Gia thế Trưng Nữ Vương: sự thực và huyền thoại
Ngày đăng: 31/03/2024; 53
PHÙNG VĂN KHAI
 
Đến hôm nay, công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Trưng Nữ Vương thấm thoắt đã gần hai nghìn năm (40 - 2024). Tinh thần quật khởi và khát vọng thực hành độc lập của Trưng Nữ Vương đã nghìn năm trở thành nét đẹp truyền thống của lịch sử dân tộc và đang được mọi tầng lớp Nhân dân Việt Nam học tập, noi theo. Trong quá trình điền dã để thực hiện bộ sách lịch sử về Trưng Nữ Vương, chúng tôi vô cùng xúc động khi nhận thấy chỉ tính riêng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đã có hàng trăm đình, đền, chùa, miếu thờ hai đức vua bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nếu tính đình, đền, chùa, miếu thờ và phối thờ các vị tướng quân theo Hai Bà đánh giặc phải kể đến hàng trăm địa điểm, nhiều nơi còn là danh thắng của mỗi vùng đất. Điều đó cho thấy tinh thần dân tộc, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của Nhân dân ta là hết sức đáng được ghi nhận và cần được tiếp tục phát huy.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi khái quát và làm rõ thêm về gia thế Trưng Nữ Vương từ một số đình, đền, chùa, miếu và truyền thuyết, ngọc phả về Trưng Nữ Vương, nhất là xuất thân, những người ruột thịt với những cứ liệu khoa học và vật chứng cụ thể. Âu cũng là tấm lòng của hậu nhân với tiền nhân.
Theo các nguồn sử liệu đáng tin cậy, người mẹ sinh ra Trưng Trắc và Trưng Trị có tên là Man Thiện (có sách gọi là Mèn Thiện). Một số thần phả đã chép lại rằng: “Bà Man Thiện là cháu chắt bên ngoại vua Hùng Vương”. Thuở thiếu nữ, bà Man Thiện là người con gái tài sắc nhất vùng, võ nghệ tinh thông, đặc biệt là tài ứng biến ít ai sánh kịp. Tài sắc của bà sớm vang xa và vị lạc tướng của đất Mê Linh là Trưng Định (có sách chép là Hùng Định) đã ứng tài hỏi bà về làm vợ. Dù có thân phận lạc tướng, song Trưng Định vẫn phải trải qua các cuộc thi cung kiếm võ nghệ và đối đáp văn chương với vô số kẻ tranh tài, sau được bà ưng thuận kết đạo vợ chồng. Bà Man Thiện về quê chồng là vùng đất Cổ Lôi thuộc Mê Linh. Cổ Lôi trang là đất bản địa của dòng dõi Trưng Định với nhiều làng bản Việt - Mường châu tuần quanh núi tổ Ba Vì dọc các thung lũng ven sông Tích với các nghề truyền thống làm nương, dệt lụa, săn thú, đúc chiêng trống, nhất là nghề đúc trống đồng đã đi vào sử sách. Cái tên Cổ Lôi còn có nghĩa là sấm nổ từ trong trống đồng. Tâm điểm của vùng đất Cổ Lôi với làng Kẻ Lói với xóm Nội Nhà nay vẫn còn - theo truyền thuyết chính là nơi cất tiếng khóc chào đời của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Vùng này còn nhiều tên đất, tên làng gắn với sự nghiệp của Trưng Nữ Vương như: chùa Mèn, đền Thái Bảo, làng Vân Lôi, Trạch Lôi, Kẻ Cánh, Đồng Kho, núi Trán Voi, bãi Thắng Đầu, Trại Vải, Tích Lịch giang… gắn với những truyền thuyết hào hùng về công cuộc đánh giặc phương Bắc.
Cha mẹ Hai Bà Trưng: Lạc tướng Trưng Định và phu nhân Man Thiện nổi tiếng khắp vùng trước tiên vì luôn chăm lo tới đời sống của dân chúng trong ngoài vùng đất do mình quản hạt. Đất Mê Linh trong đó có trang Cổ Lôi khi đó là một phần lớn  Phong Châu, nơi các vua Hùng truyền đời dựng nước. Các Lạc tướng của Hùng Vương đều là kết tinh sức mạnh và đạo đức trong công cuộc yên ổn bờ cõi, giữ gìn quốc thống ngàn năm. Trang Cổ Lôi nức tiếng với vợ chồng Trưng Định - Man Thiện mỗi khi mất mùa, đói kém, dịch bệnh xảy ra, dân trong vùng đều tìm tới để được nhận thuốc men, thực phẩm. Người dân trong vùng đến nay vẫn truyền lại câu: “Đói gì mà đói, đói thì vào Kẻ Lói xin ăn”. Tức là dân truyền nhau vào trại bà Mèn (Man Thiện) để tìm sinh kế. Cũng theo truyền thuyết và thần phả, thì ngoài hai con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị, ông bà Trưng Định - Man Thiện còn có thêm một người con trai nhỏ là Ún Ba. Truyền thuyết còn kể rằng Ún Ba sau này vừa là dũng tướng vừa là huân thần của Trưng Nữ Vương.
Với gia thế lừng lẫy, nhất là đức độ lớn lao của Lạc tướng Trưng Định, nhân tài khắp nơi kéo đến dưới trướng ngày một đông. Trưng Định còn cho mời vợ chồng sư phụ tài danh Đỗ Năng Tế và Cẩm Nương tới dạy văn võ cho các con. Hàng ngàn tráng đinh, binh sĩ dưới trướng Lạc tướng Trưng Định ngày đêm miệt mài luyện tập võ nghệ, lập các phường săn, sau này chính là đội dũng sĩ tiên phong giết giặc phương Bắc khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa.
Một trong những bước ngoặt của cuộc đời Trưng Trắc là khi mười chín tuổi kết duyên với vị tù trưởng đất Chu Diên là Thi Sách. Thi Sách khi đó rất nổi tiếng cả về tài năng và đức độ. Ngày đó, các Lạc tướng kén rể cho con gái theo phong tục, thường mở ra những cuộc thi tài rất nghiêm khắc cả đường văn đường võ với quy chế chặt chẽ, thậm chí kẻ thua cuộc có khi phải đặt cược cả tính mạng của mình (truyền thuyết vua Hùng kén rể Sơn Tinh, Thủy Tinh là một điển hình như vậy).
Cũng theo truyền thuyết và tư liệu từ đình, đền, chùa, miếu các vùng đất Sơn Tây, Ba Vì, Mê Linh… cuộc kết hôn giữa Thi Sách và Trưng Trắc chính là cuộc liên minh giữa các vị tù trưởng vùng đất thượng đạo (Trưng Định) và vị thủ lĩnh đứng đầu đất Chu Diên (Thi Sách) nơi đồng bằng tiếp giáp vùng biển trù phú. Đây vừa là liên minh chính trị đồng thời là sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền trên đất Lạc -Việt đã có từ hàng nghìn năm. Chính điều này là căn nguyên gây lo sợ với giới cầm quyền phương Bắc, nhất là những người được giao cai trị trực tiếp như Thái thú Tô Định lúc bấy giờ.
Sau cuộc giao kết hôn nhân, thế lực hai nhà Trưng Trắc - Thi Sách được nhân lên nhiều lần đã khiến Thái thú Tô Định buộc phải ra tay trước, bày độc kế giết Thi Sách. Đây chính là bước ngoặt lớn không chỉ đối với cuộc đời Trưng Trắc mà còn là bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta trong việc vùng lên đánh đổ bạo quyền phương Bắc giành độc lập dân tộc. Điều đặc biệt ở chỗ, ngay từ đầu, nhị vị nữ vương Trưng Trắc - Trưng Nhị đã biết đặt nợ nước lên trên thù nhà để dẫn dắt Nhân dân đánh giặc cứu nước: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng”. Trong bài hịch đọc trước toàn quân khi phất cờ khởi nghĩa (sau được dịch và biên soạn tại sách Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, tr.141, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2001) với lời lẽ rất hào hùng:
“Nay Tô Định làm Thái thú Giao Chỉ, tham tài hiếu sắc, hiếp vợ giết chồng, thần dân đều cùng căm giận, trời đất không thể dung tha.
Ta nay vâng mệnh trời, đuổi lũ ngoại xâm giặc Hán, dựng cờ tự chủ nước Nam, trống khua quật cường vang bốn cõi.
Hịch văn đến đâu, không kể thổ hào, già trẻ, trai gái, đều nên tự khởi binh, hay tự chiếm lấy châu quận, phủ huyện hạt mình, cắt đứt viện trợ quân tướng giặc, sau sẽ chọn quân tinh nhuệ đến hội tại Hát Môn, tiêu diệt giặc Hán.
Hịch này truyền ra, cả nước cùng rõ”.
Có thể khẳng định, khát vọng giành độc lập dân tộc đánh giặc Hán từ lâu đã là nguyện vọng lớn của Nhân dân. Bởi vậy, khi hịch văn của Trưng Nữ Vương truyền tới đâu, các vị tù trưởng, thủ lĩnh địa phương, nhất là Nhân dân bị áp bức hà khắc đều theo về cờ nghĩa, nên thế mạnh của nghĩa quân vô cùng lớn chính là nền tảng của chính nghĩa tất thắng làm nên lịch sử Trưng Nữ Vương.
Gia thế và nhất là chính nghĩa của Trưng Nữ Vương đã lan rộng sang các vùng đất thuộc nhà Đông Hán, tới tận sông Trường Giang, quận Trường Sa, dậy sóng hồ Động Đình. Nhiều thủ lĩnh, quan lại nhà Đông Hán theo Trưng Nữ Vương khởi nghĩa và được bà phong cho chức tước sau này đã chiến đấu rất dũng cảm trước binh tướng Mã Viện mà tiêu biểu trong trận Nam Hải, lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí bị nữ tướng Lĩnh Nam là Trần Quốc giết chết lại Ô Giang.
Sau này, theo giáo sư Trần Đại Sĩ, trong biên khảo Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống ADN cho biết, khi khảo sát tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên, đoàn nghiên cứu đã thấy nhiều địa điểm có đền, miếu thờ Trưng Nữ Vương và các tướng của bà. Nhân dân trong vùng, nhất là truyền thuyết dân gian vẫn lưu truyền về đức vua bà cùng các tướng đem binh đánh thắng nhiều trận trước quân của Hán Quang Vũ đế mà trận đại chiến hồ Động Đình còn dấu tích tới hôm nay.
Phải mất mấy năm sau, tháng 9 năm 44, sau một năm Trưng Nữ Vương lẫm liệt tuẫn tiết trên dòng sông Hát, những nghĩa binh cuối cùng mới tạm thời chịu khuất phục. Nhưng khí tiết, nhất là tấm lòng hướng về đại nghĩa, về khát vọng độc lập của Hai Bà Trưng vẫn luôn còn mãi.
Hiện nay, ở làng Kẻ Lói (Cổ Lôi) tổng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Sơn Tây cũ tại Quán Ao Sen (cũng gọi là Quán Ngọc) có thờ gia đình Trưng Nữ Vương. Thần phả ở đây cho biết: Gia đình này gồm hai ông bà Hùng Định, hai chị em Vua Bà, em trai Vua Bà. Đây là ngôi đền lớn xây trên một gò đá ong rộng, nền cao chừng 5m, nhìn ra một ao thả sen. Hương sen ngào ngạt tỏa ra từ một vùng nước rộng chừng 2 mẫu Bắc Bộ. Ba cây đa cổ kính cao vút xuyên thẳng vào vùng trời xanh biếc theo thế ba đỉnh tam giác vây quanh ngôi đền cổ, dân địa phương gọi là “Ba cây bắc xếp”. Ba cây đó tượng trưng cho gia đình với bếp lửa. “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” tượng trưng cho khối đại đoàn kết toàn dân, tượng trưng cho ba ngọn Ba Vì, cho núi Vua Bà, nơi phát tích nên vương nghiệp của một triều đại với những người lãnh đạo đồng huyết xứng đáng là hậu duệ các Vua Hùng.
P.V.K
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc