Khúc thủy cầm
Ngày đăng: 20/10/2024; 83
(Nhân đọc tập thơ “Những mùa sông thức gọi” của nhà thơ Bùi Quốc Bình,
Nxb. Hội Nhà văn, 2023)
 
TRẦN KHOÁI
 
Có thể là suy diễn nhưng điều đó trở thành nỗi ám ảnh vì thế cũng cần phải được nói ra. Đó là khi đối diện với 6 tập thơ của nhà thơ Bùi Quốc Bình, cứ thấy mạch chảy của thơ ông tựa như dòng sông Lô, nơi ông sinh ra, lớn lên và một đời gắn bó.
Chẳng nhẽ lại đúng. Cảm giác là có thật, cứ thấy ba tập thơ đầu của ông “Thức cùng trăng”, “Mùa lá”, “Trước hoa” như đấy là thượng lưu sông Lô. Ba tập thơ tiếp theo “Hun hút gió đồng”, “Gió ở đầu sông”, “Những mùa sông thức gọi” là lúc dòng sông đã về tới hạ nguồn, không gian được mở ra thoáng rộng hào phóng và thôi thúc.
Ở bài viết này chỉ đề cập tới tập thơ “Những mùa sông thức gọi” - tập thơ thứ 6 của ông. Đọc kỹ nhận ra: Thường mỗi khi viết về sông, hồ, biển, thơ Bùi Quốc Bình luôn tạo được ấn tượng đối với người đọc. Ở tập thơ “Những mùa sông thức gọi” cũng vậy. Sáu mươi tám bài thơ trong tập có tới 18 bài ông viết trực tiếp về đề tài này. Chưa kể tới ở những bài thơ khác đây đó cũng có những câu, những hình ảnh rất đẹp, xúc động chạm vào miền sông nước. Có thể dẫn ra hàng loạt bài trong tập như: “Sông Chảy”, “Phù sa”, “Bến gỗ”, “Ký ức sông Hồng”, “Thương về Phó Đáy”, “Chầm chậm chiều sông Lô”, “Khúc thủy cầm”,...
Trong chùm thơ vừa đề cập, ta nhận ra bài “Khúc thủy cầm” là bài tác giả ký thác nhiều xúc cảm. Bài thơ được viết bằng lối thơ văn xuôi, cách lựa chọn này khá tinh tế, phù hợp, bởi sự miên man của câu chữ tạo được cảm giác tiếng đàn nước dạt dào, êm chảy như những cảm xúc trong tâm hồn ông.
Bài thơ kết cấu theo dáng vóc một trường ca với bốn khúc thủy cầm vừa liên khúc, vừa tách bạch.
Ở khúc một, cảm xúc mẹ là sông - sông là mẹ, để rồi hội tụ lại cho một “mầm xanh” đấy là tuổi thơ con: “... Mẹ gửi ước ao vào mầm xanh bờ bãi... Dòng sông chảy vào đời con từ tấm bé...”.
Khúc hai là sự nhận thức của người con khi đã trưởng thành. Sông và mẹ là nguồn sống, sức sống làm nên quê hương: “... Anh gặp dòng xưa.../... Mẹ sớm hôm trồng cấy...”, vì thế:... “Trăm nẻo ngược xuôi/ Khi trở về với sông thấy lòng bình yên lại...”.
Khúc ba là hoài niệm tự hào về sự bất diệt của quê hương: “... Bao người thuở trước đã vì sông, vì Tổ quốc quên mình...”. Do vậy thế hệ tiếp nối phải sống xứng đáng với quê hương, với mẹ: “… Sông quê dung dưỡng sức trẻ trai.../... bến sông tiễn chúng tôi hoa như lửa...”.
Khúc bốn là sự khái quát - sông quê là nguồn chảy văn hoá muôn đời với bao ân tình nhân nghĩa: “... Dòng nhân gian xanh thẳm chảy giữa trời.../... tôi muốn ôm sông và bóng hình của mẹ...”.
Trong âm hưởng “Thủy cầm” còn có hai bài thơ: “Thương về phó Đáy” và “Chầm chậm chiều sông Lô”.
“Thương về Phó Đáy” là bài thơ người viết có nhiều chia sẻ. Sông Phó Đáy là con sông nhỏ, khởi nguồn từ núi Hồng thuộc địa phận xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây từng là “Thủ đô gió ngàn” của chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của dân tộc. Chính trên dòng sông này vào đầu năm 1948, Bác Hồ đã viết bài thơ “Nguyên Tiêu” bất hủ.
Dòng sông đẹp. Đi qua miền sơn địa Lập Thạch để hợp lưu với sông Lô, sông Thao, sông Đà ở ngã ba Hạc Trì hoà vào dòng sông Hồng hùng vĩ.
Nói như nhà thơ dòng Phó Đáy từng đẹp như “Một khúc dân ca” với bình minh tỏa sáng, vạt ngô xanh rờn, những vó bè trên sông vào mùa tôm cá...
Nhưng hôm nay dòng cạn khô gầy, nước đẫm màu ô nhiễm. Đúng là: “... Đẻ đau núi đồi thắt lòng đồng bãi/ Bao giờ trẻ lại nguồn xanh trong/ Để ríu rít tháng Mười chim ngói/ Lại về nhặt nắng bến sông quê”.
Câu hỏi đặt ra nhức nhối, bức xúc đối với tất cả chúng ta về trách nhiệm gìn giữ môi trường cho những dòng sông quê.
Nếu ở bài thơ “Thương về Phó Đảy” là sự thức tỉnh trách nhiệm cộng đồng thì ở bài “Chầm chậm chiều sông Lô” lại là một khúc “bi tình” sẻ chia cùng sông nước.
Bài thơ đẹp, buồn và trong suốt. Đấy là cảm xúc ta gặp khi đọc. Cô gái trong bài thơ đứng đợi người yêu trên bến sông quê. Cô thấy buổi chiều nơi sông nước như cảm thông, chia sẻ với nỗi lòng mình. Ví như mây từ mọi nơi đều về bến sông; này. Cỏ hoa dập dềnh hồi hộp trên sóng, tiếng cuốc kêu như thúc giục nhắc nhở người về. Và cái buổi chiều ấy như muốn kéo dài ra bởi người cô đợi chưa về “... Chiêu ráng đỏ bóng tà chậm chuyến/ ... Chầm chầm chiều sông Lô hoàng hôn...”.
Từ hai bài thơ “Thương về Phó Đáy” và “Chầm chậm chiều sông Lô” của Bùi Quốc Bình cho chúng ta nhận ra: Với người viết, đề tài là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn còn là cảm xúc, cách nhìn nhận, khai thác đề tài ấy.
Cùng một đối tác là sông nước quê hương, nhưng ở “Thương về Phó Đáy” là vấn đề môi trường sống. Còn ở “Chầm chậm chiều sông Lô” lại là tâm trạng con người chờ đợi, tìm nhau. Rõ ràng hai bài thơ cùng một đề tài nhưng do cách nhìn nhận, khai thác khác nhau đã mang đến cho người đọc những trường thẩm mỹ khác nhau. Đấy chính là sự linh diệu của thi ca trước cuộc sống.
Trong bài giới thiệu này, xin được dùng lại với bài thơ “Tôi muốn viết”. Bài thơ trình diễn bằng hình thức tự bạch mang âm điệu tuyên ngôn. Từ bài thơ ta nhận ra chân dung văn học mà nhà thơ hướng tới: “Tôi muốn viết cho dòng sông bật dậy những cây cầu/ Các em thơ vùng xa, vùng sâu không còn phải loi ngoi lội dòng đến lớp...”.
“Tôi muốn viết” viết để lay thức con người không tàn phá môi trường với những lợi nhuận trước mắt, với những miếng ăn vô cảm... “Tôi muốn viết” cho những người đã hy sinh vì đất nước này. Âm hưởng “Tôi muốn viết” đấy là tiếng nói nội tâm dồn nén, thôi thúc của một thi sĩ với trách nhiệm cầm bút.
Trong phần kết bài thơ ông viết: “... Tôi muốn viết/ Viết nhiều hơn thế/ Nếu có luân hồi, tôi lại viết. Thế thôi”.
“Thế thôi” xem ra thật nhẹ nhàng nhưng xét cho cùng đấy là sự nghiệp. Đấy là một đời con người đánh đổi mà đã chắc gì nên cơm nên cháo trước “Dòng sông đời” hùng vĩ này.
Đọc một tập thơ, dĩ nhiên người đọc luôn nhận được cái hay cái đẹp và rất nhiều chia sẻ, suy ngẫm để từ đó tạo cho tâm hồn trở nên phong phú, cao thượng.
Với nghiệp cầm bút chẳng biết thật hay giả nhưng đây là lời của nhà thơ: “Nếu có luân hồi, tôi lại viết. Thế thôi” với người đọc chúng ta cũng sẽ chờ và đọc thơ ông “Thế thôi”.
T.K
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc