TẠ HUY ĐỨC
Đình Ngọc Canh xưa thuộc làng Ngọc Canh, huyện An Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây (xứ Đoài), đời Nguyễn là tổng Hương Canh, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây, nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đình Ngọc Canh cùng với đình Hương Canh, đình Tiên Canh tạo thành cụm di tích đình Tam Canh nổi tiếng về sự độc đáo kiến trúc gỗ cổ dân gian hiếm có của xứ Đoài vùng đồng bằng - trung du Bắc Bộ.
Được làm thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), đình Ngọc Canh có kiến trúc đình hình chữ Vương (王) gồm 3 tòa: tiền tế, đại đình và hậu cung. Tiền tế có 5 gian, dài 20,25m, rộng 7,1m; đại đình có 5 gian, 2 trái (dĩ) dài 24m, rộng 15,75m; hậu cung có 5 gian, dài 10m, rộng 7,3m.
Cũng như nhiều ngôi đình khác, đình Ngọc Canh được người xưa chạm trổ nhiều bức chạm như đấu vật, bơi chải, đi săn về hay những hình rồng, phượng, con giống... tuy nhiên, nội dung và nghệ thuật chạm trổ ở đình Ngọc Canh lại thiên về đặc tả những cảnh lao động, những thú vui hàng ngày của vùng nông thôn trong không gian trầm lắng suy tư, liên tưởng trước thực tế cuộc sống của Nhân dân ta nửa cuối thế kỷ XVIII. Bố cục các bức chạm chặt chẽ, hài hoà với kiến trúc, đường nét phóng khoáng tự do. Tập trung khắc họa từng chi tiết, làm nổi rõ nét mặt, tình cảm, tư duy, cá tính của từng nhân vật, mang nội dung tư tưởng sâu sắc. Tiêu biểu có thể kể đến một số bức chạm:
- Bức chạm “Dựng cột buồm”: Bức này là ván nong đặt trên một đầu cột con ở gian cạnh, miêu tả cảnh làm thuyền buồm của một hiệp thợ. Trên một chiếc thuyền vừa làm xong, mũi thuyền là hình đầu rồng nằm ngửa cong lên, giữa thuyền là một cột buồm đang dựng, hai bên có bốn cây chống. Trên thuyền có sáu người, đằng lái có một người nằm nghiêng, chân vắt chéo lên nhau, một tay chống lên thái dương, nét mặt bình thản. Có lẽ đây là ông thợ cả đang nằm nghỉ, vì những công việc chính là cả chiếc thuyền đã làm xong, chỉ còn một vài việc đơn giản trong đó có việc lắp ráp chiếc cột buồm cho thuyền, nên thợ cả được ưu tiên nghỉ ngơi sau những ngày mệt nhọc.
Đằng mũi thuyền có một người đang đứng, một tay để ngang bụng, một tay giơ lên, mắt nhìn lên cột buồm. Có lẽ đây là ông thợ kỹ thuật, hoặc thợ phó đang chỉ đạo việc dựng cột buồm. Còn lại bốn người thì hai người đang trèo trên ngọn cột buồm, dáng người khỏe khoắn, lẳn chắc, môi bặm lại đang dùng tay để lắp mộng và các chi tiết của cột buồm. Dưới gốc cột buồm trên sàn thuyền có hai thanh niên, một trai một gái đang ôm giữ cột buồm, chắc để cho cột buồm thêm vững và đảm bảo an toàn cho người đang trèo trên ngọn cột. Một chi tiết rất hóm hỉnh ở đây là: Đang phải ôm giữ cột buồm như thế, nhưng anh con trai vẫn lấy một chân gác lên đùi cô gái và cô con gái đã dùng tay đẩy cái chân của anh chàng ấy ra... với hình ảnh ấy, các nghệ sỹ dân gian muốn nói lên sự lãng mạn, tính hồn nhiên yêu đời trong lao động sản xuất của Nhân dân ta. Bức chạm này chạm thủng, cả sáu người đều được khắc họa khỏe mạnh, nét mặt bình thản, rắn rỏi.
- Bức chạm “Uống rượu”: Bức này chạm trên ván gió ở cạnh đầu cột cái, chạm cảnh hai người đang uống rượu trên một tấm thảm gỗ, đầu đội mũ có tai bịt dài đến vai, một người ngồi xếp bằng tròn, một tay cầm chén rượu giơ lên ngang ngực, một tay cầm quạt giấy nhưng không mở. Người thứ hai đối diện ngồi kiểu chữ ngũ, một tay chống vào mạng sườn, một tay nâng chén rượu giơ ngang ra. Ở giữa hai người là một mâm bồng nhỏ, trên đặt một nậm rượu và hai đĩa con. Hai người này gò má cao vẻ đã luống tuổi, đầu ngả vào nhau như đang to nhỏ câu chuyện gì đó, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ, phía sau hai người dựng hai quạt ống vả, vẻ trang nghiêm.
- Bức chạm “Đánh cờ”: Bức này đặt ở phía trên đầu cột cái bên phải (ngoài vào). Chạm cảnh chơi cờ tướng. Bức chạm có bốn người: Hai người đang chơi cờ và hai chú bé thiếu nhi ngồi hầu. Chính giữa bức chạm là một bàn cờ hình vuông. Hai người ngồi hai bên bàn cờ nhưng chéo góc với bàn cờ, ý muốn nói là những tay chơi cờ lão luyện. Người thứ nhất ngồi ở tư thế hai chân doãi ra, miệng cười tươi, nét mặt rạng rỡ, một tay cầm quân cờ vừa ăn được của đối phương, tay kia đặt vào quân cờ trên bàn cờ, bàn tay cong tớn lên quá cỡ vẻ tinh nghịch, đắc thắng. Còn người thứ hai ở phía bên kia bàn cờ, ngồi một chân co, một chân duỗi, người này trán hói, mắt đuôi lươn trông gian, môi mắm lại, nét mặt ỉu xìu, hiện rõ vẻ tiu nghỉu của một tay cờ vừa thua một nước bất ngờ hay mất những quân quan trọng. Một tay ông ta vỗ lên đùi, còn tay kia đặt lên quân cờ trên bàn như đang tìm cách lừa đối phương nước cờ khác. Phía ngoài bàn cờ là hai chú bé đang ngồi phục vụ, một chú ngồi xếp bằng tròn, một tay quạt, một tay đặt cạnh mép bàn cờ, miệng cười vui, hồn nhiên. Còn chú bé kia ngồi nghiêng xóc lệch, mặt ngoảnh ra, miệng cười mỉm, tay chỉ vào bàn cờ, trông vui ngộ nghĩnh. Phía trong bàn cờ đặt một mâm bồng, đế cao trên để nậm rượu và hai cái chén. Toàn bộ bức chạm này được đóng khung bằng một nghi môn, hai góc trên có hai đầu rồng chầu vào, miệng rồng há rộng, lưỡi rồng thè ra trông ngộ...
Điều độc đáo của bức chạm “Đánh cờ” này là nghệ thuật trang trí. Để thể hiện đề tài một cách tối ưu nhất, nghệ nhân bức chạm này đã bố trí các nhân vật trên cùng một mặt phẳng mà không theo luật xa gần của tranh phong cảnh. Trông cảnh đánh cờ ở đây như treo lên vậy, vì thế mà các hình được miêu tả nổi bật từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện được cả thái độ, tình cảm của mỗi người, thế cờ của mỗi bên... để rồi miêu tả tổng thể cái thú vui uống rượu, chơi cờ, phảng phất đâu đây cả mặt trái “cờ gian bạc lận” trong Nhân dân ta thuở trước. Đó là những nét độc đáo, những giá trị khó lòng tả hết của bức chạm này về nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ dân gian ở Tam Canh thế kỷ XVIII.
- Bức chạm “Đến hát nhà quan”: Bức này nằm ở gian cạnh của đình. Miêu tả một gánh hát dân gian đang phục vụ ở nhà một viên quan. Gánh hát có ba người, một diễn viên và hai nhạc công. Người biểu diễn là một phụ nữ ăn mặc vẻ quý phái, đầu đội mũ miện có giải dài xuống má, mặt trái xoan, đẹp, một tay quạt xòe giơ lên ngang ngực, tay kia giơ lên cao ngón xòe ra, có lẽ chị đang độc tấu một bài chèo hay tuồng cổ nào đó. Còn hai bên là hai nhạc công mặc áo thụng, một người đang thổi sáo, một người cầm tiêu, phía trên đầu ba người này chạm ba bông hoa rất đẹp. Còn khán giả là một ông quan, dáng người nhỏ nhắn, ngồi trên một cỗ ngai, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt béo, người tròn, hai tay vòng trước ngực, chân buông thõng xuôi, vẻ đang chăm chú nghe hát. Bức chạm này được đục chạm công phu, bố cục chặt chẽ, các nhân vật được thể hiện với nét mặt nghiêm vẻ gò bó, nói lên cảnh hát ở nhà quan, sang nhưng không thoải mái.
Quan ở đây được miêu tả với hình dáng bé nhỏ hơn các diễn viên gánh hát - làm tăng thêm vai trò chủ thể của gánh hát, đồng thời phần nào đã phê phán cuộc sống ích kỷ của bọn quan lại phong kiến đương thời. Mặc dù rất miệt thị những người “xướng ca vô loài”, chế độ phong kiến đã đặt ra những luật lệ khắt khe, tước bỏ những quyền lợi của người làm nghề ca hát. Nhưng chúng vẫn luôn bắt họ đến nhà phục vụ để làm thoả mãn những nhu cầu hưởng thụ của cá nhân chúng.
Ngoài ra, đình Ngọc Canh còn một số bức chạm khác như các bức: Tứ linh (long - ly - quy - phượng), tứ quý (thông - trúc - cúc - mai), hoa lá... Đặc biệt, ở tiền tế có hai bức tranh sơn thếp màu có kích thước lớn. Mỗi bức dài 1,2m, rộng 0,9m, một bức tả cảnh “tùng - lộc - mai - điểu”, một bức tả cảnh thủy - mạc. Với kỹ thuật sơn thếp màu rất chuẩn mực, các cảnh ở hai tranh thấp này đẹp lung linh, phản ánh rõ ước vọng về một làng quê phồn vinh, thanh bình với những sản phẩm thiên nhiên trù phú, cảnh đẹp gần gũi với những làng mạc, sông nước mây trời.
Tất cả những tiếng nói nghệ thuật ấy của các bức chạm trổ, của tranh vẽ, khiến cho nội thất đình Ngọc Canh đẹp nhiều vẻ: đẹp trong lao động sản xuất, đẹp trong sinh hoạt hưởng thụ, đẹp huyền ảo ngưng đọng trong tâm trí con người. Kỹ thuật, mỹ thuật điêu khắc, chạm trổ trang trí ở đình Ngọc Canh cổ kính thật đáng quý biết bao.
T.H.Đ