Lịch sử đã khắc ghi: “Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945) không chỉ là bản khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trở thành biểu tượng sáng ngời, bất diệt của khát vọng hoà bình, độc lập, tự do, mà còn là tuyên ngôn về quyền con người của mỗi dân tộc.
“Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945) không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới.
“Tuyên ngôn độc lập” (2/9/1945) không chỉ gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh với hành trình bền bỉ của Nhân dân Việt Nam kiên định con đường Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
“Cây có cội, nước có nguồn”, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam được di dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong tâm khảm mỗi người, tinh thần của ngày Quốc khánh 2-9-1945 đã hoà cùng dòng chảy lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, trường tồn cùng với hồn thiêng sông núi. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao, tiếp sức cho con tàu cách mạng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vượt trùng khơi, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng hành cùng dân tộc, “Tuyên ngôn độc lập” còn là tuyên ngôn nghệ thuật, là đường lối văn hoá - văn nghệ của cách mạng Việt Nam, là nguồn cảm hứng bất tận của văn nghệ sĩ các thế hệ.
Khởi nguồn từ năm 1943, bản Đề cương văn hoá Việt Nam đã nhấn mạnh tính chiến đấu của văn hoá, văn nghệ trên lập trường giai cấp vô sản và được xác định cụ thể “dân tộc, khoa học, đại chúng”.
“Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Hồ Chí Minh). Quan điểm “văn học, nghệ thuật cũng là một mặt trận” thấm sâu trong nhận thức của các văn nghệ sĩ đi theo Đảng. Học tập và làm theo lời Bác, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp văn nghệ sĩ - chiến sĩ, đem hết tài năng, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
“Văn hoá, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”…
Hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đã trở thành những “giai điệu tự hào”, luôn vang vọng, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam yêu nước lao động, cống hiến, đóng góp hết sức mình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong thời kỳ mới, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã thêm một lần nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”… Ở đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo, và con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển đất nước. Khâu đột phá đầu tiên và rất quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó, tầng lớp trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ là đội ngũ tài năng của dân tộc, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và củng cố các hệ giá trị quốc gia, văn hoá, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Qua mỗi chặng đường vẻ vang của cách mạng, Đảng và Bác Hồ luôn nhận rõ vai trò to lớn ấy, nhất là trước yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để các tầng lớp tinh hoa tích cực hơn nữa trong việc nâng tầm trí tuệ, sức mạnh văn hoá của dân tộc, không ngừng lan toả các hệ giá trị, để các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống. Và ở đó, văn học, nghệ thuật sẽ tiếp tục làm rực sáng hơn biểu tượng sáng ngời của khát vọng hoà bình, độc lập, tự do.
VĂN NGHỆ VĨNH PHÚC