Trong mưa
Ngày đăng: 31/03/2024; 62
Tản văn của HẢI THANH
 
Tôi đến quán phở có vẻ hơi sớm. “Bác chờ tí”. Chủ quán vừa ngáp vừa bắc lên bếp cái nồi nước dùng.
Nay trở trời. Vợ tôi định kỳ đi lấy thuốc. Việc này không siêng cũng phải năng. Có lẽ bà ấy cố tránh cái sự đua chen phiền muộn ở nhà thương chưa khi nào chấm dứt.
Ngoài kia bỗng dưng sấm ì ùm. Người đưa bánh, người giao thịt... ầm ã cửa hàng. Ai nấy đều vội vã.
Cái lò than ngày trước, giờ được cải tổ từ dòng điện ba pha nối thẳng vào bếp, nên khách không phải đợi lâu.
Chủ quán bưng ra bát phở ngậy mùi, miệng đon đả: “Vía bác là nhẹ lắm nhá. Hôm nay bác mở hàng, nhà cháu đắt khách lắm đây”.
Đắt rẻ, lờ lãi gì, tôi chả quan tâm điều đó. Quán này quen, phở gia truyền, nhưng sao hôm nay tôi chững lại. Trời trở gió thật rồi. Cái thân thể của người sắp hưu như là em họ của cái máy dự báo thời tiết vậy. Tôi cố khoắng mấy đũa, rồi thôi.
Sau những thủ tục, quy trình cần thiết, trời đổ mưa rào. Nhiều người đi đường táp vào quán, vừa trú mưa, luôn tiện ăn sáng để rồi tiếp tục một hành trình.
Trong đám đông ấy, có một ông già đến ngồi đối diện tôi. Ông bận bộ quân phục bạc màu, không biết đi xe đạp từ đâu tới. Ông có bộ râu dài và đẹp, đoán chừng phải ngoại tám mươi, nhưng trông hãy còn săn chắc lắm. Chẳng ai hỏi gì, nhưng ông cứ xưng xưng: “Gớm, may quá các bác ạ, hôm nay đi sớm, vào thăm đồng đội cũ, đang nằm bệnh. Gớm, may quá, anh em chuyện với nhau được đến cả tiếng. Gớm, hôm trước, chả may tí nào, đi muộn một tí, người ta không cho vào, thì có đi bệnh viện bao giờ mà biết. Chả gặp thì đừng. Ra đây làm bát phở cho mát ruột. Mấy khi ra phố chơi. Ở nhà quê chúng em, có khi cả năm chả ra quán xá một lần. Các bác tính, quanh năm đầu tắt mặt tối, nhưng có tiền đâu. Mà quán phở nhà này làm được đấy. Hôm trước ăn, em về khoe với bà lão. Bà ý cứ bảo là em đốt tiền. Về nhà ăn bát cơm nguội, vừa đỡ tốn kém lại vừa chắc dạ”.
Tôi, và chật ních quán ăn, chẳng mấy ai để lọt tai chuyện ấy. Tôi mong chóng tạnh mưa.
Nhìn bát phở rồi nhìn chung quanh, ông già gọi lớn: “Bác chủ ơi, có cái rau thơm nào không, cho một ít”. Phía kia đáp lại: “Nhà cháu bán phở, không bán kèm rau thơm ạ, cụ thông cảm cho”. Ông già lẩm bẩm: “Ờ thì thành phố các bác nó thế, chứ quê em, ăn mà không có tí rau thơm, nó nhạt mồm nhạt miệng thế nào ấy. Các cụ chả bảo, đói thì rau đau thì thuốc là gì”.
Chưa dừng lại, ông già vẫn đứng lên, ngồi xuống, cứ loanh quanh tìm kiếm điều gì. Ông đổ cả đĩa ớt, vắt cả đĩa chanh vào bát phở nhạt khói. Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông gọi tiếp: “Bác chủ ơi, có rượu cho nửa lít”. Rượu thì có, ông già cứ bâng quơ một mình: “Có miếng ăn, phải nhớ anh em. Ăn một mình, nó cứ làm sao ấy”.
Ông đổ gần hết chai rượu xuống nền nhà, miệng cứ lẩm bẩm câu gì như là “tao... mày... uống đi”. Nếu trời không mưa, mọi người đã chạy tán loạn vì cái hành động của ông như là sự khủng bố. Mà không khủng bố thì cũng không ai thích kẻ gàn.
Còn lại vừa hai chén, ông rót ra cả. Một chén tự phần, một chén mời tôi. “Anh em ta có duyên, nên hôm nay được ngồi cùng mâm. Nào xin kính mời bác”.
Tôi hơi khó chịu, nhưng cố xua tay, bảo: “Dạ, cảm ơn, cháu không uống được”. Ông già cứ nài nỉ vẻ khổ sở: “Gớm, mấy khi, em tiếng thế nhưng cũng chỉ được đôi chén là cùng. Còn những chén kia là mời những thằng dưới đất ấy chứ. Gớm, thật chả may tí nào, loáng một cái, gặp quả bom khốn nạn, chết ráo cả”.
Ông lấy đũa và phở vào mồm như và cơm nguội chan nước mưa, rồi ngửa họng như để nó tự trôi. “Gớm, chua cay đã đời, ngon quá”. Nhác sang tôi, “bác phải ăn cố lên, giữ gìn sức khoẻ. Người thành phố các bác là giúp đỡ người nhà quê chúng em nhiều lắm đấy, nhưng phải cái là ăn uống kém”.
Ông già ăn hết phần mình, tiện thể ăn luôn cả phần thừa của tôi, như đói lắm.
Rồi lại gọi tăm, gọi quạt. Tăm vì răng thưa, quạt vì thêm gần bát phở, nhễ nhại mồ hôi.
Ngoài kia trời mưa, còn nóng nực gì. Ông bảo thời tiết dạo này thất thường quá. Rồi lại huyên thuyên những chuyện con bò con lợn, phải mùa trái vụ, chẳng vào đâu.
Mưa đã tạnh. Quán cũng vắng nhanh. Mấy người hàng phố xung quanh sau giấc mơ dài, mới lại thong thả ới nhau ăn sáng.
Tôi sực tỉnh. Vội gọi chủ quán thanh toán tiền phở để đến cơ quan. Anh chàng cười bảo: “Đúng là hôm nay ngày tốt, bác mang thần tài đến cho gia đình chúng cháu. Tiền phở của bác, cụ già đã thanh toán đủ rồi ạ”.
Tôi kêu trời. Ông ấy có quen biết gì tôi đâu.
Chủ quán bảo: “Cháu cứ tưởng”...
- Thế ông ấy đi về hướng nào ?
- Hướng này - Cậu chủ quán chỉ tay về phía mặt trời - Cụ già ấy bảo, về nhanh còn trăm con vịt đòi ăn, chục nái lợn đói cám, lại thêm ao cá, ruộng vườn, chậm là bà lão đay nghiến... Thế thực bác không biết cụ à?
- Hoàn toàn không!
- Cụ ấy là bộ đội về hưu. Khoẻ lắm, thanh niên chúng cháu không địch nổi. Bộ đội cụ Hồ mà lỵ. Nhưng làm được đồng nào thì cụ chỉ gom góp dành cho cái gì “nhắn tìm đồng đội” ấy. Cả làng cả tổng ai cũng biết mà.
Tôi bước ra đường, đi như là không đi. Tự hỏi một câu không trọng lượng: “Mình là ai”, “Ông già ấy là ai”.
Hàng cây trên phố đã được thay mới. Có cây héo rũ, có cây trơ khấc như cột chống trời. Cứ năm năm một lần, người ta lại thay một “mốt” cây khác. Chuyện “bứng cây sống, trồng cây chết” như là lệ thường. Nhiều năm ròng, phố vẫn chả xanh.
Mùa hạ vẫn đến và đi, nồng nàn chưa khi nào lỗi hẹn. Sau mưa, con đường dài mưa nắng luênh loang.
 
H.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc