Năm nay lớp 9 rồi đấy!
Ngày đăng: 21/09/2023; 371

Tản văn

NGUYỄN THU TRANG
 
          Năm học kết thúc, tôi bước vào kỳ nghỉ hè với niềm vui pha chút man mác, bâng khuâng. Kết quả học tập năm học này không tồi, nhưng có chút tiếc nuối khi kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh tôi chỉ đạt giải Ba, thi IESTL đạt 6.5 trong khi mục tiêu mà tôi phấn đấu là 7.0. Hơi buồn nhưng tôi cũng chẳng có thời gian để vẩn vơ, tiếc rẻ và tự trách bản thân, bởi ngay ngày thứ bảy đầu tiên của kỳ nghỉ hè, chú thím tôi về quê thăm ông nội liền đón tôi lên phố chơi ít bữa để “truyền đạt kinh nghiệm” cho đứa em con nhà chú năm nay thi vào lớp 10. Cứ như cách mà chú thím nói với ông nội và bố mẹ tôi thì kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố còn căng não hơn cả thi vào đại học... Dù đã trải qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng khi nghe chú thím nói, tôi bỗng hồi hộp về trọng trách sắp tới của mình. Xách túi quần áo lên xe mà tôi có cảm giác mình như người lính được điều ra chi viện cho tiền tuyến khói lửa ngút trời. Nơi đó, đứa em tôi “rộc rạc” miệt mài ngày đêm để ghi tên mình vào danh sách trường điểm. Cũng chính những ngày ở chơi nhà chú thím mà tôi có dịp trải nghiệm, so sánh sự học và thi ở nông thôn với phố thị.
          Đầu tiên, tôi quan sát học sinh thành phố mùa ôn thi qua chính đứa em họ của mình. Khi chú đỗ xịch xe ô tô trước căn nhà 4 tầng giáp mặt đường lớn, thím tôi khệ nệ xách nào rau, nào gà, cá, cả đôi chim câu cùng vài chục trứng gà ta… Đứa em dáng vẻ uể oải ra mở cổng. Thằng bé chào bố mẹ và tôi nhưng mặt không chút mừng rỡ nào. Sau đó, chẳng tíu tít hỏi han như các lần gặp trước, thằng bé bước vội vào bàn học. Ở đó, tôi thấy la liệt sách vở và chi chít giấy nhớ dán trên tường. Những năm trước, khi chưa phải lo thi vào lớp 10, em là cậu bé tinh nghịch, lém lỉnh. Về quê, em hòa ngay vào các trò chơi cùng bọn trẻ nhà hàng xóm, thấy cái gì lạ em cũng hỏi, cười nói rổn rảng, vui vẻ. Năm nay, thường chỉ có chú thím mà ít thấy em về cùng. Ông tôi nhớ cháu cứ hỏi: “Chủ nhật sao không cho con về?”. Chú tôi gắt lên: “Về thế nào được mà về, nó còn phải đi học thêm, năm nay lớp 9 rồi, không học lại trượt trắng mắt ra...”. 
          Lớp 9, em tôi như thành người khác, mắt không ngời sáng với tá câu hỏi thắc mắc, ít cười và nói năng nhỏ nhẹ hay đúng hơn là bỗng nhiên trở nên lí nhí, e dè. Cụm từ “Năm nay lớp 9 rồi đấy!” vang lên như một ám ảnh. Bởi mỗi khi nhắc đến cụm từ này, thím tôi lại “nhồi” vào đầu em những hình dung đầy khổ sở, bế tắc nếu như không đỗ được vào lớp 10 trường điểm hay trường công lập. Tôi bất giác nghĩ đến thằng Hảo, cái Thơ con nhà hàng xóm. Hai đứa ấy bằng tuổi em họ tôi, năm nay cũng học lớp 9. Và tôi cũng nhiều bận nghe thấy cô An - mẹ cái Thơ, bác Hợi - bố thằng Hảo nheo nheo mắt nhìn chúng nó nói với người làng: “Năm nay lớp 9 rồi đấy!”. Có điều, các cô bác ở quê nói câu đó là biểu lộ sự mừng lòng khi thấy con mình đến kỳ trổ mã, cao lớn, xinh xắn. Và nhất là tỏ niềm vui sướng khi đứa con gái biết đón gánh lúa đỡ cho mẹ ở cổng làng, biết hái rau mang ra chợ bán, biết thu vén nhà cửa, cơm nước, lợn gà. Đứa con trai biết lội xuống tát ao bắt cá cùng bố, bặm môi nắm lấy bắp cày, dong trâu đi những đường cày thẳng lối trên thửa ruộng. Và những đứa trẻ ở quê trong đó có tôi hồi trước, nghe thấy mấy từ nhủ về mình “Năm nay lớp 9 rồi đấy!” thì bọn nó và tôi dù bẽn lẽn quay đi hay giả tảng không nghe thấy đều hân hoan, sung sướng nhận ra mình đã lớn rồi - mình cần chín chắn, vững vàng để gánh vác nhiều việc khác đang chờ. Nói chung là phấn khởi, hãnh diện chứ không áp lực, căng thẳng, lo lắng, bất an như học sinh và phụ huynh ở thành phố có con “năm nay lớp 9”.
          Thành phố mà chú thím tôi sống, làm việc có năm trường cấp 3. Ở huyện tôi cũng có số trường gần bằng như vậy, nhưng quy mô lớp học thì ít hơn. Theo như tôi được biết, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường dao động từ 300 - 500 học sinh, trong khi số đăng ký dự thi có tới hơn nghìn thí sinh. Điều này có nghĩa là muốn vào được trường điểm ở thành phố thì một thí sinh phải vượt qua vài chục, thậm chí là vài trăm thí sinh khác. Cho nên tôi hiểu vì sao mà chú thím lại áp lực, lo lắng. Em họ buồn bã nói: “Em lo lắm, làm sao để mà đỗ được? Điểm vào trường nào cũng cao, năm sau lại cao hơn năm trước. Mà đám bạn em, đứa nào cũng học như thể ngày mai không còn được đi học nữa: học ở trường, học ở trung tâm, học nhà thầy cô. Bố mẹ “ốp” học không cho lơ là phút nào, em oải lắm…”. Thương em quá, tôi chỉ biết động viên và truyền lại những kinh nghiệm, phương pháp, kiến thức mình tích lũy được để em có thêm động lực học tập.
           Nhớ lại cảm giác năm tôi thi chuyển cấp. Ở quê, chúng tôi học cấp 1, cấp 2 trường làng rồi đăng ký thi vào một trường cấp 3 nào đó gần nhà chứ không có ý niệm chọn trường Chuyên, trường điểm. Vẫn là đề thi tuyển sinh lớp 10 chung của cả tỉnh nhưng số lượng học sinh dự thi vào các trường không vượt nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm chuẩn các trường cấp 3 ở quê không quá cao, thế nên chỉ cần nắm vững kiến thức, chăm chỉ ôn luyện đi thi đều đậu cả. Một số bạn thì lựa chọn vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên để vừa học văn hóa vừa học nghề. Để thi đỗ vào lớp 10, chúng tôi cũng qua tháng ngày học hành, ôn thi tích cực. Nhưng chúng tôi học và thi bằng khát vọng bản thân nên rất say mê, chăm chú. Vận dụng kiến thức theo hướng dẫn của thầy cô, chúng tôi coi việc ôn thi tựa bước chạy đà - dậm nhảy để bật cao trong môn Thể dục. Tâm trí chúng tôi luôn dấy lên niềm háo hức chinh phục đỉnh cao chứ không phải là cảm giác lo sợ, uể oải, mệt mỏi. Bởi thế, nếu tôi vui vẻ khi vào học trường trung học phổ thông thì bạn cùng xóm cũng yên tâm vừa học văn hóa vừa học nghề ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên mà không chút bận tâm đó có phải là trường điểm, trường top đầu hay không. Chính vì thích học nên chúng tôi tiếp thu bài giảng như ruộng hạn gặp mưa rào. Cả lớp ai cũng say học không đợi thầy cô, cha mẹ thúc áp. Trong tiết học bàn luận về vai trò của mạng Internet, chúng tôi đều thống nhất cho rằng, công nghệ thông tin đã tạo ra sự công bằng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của con người, đảm bảo không ai bị tụt hậu nếu có nỗ lực và đam mê. Cùng với sự giảng dạy nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô giáo, mạng Internet với các phần mềm và ứng dụng hữu ích giúp chúng tôi tiếp cận, mở mang tri thức, rèn luyện ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng… Vì thế, dù học trường quê chúng tôi vẫn tự tin tham gia và đạt giải ở các sân chơi trí tuệ của học sinh như thi chọn học sinh giỏi tỉnh, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi hùng biện tiếng Anh, thi IESTL… Từng thấy trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có những thủ khoa là học sinh ở các trường quê như: Vũ Thị Thi - học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường), thủ khoa khối D toàn quốc đồng thời là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022; Triệu Quốc Bảo - học sinh Trường THPT Sáng Sơn (Sông Lô), thủ khoa khối C năm 2022. Đặc biệt có Nguyễn Hồng Quân - Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là thủ khoa khối Giáo dục thường xuyên với điểm xét tuyển khối C đạt 27 điểm. Năm học 2021, có Lỗ Bá Cương - học sinh Trường THPT Bình Sơn (Sông Lô), thủ khoa khối B; Lăng Quốc Dũng - học sinh Trường THPT Tam Dương (huyện Tam Dương), thủ khoa khối A…
          Thời gian giúp em họ ôn bài tôi nghiệm ra, thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố là một “cuộc đua” của cả học sinh và phụ huynh. Phụ huynh không tiếc kinh phí tìm thầy, tìm chỗ gửi con học thêm, phụ đạo, bồi dưỡng, ôn luyện. Còn học sinh thì ngày ngày “bội thực” bởi bài vở, lịch học, không có khoảng trống để nghỉ ngơi, thư giãn, tư duy mà chủ yếu là làm theo mẫu và học vẹt. Tôi xót xa nhìn em ngồi học, mắt nhắm nghiền, cằm gục xuống ngực, bút trong tay rơi xuống sàn và trong bữa cơm, em vùng vằng buông bát nói chú tôi: “Bố lúc nào cũng con nhà người ta. Vâng, con bố chỉ có thế thôi…”.
          Tôi cũng góp mặt chứng kiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố diễn ra như một sự kiện quan trọng với sự kỳ vọng đau đáu và áp lực ngộp thở. Trước giờ thi rất sớm, trong cái nắng như đổ lửa đã có nhiều phụ huynh đưa con tới trường thi vì sợ tắc đường. Mà tắc thật, công an, cảnh sát giao thông đứng “điều tiết” các phương tiện lưu thông ưu tiên làn đường cho phụ huynh đưa con đi thi. Con vào trường thi rồi phụ huynh vẫn đứng ngồi vây quanh khu vực cổng trường chờ đợi. Ánh mắt người đi đường nhìn phụ huynh và các cháu học sinh với cảm xúc thật khó tả. Ngưỡng mộ, ái ngại, đồng cảm khi thấy nhiều phụ huynh nét mặt lo lắng níu cánh cổng đã khép dõi theo các sĩ tử ngập ngừng chân bước tiến vào phòng thi. Nắng hè gắt gao lại càng thêm đổ lửa bởi sự nóng lòng, sốt ruột của phụ huynh và sự nóng nhẫy của hàng dài các loại xe cộ phơi mình dưới nắng rát.
          Học sinh ở quê đi thi thì sao? Sáng ấy được gọi dậy sớm, ăn bát cơm gạo mới hay xôi đỗ cho chắc dạ rồi như thường lệ bố mẹ đi chợ, đi làm đồng trước, chúng tôi í ới đèo nhau bằng xe đạp phóng vèo tới điểm thi. Cũng có chút bỡ ngỡ, vì thường ngày đi chợ, đi làm đồng cùng bố mẹ chúng tôi vẫn ngang qua đây nhưng chưa vào hẳn trong trường như hôm nay. Phòng thi có các bạn ở trường cấp 2 khác, chưa biết nhau nhưng những gương mặt cứ gợi cảm giác thân quen tự bao giờ. Tôi đưa mắt nhìn để ghi nhớ xem sau này mình sẽ học chung lớp với những bạn nào cùng phòng thi, các bạn khác thì khe khẽ bắt chuyện làm quen. Trống hết giờ, chúng tôi ùa ra khỏi phòng thi, xô tới hỏi nhau làm bài thế nào, có tốt không, rồi lên xe đạp đèo nhau về. Trên đường về, hai bên cánh đồng lúa uốn câu ngấp ngó chia vui, gió thổi mát rượi. Nhớ buổi thi cuối cùng, vừa lúc hết giờ, mây đen kéo đến vần vũ, tôi và thằng Đạt đạp xe như bay ra cánh đồng làng vì biết bố mẹ vẫn đang ở đó. Cặp sách để gọn trên bờ, tôi xắn quần ào xuống ruộng vác các gồi lúa mẹ gặt chất lên xe để chạy cơn mưa rào. Các cô bác ở ruộng bên cạnh ngửng lên hỏi: “Thi xong rồi à? Làm bài tốt chứ?”. Chúng tôi vâng don dỏn, nhanh tay chụp những con muồm muỗm béo mầm bởi thực tế đề thi cũng vừa sức, tôi làm bài còn thừa thời gian. Bố tôi lưng áo đầm mồ hôi, mắt nhìn con ánh lên niềm vui, tin tưởng.
          Ở điểm thi thành phố, còn phải đến 30 phút nữa mới hết giờ nhưng thím và tôi cùng rất đông phụ huynh đã trực sẵn ở cổng trường. Ánh mắt tất cả các bố mẹ đều  xoáy hút vào sân trường ngóng dáng con yêu. Cổng trường mở ra, lác đác học sinh ra trước, như người anh hùng thắng trận, ngẩng cao đầu đi trong tiếng vỗ tay chúc mừng của các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi và các phụ huynh đang rướn cổ chờ đợi. Tôi chắc những thí sinh làm bài tốt ra trước đang có cảm giác lâng lâng bởi những lời ngợi khen, xuýt xoa: “Con nhà ai mà giỏi thế!”, “Đề thi có khó không cháu ơi, làm hết chứ?”, “Thế này thì đỗ chắc rồi!”...
          Em họ tôi là một trong số các học sinh ra khỏi phòng thi khá sớm, vành tai đỏ tía vì nóng và tập trung cao độ. Thím tôi mừng run người, sung sướng rịn nước mắt, giọng lạc đi nhưng không giấu nổi niềm hy vọng tự hào: “Đây, đây con ơi...”. Nhìn thấy con mình, phụ huynh tách ra khỏi đám đông, nắm tay hoặc khoác vai con hỏi han không ngớt. Người thì kiêu hãnh nở nụ cười, người thì cơ mặt chùng xuống chép miệng tiếc rẻ. Học sinh em thì cười rạng rỡ, em thì lủi thủi chui vào vành ô mẹ giương sẵn vẻ mặt thất thần, tiếc nuối… Chứng kiến các cung bậc cảm xúc của học sinh và phụ huynh ở phố trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tôi ước gì học sinh thành phố như em họ tôi không phải trải qua những kỳ thi mà độ cạnh tranh gắt gao nhường vậy. Học sinh không đạt thì buồn nản, học sinh đỗ được cũng còn đâu cảm giác hạnh phúc vì áp lực đè nén trong thời gian dài đến “đơ” người. Tôi biết tâm lý của học sinh bị ép học rồi sẽ chán học, sợ học, ám ảnh đến “chột” người. Tôi đọc được câu châm ngôn: Người ta chỉ thành công và làm nên điều vĩ đại khi có đam mê. Tôi ước gì có thể nói để chú thím và các bậc phụ huynh hiểu rằng, học sinh thành phố rất thông minh lại có điều kiện tốt để phát triển năng lực, tư duy, vì vậy xin đừng thui chột óc sáng tạo của các cháu chỉ vì chạy (đuổi) theo những thứ hình thức trong giáo dục.
 
***
 
          Tôi về quê ngay sau khi em họ biết điểm trúng tuyển vào trường cấp 3 trọng điểm của thành phố. Thím tôi chuẩn bị lễ về thắp hương kính báo tổ tiên và bà nội. Em họ tôi thức dậy từ 4h30 sáng, theo nếp mà lâu nay thím vẫn gọi em dậy học bài cho minh mẫn. Buổi sáng cuối hè bên sông quê mát mẻ, tĩnh lặng, em họ tôi chỉ mấy hang dế có đọt cỏ non vương bên ngoài, thập thò cặp râu và tảng đầu dế bóng láng bảo: “Các cô dạy đi dạy lại, kiểm tra phải thuộc như cháo chảy, tài liệu phát cho rất dài và chi tiết nhưng em chả hứng thú gì với các bài phân tích mẫu đó và cũng chả thuộc hết được…”. Đề thi môn Ngữ văn hôm ấy yêu cầu phân tích nội dung và nghệ thuật trong bài thơ “Bếp lửa” của tác giả Bằng Việt, lúc làm bài em nhớ hồi bố mẹ gửi em về bà nội ở quê. Em bám bà như cái đuôi, bà dẫn em đổ nước vào hang bắt dế để vào chiếc hộp nuôi cho nó gáy… Em nhớ bà và viết bài như đang kể về kỷ niệm của bà với em ngày đó: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”.
                                                               N.T.T
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc