Cây nêu ngày tết - Điểm nhấn văn hóa làng
Ngày đăng: 05/05/2022; 47
TẠ ĐÌNH HẠP
 
Sự tích cây nêu của dân tộc ta xuất phát từ truyền thuyết ‘‘Sự tích cây nêu ngày tết ’’. Truyện có nội dung như sau: ‘‘Ngày xửa ngày xưa, chẳng biết từ bao giờ, mỗi dịp tết đến, xuân về là mọi nhà lại nhộn nhịp đi trồng cây nêu trước sân nhà. Tục truyền rằng: Thuở xưa lũ quỷ chiếm toàn bộ đất nước. Người không có đất đai nên chỉ biết đi làm thuê cho quỷ. Lũ quỷ ngày càng bóc lột người thậm tệ nên sau mùa thu hoạch người chẳng có lương thực để sống. Năm đầu quỷ bảo người trồng lúa và quy định ‘‘Ăn ngọn cho gốc’’. Thế là sau vụ gặt người đem về rặt là rơm rạ, không có gì để sinh nhai, bèn tìm đến đức Phật nhờ giúp. Đức Phật thương tình bèn bảo người vụ sau không trồng lúa nữa mà trồng khoai lang. Thế là vụ đó quỷ không thu được gì nên tức lắm và tuyên bố đến mùa sau quỷ sẽ ăn ‘‘cả gốc lẫn ngọn’’. Mùa sau, Phật bảo Người đem trồng cây ngô. Quỷ lại bị một vố đau mà không nói vào đâu được. Cuối cùng quỷ tuyên bố thu lại hết đất, không cho người làm rẽ nữa. Thấu được nỗi khổ của muôn dân, Phật mách bảo người, hãy điều đình với quỷ xin chúng cho một miếng đất chỉ to bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ cho rằng mảnh đất như vậy chẳng đáng là bao nên đồng ý. Phật đứng trên ngọn tre rồi tung áo cà sa bay ra một miếng vải tròn. Sau đó Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút lên tận trời xanh. Bầu trời bị che khuất dần, bỗng đất trời u ám do bóng áo cà sa che khuất khắp cả mặt đất. Bóng áo cà sa phủ đến đâu, lũ quỷ phải lùi đến đó và cuối cùng Phật đẩy lũ quỷ ra tận biển Đông. Già trẻ, gái trai, họ hàng nhà quỷ kêu van, xin Phật cho phép hằng năm được vào đất liền để  thăm viếng phần mộ tổ tiên vào mấy ngày trong dịp Tết Nguyên Đán. Thế là từ đó, có tục trồng cây nêu trong mấy ngày tết để cho quỷ không dám bén mảng đến nơi người đang ở…’’.  Trên đây là sự tích cây nêu được giải thích bằng Phật thoại. Ở khía cạnh khác, cây nêu còn được giải thích bằng truyền thuyết Hùng Vương. Đó là cây nêu ra đời cùng với quyền sở hữu ruộng cấy của cư dân nông nghiệp trong nền văn hóa lúa nước từ thuở bình minh.
Loại cây dùng làm cây nêu thường là cây tre. Tre được chọn phải mọc về hướng Đông là hướng có nhiều ánh sáng đem lại từ lúc bình minh; cao khoảng 5m đến 6m, có số mắt lẻ (vì số lẻ là số tượng trưng cho sự phát triển không ngừng của vạn vật tới tương lai). Tre dùng làm cây nêu trên ngọn không được có tổ kiến, tổ ngạt, tổ chim, ngọn không bị cụt; đặc biệt các đốt tre không bị sâu; tỉa sạch các lá và nhành con. Trước khi đi chặt tre làm cây nêu, người ta phải thắp hương trong nhà để kính cáo với thần linh và tổ tiên. Trên ngọn cây nêu thường treo một vòng tròn nhỏ uốn bằng tre, dán giấy đỏ. Trên vòng tròn được trang trí nhiều thứ như: Những chiếc khánh đất để mỗi khi có gió rung thì khánh phát ra tiếng động, báo cho lũ quỷ biết nơi có người đang ở mà tránh; buộc một bó lá dứa hoặc cành lá đa tươi; bầu rượu bện bằng rơm; giỏ tre đựng trầu cau và vôi; cá chép bằng giấy; treo vàng mã và những lá bùa hình bát quái; một dải cờ bằng vải màu đỏ (phướn), trên có ghi bốn chữ Nôm ‘‘Thiên hạ thái bình’’ - đây là những thứ đem lại sự may mắn cho con người nhưng bọn quỷ lại rất sợ hãi. Một số nhà còn treo đôi câu đối, vài bánh pháo lên cây nêu để giao thừa đốt pháo mừng xuân. Ngoài ra, dưới chân cây nêu người ta còn vẽ hình cung tên bằng vôi trắng, hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột từ sân ra cổng để cấm lũ quỷ đến nhà mình trong mấy ngày tết.
Như vậy, truyền thuyết về sự tích cây nêu đã lý giải được nguyên nhân tại sao dân tộc ta thường dùng cây tre để dựng cây nêu trong mấy ngày tết, coi như một ‘‘bảo bối’’ nhằm đề phòng, chống lại sự quấy phá của ác qủy để con người được thỏa thích vui chơi khi các đức thần linh (ông Công, ông Táo) đã về trời
Sở dĩ tre được dùng làm cây nêu vì tre biểu trưng cho cốt cách, bản sắc và tinh thần chịu đựng dẻo dai của con người Việt Nam. Tre mọc thành bụi ở khắp nơi, tồn tại đủ các thế hệ: Già, trung (tre bánh tẻ), trẻ (tre già măng mọc) luôn đùm bọc trong tư thế ôm chặt lấy nhau nên dù trải qua bao phong ba, bão táp mà tre vẫn không ngừng vươn lên, không bị bật rễ. Tre có ân nghĩa và gắn bó với cuộc sống con người từ những vật dụng nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày, như cái tăm xỉa răng, chiếc lạt buộc rào đến công việc đại sự dùng cả thân cây để làm nhà từ bao đời nay. Tre gắn bó với con người kể từ khi còn là đứa trẻ mới lọt lòng, chúng đã được nằm trên những chiếc nôi tre mềm mại, xinh xắn để nghe bà kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa hay những lời ru thấm đẫm tình đời đến khi con người từ giã cõi đời cũng dùng những chiếc lạt tre để nín chặt quan tài rồi đưa tiễn họ đến chốn vĩnh hằng. Vì thế, cây tre dùng làm cây nêu được dựng lên mỗi dịp tết đến, xuân về là thể hiện những ước mơ, khát vọng về tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, vượt mọi thử thách của con người nhằm cùng nhau hưởng mọi điều tốt đẹp cùng sức sống của mùa xuân.
Bắt đầu từ tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), các gia đình nhộn nhịp trồng cây nêu ở phía trước sân nhà. Nhân cơ hội ông Công, ông Táo lên chầu trời,  lũ quỷ từ biển Đông thường lẻn về quấy nhiễu cư dân nên mọi người phải trồng cây nêu để ngăn chặn chúng. Bởi vậy, cây nêu vừa biểu hiện cho sự tôn kính trời đất, vừa có ý nghĩa trừ tà ma và cũng là dấu hiệu để khẳng định chủ quyền sở hữu đất đai của mỗi nhà mà không ai được xâm phạm. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, mọi nhà làm lễ hạ cây nêu và coi như hết tết.
Xem ra, tục trồng cây nêu là một trong những phong tục không thể thiếu  trong ngày tết. Bởi thế, từ xưa trong dân gian đã tổng kết ngày tết là phải có đủ ‘‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh’’. Bây giờ, ngày tết vẫn có thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh. Riêng tràng pháo được thay bằng pháo hoa bắn lên tại những nơi vui chơi công cộng. Với cây nêu thì chỉ còn thấp thoáng ở một số nơi nên chúng ta cần bảo tồn để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc có từ ngàn xưa. Hơn thế, cây nêu còn là biểu tượng của sự đấu tranh giữa thiện và ác, giữa thần linh và quỷ dữ nhằm bảo vệ cuộc sống an bình cho con người. Ngoài việc trừ tà ma, cây nêu còn được coi là cây vũ trụ nối liền đất với trời do tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Cây nêu còn để thờ thần linh, thờ vong hồn tiên tổ; loại trừ những điều xấu xa của năm cũ, cầu mong cho năm mới đem lại bao điều tốt đẹp.
Phong tục trồng cây nêu là một mỹ tục của dân tộc ta. Nó phân biệt ranh giới giữa thiện và ác đầy tính nhân văn. Theo dân gian, việc trồng cây nêu trong dịp tết hàm chứa ba ý nghĩa: Là cột mốc để khẳng định chủ quyền đất đai của mỗi gia đình nhằm mời gọi tiền nhân về ăn tết cùng con cháu cho đúng chủ; là mối liên hệ tâm linh giữa con người với thần linh và trời đất; là dấu hiệu tết đến, xuân về. Quan sát chiếc phướn trên cây nêu bay trước gió theo hướng nào trong ngày đầu xuân để người xưa đoán xem thời tiết năm nay có thuận không từ đó ứng dụng nó vào nông lịch cho hiệu quả. Ngày xưa, cây nêu không những được trồng ở mỗi gia đình mà nêu còn được dựng trước những ngôi nhà rông của đồng bào thiểu số hay những nơi công cộng nhằm hội tụ khí thiêng cho dân làng. Tiếc rằng, phong tục đó đến nay hầu như đã rơi vào quên lãng. Tục trồng cây nêu giờ đây chỉ còn hình dung qua những câu chuyện kể hay qua phim ảnh mà thôi! Nên chăng chúng ta cần khôi phục lại những phong tục đẹp đẽ đó của dân tộc mà ông cha ta đã trân trọng và có công lưu giữ từ bao đời nay. Bởi, tục trồng cây nêu ngày tết xưa kia có mọi nơi tại khắp các bản làng trên đất nước ta và nó đã trở thành một dấu ấn văn hóa đậm nét tâm linh.
                                                                                                                                  T.Đ.H
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc