Chùa Sùng Khánh
Ngày đăng: 17/06/2022; 630
 
                                                                                                                     Bình Sơn
 
Chùa Sùng Khánh (Sùng Khánh tự, còn gọi là chùa Tiên Lữ) là một di tích lịch sử - văn hoá tọa lạc tại xã Tiên Lữ (1), huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, một danh lam lưu giữ nhiều dấu ấn nghệ thuật thời Mạc triều.
Về niên đại chính xác (thời điểm xây dựng) của ngôi chùa Sùng Khánh vẫn có các ý kiến khác nhau. Theo bài văn khắc trên hai bia đá cổ được tạo năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708) và năm 1716, ghi chép về việc Nhân dân trong vùng hưng công góp của dựng chùa cùng một số thông tin được người xưa kín đáo lưu lại nơi câu đầu bên trái của tòa bái đường ghi lại lần trùng tu lớn của chùa vào năm Tự Đức thứ 29 (năm 1876), các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định: chùa Sùng Khánh có thể được xây dựng vào khoảng những năm cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.
Theo anh Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Chủ tịch HĐND xã Tiên Lữ, hậu duệ đời thứ 8 của nhà Mạc ở Vĩnh Phúc - thì chùa Sùng Khánh được con trai trưởng của vua Mạc Kính Vũ (1638 - 1677) là Mạc Kính Quang(2) hưng công, cùng nhiều người trùng tu, tôn tạo vào cuối thế kỷ XVII.
Trải năm tháng, nắng mưa cùng sự hưng phế của thời cuộc, nhờ được người dân Tiên Lữ dày công gìn giữ, nên về cơ bản ngôi chùa cổ vẫn được bảo tồn. Năm 1999, tam quan chùa được phục dựng. Tới năm Mậu Tý (2008), vào tháng Chạp, lầu chuông được trùng tu, tôn tạo, tọa lạc nơi trung tâm sân chùa.
 
 
Cổng chùa Sùng Khánh (xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)
 
Chùa Sùng Khánh không chỉ lưu giữ được kết cấu nguyên bản của ngôi chùa Việt truyền thống mà còn mang đậm những dấu tích tiêu biểu, độc đáo của kiến trúc chùa Việt thời nhà Mạc với bố cục/kiến trúc ngôi chùa theo kiến trúc kiểu chữ công (工) gồm toà tiền đường (còn gọi là bái đường) và tòa thượng điện (còn gọi là thiên hương), theo cách gọi dân dã là chùa trênchùa dưới. Tiền đườngthượng điện của chùa Sùng Khánh được nối với nhau bởi phần ống muống.
Kết cấu của cùa Sùng Khánh rất vững chắc, bao gồm một hệ thống 54 cột gỗ lớn, trong đó có 16 cột cái (cột đại). Mỗi cột cao khoảng 3,7m. Chu vi các cột khoảng 1,13m.  Mỗi cột được đặt trên một phiến đá lớn, vững chãi.
Nét nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc gỗ của chùa Sùng Khánh thuộc về kỹ thuật bào trơn đóng bén, mộng sàm chặt khít, đảm bảo tính bền vững, chắc khỏe của một công trình kiến trúc lớn. Trong đó, tiêu biểu là hệ thống 12 vì kèo liên kết với nhau rất khỏe khoắn, vững chắc, nâng đỡ mái chùa có kết cấu theo lối bốn mái, trên lợp ngói mũi hài, tạo cho ngôi chùa thêm vẻ bền vững, uy nghi.
Chùa Sùng Khánh là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở vùng này. Điểm đặc biệt đầu tiên minh chứng cho nhận định này đó là toàn bộ hàng đá kê chân cột chùa, cả dấu tích hàng đá kê chân cột nhà tả vu, hữu vu của chùa đều là những khối đá nguyên thuỷ từ khi dựng chùa. Đồng thời, hệ thống tường bao quanh chùa đều được xây bằng gạch đá ong - một loại vật liệu xây dựng truyền thống, đặc trưng của vùng trung du Vĩnh Phúc.
Hệ thống tượng thờ ở chùa Sùng Khánh chứa đựng nhiều yếu tố độc đáo. Tọa lạc nổi bật ở phía trước tiền đường (bên lối vào - ra chùa) là hai pho tượng rất lớn, có tên là tượng Khuyến thiện và tượng Trừng ác. Hai pho tượng này có chiều cao ước khoảng trên 2m. Tượng được nghệ nhân xưa tạo hình rất công phu, sinh động: Tượng Khuyến thiện có khuôn mặt màu trắng, đầy đặn, hiền từ. Đầu tượng đội mũ giáp trụ, mình mang võ phục nai nịt gọn gàng, chân đi hài cong, lưng thắt đai đỏ. Tượng tọa trên lưng một con sư tử lớn, được tạo hình với dáng vẻ dữ tợn, lưng oằn, bốn chân choãi ra, bám chặt xuống đất một cách vững chãi. Một tay tượng chống vào đầu sư tử, tay kia nâng viên ngọc minh châu. Đôi mắt của tượng nhìn thẳng, ánh nhìn hiền từ. Còn tượng Trừng ác lại được các nghệ nhân tạo hình với khuôn mặt đỏ rực, oai nghiêm, đôi mắt to, xếch, hàm râu vểnh ngược. Đầu tượng Trừng ác đội mũ giáp trụ, mình vận trang phục võ tướng. Tượng Trừng ác cưỡi trên một chú sư tử, một tay tượng chống lên đùi, tay kia nắm chặt thanh long đao, chân trái co lên, gác đè lên đầu sư tử, chân phải giẫm lên thân một con quỷ (3). Sự kết hợp giữa các đường nét nghệ thuật khi tạc tượng, ý nghĩa cái tên “Trừng ác”, cách tạo hình phóng khoáng, bay bổng và tài hoa của nghệ nhân xưa cộng hưởng lại làm tăng thêm vẻ uy nghi, oai nghiêm của vị thần được dân gian Việt tôn kính, là phúc thần chuyên trừng trị những kẻ gây điều ác trong thế gian, đồng thời răn đe, cảnh báo những ai không chịu sửa mình, hướng thiện.
Thêm một điểm độc đáo làm nên sự đặc biệt của chùa Sùng Khánh đó là, hai bên phía đầu hồi tòa tiền đường, gần cửa ra vào của chùa Sùng Khánh được bài trí hai cụm tượng khá lạ, không giống sự bài trí thường thấy ở nhiều ngôi chùa truyền thống khác. Hai cụm tượng này gồm 8 pho tượng, mỗi bên 4 pho, tọa lạc sát bức tường đầu hồi toà tiền đường. Qua quan sát, có thể đoán rằng: 4 pho tượng Kim Cương tọa lạc bên phải lối cửa vào chùa Sùng Khánh tựa như 4 vị quan văn, còn 4 tượng Kim Cương tọa lạc bên trái tiền đường ứng với các quan võ (tay các vị mang khí giới, nét mặt nghiêm…). Theo các nhà nghiên cứu, thì đây là cụm tượng Bát bộ Kim Cương. (4) Theo quan niệm dân gian, các vị này vốn là những thần tướng trên trời, đã quy y tam bảo và phát nguyện hộ trì Phật pháp. Trí tưởng tượng bay bổng, khoáng đạt, phong phú cộng với bàn tay tài hoa của nghệ nhân ta xưa đã khắc, tạc, tạo cho 8 vị Kim Cương mỗi vị một vẻ mặt, hình dáng, tư thế riêng, lẫm liệt và sống động.
Nhưng điểm đặc biệt hơn cả, tạo nên sự riêng có của ngôi chùa Sùng Khánh cũng như về hệ thống tượng thờ trong chùa, khiến các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến triều đại nhà Mạc trong lịch sử dân tộc ta đều không thể bỏ qua; đó là, cũng tại gian bái đường, cùng với cụm tám tượng Bát bộ Kim Cương, tượng hai ông Trừng ácKhuyến thiện, còn có hai nhóm tượng lạ, được dân gian ở đây gọi là tượng Ôngtượng Bà (gọi “nhóm tượng” là bởi mỗi nhóm gồm 3 pho tượng, với một tượng Ông và hai tượng thị vệ cùng một tượng Bà và hai tượng thị nữ). Hai nhóm tượng này được đặt sát tường hậu gian cạnh của tiền đường. Trong đó, nhóm tượng Ông tọa lạc ở gian cạnh (bên trái tiền đường), phía sau tượng Trừng ác. Còn nhóm tượng Bà tọa ở gian cạnh (bên phải tiền đường), phía sau tượng Khuyến thiện.
Sự đặc biệt của tượng Ôngtượng Bà trước hết thuộc về hình dáng bên ngoài. Đó là cả hai tượng đều không có vẻ ngoài giống những pho tượng Phật thường thấy, mà tượng Ông mang dáng dấp võ tướng, được tạc ở tư thế ngồi theo dáng thiết triều (hai bàn tay đặt úp trên hai đầu gối), nét mặt tượng biểu thị vẻ oai nghiêm với ánh nhìn trầm tĩnh, hai bên có tượng hai thị vệ đứng chầu. Một số nghiên cứu cho rằng pho tượng Ông thờ ở chùa Tiên Lữ có nét tương đồng với tượng vua Mạc Đăng Dung thờ tại chùa Trà Phương (Hải Phòng).
 
 
Nhóm tượng Ông gồm tượng Ông (chính giữa) và tượng hai thị vệ (hai bên tả, hữu)
tọa lạc trong chùa Sùng Khánh (xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)
 
Tượng Bà cũng được tạc ở tư thế ngồi, hai bên có tượng hai thị nữ chắp tay đứng chầu. Các tư liệu nghiên cứu còn lưu lại cho biết: trước đây, gương mặt tượng Bà được tạo hình có râu, ria như nam giới. Mặc dù vậy, vẫn nhận thấy đó là tượng nữ nhân, bởi dáng tượng thanh thoát, cổ cao ba ngấn, gương mặt nhẹ nhõm, sống mũi thanh, lông mày mảnh và cong. Đặc biệt, dù tượng vận y phục giống áo của bậc tăng, ni nhưng bên trong lại mang yếm. Hai bên, phía trước tượng Bà có tượng hai thị vệ là nữ giới đứng chầu. Tuy nhiên, trong lần tu sửa gần đây, gương mặt tượng Bà đã bị tô màu thuần túy như các tượng khác, xóa hết chi tiết râu, ria… khiến tượng không còn như nguyên bản trước đây. (5)
Từ những quan sát, so sánh, tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận: hai pho tượng nơi tiền đường chùa Sùng Khánh không phải là tượng Phật hay tượng Hậu mà là tượng Ôngtượng Bà. Cũng theo văn bia cổ lưu tại thượng điện, thì chùa Sùng Khánh do tiểu tăng trụ trì là Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái, hiệu Huyền Ân hưng công xây dựng tường bao loan và tu sửa chùa. Nguyễn Hữu Pháp lại là con trai cả của vua Mạc Kính Vũ, khi tránh sự truy sát của nhà Lê - Trịnh đã lánh cư về đây đã cải họ Mạc sang họ Nguyễn. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra nhận định: Phải chăng, trong những năm tháng dòng họ Mạc phải ẩn cư trong dân gian để tránh sự truy lùng, trả thù của triều đình đương thời, Nguyễn Hữu Pháp đã tìm đến ẩn cư tại chùa Sùng Khánh, và khi hưng công tu sửa chùa, ông đã dựng tượng vua cha là Mạc Kính Vũ và mẫu hậu để thờ phụng.
 
 
Mộ vua Mạc Kính Quang (Nguyễn Hữu Pháp) tọa lạc tại xứ đồng Mả Vàng,
xã Tiên Lữ (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
 
Sự độc đáo của chùa Sùng Khánh còn thể hiện qua hệ thống tượng Phật bài trí trên tòa thượng điện (chùa trên). Trong đó, phía trên cùng sát tường hậu toà thượng điện là ba pho tượng Tam thế bằng gỗ mít được tạc khắc công phu, sơn thiếp cầu kỳ. Các pho tượng này tĩnh tọa trên tòa sen, khuôn mặt từ bi, tai to, tóc xoăn, cổ cao ba ngấn, hai tay dài, bàn tay dày, mình mặc áo choàng nhiều lớp, hai vạt áo buông chùng tự nhiên và vắt vào nhau ở phía dưới như cánh hoa cách điệu làm tôn lên vẻ đẹp hài hòa, cân đối. Bệ gỗ và tòa sen được kết cấu gồm ba tầng, tạo thành khối kiến trúc nghệ thuật đẹp, thanh thoát mà vững chãi, đỡ lấy toàn bộ pho tượng phía trên làm tăng thêm vẻ uy nghi, linh thiêng. Theo các nhà nghiên cứu, thì những pho tượng Tam thế của chùa Sùng Khánh đều được tạc từ thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), là những cổ vật, đẹp và quý hiếm.(6).
Tiếp theo là hai pho tượng Di đà cao 1,45m; ngồi kiết già trên tòa sen. Hai tượng có gương mặt bầu đầy đặn, tai to, đeo kim tằng, mắt nhìn xuống tĩnh tâm, trán có nốt bạch ngọc hào, tóc xoăn.
Lớp thứ ba là tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn ngự trên tòa sen, dưới tòa sen là con nghê miệng há rộng, mắt lồi dữ tợn. Tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn được tạc bằng gỗ mít. Tượng có 12 tay, tỏa về các hướng, khuôn mặt tượng hiền từ, mắt tượng nhìn xuống, tĩnh tại, đầu tượng đội mũ thất phật có ba tầng trang trí hình hoa cúc và mặt trời tỏa sáng.
Ở thượng điện chùa Sùng Khánh, còn lưu giữ hai bia đá cổ ghi lại hai giai đoạn lịch sử quan trọng của chùa Sùng Khánh. Nội dung trong bia thứ nhất (tạc năm 1708, còn khá nguyên vẹn với chữ viết đẹp, sắc nét) kể lại việc xây tường bao và tu sửa lại chùa do tiểu tăng trụ trì là Nguyễn Hữu Pháp tự Đạo Thái, hiệu Huyền Ân đã hưng công, cùng tham gia còn có hơn 30 vị khác là người trong vùng. Bia thứ hai tạc năm 1716, tuy đã bị vỡ mất góc lớn phía dưới, nhưng cũng cung cấp thêm những thông tin quý về quá trình tồn tại của ngôi chùa. Anh Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: tấm bia thứ hai không còn nguyên vẹn là do bởi thời gian xô lệch, phần nữa là do trẻ nhỏ trong làng ngày trước nghịch ngợm, khiến bia bị nứt, vỡ. Sau này, phát hiện đây là cổ vật quý, dân làng đã giữ lại. Bia thứ 2 tọa lạc bên trái chùa trên, điểm tiếp giáp giữa thượng điệnống muống.
Ở phần ống muống, có tượng Ngọc Hoàng thượng đế tọa trên bệ thờ, hai bên là tượng Nam Tào - Bắc Đẩu. Phía trước là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên tòa sen.
Các pho tượng ở chùa Sùng Khánh được tạc bằng gỗ mít, bao phủ bên ngoài bằng các lớp đất sét luyện kỹ với trấu, giấy dó (là những chất liệu truyền thống), được tô màu rất sinh động. Bằng trí tưởng tượng phong phú, sự tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế, các nghệ nhân Việt xa xưa đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực: mỗi pho tượng chùa Sùng Khánh hiển lộ một phong thái, nội tâm… toát ra từ diện mạo, dáng vẻ… Bởi vậy, những pho tượng phật ở chùa Sùng Khánh thực sự là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, rất cần được gìn giữ, bảo tồn.
Chùa Sùng Khánh luôn được chính quyền và Nhân dân Tiên Lữ gìn giữ, xem đây là một báu vật của quê hương. Việc trông coi ngôi chùa được dân làng giao cho các thủ nhang, và hầu hết những thủ nhang chùa Sùng Khánh đều thuộc họ Nguyễn gốc Mạc ở Tiên Lữ, như thủ nhang Nguyễn Khánh Ca (sinh năm 1950, thôn Chùa, xã Tiên Lữ) là hậu duệ đời thứ 8 họ Nguyễn gốc Mạc. Ông Ca đã làm công việc giữ chùa từ năm 1990 đến nay. Với người dân Tiên Lữ, được trông coi, gìn giữ chùa Sùng Khánh là một vinh dự, một niềm tự hào đặc biệt.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, năm 2004, chùa Sùng Khánh đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Năm 2015, chùa Sùng Khánh được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, khiến niềm tự hào về quê hương của người dân Tiên Lữ ngày càng được nhân lên.
Chùa Sùng Khánh - ngôi chùa mang trong mình những giá trị văn hóa - lịch sử to lớn mà không phải bất kỳ ngôi chùa nào cũng có được. Đến đây du khách có thêm cơ hội tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử của dân tộc, qua đó có được cái nhìn khách quan, chính xác, đầy đủ hơn về triều đại nhà Mạc - một triều đại tiến bộ, có nhiều đóng góp cho dân tộc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc ta.
 
B.S
 
1. Xã Tiên Lữ được hình thành từ ngôi làng Tiên Lữ (còn gọi là làng Tiên, làng Chặng, kẻ Chặng). Nơi đây được xem là một trong những điểm cư trú đầu tiên của người Việt từ thời các Vua Hùng. Có giai thoại kể rằng các nàng tiên nữ nhà trời khi du ngoạn qua đây, mến cảnh sơn thủy hữu tình, tươi đẹp, đã giáng trần, dạo chơi trong một sơn động. Từ đó, động này mang tên là động Tiên Du và vùng đất này được gọi là Tiên Lữ.
2. Theo “Vĩnh Tường - Di sản văn hóa", về dòng họ Mạc trên đất Vĩnh Phúc, có truyền ngôn rằng: Sau khi thất thủ ở Cao Bằng, Mạc Kính Vũ cùng gia đình xuôi theo sông Hồng về đây ẩn cư chờ thời. Để đề phòng sự truy sát của triều đình Lê - Trịnh, ông đã cho con trai là  Mạc Kính Quang (sau cải thành Nguyễn Hữu Pháp) theo dòng Phó Đáy tìm về Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Nguyễn Hữu Pháp đã chọn đất Tiên Lữ (Lập Thạch) để định cư, tu sửa chùa Tiên Lữ (chùa Sùng Khánh), nương vào đó mà mai danh ẩn tích. Về sau Nguyễn Hữu Pháp sinh được 4 người con trai: Người con cả ở lại Tiên Lữ nối tiếp sự nghiệp tổ tiên, người con thứ hai lánh cư sang chùa Sùng Lâm (xã Văn Quán, huyện Lập Thạch), người con thứ ba lánh cư sang chùa Đông Minh (làng Đông Mật, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch), người con thứ tư là Nguyễn Hữu Nhẫn trở lại chùa Trống (Xuân Sơn tự), xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường để trông coi mồ mả tổ tiên an táng tại nơi này. Hậu duệ họ Mạc cải Nguyễn ở đây thường được gọi nôm na là họ Nguyễn “chùa” để phân biệt với các họ Nguyễn khác trong làng.
3. Về chi tiết này (giẫm lên một con quỷ), theo lời kể của ông Nguyễn Khánh Ca (làng Chùa, Tiên Lữ) thì trước đây, chân phải của tượng Trừng ác được tạo hình đang giẫm lên vai một con khỉ. Con khỉ này trong tư thế quỳ gối, vẻ sợ sệt, tay phải giơ cao đỡ lấy bàn chân ông Trừng ác, tay trái cầm quả chuối. Hàm răng của chú sư tử (mà tượng Trừng ác cưỡi) cũng bị tạo hình sai khác với ban đầu. Còn ở tượng Khuyến thiện, chân phải của tượng đè lên lưng một con cóc xù (cóc cụ, cóc tía) nhưng nay, sau khi tu sửa, tạo hình chú cóc xù này cũng không còn.
4. Cũng theo trí nhớ cuả một số người dân Tiên Lữ, thì tượng 8 vị Kim Cương đều được tạo hình với tay mang binh khí (4 tượng quan võ) hoặc các vật dụng gắn với công việc văn bút (bốn tượng quan văn). Tuy nhiên, hiện tại (2022) sau những lần tu tạo, sửa chữa, những chi tiết này cũng như tạo hình của8 pho tượng Kim Cương đã không còn như trước đây.
5. Cũng sau những lần tu sửa, đến nay, màu sắc y phục, gương mặt… của nhóm tượng Ông, tượng Bà đã không còn như ban đầu. Cụ thể, y phục các pho tượng này trước đây đều được sơn, thiếp bằng bằng nhiều màu sắc, làm nổi bật đường nét, cân đai, áo mão, hoa văn… trên mỗi pho tượng, cho thấy sự khéo léo, tinh tế trong nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân Việt xưa đồng thời khiến các pho tượng thêm sống động, có hồn. Nhưng hiện nay, các pho tượng này đã bị sơn phủ lại, không như ban đầu, Đặc biệt, gương mặt tượng Bà đã bị sơn lại, xóa mất hoàn toàn tạo hình vẽ râu, ria của nguyên bản tượng trước đây.
6. Rất tiếc là, đêm ngày 12/4/2018, hai trong số ba pho tượng Tam thế cổ này đã bị kẻ gian lấy trộm. Dân làng Tiên Lữ đành phải tạc 2 pho tượng Tam thế mới đưa vào thay thế.
 
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc