Lễ hội rước nước đền Ngự Dội, Vĩnh Ninh
Ngày đăng: 05/05/2022; 509
KIM CÚC
 
Đền Ngự Dội còn gọi là đền Dội nằm bên tả ngạn sông Hồng thuộc làng Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội rước nước đền Ngự Dội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm với nghi lễ rước nước từ sông Hồng và rước kiệu sang đền Và (xã Đông Hưng, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Lễ hội nhằm tưởng nhớ đức thánh Tản Viên, người anh hùng có công khai điền trị thủy từ thuở Vua Hùng dựng nước.
 
Tương truyền vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm, khi tiết trời vừa sang xuân, cây cối nảy lộc đâm chồi, hoa đua sắc, mọi người đang được hưởng những dư vị nồng nàn của mùa xuân. Nhân một lần đi đánh giặc về đến vùng ven sông Hồng, do trời quá nóng, Sơn Tinh dừng chân để nghỉ ngơi. Vừa lúc đó, xuất hiện một cô gái gánh đôi quang sọt đi tới. Ngài liền ngỏ lời nhờ cô gái gánh nước dưới dòng sông lên để tắm gội. Cô gái ôn tồn trả lời: “Gánh nước cho Tướng quân tôi đâu có ngại, nhưng sọt này làm sao mà đựng được nước”. Sơn Tinh liền bảo: “Cô cứ dùng sọt mà gánh”. Cô gái làm theo. Lạ thay, đôi sọt lại đựng được đầy nước. Ngày hôm sau, cô gái ra chỗ ngài tắm và hoá ở đấy. Nơi cô gái hóa, mối đùn thành mộ đất lớn, dân làng ứng mộng rồi rước về mai táng và lập miếu thờ lấy tên là đền Ngự Dội. Từ ấy, cứ vào ngày 14 đến ngày 17 tháng Giêng hằng năm, dân làng tổ chức lễ hội và lấy ngày 15 tháng Giêng là ngày chính tiệc. Đặc biệt, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, được gọi là năm đại lễ, 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; Phù Sa, Phú Nhi thuộc xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và làng Duy Bình thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn: rước kiệu Thánh từ đền Và thuộc xã Trung Hưng sang đền Ngự Dội.
 
Ngày 14 tháng Giêng, từ 6 giờ sáng, đoàn rước làm “lễ cáo” dâng hương tại đền, sau đó tiến hành chồng kiệu tại sân đền Và, chuẩn bị nghi lễ rước nước vào buổi chiều. Đến giờ Mùi (từ 13 đến 15 giờ), đoàn rước xuất phát từ đền Ngự Dội tiến ra sông Hồng lấy nước về làm “lễ mộc dục”. Đoàn rước xếp thành một dãy dài với 8 kiệu. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, tiếp đến là đội cờ, người thổi tù và, trống chiêng và đội bát âm, bát bửu. Sau kiệu là các đoàn tế quan viên, tế nữ quan cùng Nhân dân về dự lễ hội.
 
Đến bờ sông, đoàn rước dừng lại. Một vị trong đoàn được phân công trải hai chiếc chiếu xuống làm chỗ đặt hai kiệu để làm lễ “độ hà” (cáo lễ với thần sông cho buổi rước qua sông ngày hôm sau được thuận buồm xuôi gió). Cáo lễ xong, đoàn rước lên thuyền. Đoàn thuyền đi ra giữa sông, đến chỗ có dòng nước đổi thì chuẩn bị việc lấy nước. Cụ mệnh bái thắp hương, sau đó, đoàn thuyền đi ngược chiều kim đồng hồ 3 vòng rồi mới dừng lại ở giữa dòng để lấy nước. Việc lấy nước nhất thiết phải theo cờ lệnh, khi cờ lệnh đang rủ xuống bất thần tung bay phần phật thì quan viên lấy một vòng tròn bằng dây song, đường kính 80cm, được cuốn vải điều đỏ đặt xuống mặt nước. Ông chủ tế lấy gáo bằng gỗ, có chuôi dài 1m, sơn đỏ thẫm, thận trọng múc từng gáo nước đổ vào trong choé cho đến khi đầy thì đậy nắp lại. Sau đó, bốn thiếu nữ khiêng choé đặt lên kiệu và đoàn thuyền lại từ từ tiến vào bờ, rồi rước nước về đền. Đến 17 giờ cùng ngày thì tiến hành nghi lễ tế cáo tại đền để chuẩn bị ngày hôm sau tổ chức lễ hội.
 
Ngày hôm sau, lễ rước ngai Thánh đi từ mờ sáng, từ đền Và rước qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây, ra bến sông để xuống thuyền qua sông Hồng sang địa phận xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường. Khi thuyền rước kiệu Thánh cập bờ, lá cờ ở đầu kiệu phất về phía Bắc sông Hồng, lúc đó cả khúc sông vang lên tiếng reo hò hân hoan, người dự hội ùa ra đón kiệu Thánh với tất cả lòng tôn kính. Khi đoàn rước về đến đền Ngự Dội, cũng là lúc diễn ra lễ khai hội cùng lễ tiến đón và lễ tế. Nhân dân hai bên bờ sông Hồng hòa mình vào trong không khí linh thiêng của lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian như cờ tướng, chọi gà, đánh đu... Khi lá cờ ở cổng đền phất về phía sông Hồng, đoàn người lại cùng nhau rước kiệu Thánh trở về bên đền Và ở bên kia sông Hồng. Nghi lễ rước kiệu qua sông Hồng gắn với truyền thuyết Đức Thánh Tản ngự tại làng Ngự Dội, tắm gội ở bãi sông Hồng rồi quay trở lại Đông Cung.
 
Các lễ vật dâng Thánh và các món ăn dân dã của Nhân dân vùng Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường và thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây gắn liền với các vật phẩm thiêng sông nước. Việc sử dụng các món cá làm lễ vật dâng thánh cũng là đặc trưng tiêu biểu của lễ hội này.
 
Món cá luộc: Cá để vảy, mổ moi, bỏ ruột ra cho gừng vào bụng cá luộc chín.
 
Món cá nướng: Cá để vảy, mổ moi, bỏ ruột, cùng cho lá gừng vào bụng cá rồi đem nướng. Chọn chỗ đất sạch, đặt lá nghệ xuống dưới, cá lên trên, lại úp lên cá một tàu lá nghệ, sau đó lấy chảo đất hoặc nồi đất úp lên, cời than đỏ hồng phủ kín đợi đến khi nào than lụi thì mở chảo lấy cá ra. Bấy giờ con cá được nướng bằng hơi than nên vàng xộm nhờ màu tiết ra từ lá nghệ trông đã đẹp mà ăn thì rất ngon.
 
Món gỏi cá: Cá đánh sạch vảy, lọc lấy phần nạc cá, thái miếng trộn với hoa chuối thái mỏng, trộn với gừng giã và nước chanh.
 
Món nham: Tất cả ruột cá moi ra cho mật và gừng vào đem đun sôi làm nước chấm ăn với cá luộc, cá nướng và cá gỏi.
 
Chế biến cá thành các món xong thì bày thành 10 tựa (10 mâm), mỗi tựa gồm các món luộc, gỏi, nướng và đĩa nham chấm. Một mâm đem xuống cúng trù táo (ông thần bếp giữ lửa để dân có lửa nấu nướng), 9 mâm chia làm 3 lễ dâng lên trước 3 ngai Tam vị. Bày biện xong, các cụ cử hành lễ tế, dân làng và du khách thành kính trước uy linh Đức Thánh Tản. Sau lễ tế, mọi người đều được thụ lộc món đặc sản cá với tinh thần tôn kính, ngưỡng mộ, cảm phục, biết ơn Tam vị Đức Thánh.
 
Theo lời kể của các cụ cao tuổi ở vùng này, khi tế chỉ chọn 3 loại cá: Cá chép, cá mè và cá trôi. Ngày nay không có điều kiện tổ chức hội như trước thì lễ vật được làm tượng trưng gồm 3 lễ, mỗi lễ 3 tựa, mỗi tựa 3 con cá gồm ba loại như trên. Lý do tại sao chỉ chọn 3 loại cá này thì không ai nhớ, mọi người chỉ biết rằng, 3 loại cá này sống ở 3 tầng nước khác nhau: Cá mè ăn nổi, cá chép ăn ở tầng nước trong, cá trôi và cá trắm ăn ở tầng nước dưới. Vì vậy chúng tôi tạm đặt ra một giả thiết: Ba loài cá đó ăn ở ba tầng nước khác nhau như đại diện cho toàn bộ các thế lực dưới nước. Trong trường hợp dâng lễ để tế Tản Viên Sơn Thánh có thể coi như đó là hiện tượng quy thuận của các loại thuỷ quái đối với đức Thánh (Truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh). Ý kiến này đã được mọi người dân địa phương rất đồng tình, phù hợp với lịch sử thời đại Hùng Vương đã được kết tinh qua truyền thuyết Sơn Tinh - Thuỷ Tinh truyền lại muôn đời.
Lễ hội đền Ngự Dội là một lễ hội lớn và đặc sắc, qua đó, người dân mong muốn gửi gắm những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
K.C
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc