Hồi ký
LÊ VĂN CƠ
Tháng 5 năm 1973 là thời điểm cuối trong chiến dịch vận chuyển hàng hoá của Binh trạm 27, Đoàn 559. Thời gian này mỗi đêm chúng tôi chạy khoảng 250 - 300 xe Zil-130 chở hàng vào kho Ka Rốt. Khối lượng hàng vận chuyển từ 1.200 - 1.400 tấn/đêm, đó là chưa kể các Binh trạm 12, 13, 17 của Bộ Tư lệnh 471 cũng đang chở hàng chạy nước rút sợ mùa mưa tới sớm. Vì có xe chạy nhiều nên các con đường 16A, 16B, 16C bụi mù trời, tiếng động cơ, tiếng máy ầm ầm như rung chuyển cả rừng Trường Sơn.
Rừng Trường Sơn mùa này cây lá xanh ngút, che cho các đoàn xe đêm đêm tiến vào các kho 33, 34, 35, 36 rất an toàn và thuận lợi.
Anh em lái xe sau mấy tháng được nghỉ an dưỡng ở Quảng Bình nay nhập tuyến nên tinh thần và sức khỏe khá dồi dào. Thành tích vượt cung tăng chuyến có nhiều gương điển hình như chiến sĩ Hà Văn Tơ, Cầm Bá Gấu, Hoàng Văn Phăn, Nông Đình Chẩm… được anh em trong và ngoài đơn vị noi gương, học tập. Đại đội 6 chúng tôi cũng được lãnh đạo binh trạm gọi điện khen vì đạt thành tích cao trong tháng đầu của chiến dịch vận chuyển hàng hoá.
Chiều ngày 20/5/1973 tôi đang lấy lá ngụy trang cho xe mang biển số DD2067, thì được Chính trị viên Nguyễn Xuân Huy gọi về nhận nhiệm vụ mới. Thay tôi hoàn thiện phần việc này là chiến sĩ Nông Đình Chẩm, quê Cao Bằng, rất khỏe, có trình độ chuyên môn lái xe giỏi. Tôi hiểu vì sao anh Huy lại giao xe của tôi cho anh Chẩm, vì chiếc xe mà tôi đang lái là xe kiểu mẫu của đơn vị, vừa đẹp, vừa tốt, năng suất cao, cây số lại an toàn… Nhưng nhiệm vụ đi đâu, làm việc gì, thì tôi chưa lý giải được. Hiểu ý tôi, anh Huy nói:
- Lát nữa cậu sẽ rõ.
Tôi vâng lời và giao xe cho anh Chẩm, bắt đầu ngược dốc đi bộ về đơn vị.
Đơn vị xe ô tô vận tải Đại đội 6 nằm giữa rừng cây săng lẻ, có dòng suối chảy qua. Anh em chúng tôi đào hầm địa đạo dọc theo bờ suối để phòng khi máy bay địch đánh phá, dễ sơ tán vì hai bên bờ suối có nhiều hầm trú ẩn. Nếu chạy lên đồi, hoặc sang ngang sẽ bị bom phát quang và rocket của địch “xơi tái” ngay.
Khi tôi về tới hầm đã thấy tám anh em khác trong đại đội đang ngồi chờ họp ở đó. Đợi tôi ổn định chỗ ngồi, đồng chí chính trị viên đại đội vào đề ngay:
- Các đồng chí biết rồi đấy, binh trạm chúng ta mùa khô năm 1972 hy sinh 42 đồng chí, được mai táng tại nghĩa trang Hoa Phong Lan cạnh bản Đông trên đất bạn Lào. Năm ngoái con đường 16C chưa mở, Binh trạm 27 chỉ chạy xe trên đường 16A, 16B thôi nên khu bản Đông cây cối rậm rạp, lại có dòng sông Sê Băng Hiêng chảy qua nhìn rất thơ mộng. Giờ con đường 16C đã mở, xe của đơn vị ta và xe các đơn vị bạn mỗi đêm chạy qua khu bản Đông khoảng 100 chiếc. Bọn địch nghi ngờ nên đã ném bom thăm dò xuống ngầm bản Đông khá dữ dội. Có quả bom rơi cách nghĩa trang Hoa Phong Lan chỉ 10 mét. Binh trạm trưởng Nguyễn Ngọc Dẫn gọi điện yêu cầu đại đội ta trong 5 ngày (từ ngày 21 - 25) phải chuyển hết các mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Hoa Phong Lan về khu rừng Sen thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị để binh trạm làm nghĩa trang cho kịp lễ kỷ niệm 26 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/1973).
Nghĩa trang Hoa Phong Lan cách đường xe chạy khoảng 2km. Bộ đội lái xe đi công tác tìm được hoa phong lan quý, đem về treo trên cành cây cạnh mộ các liệt sĩ rất nhiều. Hoa lan vừa đẹp, vừa thơm lại lâu tàn nên anh em trong binh trạm đặt tên cho nghĩa trang này là “Nghĩa trang Hoa Phong Lan”. Chính trị viên Nguyễn Xuân Huy cho chúng tôi đúng 20 phút chuẩn bị quân tư trang, cuốc xẻng, súng đạn, gạo, thực phẩm... còn bao nilon, hương, rượu, nến, đèn pin, hoa hồi, quế chi, thuốc men... đã được binh trạm vận chuyển xuống từ ngày hôm trước rồi.
Chuẩn bị xong quân tư trang và các dụng cụ cần thiết, 3 giờ chiều ngày 20/5/1973 chúng tôi cùng anh Huy xuất phát vào nghĩa trang Hoa Phong Lan.
Khớp với dự kiến, đoạn đường từ ngã ba Dân Chủ - nơi Đại đội 6 đóng quân vào tới nghĩa trang Hoa Phong Lan là 40km. Sau 10 giờ đồng hồ leo đèo, lội suối, băng rừng anh em chúng tôi đã đến sát bản Đông. Thời điểm đó tôi ngó đồng hồ là đúng 1 giờ sáng ngày 21/5/1973.
Trước tình hình thuận lợi này, anh Huy quyết định lập đại bản doanh dọc theo bờ sông Sê Băng Hiêng. Sắp xếp mọi chuyện xong, cử một đồng chí ở lại nấu cơm, anh Huy và chúng tôi mang theo đèn pin, súng AK, sơ đồ mộ chí lên kiểm tra mộ liệt sĩ, tranh thủ dọn dẹp nghĩa trang cho sạch sẽ.
Thật may mắn là tất cả các ngôi mộ vẫn đầy đủ, chỉ có một số tấm bia được làm từ thùng phuy đựng xăng do mưa, lũ cuốn trôi mất khá nhiều. Anh Huy bảo với chúng tôi:
- Ngày mai chúng ta sẽ bốc mộ theo thứ tự hàng dọc, không bốc theo nhóm như đã bàn.
Không chờ anh em có ý kiến, anh Huy nói tiếp:
- Nếu bốc mộ theo nhóm rất dễ bị nhầm lẫn, vì chúng ta chỉ có một sơ đồ mộ chí. Anh em chúng ta cũng không thể bốc mộ vào ban ngày được, bởi ở đây có nhiều dấu chân người. Có lẽ bọn thám báo đã phát hiện ra khu nghĩa trang này nên chỉ chờ thời cơ thuận lợi là chúng sẽ tập kích hoặc gọi phi pháo tới oanh tạc. Anh em ta nên bốc mộ vào ban đêm, từ hai đầu vào giữa. Bốc được mộ nào, chúng ta xếp theo hàng cũ rồi đánh dấu vào sơ đồ. Khi chuyển về đại bản doanh cũng phải xếp như ở trên nghĩa trang này thì mới không sai được.
Chúng tôi nhất trí, trở về ăn cơm và nghỉ ngơi. Tối ngày 22/5/1973 anh em bắt đầu làm nhiệm vụ. Trời ở rừng tối nhanh hơn ở đồng bằng nửa giờ đồng hồ. Tận dụng thời cơ đó, chúng tôi có mặt tại nghĩa trang lúc chạng vạng tối. Anh Huy thay mặt đơn vị thắp hương từng phần mộ chu đáo. Thắp hương xong, chúng tôi xếp thành hai hàng ngang trước mộ các liệt sĩ. Anh Huy kính cẩn: “Thưa các đồng chí, hôm nay chúng tôi tới đây để đưa các đồng chí về quê mẹ Việt Nam, các đồng chí sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cho anh em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ…”. Tất cả mọi người nghe anh Huy khấn đều không cầm được nước mắt, lòng nghẹn ngào thầm hứa trước anh linh các liệt sĩ, dù khó khăn thế nào, nhất định sẽ đưa bằng được các đồng chí về Tổ quốc an toàn.
Khoảng mười phút sau hương tàn, anh em bắt tay vào việc. Hai ngôi mộ đầu tiên được khai quật, một ngôi tiêu gần hết, còn một ngôi sạch sẽ hoàn toàn. Anh em chúng tôi lấy nước hoa hồi, quế chi, rửa hài cốt từng liệt sĩ sạch sẽ rồi cẩn thận cho vào túi nilon… Vừa làm anh Huy vừa nhắc:
- Các anh em lưu ý, trong mỗi ngôi mộ đều có một chiếc lọ penicillin, trong lọ có mảnh giấy ghi họ tên, quê quán, ngày hi sinh của các liệt sĩ... các đồng chí phải tìm bằng được chiếc lọ ấy, đánh dấu cẩn thận để sau này không bị nhầm lẫn.
Công việc ban đầu triển khai khá thuận lợi. Anh em dự tính chỉ hai đêm là hoàn thành công việc. Có ai ngờ về sau khó khăn hơn nhiều. Tốc độ làm việc bị chậm lại, nguyên do là nhiều thi thể của liệt sĩ mới tiêu được một nửa, hoặc ít hơn. Anh Huy và chúng tôi phải thay đổi cách bốc mộ, đó là mở nắp ván thiên, tưới rượu lên hài cốt các liệt sĩ để sau hai giờ đồng hồ rồi tiếp tục cất bốc. Cách làm này rất hiệu quả, tốc độ cất bốc được cải thiện rõ rệt.
Sau ba đêm làm việc khẩn trương, trách nhiệm, chúng tôi đã hoàn thành khoảng hơn nửa công việc. Theo kế hoạch binh trạm giao tất cả có năm ngày, giờ đã qua ba ngày, thời gian còn lại chỉ hai đêm nữa. Đêm ngày 24 chúng tôi buộc phải xong để đêm ngày 25 là đưa thi hài các liệt sĩ về bàn giao. Nhiệm vụ này chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành, nhưng còn vận chuyển về thì khó khăn quá.
Anh Huy nói với chúng tôi:
- Anh em mình chỉ có 10 người, nếu mỗi người gùi 3 hài cốt thì mới được 30 hài cốt, còn 12 hài cốt nữa, thời gian xuất phát vào 1 giờ chiều ngày 25 thì gần 12 giờ đêm mới về đến rừng Sen. Vậy còn 12 hài cốt chúng ta phải quay lại đi lần nữa. Điều thứ hai còn khó khăn hơn, chúng ta phải vượt qua các cao điểm vô cùng ác liệt, bọn địch giội bom đêm ngày, nếu hài cốt liệt sĩ bị mất thì chúng ta yên tâm sao được. Các đồng chí và tôi chỉ còn ít thời gian để thực hiện nhiệm vụ, mong các đồng chí tập trung suy nghĩ, có giải pháp nào tốt nhất để chúng ta giành thắng lợi.
Anh em chúng tôi ngồi dưới tán cây săng lẻ, cành lá sum suê tỏa bóng mát. Dưới gốc săng lẻ có nhiều tảng đá lớn phẳng phiu, ấm trà pha đã ngấm từ lâu mà chưa anh em nào muốn uống. Ai cũng căng não suy nghĩ…
Anh Phan Huy Đáng đưa ra ý tưởng đầu tiên:
- Chúng ta mỗi người gùi ba hài cốt và 20 cụm phong lan là đã quá nặng rồi, đó là chưa kể tới súng đạn, nồi niêu, lương thực, cuốc xẻng, bi đông... nếu mỗi người gùi thêm một hài cốt thì vẫn còn hai hài cốt nữa. Tôi đề nghị, chúng ta xin đi nhờ xe của đơn vị bạn vào trả hàng ở kho 35 quay ra thì về tới đơn vị sẽ khoảng 8 giờ tối. Không những thế, ta còn chở hết 350 cụm phong lan. Hoa phong lan đẹp và thơm như vậy, chúng ta phải mang về hết, có thế tôi mới yên lòng.
Ý kiến của anh Đáng đã phần nào giải tỏa được những băn khoăn của anh em, nhưng anh Huy thấy không ổn, bảo:
- Chúng ta nhất định phải mang hết hoa phong lan về rừng Sen, nhưng nếu đi nhờ xe của đơn vị bạn, ta phải qua nhiều cao điểm có B52 của địch đánh phá, nhỡ bị bom dội trúng, hoặc xe lăn xuống vực thì hài cốt các liệt sĩ sẽ như thế nào. Phương án của anh Đáng ta tính sau, ai có ý kiến khác xin cứ nói…
Tình hình mỗi lúc một căng thẳng. Nắng tháng Năm trên đất bạn Lào mới tám, chín giờ sáng mà gay gắt quá. Nắng chiếu xuống dòng Sê Băng Hiêng chói chang, hắt cái nóng lên bờ thật khó chịu. Anh em chúng tôi ai cũng đứng ngồi không yên. Anh Huy thì liên tục bước đi, bước lại… Riêng chiến sĩ Hoàng Văn Phương thì hướng mắt đăm đắm nhìn xuống dòng sông, đôi lông mày to và rậm cứ nhíu lại, tay phải nắm chặt hòn đá cuội, mười ngón chân bấm chặt xuống đất. Phương là chiến sĩ trong Đại đội 6 có nhiều sáng kiến trong sửa chữa xe, từ nãy tới giờ chỉ ngồi nghe mà không nói câu gì. Giữa lúc mọi người suy ngẫm Phương bỗng đứng dậy, đập tay vào ngực mình, reo to: “Ra rồi... Ra rồi... các đồng chí ơi!”.
Tất cả chúng tôi đều hướng mắt về phía Phương để nghe anh nói:
- Chúng ta gùi bộ hoặc đi nhờ xe đều phải qua cao điểm cả. Riêng dòng sông Sê Băng Hiêng này là không có cao điểm ác liệt nào. Đoạn đường rút ngắn được một nửa. Từ đây về rừng Sen, đi đường bộ là 40km, đường sông chỉ mất 20km. Nếu ta buộc chặt các túi nilon lại với nhau thành một khối rồi đặt hoa phong lan lên trên, sau đó lấy dây rừng bện thành dây thừng để kéo. Người kéo đi trước, kẻ đẩy phía sau thật nhẹ nhàng. Với phương án này, chắc chắn chúng ta về tới rừng Sen chỉ khoảng 11 giờ đêm là cùng.
Nghe Phương nói xong ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Anh Huy nhất trí với phương án này bởi vừa an toàn, vừa không tốn nhiều thời gian.
Thật may cho chúng tôi là tham gia di chuyển hài cốt liệt sĩ vào mùa khô, mực nước sông Sê Băng Hiêng cạn và chảy không mạnh nên dù có di chuyển ngược dòng cũng không vất vả lắm.
Anh Huy phân công mỗi người một việc đâu vào đấy rồi tất cả cùng nấu cơm ăn trưa. Cơm nước xong, chúng tôi nghỉ ngơi đến chiều sẽ xuất phát. Trước khi hạ thủy các hài cốt liệt sĩ, anh em thắp hương, chắp tay cung kính: “Thưa các anh linh, hôm nay chúng tôi sẽ đưa các anh về rừng Sen. Trên đường đi các anh phù hộ cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ…”. Khấn xong, thật lạ, dòng Sê Băng Hiêng như hiền hòa hơn, những cây săng lẻ cành lá đung đưa như vẫy tay tiễn đưa hương hồn các liệt sĩ về đất mẹ Việt Nam anh hùng.
4 giờ chiều ngày 25/5/1973 chúng tôi để hài cốt liệt sĩ trong túi nilon đem xuống bờ sông kết thành từng khối to. Một nửa anh em đi trên bờ kéo khối nilon như kéo chiếc thuyền, những anh em còn lại đi sau đẩy hỗ trợ. Chúng tôi nhìn hoa phong lan phủ lên các khối nilon bập bềnh trên dòng sông thật đẹp và thơ mộng.
Anh Huy lúc đi trước kéo khối hoa phong lan, lúc đi sau đẩy giúp, có lúc anh chạy hẳn lên phía trên để dò đường. Anh bảo:
- Tôi làm vậy để nếu gặp bọn thám báo thì báo hiệu ngay cho các đồng chí. Bọn thám báo hay lảng vảng xuống bờ sông xem bộ đội ta có nghỉ lại ở đây không. Chúng rất chú ý những chiếc bếp dọc bờ sông mà phán đoán bộ đội ta hành quân, hay đi công tác lẻ để chúng báo về sở chỉ huy cho máy bay ném bom, hoặc bố trí phục kích bắt quân giải phóng…
Công việc tưởng chừng êm ả, ai ngờ khi chúng tôi về tới khe Vinh thì một dàn máy bay cán gáo của địch sà thấp xuống mặt sông. Chúng bắn nhiều loạt đạn xuống sông nhưng không trúng các túi nilon vì các túi ấy đã được anh em tôi ngụy trang bởi hoa phong lan. Nhìn từng khối hoa phong lan trôi đi như là bèo Tây chứ bọn chúng không thể nào nghĩ đấy lại là những hài cốt của các liệt sĩ. Còn chúng tôi thì cứ núp cạnh các túi nilon và hoa phong lan trôi lững lờ theo dòng nước.
Bọn máy bay U-ti-ti thì ma mãnh hơn. Chúng không bắn đạn xuống dòng sông mà bay thấp hơn để quạt cho các khối hoa phong lan trôi trên mặt nước vỡ ra xem đó là thứ gì. Nhưng thật may anh Huy đã yêu cầu buộc các túi nilon thật chặt với nhau nên chúng càng quạt mạnh thì các khối hoa phong lan trôi càng nhanh, chúng tôi đỡ phải đẩy. Khi chúng bay lên cao không quạt mạnh nữa, các túi nilon lại êm ả khẽ trôi từ từ… Cứ như vậy sau 30 phút, bọn “cán gáo”, U-ti-ti không “làm ăn” gì được liền chuồn thẳng.
Tôi phải kể thêm một chi tiết này nữa để các bạn thấy sự nguy hiểm của anh em bộ đội tham gia di chuyển nghĩa trang Hoa Phong Lan như thế nào. Khi bọn U-ti-ti bay thấp, rọi đèn pha xuống dòng sông, chỉ cần chúng tôi lộ người là chúng phát hiện bộ đội ta đang vận chuyển hàng hoá, hay vũ khí đạn dược, hoặc là lương thực. Những thứ đó nếu mất thì có cái khác thay thế, còn đây là hài cốt của các liệt sĩ… Vì vậy, anh Huy luôn miệng nhắc chúng tôi: “Hãy hụp xuống khi nào không thở được thì khẽ ngoi lên một lát rồi lại hụp ngay xuống…”. Gần 30 phút chịu đựng như vậy ai cũng mệt phờ, nhưng vì nhiệm vụ chúng tôi đều chấp hành mệnh lệnh nghiêm chỉnh.
Đúng 11 giờ đêm ngày 25/5/1973 anh em chúng tôi đưa được 42 hài cốt liệt sĩ và 350 cụm hoa phong lan về tới rừng Sen (Quảng Trị) bàn giao đầy đủ, an toàn.
Chuyện di dời nghĩa trang Hoa Phong Lan đã qua nhiều năm, nhưng đó mãi là một kỷ niệm đẹp của chúng tôi thời quân ngũ ở núi rừng Trường Sơn.
L.V.C