Từ và nghĩa của từ phải đi đôi với nhau
Ngày đăng: 20/07/2024; 223
NGUYỄN QUÝ ĐÔN
 
     Trong giao tiếp và trình bày văn bản, người ta có nhu cầu tìm ra những TỪ cần thiết, đúng ý muốn để diễn đạt tư tưởng, tình cảm, sự việc, cảnh huống của lòng mình thật chính xác và nhanh chóng.
     Việc tìm từ mau lẹ và hợp lý trở thành thước đo trình độ, tư duy, kỹ năng, kỹ xảo trong sử dụng tiếng Việt.
     NGƯỜI ĐỐ TỪ dùng đủ mọi cách thức, tách từng âm tiết, gợi mở từ đồng âm, đồng nghĩa hoặc phản nghĩa, dùng các thành ngữ bỏ lửng, các câu thơ để trống một hoặc hai âm tiết, lối nói đảo ngược, nói lóng... kể cả tiếng nước ngoài... cốt sao cho người TÌM TỪ nhận ra gợi ý của mình, bắt đúng từng âm tiết mà phát hiện ra TỪ CẦN TÌM.
     Ở bài viết này sẽ đề cập đến danh ngữ NGƯỜI ĐỐ TỪ và danh ngữ NGƯỜI TÌM TỪ để bạn đọc hiểu rằng: Đây là một cách thử tài trí của cả hai bên. NGƯỜI ĐỐ TỪ phải nắm chắc nội dung, âm tiết của một từ, thường là từ song âm tiết và đưa ra gợi ý hợp lý, dễ hiểu, dễ truy cập cho NGƯỜI TÌM TỪ có điều kiện phát hiện thuận lợi, đáp ứng được thời gian gấp gáp, hoàn cảnh căng thẳng, cùng nhiều đối thủ đáng gờm, bắt đúng được tứ của người đó một cách chính xác với tốc độ cao nhất.
     Thí dụ 1: NGƯỜI ĐỐ TỪ dùng từ đồng âm, từ trái nghĩa (phản nghĩa):
- Chất không lành tính, người nhiễm phải sẽ hôn mê hoặc tử vong? Câu trả lời là độc.
- Thứ hàng hoá làm giống như thật, không phải của thật? Câu trả lời là giả.
Từ phải tìm là độc giả.
Thí dụ 2: NGƯỜI ĐỐ TỪ dùng từ đồng âm:
- Thứ kim loại màu vàng hoặc đỏ, dùng làm nồi, mâm, chậu khi xưa? Câu trả lời là đồng.
- Dụng cụ thợ mộc để làm trơn, nhẵn, phẳng mặt gỗ? Câu trả lời là bào.
Từ phải tìm là đồng bào.
Thí dụ 3: NGƯỜI ĐỐ TỪ dùng thành ngữ bỏ lửng:
- Ăn... (chấm chấm) mó niêu? Câu trả lời .
- Nơi để đun nấu, chế biến thức ăn? Câu trả lời là bếp.
Từ phải tìm là xó bếp.
- Thí dụ 4: NGƯỜI ĐỐ TỪ dùng cách so sánh, tường thuật và từ nước ngoài:
Một loài cá sống dưới ao chuôm, da trơn màu đen, mõm bẹt, ngạch rất sắc, nặng dưới 1 kg? Câu trả lời là trê.
Phát âm nhẹ, tỏ ý không khen ngợi? Câu trả lời là chê.
Dùng tiếng Anh để chào tạm biệt? Câu trả lời là bye bye.
Từ phải tìm là chê bai.
- Thí dụ 5: NGƯỜI ĐỐ TỪ đọc câu thơ của Nguyễn Khuyến, bỏ bớt chữ đầu tiên:
“... Thu lạnh lẽo nước trong veo”? Câu trả lời là ao.
Điều mong muốn sao mau thực hiện được một cách kỳ diệu. Hoặc tìm ra từ bỏ trống ở câu ca dao:
“... gì anh lấy được nàng,
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”
Câu trả lời là ước.
Từ phải tìm là ao ước.
     Qua 5 thí dụ trên, ta thấy NGƯỜI ĐỐ TỪ rất linh hoạt, có vốn thơ văn rất phong phú, có kinh nghiệm thực tế hết sức dồi dào, am hiểu ngôn từ rất tinh thực. Người tìm chữ, tìm từ có nhận thức và cảm quan vô cùng nhạy bén, gặp đúng “tần số” là ứng nghiệm được luôn, tự tin, quyết đoán.
Song, theo thiển ý, những cách trả lời như vậy chỉ thể hiện sự “tinh ranh, khôn vặt, mánh khóe”, chứ không bộc lộ trình độ ngôn ngữ thấu đáo, nhận thức đầy đủ nội dung văn học, nghệ thuật. Mục đích chính của họ là nhanh chóng phát hiện ra từ cần tìm, bất chấp dùng tới thủ đoạn nào, không quan tâm đến ý nghĩa đích thực, chuẩn xác của từ. Tất cả tập trung vào hình thức, cái vỏ của ngôn ngữ, thiếu suy ngẫm về giá trị từ pháp.
Mỗi thí dụ, ta có thể trả lời một cách “hàn lâm” hơn, mang sắc thái “học thức” hơn, tránh dễ dãi, thiếu nâng cao tầm trí tuệ.
Ở thí dụ 1, ta có thể gợi ý như:
- Từ gốc Nho, có 2 âm tiết, để trỏ người đọc sách, đọc báo chí?
NGƯỜI TÌM TỪ được những thông tin đúng với nội hàm của từ phải tìm, sẽ phát hiện ra hai tiếng độc giả.
     Nội dung của từ sẽ không bị nhiễu, không bị làm sai ý nghĩa. Người tìm được mở rộng thêm vốn từ, tăng thêm hiểu biết và học hỏi được hơn nữa về cách dùng từ.
     Ở thí dụ 2 cũng như vậy. Đồng bào là một từ tổ cố định, gốc Nho 2 âm tiết. Ta không cần tách rời từng âm tiết để gợi ý. Một loạt hệ thống từ gốc Nho như: Đồng học, đồng khoa, đồng hương, đồng niên, đồng chí, đồng chủng, đồng tâm, đồng tộc... sẽ cho ra rõ nghĩa từ kép đồng bào, khi chuyển sang tiếng Việt: cùng học, cùng khoa, cùng quê, cùng tuổi, cùng ý chí, cùng nòi giống, cùng lòng, cùng họ hàng. Vậy đồng bào là cùng một bọc, cùng một nơi chôn rau cắt rốn...
     Sang thí dụ thứ 3, ta không cần dài dòng như thế. Cung cấp thêm vốn thành ngữ là quý, nhưng lại hóa cầu kỳ, thừa thãi, phức tạp như vậy. Ta chỉ cần gói gọn lại:
- Một góc tối tăm là xó bếp với ngụ ý khinh thường.
Với thí dụ thứ 4, cách gợi ý khó mà chấp nhận được, việc gì phải quá lôi thôi như thế?
     Vừa phải chuyển danh từ sang động từ rồi lại chuyển Tr thành Ch, chuyển tiếng Anh sang tiếng Việt? qua nhiều khâu phiền phức? chi bằng chỉ cần gợi ý:
- Không khen ngợi tí nào, lại còn ỷ eo nữa! Người nhanh chí, sẽ biết ngày là chê bai, từ song âm tiết thuần Việt.
     Đến thí dụ thứ 5, ta có từ gốc Nho là ước có nghĩa là mong muốn, hẹn ước gắn với tiếng đệm là ao. Ta có thể nói ước ao hoặc đảo lại là ao ước, nghĩa vẫn không thay đổi. Ao trong từ tổ này là hư từ, không có nghĩa như ao hồ, ao chuôm được. Chữ ước, dùng câu ca dao: “Ước gì anh lấy được nàng” là đúng cách. Nhưng chữ ao dẫn câu thơ Nguyễn Khuyến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” là tùy tiện, làm tiếng Việt mất đi sự trong sáng, chính xác, ý nghĩa lột tả sự mênh mang, bập bềnh của niềm ao ước, mong đợi.
     Giàu vốn từ hội lại vận dụng nhanh nhạy tiếng Việt, là điều mà người cầm bút, làm báo rất mong muốn. Làm cho tiếng Việt phong phú, linh hoạt, sâu sắc, không thể thi tài bằng tốc độ mà phải bằng sự uyên thâm. Nâng cao giá trị của tiếng Việt là làm nó ngày càng trong sáng, chuẩn xác, chứ không phải làm cho nó rối ren thêm, phức tạp thêm, khó khăn hơn. Từ nào thì nghĩa ấy. Từ và nghĩa của từ phải đi đôi với nhau. Không nên lấy nghĩa của từ này gắn vào từ khác.
 
N.Q.Đ
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc