(Nhân đọc “Đường thi - Luận giải và thưởng thức” của dịch giả Trần Trọng Sâm, Nxb.Hội Nhà văn, 2023)
BÙI VIỆT THẮNG
Người nối nhịp cầu văn hoá
Không thể không chiêm bái sự kỳ vĩ, trác tuyệt của nền văn minh, văn hoá, văn học, nghệ thuật Trung Hoa có lịch sử hàng ngàn năm. Thời trung đại (thế kỷ X - XIX), Việt Nam từng nằm trong khối “đồng văn” (cùng văn hoá Hán, cùng văn tự Hán, như Nhật Bản, Triều Tiên). Văn hoá và khoa học là tài sản chung của nhân loại, không có biên giới, như ai đó nói, một cách chí lí: “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Tuy nhiên, khác với các ngành nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, vũ ba-lê... thì văn chương, do “hàng rào” ngôn ngữ, rất cần những sứ giả văn hoá - những dịch giả tài năng - người nối những nhịp “cầu kiều”, làm cho dòng chảy nghệ thuật ngôn từ được lưu thông, liền mạch, tạo nên cơ hội hòa nhập các giá trị tinh thần lớn lao không thể đo đếm theo phép “định tính”.
Đại thi hào Đức thế kỷ XIX - J. Goethe (Gớt) đã nói về một tương lai của “văn chương thế giới”: một nền văn chương có cùng “mẫu số chung” các giá trị vĩnh cửu: chân - thiện - mỹ.
Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các bậc túc nho: Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố... đã đắc lực và dày công giúp người Việt Nam biết “ngoài trời còn có trời”. Đó là “chiến dịch” chuyển tải “tân thư” từ các ngôn ngữ khác nhau (phần lớn qua tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc) thành tiếng Việt các trước tác có tính chất khai sáng của các triết gia, nhà hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới.
Đặc biệt, khi bàn về văn chương Trung Hoa, giới nghiên cứu thường khái quát: “Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc, tiểu thuyết Minh - Thanh”. Nhà nghiên cứu văn học Hồng Diệu (sinh năm 1943) đã dày công nghiên cứu và xuất bản công trình đồ sộ Đường thi từ điển (2013). Đến thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tưởng chừng công việc nghiên cứu, dịch thuật thơ Đường như đã xong xuôi. Nhưng không! Vì “Thơ Đường viết mãi không cùng”. Công việc này là một “cuộc đua ma-ra-tông” dài hơi, bởi đích đến rất xa. Cần có những người chạy tiếp sức vì cái đẹp không thể phát hiện hết các giá trị của nó chỉ bởi một người, chỉ một lần, chỉ một thế hệ.
Dịch giả Trần Trọng Sâm, nếu có thể nói, là một người chạy tiếp sức, có nhiều đóng góp vào quá trình giao lưu văn hoá - qua nhịp cầu văn học - hai đất nước Trung Hoa và Việt Nam trong vòng vài chục năm gần đây. Ông là tác giả của các công trình dịch thuật được văn giới đánh giá cao như Kinh Dịch diễn giải - Đạo lý mưu cầu tồn tại và phát triển, Khuất Nguyên; đặc biệt là hai trước tác của Lý Xương Bình: Tôi nói thật với Thủ tướng, Tôi nói thật với Nhân dân... Đáng khâm phục hơn là tấm gương lao động kiên nhẫn, dẫu ở tuổi cửu thập “cổ lai hi”, dịch giả Trần Trọng Sâm vẫn “cháy đến giọt cuối cùng” khi nỗ lực xuất bản bộ sách (02 tập) với nhan đề Đường thi - Luận giải và thưởng thức (Nxb. Hội Nhà văn, 2023). Tôi vẫn thường nói vui với bạn bè, đồng nghiệp: dịch giả Trần Trọng Sâm là đồng hương xứ Nghệ vĩ đại của tôi!
Lịch sử khoa học và nghệ thuật nhân loại đã chứng minh một chân lý giản dị: sự tiến bộ, tiến hoá trước tiên và sau hết là nhờ ở phương pháp tiên tiến. Tuy nhiên, còn phải có và luôn rất cần đến sự kiên nhẫn lao động nghề nghiệp. Ở dịch giả Trần Trọng Sâm hội tụ đủ cả hai điều kiện quan trọng, tối ưu đó.
Các phương pháp tiếp cận Đường thi từ cái nhìn hiện đại
Hiện đại đến từ truyền thống theo phương pháp chiến lược thấu suốt
Truyền thống luôn hiện diện trong hiện tại, cùng nhau xây đắp tương lai. Truyền thống tốt đẹp là ký ức lương thiện của nhân loại nói chung, một dân tộc cụ thể nói riêng. Giá trị văn hoá không nhất thành bất biến, trái lại thường xuyên được bổ sung, bồi đắp bằng cái nhìn thấu suốt của hiện tại. Văn hoá càng không có biên giới khi thế giới trở thành “phẳng” và “mở”, phản ánh xu thế toàn cầu hoá bằng “mẫu số chung” của các giá trị chân - thiện - mỹ. Dịch giả không đơn thuần là người chuyển ngữ (chuyển nghĩa của từ), cao hơn, dịch giả là người góp vào, làm phong phú, đầy đủ hơn các giá trị sinh thành, bởi chữ là “sinh ngữ” (một sinh thể văn hoá, “ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng” - ý của Các Mác). Dịch thuật cũng như sáng tác hiện đang rơi vào tình trạng “không trọng tải”, có thể hiểu là thiếu tư tưởng. Dịch và giới thiệu Đường thi, một giá trị văn hoá không chỉ của Trung Hoa mà của nhân loại, đòi hỏi tinh thần đối thoại giữa quá khứ với hiện tại.
Dịch giả Trần Trọng Sâm, theo ý chúng tôi, đã làm việc nghiêm túc, công phu và sáng tạo trên từng con chữ. Ông đã dày công thẩm vào “bếp núc” chữ nghĩa bằng cái nhìn của thời hiện đại soi chiếu vào quá khứ, dẫu quá khứ ấy nằm ở ngoài biên giới quốc gia, dân tộc. Lao động nghệ thuật nói chung (sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu...) đòi hỏi tài năng, tâm huyết, sự mẫn cán, mẫn cảm và cả sự xả thân vì lợi lộc (vật chất xem như không đáng kể). Nó còn là nỗi thoả chí đam mê của một nghiệp chứ không thuần túy chỉ là một nghề. Nếu để kiếm sống từ “nghề” dịch thì một người ở độ tuổi như Trần Trọng Sâm sẽ “rũ áo”, không phải để từ quan, mà là từ chữ. Tuổi này chỉ cần sống khoẻ, sống vui với con cháu đã là hạnh phúc. Tuy vậy, ông vẫn cứ “chiến đấu” với cả “núi” chữ nghĩa, vươn ra biển cả mênh mông của thế giới chữ tượng hình (dân ta vẫn gọi nôm na là “chữ vuông”) bằng trọn vẹn tâm huyết, đam mê.
Các phương pháp tương hỗ tiếp cận kho tàng Đường thi
Sự vận dụng tổng hợp các phương pháp tiếp cận Đường thi đã giúp dịch giả Trần Trọng Sâm thành công trong việc chuyển tải thơ Đường (thế kỷ VII - X) đến bạn đọc Việt Nam vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Điều đáng nói là, sự vận dụng tổng hợp các phương pháp tiếp cận Đường thi không phải là một hành động tự phát, trái lại hoàn toàn tự giác, tự nguyện. Đọc Đường thi - Luận giải và thưởng thức của dịch giả Trần Trọng Sâm, chúng tôi nhận thấy các phương pháp tiên tiến đã được vận dụng triệt để và sáng tạo: Địa - chính trị/ Địa - văn hóa/ Tiểu sử/ So sánh loại hình/ Thi pháp học/ Phong cách học/ Văn bản học (ngữ pháp, từ loại, tu từ...). Tùy mức độ của đối tượng tiếp cận, dịch giả Trần Trọng Sâm đã làm sáng tỏ hơn, hấp dẫn hơn, thuyết phục hơn với bạn đọc của thế giới mạng xã hội (vốn có đặc tính nhanh - nhiều - thực dụng) kho tàng Đường thi của Trung Hoa và nhân loại những sắc màu, đường nét, âm thanh mới mẻ. Khiêm tốn mà tự tin bởi dịch giả đã “tựa” vững vào nền tảng tri thức giàu có (chữ vuông), vào năng lực bẩm sinh mẫn cảm và mỹ cảm đặc biệt mà dịch giả sẵn có, cộng với sự dồi dào tinh thần phản biện những người đi trước từng chuyên chú làm công việc dịch thuật. Nhưng cái hay, cái giỏi của dịch giả đó là không phủ định sạch trơn, không tranh công với các bậc đi trước trong một lĩnh vực nếu có vinh quang thì cũng thừa cay đắng.
Dịch là sáng tạo
Có không ít người khăng khăng “dịch là diệt”. Nhưng đó là thái độ cực đoan trong khoa học xã hội - nhân văn. Người Việt Nam đã từng thưởng thức những bản dịch trước tác của nhiều văn nhân thế giới từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Chúng tôi đơn cử một ví dụ về sự sáng tạo của dịch giả Trần Đình Hiến khi cống hiến cho độc giả Việt Nam tác phẩm Báu vật của đời (nguyên tác tiếng Trung Quốc là Phong nhũ phì đồn) của nhà văn Mạc Ngôn (sinh năm 1955) - nhà văn Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương, năm 2012.
Trong Đường thi - Luận giải và thưởng thức của dịch giả Trần Trọng Sâm có luận điểm “ý tại ngôn ngoại”. Đọc cuốn sách này, chúng tôi nhận ra “đạo” của người viết, đó là tâm nguyện giúp bạn đọc nhận thấu những tinh tuý của thơ Đường khi và chỉ khi chúng ta không rơi vào công thức, máy móc và hời hợt. Thơ là “ý tại ngôn ngoại”. Trong văn xuôi hiện đại, văn hào Mỹ Ernest Miller Hemingway (1899 - 1961) có trình diện về “lý thuyết tảng băng trôi” (phần nổi chỉ bằng 1/7 phần chìm, sức mạnh của nó là ở phần chìm), hiểu là chữ đi với nghĩa, nếu không thì chỉ còn xác chữ. Nghệ thuật ngôn từ, nhất là thơ ca, thực sự hay và sống bền bỉ trong ký ức bạn đọc chỉ khi nó gợi liên tưởng sâu xa và thú vị. Thơ không nói thẳng và nói hết như cảnh giới của văn hào Pháp Honoré de Balzac (1799 - 1850) đại ý: Điều tối kỵ trong nghệ thuật và tình yêu là nói hết ra.
Người xưa nói “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa” thật chí lý. Đọc xong Đường thi - Luận giải và thưởng thức của dịch giả Trần Trọng Sâm, tĩnh trí và ngẫm nghĩ, chúng tôi nhận thấy trong đó có cả hoa, cả nụ. Không đáng mừng sao? Xin quý vị bạn đọc gần xa hãy dành thời gian đọc tác phẩm mới này. Bất kỳ sự bình luận nào cũng không thể thay thế việc đọc trực tiếp tác phẩm. Bởi “chữ bầu lên nhà văn”.
B.V.T