(Viết nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi)
PHONG LÊ
Sinh năm 1938, vào nghề năm 1959, nghỉ hưu năm 2003, tôi thuộc thế hệ có tuổi đời và tuổi nghề cơ bản nằm gọn trong thế kỷ XX. Thế hệ được chứng kiến hoặc nếm trải Cách mạng tháng Tám 1945 và 3 cuộc chiến chống 3 đế quốc kéo dài đến hết thập niên 1980; rồi gối vào đấy là tiến trình từ Đổi mới - 1986 đến Hội nhập - 1995 như một giải tỏa.
Một kẻ thù khác là cái đói, nằm trong bộ ba kẻ thù phải chống, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ sau 1945, là Giặc đói (ở vị trí số 1), Giặc dốt và Giặc ngoại xâm, đưa đến thảm họa 2 triệu (trên 25 triệu) người chết, vào tháng Ba năm 1945. Từ trận đói lịch sử này, việc chống đói luôn luôn là mối quan tâm của toàn dân tộc, cho đến hết thập niên 1980 là những năm cả dân tộc cùng có chung gương mặt của “người mất sổ gạo”, phải sống theo chế độ tem phiếu và chia đều cái đói ra cho mọi người để không ai, hoặc ít ai phải chết đói.
Nói thế kỷ XX, với thế hệ chúng tôi là nói một thế kỷ như thế!
Đời sống văn hoá, văn nghệ dân tộc trong hoàn cảnh ấy tất yếu phải có gương mặt riêng của nó. Nếu lẽ sống cao nhất của dân tộc là Tổ quốc (đang bị đe dọa) và Nhân dân (còn lầm than), thì văn nghệ sĩ (muốn là bộ phận ưu tú của dân tộc) sao lại có thể quay lưng hoặc trốn tránh những mục tiêu mà Bác Hồ và Đảng luôn luôn căn dặn. Trong bối cảnh đó, động lực sống, mục tiêu sống của mỗi công dân Việt nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng phải và vì cái chung mà tự nguyện quên hoặc hy sinh cái riêng. Cái chung cao nhất là Tổ quốc, là Nhân dân, là Đảng và chính quyền (“Ơn Đảng, ơn Chính phủ”). Nếu khác đi là trái với lương tâm, là bị phê phán hoặc gạt bỏ trong cộng đồng. Đi bộ đội. Đi Nam. Nếu ngần ngại, chần chừ khó mà qua mặt các tập thể lớn nhỏ. Trước kẻ thù dân tộc (ba đế quốc) là vậy. Trước kẻ thù giai cấp (địa chủ và tư sản) cũng phải vậy. Không thể “mất lập trường”; không được “ăn phải bả chủ nghĩa xét lại”. Nếu có biểu hiện phân vân, khó tránh bị phê phán trước hoặc sau khi được lương tâm mách bảo.
Tất cả các sự cố, hoặc “vụ việc” xảy ra trong đời sống văn hoá, văn nghệ trên miền Bắc từ sau 1954 đến 1975 và cả nước từ sau 1975 cho đến 1986, lớn như vụ Nhân văn - Giai phẩm, nhỏ là những sai lạc ở nhiều tác gia và tác phẩm - đều có nguyên nhân ở sự đi chệch, hoặc trái với các mục tiêu chung như đã nói trên.
Hướng về cái chung của cộng đồng nên vẻ đẹp và yêu cầu thẩm mỹ cao nhất cho mọi sáng tạo văn nghệ sẽ là sự giống nhau. Nói như Chế Lan Viên: “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau”.
Nói như Tế Hanh: “Đọc câu thơ đồng chí ngỡ thơ mình”.
Nói như Chính Hữu: “Vui sướng bao nhiêu tôi là đồng đội/ Của những người đi vô tận hôm nay”.
Khi cả dân tộc nhất trí với mục tiêu: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; khi mọi công dân đều tuyệt đối tin tưởng ở chân lý “Không gì quý hơn Độc lập - Tự do” thì tất cả mọi biểu hiện của tình cảm cộng đồng sẽ vừa là sản phẩm, vừa là mục tiêu cho con người lựa chọn hay hướng tới. Mọi hoạt động văn chương - nghệ thuật sẽ có chung một quỹ đạo: hướng tới sự giống nhau; và phát hiện trong sự giống nhau không chỉ là vẻ đẹp của đạo đức và lý tưởng mà còn là nét đặc trưng rất giàu chất thẩm mỹ; với nó - chất thơ được kết tụ, tỏa sáng, và có mặt ở rất nhiều tác phẩm không chỉ ở hai thế hệ trước - thế hệ tiền chiến và chống Pháp mà cũng rất đậm ở thế hệ thứ ba - thế hệ chống Mỹ:
“Đường ra trận có điều này kỳ lạ
Gặp một lần mà không phải đầu tiên”
(Phạm Tiến Duật)
“Đường ra trận vẫn con đường cứu nước
Nắng trên đầu là sắc nắng mùa thu”
(Vương Trọng)
“Ra trận lần đầu mà quen thuộc quá
Ngả đường nào cũng dẫn tới quê hương”
(Anh Ngọc)
Và ở tầm bao quát, đó là:
“Núi Bắc sông Nam đều giống Bác
Nhìn một người ta nhìn ra cả nước
Trán trông xa và mắt dõi về sâu”
(Chế Lan Viên)
Cả một dân tộc như được “tạc theo hình ảnh Bác” - đó cũng là phát hiện khá sớm của Xuân Diệu từ thời chống Pháp.
Cùng với mục tiêu chung là sự giống nhau, nhìn tổng thể cả đội ngũ viết thì đó là sự tiếp nối và đồng hành cùng nhau, không có sự đứt gẫy ở bất cứ thế hệ nào, trong ba thế hệ làm nên gương mặt chung của văn học dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ kể từ sau 1945. Đó là thế hệ “tiền chiến” gồm từ Nam Cao - mất năm 1951, đến Tô Hoài - mất năm 2014. Là thế hệ chống Pháp với những tên tuổi lớn như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Cầm, Quang Dũng… Là thế hệ chống Mỹ với nhiều chục tên tuổi rất sáng giá trên cả hai miền Bắc và Nam thuộc thế hệ 3x như Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng…; qua 4x như Phạm Tiến Duật, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ…; đến 5x như Khuất Quang Thụy, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa…; đầu 6x như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương… Một đội ngũ rất hùng hậu gồm nhiều thế hệ cùng tiếp nối và đồng hành với nhau, trong sự hô ứng và bổ sung cho nhau qua các mốc lịch sử lớn là 1945, 1954, 1975, 1986,… cho đến 1990, 1995, rồi 2000…
Một gương mặt chung của văn học nghệ thuật, văn chương học thuật từ 1945 đến hết thế kỷ XX theo nhận thức của tôi đại thể là như thế.
Chuyển sang thế kỷ XXI là một gương mặt khác với những nguyên tắc sống khác, khi đời sống đã no đủ, nền kinh tế thị trường lên ngôi và đất nước chuyển sang thời hội nhập, rồi dấn sâu vào Kỷ nguyên Toàn cầu hóa, và các cuộc Cách mạng Công nghệ với mạng xã hội, với trí tuệ nhân tạo, chat GPT… chứng minh khả năng vô tận của con người. Trong bối cảnh đó, con người rất cần và có khả năng sống cho hết bản lĩnh, tính cách và ham thích của mình. Phát triển tận độ cái Tôi, để có những khác lạ và phân biệt với cái Ta. Trong phạm vi cho phép, sự phát triển cái Tôi mà không hại cho cái Ta sẽ được đời sống và cộng đồng chấp nhận và phát triển lên một tầm cao mới cho kịp thiên hạ. Một danh sách không mỏng tính từ Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy qua Vi Thùy Linh - sinh năm 1980, rồi lần lượt là một đội ngũ trẻ trên dưới tuổi 30, số lớn không có tên trong Hội Nhà Văn Việt Nam lần lượt chiếm lĩnh văn đàn, đem lại cho tôi niềm vui cùng nhiều bỡ ngỡ trong hai thập niên mở đầu thế kỷ XXI…
Nhưng khi cái Tôi vượt ngưỡng mà trở thành xa lạ hoặc quái lạ, thậm chí xâm hại đến người khác và vi phạm các chuẩn mực của cộng đồng thì không thể chấp nhận. Cùng với nền kinh tế thị trường và sự lên ngôi của đồng tiền, thế kỷ XXI chứng kiến sự tràn lấn của cái Giả và cái Ác, khiến đời sống trở nên bất an với sự rình rập và lấn tới của biết bao thảm họa trên mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó sự tan rã của gia đình truyền thống, sự xuống cấp của các nền móng đạo đức - giáo dục, và sự suy thoái trong đời sống công quyền bỗng trở nên một thực trạng rất đáng báo động. Bối cảnh đó không tránh khỏi đưa tới sự mất hướng, hoặc rối loạn, thiếu các trọng tài trong việc xác định những chuẩn mực và mục tiêu cho sự phát triển của cái Tôi trong văn học nghệ thuật.
Người của thế kỷ XX như tôi bỗng trở nên lạc lõng và cảm nhận có một sự đứt gẫy trong hai thập niên mở đầu thế kỷ XXI.
Nhưng như thế mới là sự phát triển!
Trở lại với câu chuyện đã được trình bày ở phần đầu bài viết này, khi xác định sự tiếp nối và đồng hành là nét đặc trưng cho bức tranh tổng thể văn học Việt Nam từ 1945 cho đến hết thế kỷ XX. Nói mốc 1945, bởi khi ngược lên nửa đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh chung của sự chuyển động từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, bên cạnh sự tiếp nối, đời sống văn học nghệ thuật cũng có những đứt gãy cục bộ, nhưng không quá căng thẳng. Từ Nguyễn Khuyến, Tú Xương an phận với “ao thu” hoặc bất mãn với “cống hỷ - mét xì” sang Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh chủ trương Duy tân và Đông du là một bước ngoặt trong thập niên mở đầu thế kỷ. Tiếp đến, sự xuất hiện của “Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn” đến Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long… làm nên dấu ấn một “phòng chờ” trong bước chuyển từ văn học Hán Nôm sang văn học Quốc ngữ những năm 1920. Phải qua tất cả các tên tuổi trên, ít ra là từ hai đến ba thế hệ viết mới có đích đến là nhiều chục kiện tướng trong phong trào Thơ mới, và văn xuôi Tự lực văn đoàn, cùng nhiều chục tên tuổi lớn trong văn học hiện thực thời kỳ 1930 - 1945 làm nên một thế hệ mang tên “tiền chiến” có sứ mệnh đưa lên đỉnh cao và hoàn thiện gương mặt hiện đại của văn học dân tộc.
Trở lại câu chuyện về các mục tiêu được theo đuổi và mối quan hệ giữa các thế hệ viết đối với thế hệ chúng tôi cho đến hôm nay. Với tôi, lịch sử (hoặc quá khứ) luôn luôn là điểm tựa, là chỗ dựa chứ chưa bao giờ là nơi giam giữ hoặc níu kéo tương lai. Những tên tuổi thuộc thế hệ tiền chiến 1930 - 1945, đối với tôi, luôn là các bậc thầy về nhiều phương diện cho nghề nghiệp. Thế hệ chống Pháp (1945 - 1954) là các bậc đàn anh tôi mong được noi gương. Thế hệ chống Mỹ (1954 -1975) và Đổi mới (1980 - 1995) số lớn đều là bạn, là những người cùng đồng hành và chia sẻ. Chuyển sang thời Hội nhập, tính từ năm 2000, với các thế hệ mới, kể từ lứa cuối 8X về sau, tôi ít có mối quan hệ thân quen nào khác, ngoài một mong mỏi chứng kiến sự thay thế, sự chuyển giao trong tâm thức “Tre già măng mọc”, “Trẻ cậy cha, già cậy con”, “Con hơn cha là nhà có phúc”…
P.L