Ba dòng thơ đồng hành với thời gian
Ngày đăng: 18/05/2022; 195
NGUYỄN CẢNH TUẤN
 
        Tôi biết nhà thơ Bùi Xuân Dũng khoảng hơn mười năm nay, cũng là thời gian có dịp đọc bản thảo cả bốn tập thơ của ông trước khi gửi đến các nhà xuất bản. Đó là các tập: “Gió ngang thổi dọc” (Thơ trào phúng và tiểu phẩm hài, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2009), “Giữa hai mùa nhớ” (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), “Thuyền lá” (thơ viết cho thiếu nhi, Nxb. Hội Nhà văn, 2017) và “Hộp bút màu của đất” (thơ viết cho thiếu nhi, Hội VHNT Vĩnh Phúc, 2020).
 
 
        Chơi với Bùi Xuân Dũng đã lâu tôi biết ông là người rất đam mê sáng tác. Bùi Xuân Dũng thích viết báo và làm thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và đã có nhiều thơ, truyện được đăng trên báo Thiếu niên Tiền phong. Năm 1960, trong cuộc thi “Vận dụng nội dung phim để làm thành thơ ca, hò vè” do Ty Văn hóa và Công ty Chiếu bóng tỉnh Phú Thọ tổ chức, ông đã gửi dự thi bài thơ “Xem phim Lợn đóng dấu”. Bài thơ được trao giải Nhì (có hai giải Nhì, không có giải Nhất). Sau đó, được sự ủy quyền của Ban Tổ chức cuộc thi, Đội chiếu bóng lưu động số 20, trong một tối về xã Vĩnh Chân (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) quê ông chiếu phim, đã công bố kết quả cuộc thi và xướng tên ông, mời ông lên buồng máy để nhận phần thưởng. Tối chiếu phim hôm đó, có rất nhiều người dân ở các xã lân cận đi xem, nên “sự kiện” một cậu bé mới 13 tuổi mà đạt được giải thưởng thơ đã lan đi khắp vùng. Phần thưởng của Bùi Xuân Dũng hồi đó là mười chiếc bát con, bốn chiếc bát loa gốm sứ Giang Tây Trung Quốc, một giấy chứng nhận được vào xem phim tại tất cả các bãi chiếu phim ở huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), trong một năm không phải mua vé. Mẹ Bùi Xuân Dũng rất trân trọng phần thưởng của con. Bà đã giữ gìn cẩn thận những tặng phẩm đó cho đến lúc ông lập gia đình, bà đã trao lại cho con để giữ làm kỷ niệm. Đến nay, bà Nga (vợ ông Bùi Xuân Dũng) và các con vẫn lưu giữ kỷ vật này. Đã gần 60 năm, Bùi Xuân Dũng vẫn nhớ, đọc lại cho tôi nghe bài thơ trên, không thiếu một câu. Bài thơ phần cuối có đoạn: “... Nhiều người xem đến đây/ Liền vỗ đùi đánh đét/ Hồi trước thật láo toét/ Lại cứ bảo rằng ma/ Xem phim mới vỡ ra/ Là bệnh lợn đóng dấu/ Xem phim ta hiểu thấu/ Được cả cách đề phòng/ Dựa trên nền khoa học/ Giải quyết được một phần/ Khó khăn trong nuôi lợn/ Cuộc đời nay sung sướng/ Sản xuất phát triển cao/ Chăn nuôi cũng đi vào/ Một con đường sáng tỏ/ Xem phim này đã giúp ta/ Giải đáp thắc mắc chan hòa niềm tin/ Dân làng ghi nhớ như in/ Tấm lòng của đội chiếu phim về làng”.
       Nhân câu chuyện tôi nghĩ, Bùi Xuân Dũng đã có tố chất văn chương như vậy nhưng không hiểu vì sao ông lại “lảng tránh” thơ phú gần 20 năm. Mãi sau này, chơi với nhau, tôi mới được đọc các tập thơ và các bài thơ in trên các báo Văn nghệ Trung ương và địa phương của ông.
      Viết về mảng thơ trào phúng, năm 2009, Bùi Xuân Dũng cho ra mắt tập: “Gió ngang thổi dọc”, với nhiều đề tài, chắt lọc thông tin những sự kiện khá phổ biến trong xã hội. Nhưng trước đó, từ những năm đầu của thập kỷ 90, ông là cây bút thường xuyên của chuyên mục “Ống kính chụp nhanh” trên báo Quân đội Nhân dân. Cũng vì mật độ bài của Bùi Xuân Dũng xuất hiện nhiều ở chuyên mục này, tòa soạn đã gợi ý ông lấy thêm một bút danh nữa để tiện sử dụng bài. Ông đã lấy tên ba đứa con ghép lại, có bút danh Giang Hà Anh trong một số bài viết. Ngoài báo Quân đội Nhân dân, thơ trào phúng của Bùi Xuân Dũng còn được đăng trong mục “Chuyện lớn, chuyện nhỏ” trên báo Nhân dân và báo Tuổi trẻ Cười. Những năm gần đây, thơ trào phúng của ông còn xuất hiện trong chuyên mục “Góc trào phúng”  trên báo Văn nghệ với bút danh Tú Ba Chỉ. Tôi hỏi Bùi Xuân Dũng, nguyên cớ gì lại lấy bút danh này? Ông bảo: “Nói về thơ trào phúng, cho đến nay chưa ai qua được hai cụ Tú Xương và Tú Mỡ. Mình là lớp hậu duệ, thơ trào phúng chỉ xứng với dạng “nửa mỡ nửa nạc”  thôi nên tự nhận mình là Tú Ba Chỉ” cho phải đạo.
       Thơ trào phúng Bùi Xuân Dũng viết, đề tài được mở rộng trong các quan hệ đang gây bức xúc trong xã hội. Đơn cử ở các bài: “Mong nhà chức trách ra tay”, “Hành lang bệnh viện”, “Ô uế cửa thiền”,  “Ba màn hội nghị”, “Cán cân lòng người”, “Luyện thi kiểu gì”, “Tiếp thị lừa”, “Mấy hào”... Bài thơ “Ba màn hội nghị” ông viết:  “Màn một: Tuyên  bố lý do/ Giới thiệu đại biểu vòng vo vài lời.../ Hội trường chật kín chỗ ngồi/ Đại biểu khách mời không thiếu một ai/ Hội nghị bước sang màn hai/ Chủ tọa lên đọc một bài “đít-cua”/ Mở đầu toàn những “kính thưa”/ Tán dương tay vỗ như mưa rào rào/ Phần sau đánh giá phong trào/ So với năm trước mặt nào cũng tăng/ Dẫn vài số liệu nhì nhằng/ Người  nghe câu được câu chăng hững hờ/ Giải lao vào lúc 10 giờ/ Trưởng Ban Tổ chức chỉ chờ vậy thôi/ Phong bì đưa đến tận nơi/ Rỉ tai “Hội nghị thay mời cơm trưa/”. Bài “Một thực trạng”: “Màn ba: quan khách vắng thưa/ Từng dãy bàn ghế như thừa bỏ không/ Kết luận lấy lệ cho xong/ Tuyên bố “Hội nghị thành công mọi bề/ Khen ai khéo vẽ “hội hề”/ Để tiền công tựa lá đề rụng theo”. Bài “Ô uế cửa thiền”: “Nhưng kìa giữa chốn nghiêm uy?/ Sao họ ăn mặc cực kỳ khó coi/ Váy cao rốn hở, mông lòi/ Nói thời tuôn rặt những lời tục thô”. Nói về nạn buôn ma túy, bài “Mấy hào” viết: “Cũng chỉ vì tham lãi suất cao/ Tội chết liều thân cứ nhảy vào/ Bọn bay có kiếm tiền bạc tỷ/ Mạng sống thử xem đáng mấy hào?”. Bài “Trả nghĩa”, Bùi Xuân Dũng khai thác ý thâm thúy: “Nhớ thuở binh sinh lúc ốm đau/ Con cháu chăm nuôi nghĩ mà sầu/ Thuốc chẳng có mua toàn ngải cứu/ Cơm thường hai bữa, bát canh rau”...“Nhờ phúc tổ tiên chúng nó giàu/ Bày trò trả nghĩa, nghĩa gì đâu/ Chẳng biết nên cười hay nên khóc/ Chút tình con cháu hậu về sau!”.
      Tập thơ “Giữa hai mùa nhớ” có 40 bài, thể thơ truyền thống chiếm tỷ lệ cao. Bài “Màu tím hoa mua” được viết từ năm 1972: “Đường hành quân đi giữa ngàn xanh/ Anh biết thêm nhiều thứ hoa mới lạ/ Gặp sắc tím bên đường thấy quê mình gần quá/ Rạo rực trong lòng chân anh bước thêm vui”.
        Thơ Bùi Xuân Dũng nặng về nội tâm, không ồn ào, thể thơ lục bát, tứ tuyệt hiệu quả rõ nét. Bài “Cây bàng”: “Xanh hết mình trưa nắng hạ/ Làm ô che mát cho đời/ Khi không thể xanh được nữa/ Đỏ bừng theo gió lá rơi”. Bài thơ nặng tính nhân văn ở khổ kết: “Đông về thân cành trơ trụi/ Đơn côi bàng đứng bên đường/ Ai người qua rồi ngoảnh lại/ Chút tình xanh có còn vương”. Yếu tố thiên nhiên vận vào thơ ông, còn gặp trong các bài thơ rất ngắn, nhưng hàm súc về nội dung. Bài “Lối xưa”: “Chiều nay về lại lối xưa/ Bâng khuâng ngỡ dáng em vừa qua đây”, tuy không mới nhưng hai câu sau là tài hoa “Nghiêng trong vạt nắng cuối ngày/ Còn anh cùng với bóng cây tự tình”. Mạch thơ này ta còn gặp ở các bài khác. Mạch thơ tình yêu khá ấn tượng, dù có khi chỉ vài câu. Trong bài “Trưa ấy em về”:“Niềm vui ôm chật vòng tay/ Hình như đất dưới chân này đang nghiêng”. Ở bài “Thế là”: “Trải lòng chi nữa sông ơi/ Bao giờ sóng cũ mới thôi dạt dào”...
        Điểm mạnh của thơ Bùi Xuân Dũng là đề tài dẫn tới tìm tứ (hai yếu tố ấy có thể gặp nhau ở người làm thơ) và cách khai thác sáng tạo ở cách chọn ngôn ngữ, thể loại thơ và cấu trúc. Đơn cử bài “Đi ra quán chợ”: “Đi ra quán chợ để ngồi/ Đến nơi hết chỗ lại thôi quay về/ Ở đây lắm kẻ rỗi nghề/ Cũng hay mách lẻo ngồi lê như mình” … Bài thơ đa nghĩa, nhưng ở đây hẳn tác giả còn muốn nói đến chợ... đời! Vì thế cái hay của bài thơ là ở ý tứ chứ không chỉ ở ngôn từ.
       Thơ viết cho người lớn, Bùi Xuân Dũng vận vào thơ viết cho trẻ em khá thành công. Ngoại cảnh thơ của Bùi Xuân Dũng có ngay trong khuôn viên chật chội, có bể nuôi cá vàng, nuôi gà rừng, các loại cây cảnh bốn mùa đơm hoa. Thơ thiếu nhi của Bùi Xuân Dũng, yếu tố ngoại cảnh chỉ đủ độ để nâng cao chất trí tuệ và có tứ đến bất ngờ. Đơn cử bài “Cá vàng”: “Chẳng làm gì cả/ Suốt ngày chỉ bơi/ Mà sao giàu thế/ Vàng đeo đầy người/ Ăn thì rõ lắm/ Bụng cứ tròn vo/ Dùng miệng tập viết/ Được mỗi chữ O/ Vẻ ngoài đẹp đẽ/ Chỉ để ngắm thôi/...”.
      Bài “Thuyền lá”, tính nhân đạo sâu sắc, quên mình để cứu bạn: “Trên cành sung xõa/ Ngay bên cầu ao/ Có đàn kiến Vống/ Nô đùa lao xao/ Bỗng trời nổi gió/ Thổi qua ào ào/ Một chú kiến Vống/ Trượt chân ngã nhào/ Có một chiếc lá/ Nổi trên mặt ao/ Thấy bạn Vống ngã/ Bơi vào như lao/ Được thuyền lá cứu/ Vống không bị sao/ Chỉ chậm tí nữa/ Chắc chìm xuống ao/ Bạn Vống thoát chết/ Ai cũng thở phào/ Cảm ơn thuyền lá/ Cả đàn nhao nhao”.
       Bài thơ “Này bạn gió”, hình ảnh ngọn gió được nhân cách hóa đến thú vị:“Này bạn Gió/ Đi đâu đó/ Mà rung cây/ Hãy vào đây/ Chơi cùng bé/ Nào lắc nhẹ/ Cho chuông kêu/ Nào thổi đều/ Quay chong chóng/ Nào đưa võng/ Cho bé ngơi/ Quạt nhẹ thôi/ Cho bé mát/ Nào cùng hát/ Cho bé nghe/ Có chú ve/ Cùng hòa nhạc/ Hương ngào ngạt/ Hoa vườn nhà/ Hãy đem qua/ Thơm má bé… /Đừng quên nhé /Bạn Gió ơi /Hãy đến chơi/ Cùng bé nhé!”.
      “Hộp bút màu của đất” là tên tập thơ Bùi Xuân Dũng mới xuất bản cũng là bài thơ có tứ hay, sự liên tưởng thông minh: “Cùng mọc lên từ đất/ Mỗi hoa một sắc màu/ Vàng, trắng, hồng, tím, đỏ.../ Chẳng hoa nào giống nhau/ Ồ, sao lạ thế nhỉ/ Mầu hoa lấy từ đâu/ Mới hay là bạn Đất/ Có một hộp bút màu/ Bạn Đất vốn ngăn nắp/ Chẳng để bừa bộn đâu/ Luôn cất hộp bút vẽ/ Mãi trong lòng đất sâu/ Cứ mỗi mùa xuân đến/ Đất lấy hộp bút ra/ Để bạn Cây đến mượn/ Về tô màu cho hoa”.
      Một bài thơ liên tưởng hòa đồng với trẻ thơ ngay người lớn đọc cũng vui vui. Bài “Chuồn chuồn ớt”: “Đỏ như quả ớt/ Mà lại biết bay/ Cả chiều đầy gió/ Như là cũng cay/ Đậu hờ mép lá/ Bên giậu mồng tơi/ Chắc là cánh ướt/ Nên chuồn đem phơi/ Bé chân rón rén/ Tay định nhúp đuôi/ Nhưng mà sợ bỏng/ Thế là lại thôi/ Giật mình hoảng hốt/ Chuồn vút lên trời/ Nhìn theo chấm đỏ/ Bé nheo mắt cười”.
     Mảng thơ viết về gia đình, Bùi Xuân Dũng cố tìm nét mới trong sự quen thuộc về tình cảm. Bài “Lì xì cho ông”: “Sáng nay mồng Một Tết/ Bé là người thật may/ Được cả nhà mừng tuổi/ Bao lì xì đầy tay/ Bất ngờ mẹ hỏi bé/ “Con mừng ông gì đây”/ Bé ngỡ ngàng lúng túng/ Cứ giữa nhà đứng ngây/ Ông thích cái gì đây?/ Ôi sao mà khó thế/ À, bé nhớ  ra rồi/ Ông thích hôn má bé? Thế rồi bé lanh lẹ/ Chạy sà vào lòng ông/ Nghiêng đôi má ửng hồng/ “Cháu lì xì ông đấy”.
       Bài “Chị em”: “Mẹ sinh em bé/ Book thành chị rồi/ Bây giờ quà bánh/ Mẹ đều chia đôi/ Bé chưa ăn được/ Mẹ chỉ đấm môi/ Em thơm một tí/ Lại nhường chị thôi/ Giờ em còn bé/ Đang phải nằm nôi/ Bao giờ em lớn/ Chị nhường gấp đôi”.
      Bài thơ “Bà và cháu”, đối đáp giữa bà và cháu trong hương thơm miếng trầu hòa quyện, trong lời thỏ thẻ của cháu:”Bà ngồi bỏm bẻm nhai trầu/ Bên hè gió thoảng hương cau vườn nhà/ Như từ cổ tích bước ra/ Cháu choàng ôm cổ ngắm bà rõ lâu.../ Ngỡ ngàng đôi mắt bồ câu: “Bà ơi , răng của bà đâu hở bà?”/ Tay run mở cối trầu ra?/ Bà cười mỏm mẻm: Răng bà ở đây!”
      Có lần tôi hỏi Bùi Xuân Dũng làm thơ được giải thưởng khi mới 13 tuổi vậy lý do gì mà mà ông lại ngừng sáng tác, mãi sau này mới in tập thơ đầu tiên. Giá như ông “say” thơ liên tục, thì sớm khẳng định mình trong thi ca.
       Bùi Xuân Dũng cho biết do hoàn cảnh công việc là bác sỹ quân y suốt ngày tiếp xúc với bệnh nhân từ chiến trường về điều trị. Hoàn cảnh xa nhà, vợ phải nuôi ba con nhỏ. Cơm áo gạo tiền là thiết thực với cuộc sống thường nhật, đó cũng là lý do vì sao ông sao nhãng nàng thơ. Hơn mười năm nay, công việc và cuộc sống ổn định, Bùi Xuân Dũng mới “tái hồi” lại với nàng thơ khó tính.
       Ba dòng thơ: thơ trào phúng, thơ viết cho người lớn, thơ viết cho thiếu nhi, đã khẳng định độ “chín” trong khai thác đề tài, cấu tứ, ngôn ngữ của Bùi Xuân Dũng. Tôi tin bút lực của Bùi Xuân Dũng còn sung sức, nhưng đã đến lúc chọn ngả nào mà bản thân còn thấy giàu nội lực và bạn đọc quen thuộc đọc thơ ông, cảm nhận được điều mới. Hẳn là Bùi Xuân Dũng biết rõ điều đó.
 
                                                                       N.C.T
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc