nghệ thuật được đưa vào khuôn khổ của một trào lưu hay một phong cách, và, tuỳ theo ngành, thể loại hay thể tài nghệ thuật, nó được phán định theo các tiêu chuẩn chuyên biệt hoá để có thể được gắn với bối cảnh nghệ thuật và sau đó là với bối cảnh xã hội.
Như vậy, với tư cách là sản phẩm của hoạt động tinh thần của con người, giá trị của văn học nghệ thuật không đơn thuần chỉ là giá trị thẩm mỹ, mà nó còn có các giá trị triết học, giá trị luân lý - đạo đức, giá trị chính trị, giá trị tôn giáo. Những giá trị này được đánh giá theo hai loại tiêu chuẩn: Một loại là các tiêu chuẩn về nội dung như chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, tính dân tộc và tính thế giới; Một loại là các tiêu chuẩn về hình thức nghệ thuật như biểu tượng điển hình hoá; tính cấu trúc được thực hiện thông qua một hành vi kết cấu; là sự hài hoà và xung năng; là sự biểu hiện của quyền tự do hình thức; là tính duy nhất thẩm mỹ và tính độc đáo cách tân; là tính biểu cảm và khả năng khơi gợi nghệ thuật; là khả năng gây ấn tượng mạnh và sức ảnh hưởng của cái cảm tính... Nhưng tất cả các tiêu chuẩn này phải được áp dụng dưới sự chi phối của ba tiêu chuẩn gốc là chân, thiện, mỹ.
 
2. Hệ giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay
 
Trong các hoạt động tinh thần, giá trị là một phạm trù trừu tượng, kể cả trong những lĩnh vực có những sản phẩm vật chất cụ thể mà trong đó giá trị được hiện thực hoá, thì về bản chất, giá trị vẫn là một phạm trù trừu tượng. Vì thế chúng ta không thể xác lập được một hệ thống định danh cố định cho các giá trị cụ thể, mà ta chỉ có thể đề xuất một hệ tiêu chuẩn giá trị cho từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực văn nghệ cũng vậy, nói đến hệ giá trị tức là ta phải hiểu đó là cách nói tắt của hệ tiêu chuẩn giá trị văn nghệ.
Thực chất, “tiêu chuẩn giá trị” cũng chính là những “giá trị chuẩn mực” để giúp ta xác định các giá trị cụ thể cho từng sản phẩm văn nghệ và trong từng trường hợp cụ thể. Vì thế, hệ [tiêu chuẩn] giá trị văn nghệ nên mang tính khái quát của tinh thần nhân loại và của từng xã hội, tránh áp đặt các quy định cụ thể giáo điều duy chính trị và duy luân lý, cũng như những giáo điều của giới luật tôn giáo...
Như thế, với tư cách là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật mang tính dân tộc, hệ giá trị của văn nghệ Việt Nam vừa phải có những tiêu chuẩn giá trị mang tính nhân loại, vừa có những tiêu chuẩn giá trị mang tính đặc thù lịch sử dân tộc. Vì thế, trên cơ sở những tiêu chuẩn chung như chủ nghĩa nhân văn, tính nhân dân, tính dân tộc, tính thế giới, hệ tiêu chuẩn giá trị văn nghệ Việt Nam đã cụ thể hoá thành các tiêu chuẩn phán định giá trị đặc thù như tình thương đồng bào (“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, / Người trong một nước phải thương nhau cùng”), lòng yêu nước (“Đất này đất tổ đất tiên / Đất này chồng vợ bỏ tiền ra mua / Bây giờ Nhật, Pháp kéo hùa / Chiếm trồng đay lạc, ức chưa, hỡi Trời!”), tinh thần đấu tranh chống cái ác (“Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”); hình tượng con người xây dựng đất nước, hình tượng người anh hùng trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, hình tượng cái đẹp nhân văn, hình tượng tâm hồn cao thượng, hình tượng bi tráng, hình tượng phê phán cái xấu, hình tượng tình yêu...
Đó cũng là những giá trị cơ bản của văn học nghệ thuật dân tộc qua nhiều thời kỳ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, chúng ta còn có thể thấy xuất hiện thêm những giá trị mới đặc thù cho thời đại vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc. Đó là tư tưởng nhân quyền, quyền cá nhân trong sự hài hoà với quyền cộng đồng, tư tưởng dân chủ, công bằng, ý thức công dân, trách nhiệm sinh thái, và đặc biệt là tinh thần phản biện xã hội. Phát huy các tư tưởng và tinh thần đó sẽ làm cho văn nghệ nước nhà có được những giá trị vừa trường tồn vừa có tính thời sự, vừa có tính dân tộc vừa mang tính nhân loại. Đó chính là một nhiệm vụ quan trọng của văn học nghệ thuật dân tộc hiện đại của nước ta. Tất nhiên, tất cả những giá trị đó phải được phán định theo ba tiêu chuẩn giá trị gốc là chân, thiện, mỹ, nhưng chúng lại phải được hoà nhập và chuyển hoá dưới sự quy định của cái mỹ để, bằng các thủ pháp và biện pháp nghệ thuật của văn nghệ sĩ, chúng làm thành giá trị cái đẹp nghệ thuật. Đến lượt nó, cái đẹp nghệ thuật chính là giá trị tiêu chuẩn cuối cùng để xác định các giá trị của văn nghệ là giá trị nghệ thuật. Theo đó, những sáng tác nào đi ngược lại hoặc vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của cái chân, thiện, mỹ, của chủ nghĩa nhân văn, của cái đẹp nghệ thuật, thì cho dù có tỏ ra mới lạ thì chúng cũng không thể có giá trị nghệ thuật, bởi vì, cái mới lạ thuần tuý không thể làm nên giá trị nghệ thuật. Đó là nguyên tắc tối cao của sáng tạo nghệ thuật và cũng là của việc tạo giá trị cho tác phẩm nghệ thuật.
Như ở mục một chúng tôi đã nói, một trong những tiêu chuẩn xác định giá trị nghệ thuật của văn nghệ là sự “hài hoà và xung năng”. Nhưng chúng tôi muốn nói rõ thêm đây là xung năng mang tính sáng tạo, cách tân, một xung năng tạo ra mâu thuẫn biện chứng cho sự phát triển, chứ không phải là xung năng huỷ diệt, phản tiến bộ. Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, ở những trào lưu đổi mới đôi khi cũng đã xuất hiện những hiện tượng xung năng cực đoan quá khích, như hiện tượng đồ vật hoá của trào lưu Đađa. Ở Việt Nam, từ những năm 1970 trở đi, nghệ thuật Việt Nam hiện đại đã bắt đầu hội nhập với thế giới hơn bao giờ hết, và trong quá trình hội nhập đó, hầu như mọi kinh nghiệm của các chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ XX của phương Tây đều đã được các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, thể nghiệm và áp dụng. Vấn đề là sự thể nghiệm đó thành công đến mức nào, chứ vấn đề không phải là phủ nhận chủ nghĩa hiện đại, điều này chúng ta không thể dùng ý chí luận mà áp đặt được.
Sự thật là nếu các nghệ sĩ của chúng ta phát huy được óc sáng tạo, thì mọi nguồn gợi ý đều có thể đem lại thành công. Trên thực tế, có nghệ sĩ đã đạt được thành công trong việc thể nghiệm nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, đặc biệt là đối với chủ nghĩa biểu hiện, siêu thực và trừu tượng, nhưng cũng có những thể nghiệm còn để lại những dấu hỏi nghi ngờ, nhất là những thể nghiệm trong các lĩnh vực gọi là “nghệ thuật trình diễn” và “sắp đặt”. Nhiều khi, những người tự gọi là nghệ sĩ đã thực hiện những cuộc trình diễn rất vô lý và phi thẩm mỹ. Đôi khi người xem có cảm giác đó là những trò giật gân câu khách chứ không phải là sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế mà có người đã đặt câu hỏi: “Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?”[3] dành cho một số nghệ sĩ thực hiện loại hình nghệ thuật này. Thực sự, ở đây tự do sáng tác đã bị lạm dụng một cách cực đoan. Có thể nói, trong một số thể loại nghệ thuật hiện đại, với những hoạt động ở mức tới hạn, ranh giới giữa nghệ thuật và giả nghệ thuật là rất mong manh. Ví dụ như trong “nghệ thuật trình diễn” thường có hai bước: bước “tiền trình diễn” và bước “trình diễn thực thụ”. Bước “tiền trình diễn” chính là sự chuẩn bị cho màn trình diễn. Chẳng hạn, năm 2010, đã có một nữ nghệ sĩ biểu diễn một màn hoạt cảnh có tên “Bay lên”, mô tả một con chim mẹ bay lượn phóng sinh một con chim con. Nữ nghệ sĩ đó đã bước ra sàn diễn, làm động tác thoát y khoả thân hoàn toàn trước khán giả, sau đó bôi keo dính lên thân thể, nằm xuống nhờ khán giả phủ lông chim lên người mình, rồi biểu biễn các động tác múa lượn, cuối cùng là mở lồng chim, ngậm một con chim vành khuyên vào miệng rồi há miệng cho chim bay ra[4].
Ở đây, chúng ta phải thấy rằng bước chuẩn bị biểu diễn như cởi quần áo phải được coi là bước “tiền trình diễn” chứ chưa phải là trình diễn thực thụ. Không thể coi nó là một thành phần cấu trúc của màn hoạt cảnh có chủ đề “chim phóng sinh”. Việc đưa giai đoạn “tiền trình diễn” vào màn biểu diễn cho khán giả xem là một hành vi ngoài nghệ thuật. Do đó nó đã phá vỡ giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy, người nghệ sĩ đã không xác định được ranh giới giữa “tiền nghệ thuật” và “nghệ thuật thực thụ”, không xác định được đâu là điểm bắt đầu và điểm kết thúc của màn diễn nghệ thuật. Việc nhầm lẫn hay cố ý xoá bỏ ranh giới này đã biến tác phẩm nghệ thuật thành giả nghệ thuật. Cái này gọi là những ranh giới tới hạn. Và hiện tượng này không chỉ xảy ra ở “nghệ thuật trình diễn”. Vì thế, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải xác định rõ bản chất, đặc trưng, mục đích và sứ mạng của nghệ thuật nói chung và của từng công trình sáng tạo nói riêng để làm chủ được nó trong những ranh giới nghệ thuật tới hạn, bất kể là nghệ thuật cổ điển hay hiện đại. Cần phải thấy rằng, mặc dù những gì xảy ra ở ranh giới tới hạn sẽ hứa hẹn cho ta những hiệu ứng đặc biệt, độc đáo và có thể dẫn đến cách tân, nhưng nếu không làm chủ được chúng thì chúng sẽ có nguy cơ phản lại chính mục đích nghệ thuật của chúng ta. Đó là một quy luật, và quy luật đó cũng đúng cho cả lĩnh vực sáng tạo giá trị nghệ thuật.
N.V.D
 

[1] Lê Thanh Bình, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam và các tiêu chí phù hợp trong giai đoạn mới”, t/c Tuyên giáo,  thứ Hai, 23/9/2019.
[2] M. Golaszewska (Ba Lan), “Artistic and aesthetic values in the axiological situation”, Philosophica 36,1985 (2), tr. 25-26.
[3] Anh Cuông, “Trình diễn nghệ thuật đương đại hay những trò lố?”, http://laodong.com.vn, 3-3-2011.
[4] Xem: GOVN, “Góc ảnh: Lại Thị Diệu Hà - Nghệ thuật sắp đặt trần truồng?”.

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc