NGUYỄN QUÝ ĐÔN
Nền Nho học ở nước ta chấm dứt đến nay đã được hơn một thế kỷ. Nhưng “Hồn muôn năm cũ” vẫn vấn vương trong cuộc sống văn hoá của người Việt nhất là trong địa bàn báo chí, văn nghệ nơi đình, chùa, miếu, mạo, từ đường... thể hiện trên những bức hoành phi, cuốn thư, câu đối, mộc bản, bình phong, bia ký, đồ mỹ nghệ... Đặc sắc hơn nữa, tới nay, hình tượng “ông Đồ” lại xuất hiện trong những dịp đầu xuân, trong “Ngày Thơ Việt Nam” vào dịp tết Nguyên tiêu, trong các văn miếu, hội quán, thư viện... trên khắp đất nước với biểu hiện của Thư pháp.
Tại Vĩnh Phúc, câu lạc bộ Hán - Nôm hình thành từ buổi đầu thiên niên kỷ 2000, có mặt các cây bút lông thỏ xuất sắc như cụ Nguyễn Quang Quỳnh, Nguyễn Thanh Bình, Lương Mạnh Tuyên, Nguyễn Hữu, Nguyễn Duy Sếu... các cây bút có xu hướng thẩm mỹ Đông phương như Nguyễn Anh Thập, Nguyễn Anh Ngọc... các nghệ sỹ thuộc Hội VHNT Vĩnh Phúc... tiếp tục phát huy, kế thừa, triển khai và sáng tạo Thư pháp trên nền móng vững chắc hàng ngàn năm.
Văn Miếu Vĩnh Phúc được phục chế toàn diện vào năm 2013. Hằng năm, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá, Thư viện tỉnh, các trường THPT, Hội VHNT Vĩnh Phúc... phối hợp tổ chức “Ngày thơ Việt Nam”, tiết mục “viết thư pháp”, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đông đảo bà con cô bác, học sinh, cán bộ, bộ đội... nhiệt tình hưởng ứng. Hàng trăm bức Thư pháp viết tại chỗ, được Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh ghi lại từng nét chữ, từng thao tác của “thầy đồ” và sự hân hoan rạng ngời trên khuôn mặt đón nhận của quần chúng Nhân dân, cùng các vị lãnh đạo mọi ban ngành... Họ trầm trồ thưởng ngoạn, suy ngẫm về câu chữ, với niềm tin yêu, hạnh phúc trong cuộc sống an bình, trọn vẹn, giữ gìn truyền thống và bản sắc dân tộc.
Thư pháp Việt Nam thoát ly thư pháp phương Bắc từ lâu đời, kể từ khi Chu Đệ, Hoàng đế nhà Minh ra sức diệt trừ nền văn hoá Việt Nam, cơ sở của độc lập, chủ quyền, phong tục, cốt cách dân tộc Lĩnh Nam. Hắn ban bố mệnh lệnh:
“Binh lính vào nước ấy (Việt Nam) ngoại trừ sách kinh và ván in của đạo Phật, đạo Lão không thiêu hủy, còn tất cả thư tịch, ván in, cho đến các loại giấy tờ trẻ con quê mùa tập viết như “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh, một chữ đều phải hủy hết”.
(Tài liệu “Việt kiến thư” của Lý Văn Phương - thời Minh)
Sách “Sơn cư tạp thuật” cho rằng, người khởi đầu thư pháp Việt Nam là nhà sử học Lê Văn Hưu. Trong “An Nam ký dư”, sứ giả Phan Đình Quế thời nhà Thanh cho biết:
“Người Việt dưới triều Lê Trung hưng, viết từng chấm, từng nét, đều có kiểu dáng giống nhau. Người ta chia từng bộ phận của tự dạng, sau đó gộp lại thành một chữ mà đọc. Khi viết, họ ngồi bệt xuống đất, hai cổ tay không cùng tì lên chiếu (như người phương Bắc) mà tay trái giữ lấy giấy, tay phải cầm bút. Dẫu làm đốt sách thi Đình, viết chữ khải cũng đều như vậy. Thực là khó”.
Như vậy, thư pháp Việt Nam hoàn toàn mang bản sắc dân tộc, không theo Tàu, cũng không “đổi mới” theo Tây.
Chữ Nho có 4 tự dạng là:
-
Chân: Viết rõ ràng từng nét
-
Thảo: Viết “ngoáy” bớt nét, hoặc thêm nét cho tiện đưa bút liền một thôi, “loằng ngoằng”.
-
Lệ: Nét chữ riêng dùng vẽ bùa, hoặc dùng trong nhà chùa.
-
Triện: Nét chữ vuông hoặc tròn, nằm trong một khuôn khổ nhất định. Dùng khúc triện in dấu.
Người Việt Nam đặc dụng kiểu chữ chân, kể cả khi viết thư pháp, gọi là khải thư.
Các nhà thư pháp nổi tiếng của nước ta như Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Trịnh Sầm, Cao Bá Quát, Nguyên Nghiễm, Nguyễn Du, Tôn Thất Thuyết... đều ưa chuộng lối khải thư, đôi khi có đá thảo (hơi ngoáy) chứ không hề viết thảo.
Thời vua Minh Mệnh và vua Tự Đức, nước ta có nhiều sách dạy thư pháp do người Việt Nam viết như: “Tư thế thư pháp” - xuất bản năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) do Thịnh Văn Đường khắc ván; “Tư thế tự pháp” - xuất bản năm Tự Đức thứ Nhất (1849) do Mỹ Văn Đường khắc ván; “Tam Diệu pháp thiếp” - xuất bản năm Tự Đức thứ 3 (1850) cũng do Mỹ Văn Đường làm mộc bản.
Nội dung các sách này cho biết, người Việt Nam có thư pháp theo lối khải thư của riêng mình, đã từ lâu, rõ ràng từng bộ phận chữ, không viết trái cựa, không viết ngoáy, không viết lê thê nối chữ nọ vào chữ kia, không viết ngoằn ngoèo, loằng ngoằng, chữ nào ra chữ ấy, vuông vắn, sắc cạnh, càng nhìn càng đẹp, càng ngắm càng thấy rõ tâm hồn Việt nam. Người Đại Việt gọi thứ chữ ấy là chữ Nho, tức là thứ chữ có đạo lý, nhân nghĩa, dạy cách sống làm người, theo luân thường, biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, “trung với nước, hiếu với dân”; hoặc gọi là chữ Ta, là thứ chữ được người Đại Việt dùng từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (770 tới 255 TCN), không ai gọi là chữ Hán cả, như Nguyễn Trãi khẳng định:
“Như nước Việt ta từ trước Vốn xưng văn hiến đã lâu Non sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc - Nam cũng khác”
Đã viết thư pháp, dùng bút lông thỏ, lông mèo, chấm mực mài trong nghiên, thì chữ viết phải là chữ Nho, chữ Ta hay chữ Nam, bởi nhiều lẽ sau đây:
-
Bút viết chấm đẫm mực, lúc dằn, lúc lướt ngòi nhưng nét chữ lại sắc, gân guốc, uyển chuyển.
-
Giấy viết chóng thấm mực, để viết từng chữ từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, từ giữa sang hai bên; để viết cả câu, từ phải sang trái mà không bị tay đè lên làm nhoè chữ, bẩn giấy.
-
Nhiều từ đồng âm, khác nghĩa, kiểu viết khác nhau.
-
Nhiều từ đồng nghĩa, khác âm, phải viết thành chữ mới phân biệt được.
-
Trong một bức thư pháp, tự dạng không được giống nhau như trong chữ cái tiếng Việt.
Thí dụ: lòng mẹ, rộng mênh mông, không đại dương nào so sánh nổi...
Ta thấy có các từ: lòng, rộng, mông, không, dương, chứa âm tiết ong, ông, ương... mang nét chữ giống nhau, nên khi thể hiện trên giấy khó tránh khỏi đơn điệu. Người viết phải thêm nét (chủ yếu là thêm nét) làm cho chữ viết càng rối rắm, khó đọc, không thể hiện được thần thái, linh hồn của câu chữ. Bức thư pháp tiếng Việt càng nhiều chữ càng xấu, càng bị trêu cợt “giống như gà bới”. Phải chăng thư pháp tiếng Việt chỉ nên viết một, hai chữ, thêm vào “hoa, lá, cành...”, có thể gọi là đẹp và giỏi, để trang trí đầu đề một bài báo, như khi xưa họa sĩ Tô Tử (Tô Ngọc Vân) đã từng làm trên báo Ngày nay.
Chữ Nho rất hàm súc, chỉ có hai, ba chữ mà giảng mãi cũng chưa hết ý. Các cụ thường dùng cách ẩn dụ, tỉ dụ, điển cố, ngụ ý... phải ngẫm nghĩ mãi mới hiểu được. Khi đã hiểu, thì càng thấy hay, thấy sâu sắc, thấm thía... thậm chí càng thấy cay đắng, xót xa, hổ thẹn... chẳng hạn, chữ Nhẫn ( ) ta thấy có 2 bộ phận. Bộ phận thứ nhất là chữ Nhận (dấu nặng), nghĩa là dao nhọn, như dao chọc tiết lợn. Bộ phận thứ hai là chữ Tâm ( ), nghĩa là trái tim. Cả hai bộ phận hội ý lại thành chữ Nhẫn ( ), nghĩa là nhịn, với nội dung “dùng dao nhọn chọc thẳng vào tim mà vẫn yên lặng”. Đem chữ Nhẫn treo giữa phòng khách để đón xuân về, hỏi có thoả đáng không?
Lại còn chữ Hiếu ( ) xin về treo cạnh ban thờ tổ tiên, để tỏ lòng thành kính. Nếu bạn biết chữ Nho, hoặc quan tâm đến chữ Nho lưu hành trong dân gian, bạn sẽ hiểu thế nào là đám hiếu, đám hỉ. Dẫn đầu một đám ma ở nông thôn, người ta thường giương cao lá cờ trắng viền đen, có chữ Hiếu ở giữa! Ngày xuân, đem chữ Hiếu treo giữa nhà, rõ ràng là điềm gở.
Gần đây trong dân gian xuất hiện nhiều nhà thư pháp. Chữ viết thiên về hình thức “rồng bay, phượng múa”. Cái đẹp của chữ Nho, nằm trong sự cân đối, co giãn hợp lý tỉ lệ giữa các nét, các bộ phận. Hoa hoét chừng nào mà dáng chữ không hài hoà thì vẫn coi như không thành công. Nội dung chữ biểu hiện dễ dãi, chung chung, lặp đi lặp lại những từ ngữ đã mòn như “Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh”, “Tam dương khai thái”, “Ngũ phúc lâm môn”...
Nếu tất cả mọi nơi, mọi chốn đều treo những chữ giống nhau: “Vạn đại vĩnh”, “Thiên niên thịnh” thì dù viết nhiều, vẫn là nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sáng tạo, có khi gây phản cảm. Trong nhà vừa có chữ Nhẫn, vừa có chữ Tâm, thế là tự nhận mình là loại người tàn bạo còn gì?
Cho nên viết chữ gì? Viết cho ai? Viết để dùng trong hoàn cảnh nào? Môi trường văn hoá ở đâu? Không thể tùy tiện được. Giữa nhà thư pháp, người cho chữ và xin chữ, người ngưỡng mộ thú chơi chữ, phải có sự đồng cảm. Nhà thư pháp hỏi tên, xem mặt, biết tuổi tác, quê quán, nghề nghiệp, nguyện vọng của người nhận chữ... chỉ cần suy nghĩ vài giây, hạ bút viết đôi chữ... Cả hai người cùng cảm thấy hạnh phúc, an tâm và gần gũi với nhau.
Tóm lại, thư pháp nước ta khác với thư pháp nước Tàu và các nước đồng văn. Thư pháp Việt Nam là thư pháp chữ Nho, không phải chữ Hán, chữ Trung Quốc mà là chữ Việt cổ của dân tộc ta, mang bản sắc, trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, phong cách, lối sống Việt Nam. Hoàn toàn không phụ thuộc ai, không bắt chước ai, thậm chí còn đổ cả xương máu để bảo vệ, giữ gìn, phát huy nền văn hoá truyền thống ấy. Điều quan trọng là viết sao cho xứng đáng với phong cách thư pháp của tổ tiên.
N.Q.Đ