Người nay, nghĩa cũ...
Ngày đăng: 20/07/2024; 110
Truyện ngắn
HOÀNG CÚC
 
     Ông Ba ngồi tư lự bên ấm trà mới pha. Những lời cậu con trai cả nói cứ oang oang trong đầu khiến ông cảm thấy thật khó xử. Cái thằng đúng là nóng nảy, chuyện đâu còn có đó, đằng này, nó tuyên bố cho bà Tí nghỉ việc trước bao công nhân. Mà đâu có xa lạ, bà Tí là vợ ông Sậu. Ông Sậu là bạn một thời vào sinh ra tử với ông ở chiến trường, lại là người làng người xóm. Tính người già thường hay nghĩ nhiều. Rõ khổ.
- Nhẽ ra con nên bàn với bố chuyện cho bà Tí nghỉ việc trước khi quyết định thì hơn. - Ông Ba hỏi cậu con cả.
- Chuyện ấy sao bố cứ bận tâm thế. Giờ đang là cao điểm, để chậm tiến độ, hỏng hàng, con biết lấy gì đền cho đối tác. Thương trường bố còn lạ gì nữa.
- Nhưng đấy là bà Tí con ạ.
- Bà Tí hay bà Sửu thì cũng thế thôi bố.
- Thế này đi, xem mẻ cau cháy hết bao tiền, tháng này trừ vào lương của bà ấy là được chứ gì?
- Vấn đề không phải là bao tiền, mà đó là kỷ luật trong lao động bố à. Được rồi, muốn sắp xếp thế nào thì tùy bố, giờ con phải ra ngân hàng xem hồ sơ tới đâu rồi. Tiền chậm về là nhỡ hết kế hoạch thu mua.
 
***
 
     Chuyện là vừa rồi bà Tí sấy hỏng mấy yến cau. Hôm đó gặp đúng buổi cậu con trai cả của ông Ba trực tiếp xuống kiểm hàng, gom cau khô cho kịp đơn đi trong ngày. Thế là ra nông nỗi. Trước giờ bà Tí vẫn làm việc chỉn chu, thậm chí hết giờ mà chưa xong việc bà vẫn cố. Trước lúc ra về, bà thường đi một vòng khắp xưởng, thu gom thúng, mủng, giần, sàng hay những thứ án ngữ lối đi, dụng cụ lao động mà người về trước chưa kịp để vào đúng chỗ.
     Từ ngày gia đình mở xưởng sấy cau, ông Ba bảo ông Sậu cho bà Tí sang nhận việc đỡ phải chạy chợ sớm khuya, cuốc cày ruộng đồng vất vả, lại có thêm một khoản thu nhập đủ để lo thuốc thang cho ông Sậu. Thế nên lần nào gặp nhau, ông Sậu cũng bày tỏ sự biết ơn, còn ông Ba thì cứ cười xòa:
- Trước ở chiến trường ông bị bom tiện mất một chân, tôi cõng ông vượt núi, băng rừng vài cây số về tới đơn vị còn được, giờ việc cỏn con này có gì mà ơn với huệ.
      Thế là ký ức những ngày trên tuyến lửa Quảng Trị lại ùa về. Hai người bạn đồng ngũ say sưa kể chuyện cũ. Thỉnh thoảng ông Sậu khoái chí lại giơ tay vỗ đánh đét một cái vào bên chân đã cụt tới quá đùi của mình.
- Công nhận trận bom lần đó kinh thật. Mình còn giữ được cái mạng này là may mắn lắm rồi, chứ đơn vị hy sinh nhiều quá.
- Không có ông thì tôi đã bỏ cả cái mạng này tại đấy luôn rồi ấy chứ.
Rồi hai ông cùng cười vang, làm giật mình cả con mèo mướp đang nằm sưởi nắng ngoài hiên.
- Ông Sậu này, chuyện của thằng cả nhà tôi có gì ông thông cảm cho cháu. Nó trẻ người non dạ, ông đừng để bụng.
- Ấy chết, ông nói thế làm tôi thêm khó nghĩ. Lỗi là ở bà nhà tôi. Ông cũng không nên trách cậu cả. Nói vui chứ ông còn có đứa này đứa nọ để dò tâm, đoán ý chúng, còn như vợ chồng tôi, cả đời chả được nghe lấy một tiếng gọi bố mẹ làm vui.
- Thời chúng mình khổ quá mà ông. Di chứng chiến tranh tàn ác thật... À, tôi giải quyết êm đẹp chuyện của bà Tí rồi, mai ông bảo bà ấy đi làm như bình thường nhé. Chuyện qua rồi, không nên nhắc lại.
- Thế mấy yến cau sấy hỏng kia thiệt hại có nhiều không ông?
- Đáng gì. Vẫn xuất bán, phân ra hàng loại B, loại C. Thế ông không nhớ ông bà ta có câu “Thằng mua vẫn thua thằng bán” à...
Nói rồi ông Ba cười khoái chí làm rung cả chiếc chõng tre. Chén nước trà đặc cứ chao lên sóng sánh...
 
***
 
      Từ hôm mẻ cau bị sấy hỏng, ông Ba nghĩ nhiều hơn. Không phải ông nghĩ về chuyện của bà Tí mà là nghĩ dài hơi cho cái xưởng sấy cau của gia đình mình. Khởi nghiệp từ nghề thu mua cau ở thôn, ở làng rồi giờ “quét” khắp thị trường Nam - Bắc; sấy khép kín để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi ngày, sản lượng sấy hàng tấn cau mà cứ đốt bằng củi thủ công như thế này thì làm sao đảm bảo đồng đều chất lượng được. Chưa kể mùa hè, nhiệt độ ngoài trời trung bình 35 - 400C, cộng thêm cả nhiệt độ lò, nhân công nào chịu nổi.
     Ông trăn trở về việc đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào quy trình sấy cau khô để vừa đảm bảo năng suất, tiết kiệm nhân công, lại vừa an toàn sức khỏe cho người lao động. Nhân công vài chục người nhưng nhìn đi nhìn lại cũng toàn người làng người xóm. Thôi thì giúp nhau trong cái thời buổi người khôn của khó là cũng quý rồi. Ông Ba lúc nào cũng tâm niệm, mình kiếm được bát cơm đầy lại chia cùng người khác để họ có bát cơm lưng. Cũng chính bởi cái tình ấy nên không riêng người làm công mà làng trên xóm dưới ai cũng nể phục nghị lực và tinh thần dám nghĩ dám làm của vợ chồng ông.
      Mô hình kinh tế sấy cau khô xuất khẩu thu tiền tỉ mỗi năm, từng đi báo cáo điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương ở thôn Ven của gia đình ông Ba lan truyền tiếng tăm sang nhiều địa phương khác. Thỉnh thoảng lại có khách đường xa đến tham quan, học hỏi. Biết gì, chỉ đó, ông Ba vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm, nồng nhiệt đón tiếp. Hội Nông dân xã mỗi dịp báo cáo điển hình với cấp trên lại được một phen nở mày nở mặt, bởi, không chỉ làm giàu cho mình, giúp đỡ cho nhiều người, gia đình ông Ba còn đóng góp không nhỏ cho chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Minh chứng là con đường thẳng tắp, rộng rãi mà ngày ngày các cháu học sinh đạp xe tới trường phía trước cổng nhà là nhờ hàng chục mét vuông đất bìa đỏ của gia đình ông hiến tặng. Ông còn chủ công trồng nhiều cây xanh dọc theo tuyến đường. Giờ, hàng bằng lăng, phượng vĩ đã cao vút, cành lá sum suê, hè về hoa nở đỏ rực, tím lịm thật thơ mộng.
 
***
                                  
- Hôm nay chuyển trời hay sao mà gọi tôi tới nhà sớm thế hả ông Sậu?
- Ừ thì cũng có tí việc.
- Tôi nghe như kiểu nghiêm trọng lắm đây. Mà này, sáng nay tôi vừa “lướt” mạng mới hay cái vụ ông giúp đưa người đi cấp cứu, còn trả lại cho nạn nhân cả một bọc tiền. Thế mà tôi chẳng biết gì sất!
- Mạng mẽo giờ phức tạp nhỉ!
- Ấy nó có nhiều cái hay lắm đấy. Ông cũng tập làm quen đi. Tôi sáng nào cũng truy cập xem có tin tức gì “nóng” không rồi vào trang thương mại điện tử xem các chính sách xuất nhập khẩu, mặt hàng mới... Thời gian đầu hơi ngượng tay rồi dần cũng quen. Làm kinh tế mà không theo dõi thị trường là “chết” ông ạ.
- Đúng là nông dân thời “bốn chấm không” có khác. Hồi xưa bồng súng cùng nhau, ai nghĩ sau này ông “chơi” cả mạng mẽo...
- Thôi, cứ ngồi khen nhau thì có hết ngày. Thế cái vụ kia là thế nào mà giờ trên mạng xã hội đang có rất nhiều lượt chia sẻ, bình luận...
- Có gì mà rộn ràng thế nhỉ. Chẳng là hôm ấy từ ngân hàng về nhà, đi được một đoạn tôi gặp chị kia đang đi bộ thì ngã oạch, bất tỉnh. Tôi hô mọi người trợ giúp. Trong lúc cầm hộ túi đồ của chị ta, tôi thấy cả bọc tiền. Sau chị ta kể tôi mới hay là mang tiền đi trả ngân hàng, giữa đường tự dưng hoa mắt, chóng mặt vì tiết trời nắng quá, trong người vốn bị tiền đình nên ngất xỉu. Cũng may không xảy ra va chạm giao thông.
- May chứ nếu gặp kẻ gian thì số tiền kia đi tong đấy ông ạ! Ơ, nhưng mà ông lên ngân hàng làm gì thế?
- Thì tôi lên vay ít vốn về làm chuồng trại, định nuôi thêm đàn lợn, đàn gà. Nhưng giờ tính lại chưa thể làm ngay được, nên tôi gọi ông sang để nhờ ông dùng tạm hộ tôi số vốn này kẻo để đấy nó lãng phí ra. Tiền phải đẻ ra tiền mới thích.
- Ô, cái ông này buồn cười nhỉ. Tiền của ông thì liên quan gì đến tôi mà nhờ tôi tiêu hộ. Tôi không nhận đâu.
- Tôi nghe bà Tí kể rồi. Dịch giã tắc biên, hàng chưa xuất được, lương trả nhân công cũng không thể nợ tiếp, thôi, chỗ này tuy không nhiều nhưng cũng giúp ông giải quyết được vài việc. Đằng nào tôi cũng chưa dùng đến, coi như ông giữ hộ tôi cho nó an toàn chứ tôi ôm cục bạc trong nhà khéo lại mất ăn mất ngủ, bệnh càng nặng thêm...
      Dứt lời, cũng chẳng chờ ông Ba cất tiếng, ông Sậu lần trong cái bọc cạnh thắt lưng lấy ra chiếc chìa khóa tủ, rồi chống nạng, tập tễnh đi vào nhà.
      Ông Ba chỉ biết nhìn theo, nén tiếng thở dài... Ông còn lạ gì tính ông Sậu nữa. Lợn gà vườn nhà đang đông đàn, dài lũ, sức đâu mà ông ý mở rộng thêm chuồng trại. Dăm bữa, nửa tháng lại lên viện, đến bà Tí còn phải thi thoảng xin nghỉ việc để chăm ông. Thế mà ông cũng viện được ra cái lý do rất thuyết phục ấy. Thôi thì ông ấy đã có lòng mình cũng không nên phụ. Cầm tạm số tiền ấy để thu xếp vài việc, mấy tháng sau, ông sẽ bảo thằng con cả đích thân đưa ông Sậu lên tận ngân hàng hoàn trả đủ cả gốc lẫn lãi để rút cái bìa đỏ nhà ông ấy về.
 
***
                 
     Ông Ba cầm giấy mời trên tay, mở ra xem, in đẹp và trang trọng quá. Cũng phải, giấy mời dự hội nghị điển hình tiên tiến về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của huyện uỷ tổ chức mà. Nghe cô Hồng - trưởng thôn thông báo, toàn xã bình xét 5 đại biểu đi dự thì thôn Ven vinh hạnh có hai là ông và ông Sậu. Ông hay tin mà niềm vui cứ rộn rã trong lòng. Vội lấy trong tủ bộ đồng phục của người cựu chiến binh Việt Nam là cho thẳng thớm để chuẩn bị cho ngày đi hội, trong tâm khảm ông Ba lại hiện về hình ảnh hai cậu thanh niên Sậu - Ba hồi hộp chuẩn bị lên đọc lời tuyên thệ trong buổi lễ kết nạp Đảng ngay tại chiến trường năm xưa. Chỉ vài ngày nữa thôi, ông và người đồng đội của mình lại một lần nữa được đứng chung sân khấu trong một hội nghị trang trọng và ý nghĩa; cùng chụp với nhau tấm ảnh làm kỷ niệm. Chỉ khác tấm ảnh khi xưa là giờ hai người bạn già chỉ còn 3 chân và thêm chiếc nạng gỗ chứ không phải đủ 4 chân như hồi chuẩn bị lên đường nhập ngũ.
    Nghĩ tới giây phút ấy, ông Ba mở quyển lịch lật nhanh từng trang nhẩm đếm, chờ đợi từng ngày...
H.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc