Lịch sử chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam trải hàng ngàn năm đã xuất hiện nhiều đấng minh quân luôn lấy “hiền tài” làm kế sách để bảo vệ và chấn hưng đất nước. Vì thế, triều đại nào, “hào kiệt đời nào cũng có”.
Trong những dấu ấn sâu đậm nhất được lưu truyền là việc Lê Thánh Tông cho khắc văn bia (Thân Nhân Trung soạn năm 1484) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám thể hiện một triết lý lãnh đạo, một chiến lược về trọng dụng hiền tài: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Ở thời cận đại, sau khi đăng quang hoàng đế vào năm 1788, Quang Trung đã ban hành Chiếu lập học, văn bản do Ngô Thì Nhậm soạn: “Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu; tìm lẽ trị bình, tuyển nhân tài làm gấp”.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống quý trọng và trọng dụng nhân tài lâu đời của dân tộc ta luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển. Trải suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người đã để lại nhiều bài học quý báu, những chỉ dẫn thiết thực cho thế hệ sau trong việc đào tạo và bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài.
Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Ngày 20/11/1946, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài Tìm người tài đức: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Vì mục tiêu “ích nước lợi dân”, Hồ Chí Minh luôn nhất quán tiêu chí hàng đầu để lựa chọn nhân tài là phải hội tụ cả hai yếu tố “đức” và “tài”. Theo Người: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, “tài” thể hiện ở cái “tầm”, nhưng phải gắn chặt với cái “tâm”. Nhân tài không chỉ thể hiện năng lực xuất chúng, mà còn phải luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, trong trọng dụng nhân tài, Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Trước lúc đi xa, Người vẫn ân cần dặn lại trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, Nghị quyết quan trọng về thu hút, trọng dụng nhân tài. Có thể kể đến Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ… Trong Báo cáo chính trị Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”; Đại hội XI tiếp tục khẳng định: “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”, “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài”, “Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài…”; Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng người có đức, có tài; tạo bước chuyển căn bản trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài; xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài; coi đó là giải pháp
quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ”, “lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu, có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài”. Gần đây nhất, một trong những nội dung rất quan trọng trong phương hướng công tác xây dựng Đảng được Đại hội XIII của Đảng thông qua đó là: “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”; Đồng thời, khi xác định các đột phá chiến lược cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ (2021 - 2025), thì đột phá chiến lược thứ hai là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, việc trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, rèn luyện các thế hệ cách mạng luôn là sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” cho đất nước, cho dân tộc là quy luật tất yếu, là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó là “kế sách” có tác động trực tiếp đến sự trường tồn và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bất cứ thời kỳ nào, hiền tài luôn có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trên mọi mặt đời sống xã hội. Nếu ở đâu đó còn tình trạng tài năng bị thui chột, “chảy máu chất xám” thì ở đó vẫn chưa làm đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, chưa làm tròn lời căn dặn của Bác Hồ.
Nhưng… nhân tài ơi, sao mùa thu dài quá!
Chỉ nói nhỏ ở góc độ văn nghệ. Dù rằng, văn học, nghệ thuật không thể thay thế cho kinh tế, chính trị và những lĩnh vực quan trọng khác của đời sống. Nhưng ngược lại, cũng không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn học, nghệ thuật trong việc giúp con người thêm yêu cuộc sống và hiểu được chính mình, từ đó sống hành xử nhân văn và vươn đến chân, thiện, mỹ…
“Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với Nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”. Đây không chỉ là một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/6/2008 “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” mà còn là trọng trách của mỗi văn nghệ sĩ trước Tổ quốc, trước Nhân dân, tất cả vì phẩm giá con người!
VĂN NGHỆ VĨNH PHÚC