ĐỖ HÀ
Những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên san sát; những tuyến đường bê tông rộng dài ngập tràn sắc hoa nối liền các thôn, xóm; những mô hình sản xuất kinh doanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày một nhiều hơn. Bức tranh làng quê ấy đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đó là xã Hồ Sơn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang vươn mình, dồn sức trong “chặng nước rút” về đích hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao.
Nằm dọc theo quốc lộ 2B, cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên khoảng 20 km, xã Hồ Sơn đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Còn nhớ, năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Hồ Sơn mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, cần nguồn vốn để thực hiện. Mặc dù luôn trăn trở để tìm hướng đi nhằm nâng cao đời sống cho người dân lúc bấy giờ nhưng do địa bàn dân cư rộng, hệ thống hạ tầng yếu và thiếu, bà con trình độ dân trí thấp, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nghề phụ rất ít, kinh tế khó khăn nên việc huy động nguồn lực từ Nhân dân thực sự rơi vào thế: “Cái khó bó cái khôn”.
Giữa lúc đang tìm đường vượt khó thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phát động. Lúc bấy giờ, lãnh đạo xã xác định phải hoàn thành từng nhiệm vụ, từng tiêu chí theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, trên tinh thần “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhân dân là chủ thể thực hiện và phải là người được hưởng lợi từ chương trình này. Vì thế, trước khi triển khai, xây dựng các công trình, dự án, phần việc, địa phương đều đưa ra các hội nghị và xin ý kiến Nhân dân. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND xã đưa ra những giải pháp, lộ trình phù hợp với kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Được tôn trọng, được biết, được bàn, được giám sát, bà con nơi đây thấy mình phải có trách nhiệm hơn và đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công. Cách làm này đã giúp Hồ Sơn sớm hoàn thành các tiêu chí và trở thành một trong hai xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tam Đảo.
Không giấu nổi niềm tự hào, ông Lâm Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn cho biết: “Để hoàn thành được 19 tiêu chí nông thôn mới đã khó nhưng việc giữ và nâng cao chất lượng các tiêu chí đó lại càng khó hơn. Hồ Sơn tự hào được chọn là một trong hai xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu thí điểm đầu tiên của huyện. Đây là vinh dự nhưng cũng là khó khăn mới của xã”.
Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2020, xã Hồ Sơn triển khai kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch, vạch rõ lộ trình, nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân đồng thuận cùng tham gia.
Theo ông Hà, trên lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã luôn xác định mục tiêu cuối cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, trong quá trình triển khai, ngoài việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, Hồ Sơn đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Với đặc thù là xã thuần nông, Hồ Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất; phát triển và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Hiện tại, trên địa bàn xã đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất rau su su VietGap, vùng sản xuất chuối... Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã đạt gần 200 tỷ đồng/năm. Bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, xã khuyến khích người dân khai thác, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ; làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Hồ Sơn đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn xã được triển khai và thu hút đông đảo Nhân dân tham gia như “Phong trào đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Mặt trận Tổ quốc, phong trào trồng hoa, cây cảnh ven đường của Hội phụ nữ, phong trào xung kích bảo vệ môi trường của Đoàn thanh niên, mô hình “thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh đồng ruộng” của Hội nông dân… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,73%, 100% người dân trong xã có việc làm ổn định.
Khi được hỏi, có điều gì “làm khó” cán bộ và Nhân dân trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và thôn nông thôn mới kiểu mẫu hay không thì Phó Chủ tịch UBND Hồ Sơn cho hay: Mặc dù đạt được kết quả như vậy, nhưng Hồ Sơn còn một số thách thức. Cụ thể trong tiêu chí vệ sinh môi trường, nhiều thôn ở Hồ Sơn chưa có bãi rác tạm. Trước đây, Hồ Sơn được đầu tư lò đốt rác theo công nghệ khí tự nhiên nhưng hiện đã xuống cấp. Xã có chủ trương để người dân tự xử lý rác thải ở nhà, nếu quá tải mới mang ra bãi rác tạm của thôn để chôn lấp tập trung, tuy nhiên về lâu dài sẽ rất khó khăn nếu không tìm được giải pháp hữu hiệu. Thêm nữa, trong tiêu chí về giao thông vì thiếu nguồn vốn nên nhiều đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm của xã chưa có hệ thống điện chiếu sáng. Đường hoa trồng ở các ngõ xóm hai bên đường một số nơi chưa có. Hiện nay, chúng tôi đã đạt 4/5 tiêu chí và 26/29 chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao rồi. Chỉ cần hoàn hiện 3 chỉ tiêu trong tiêu chí còn lại nữa là xong. Năm nay, Hồ Sơn quyết tâm phấn đấu phải làm đẹp được cả 3 tiêu chí này” - ông Lâm Thanh Hà khẳng định.
Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Tân Long là thôn duy nhất được xã chọn điểm xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Bà Phạm Thị Huệ, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Tân Long hồ hởi cho biết: “Ngày 24/6/2022 vừa rồi, thôn chúng tôi được UBND huyện Tam Đảo công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu rồi đấy”.
Thôn Tân Long có 747 người và có 4 tổ liên gia tự quản. Sau hơn một năm triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo của thôn đổi thay từng ngày. Bà Huệ phấn khởi cho hay: Trong thôn không còn hộ nghèo. Thôn đã hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Quá trình xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, Tân Long đã huy động sự vào cuộc tích cực của người dân. Từ năm 2020 đến nay, Nhân dân trong thôn đã đóng góp hàng trăm triệu đồng để chỉnh trang nhà văn hóa, trồng hơn 300m đường hoa, đặt gần 100 chậu cây cảnh tại các tuyến đường, lắp đặt 400m đường điện chiếu sáng và mua sắm thùng đựng rác để phân loại rác tại các gia đình.
Bà Lăng Thị Lý, hộ dân trong thôn chia sẻ: “Thấy được sự thay đổi của làng quê như thế này chúng tôi rất phấn khởi cho nên mọi người, mọi nhà đều có ý thức xây dựng cho quê hương ngày càng đẹp hơn. Phụ nữ chúng tôi không chỉ làm cho sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường làng mà con trồng cây, trồng hoa, giúp đỡ nhau trồng trọt, chăn nuôi… từ những công việc này, mối đoàn kết, gắn bó trong thôn ngày càng khăng khít hơn”.
Dọc đường thăm các thôn của Hồ Sơn, tôi không những được tận mắt nhìn thấy những con đường bê tông hóa phẳng lì rợp bóng cây xanh, những dãy nhà còn thơm mùi sơn vươn cao trong nắng sớm mà còn tận mắt thấy những nét văn hóa mới trong đời sống Nhân dân. Nông thôn mới nâng cao hay kiểu mẫu, đó chỉ là dấu mốc không phải là điểm “về đích” nhưng là động lực, là điểm tựa để mỗi vùng quê trên dải đất hình chữ S này vững bước trên hành trình vươn tới tương lai.
Đ.H