Sáng ngày 25/4/2025, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), đã diễn ra Hội nghị toàn quốc "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước". Đây là một trong những hoạt động trọng tâm, thiết thực, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Mai Văn Chính - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Hồng Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội.
Đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; thường trực các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận các tỉnh, thành ủy; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; thường vụ các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật địa phương; chuyên gia, nhà khoa học và 50 văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong 50 năm qua đã về dự hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TL
Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận của các đại biểu, tập trung khẳng định những thành tựu, kết quả đạt được của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất đất nước; đề xuất, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới. Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; cổ vũ, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, thống nhất, hăng say sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp nhiều hơn nữa để xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nêu rõ: 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về tư duy lý luận đến thực tiễn sáng tạo, phương thức truyền bá và xu hướng tiếp nhận. Chúng ta rất tự hào đã có một nền văn học, nghệ thuật hiện đại, thống nhất, tiếp nhận những mặt tích cực, tinh hoa của dân tộc, của văn học, nghệ thuật ở mọi miền Tổ quốc và tinh hoa văn hóa quốc tế, trở thành một giai đoạn văn học, nghệ thuật theo định hướng XHCN, phù hợp với lòng dân, thể hiện rõ khát vọng, ý chí, tinh thần, nguyện vọng của Nhân dân.
Đặc biệt, trong những năm qua, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đội ngũ văn nghệ sĩ đã thể hiện sự tin tưởng vào đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, bám sát thực tiễn cuộc sống, đóng góp tiếng nói tích cực trong nhiều vấn đề, nhất là chấn hưng văn hóa, phát triển con người, vì sự nghiệp đổi mới, phát triển, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đi qua chiến tranh, văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua là tiếng nói tri ân, ca ngợi truyền thống yêu nước, cách mạng của quân dân ta; đồng thời là tiếng nói của sự hòa hợp dân tộc, góp phần hàn gắn, xoa dịu những đau thương, mất mát của chiến tranh, tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc. Đó cũng chính là một trong những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.
50 năm qua, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đã xuất hiện những thế hệ sáng tạo mới, mang lại sắc diện không khí mới trong đời sống văn học, nghệ thuật. Đề tài yêu nước, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tiếp tục được khám phá theo chiều sâu mới. Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đánh giá thỏa đáng di sản văn nghệ dân tộc, lý giải sâu sắc hơn một số vấn đề căn bản về lý luận và quy luật vận động, những đặc điểm mới của thực tiễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm có chất lượng, tham gia phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, đồng thời phê phán, đấu tranh với những xu hướng biểu hiện lệch lạc, sai trái. Văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp quan trọng, tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam trong quá trình đất nước đổi mới, hội nhập, phát triển ngày càng sâu rộng. Đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà luôn là lực lượng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và đang phải đối diện với những thách thức gay gắt. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cùng nỗ lực, quyết tâm rất cao để xác định những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội và cả những thách thức đan xen.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TL
Để tiếp tục sứ mệnh lịch sử của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới của đất nước, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu: Trước hết, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, gắn với sự đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả để kiến tạo đường hướng không gian phát triển văn học nghệ thuật. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cần hiểu rõ, hiểu sâu hơn về vị trí, vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, đặc biệt chú trọng đến tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do sáng tạo, khơi dậy, phát triển mạnh mẽ khát vọng cống hiến và năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh thể chế hóa chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về văn học, nghệ thuật, rà soát, xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Những quy định, chế độ, chính sách lạc hậu, bất cập, không phù hợp phải kiên quyết loại bỏ, tạo hành lang thuận lợi, khơi nguồn phát triển tiềm năng sáng tạo.
Tổ chức nghiên cứu, ban hành Chiến lược quốc gia về xây dựng nền văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc ngày 30/12/2024. Cần thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có phẩm chất, bản lĩnh, uy tín, năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ; đổi mới căn bản, toàn diện chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh và chính sách nguồn lực chất lượng cao cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Thứ hai, tiếp tục cải cách mạnh mẽ chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ, chế độ tài trợ đặt hàng đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để văn nghệ sĩ thâm nhập sâu rộng trong thực tế sôi động của đất nước, đồng hành gắn bó máu thịt với công cuộc lao động sáng tạo của Nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và tập trung xây dựng những công nghệ hiện đại trong sáng tạo sản xuất, phổ biến, lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tập trung xây dựng phát triển thị trường và các sản phẩm dịch vụ văn học, nghệ thuật đồng bộ, bền vững, lành mạnh để văn học, nghệ thuật đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa, tạo bước đột phá trong thu hút và phân bổ nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật. Tập trung xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam khoa học, nhân văn, hiện đại. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, kiên trì thực hiện tự do sáng tạo đi đôi với tự do phê bình, đồng thời tập trung nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác lý luận và phê bình.
Thứ tư, đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật, góp phần tiếp tục phát huy mạnh mẽ “sức mạnh mềm” của văn hóa. Phát huy nội lực của nền văn học, nghệ thuật dân tộc, có tư duy và tầm nhìn dài hạn, tăng cường tính chủ động phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng triển khai, thực hiện chiến lược quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, thẩm định lựa chọn hiệu quả các tác phẩm văn học, nghệ thuật của nước ngoài đưa vào trong nước.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức văn học, nghệ thuật Trung ương và các địa phương, bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam cần tiếp tục kề vai sát cánh, đồng tâm hiệp lực cùng nhau thực hiện sứ mệnh cao cả và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang đối với Tổ quốc và Nhân dân. “Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Từ đó sẽ mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng của dân tộc ta” - Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh.
Đồng thời, đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng: Với những thành tựu to lớn đã đạt được, những tiềm năng được khai mở, chúng ta có quyền tự hào, tự tin xác định tâm thế, tầm nhìn, khát vọng đưa nền văn học, nghệ thuật nước nhà nước vào kỷ nguyên mới, vì hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng hành với dân tộc, văn học, nghệ thuật phải tiếp tục vươn lên, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hóa và cơ đồ của đất nước, sự mong đợi của Nhân dân.
Các đại biểu tham quan triển lãm “50 năm văn học, nghệ thuật
Việt Nam đồng hành với dân tộc”. Ảnh: PV
Bằng tác phẩm và thông qua tác phẩm, đội ngũ văn nghệ sĩ ươm trồng hạt giống về cái đẹp, về lòng nhân ái và sự tử tế; gìn giữ và phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mỗi văn nghệ sĩ, mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật chân chính sẽ góp phần bồi đắp, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
PV