Tiếng quê
Ngày đăng: 29/05/2023; 905
          NGUYỄN VĨNH
 
Trong đời sống hàng ngày, người dân nhiều vùng quê trên đất Vĩnh Phúc thường có những cách phát âm với thổ âm, thổ ngữ khá độc đáo. Là người “sinh ra từ làng”, lớn lên ở làng, người viết bài thường được nghe, được đón nhận mỗi ngày những nhời ăn tiếng nói rất thú vị, đáng yêu ấy của quê hương. Xin được chép ra đây, mong góp một sự nhớ, một cách lưu giữ về tiếng Việt - một “tài sản” tinh thần quý giá, mang đậm phong vị, bản sắc dân tộc Việt.
 
Về cách phát âm
Về một số vùng ở huyện Lập Thạch, sẽ rất thường được nghe thấy cách phát âm các từ “huyền”, “thuyền”, “xuyên”, “tuyết”… thành “huền”, “thuền”, “xuên”, “tuết”… Tương tự, từ “khuya” trong “đêm khuya” cũng nói thành “khuê” (đêm khuê)…
Tức là, người nói đã “đánh rơi” đâu đó âm tiết “uy” trong các từ trên! Nhưng điều thú vị nhất là, chỉ cần nghe thấy cách nói như vậy, người ta có thể dễ dàng nhận ra… đồng hương!
Tiếp nữa, không ít người, luôn phát âm từ “đỉa” (con đỉa) thành “đửa” (con đửa), khiến người nghe thoạt tiên thì ngơ ngác vì chưa hiểu người nói định nói về con vật nào, nhưng rồi nhanh chóng hiểu ra, đó là “con đỉa”, hiểu rồi thì không thể không bật cười vì… sự ngộ nghĩnh trong cách phát âm này. Vui thế chứ! Muốn sửa “đửa” thành “đỉa” ư? Thử rồi, không hề dễ nhé! Vì đã có không ít người, sửa mãi vẫn… không được. Mà không chỉ một từ này thôi đâu!
Ở xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân trong làng nọ thường phát âm đớt một số từ có dấu huyền (gần giống với một số địa phương vùng Sơn Tây (Hà Nội), như: “con bò vàng” thành “con bo vang”, “đi làm” thành “đi lam”…
Người dân kẻ Đọ, kẻ Trẽ/Chẽ (xã Như Thụy, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô) lại thường phát âm từ “mày” thành “mời”. Câu nói mà tôi thường được nghe nhất từ các bạn học người vùng này là:
- Mời (mày) đương (đang) làm gì đấy?
Hoặc:
- Chiều nay, mời (mày) có đi bò (đi chăn bò) không? 
Nhiều người dân ở xã Cao Phong (huyện Sông Lô) lại phát âm từ “nguội” thành “nguổi”; từ có chứa âm “a” nghe tựa như “e”, ví dụ: “con gà” thành “con ghè”, “bát loa” thành na ná như “bét loe”… Hiện tượng này cũng xuất hiện trong cách phát âm của người dân xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường. Thậm chí, địa danh “Phú Đa” cũng được/bị không ít người đùa vui gọi chệch thành “Phó Đe” để chỉ đặc điểm độc đáo này của người Phú Đa trong phát âm.
Về cách phát âm từ “nguội” này, ngày trước, còn có một chuyện vui rằng: Nhà nọ ở Cao Phong (Sông Lô, Vĩnh Phúc) có con đi công tác xa được về phép thăm nhà. Gia đình hoan hỉ đón con trong cảnh nghèo nhưng ấm áp, với món bánh sắn nhân… ốc. Bà mẹ, sau đó, khi đi làm đồng đã chia sẻ niềm vui có con về thăm nhà với người làng. Khi nói về món bánh đãi con, bà hào hứng kể, tiếng đơn đớt, lên bổng xuống trầm, nghe thật vui, rằng: Ầy! Cháu nó mới vền (về). Nhà chá (chả) có gì (tức là không có món gì ngon để làm cơm đãi con). Con em nó ra chằm (cánh đồng trũng) (bắt) được nắm ốc đá (loại ốc nhỏ, to cỡ ngón tay người lớn, vỏ nhẵn bóng, ruột đầy, béo, ăn rất ngon) đem luộc rồi lể (nhể) lấy ruột đem xào (với) hành lá thêm tí mỡ lợn để làm nhân bánh sắn. Ồi giời làng ạ, bánh sắn nhân ốc, ăn nóng thì ngon, ăn nguổi (nguội) thì tanh… Rồi cả người người kể và người nghe cùng òa lên cười. Vui và ấm áp biết mấy!
Người dân xã Tiên Lữ (còn gọi là làng Tiên, kẻ Chặng) lại phát âm những từ có vần “au” thành “âu” và ngược lại. Đi chợ mà gặp người làng Tiên bán rau, thể nào cũng được nghe câu chào mời đậm đà âm sắc quê nhà, kiểu: Bác mua râu (rau) cho chấu (cháu) đi… Và nữa, nhiều người dân làng Tiên thường phát âm từ “học” (đi học, học hành, ăn học…) thành hoọc (đi hoọc, ăn hoọc); phát âm từ “xong” thành “xoong”, hoặc “xâng”. Ví dụ: Hoọc xoong (xâng) chưa cu? Xoong (xâng) thì ra bố bảo cái này!
Nghe là biết, đó là người Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
Lại có những người, thường phát âm những từ mang dấu ngã thành dấu sắc, ví dụ: “vĩnh” thành “vính”, “cũng” thành “cúng”, “mũi” thành… “múi” (!!!)
 
Về từ địa phương
Người dân nhiều nơi ở Vĩnh Phúc thường gọi chị (gồm cả chị dâu, chị họ) của bố mẹ mình là “bá”. Theo đó, gọi anh chị của bố mẹ là “bác bá” và thường nói với nhau những câu như thế này:
- Bác (bác trai và bác dâu/bác gái) dạo này khỏe không?
- cháu đi đâu bác nhể?
- Trâu nhà có rỗi cho cháu mượn buổi cày!
Thú vị nhất, là thay vì nói “kia kìa”, “đây rồi”… thì người Vĩnh Phúc thường nói “đây chốc”, “kia chốc”… Từng có chuyện, người Vĩnh Phúc ra thiên hạ, nhanh chóng nhận ra nhau là đồng hương, chỉ nhờ người nọ thấy người kia khi nói, đã nói “đây chốc” thay vì “đây rồi”!
Và thường không nói “ở chỗ này” mà nói “ở đống này”. Thay vì nói “sợ quá”, “sợ rồi”, “phát sợ”… thì nói “hốt quá”, “hốt rồi”, phát hốt”…
Thường nói “hối” thay cho “dồn”, “đuổi”, “xua”:
- Cu Tý, đi hối trâu lại đây cho bố.
Thường không nói “đá” để chỉ “hòn đá” mà nói là “táng”; không nói “ném” mà nói “chăng”, “lăng”. Ví dụ:
- Xê ra! Để tao lăng (ném) cho nó hòn táng!
Phát âm từ “thảo nào”, “hẳn nào” thành “thẩn nào”, “hẩn nào”…
Thường nói “phải” (“phải rồi”, “rất phải”) thay vì nói “đúng rồi”, “rất đúng”. Hay không nói “bị” trong “bị bỏng”, “bị đánh”, mà lại nói là “phải bỏng”, “phải đòn” (đòn = đánh). Và nữa, để đe nẹt ai đó, nhiều người không nói “bị đánh đòn”, “bị đòn” mà nói “ốm đòn”, như trong trường hợp sau:
- Em cứ trốn học, bố biết thì em ốm đòn! (nhằm đe một em nhỏ nào đó trốn học, sẽ bị bố đánh/phạt nặng bằng đòn, roi)
 Lại nữa, khi về làng, sẽ gặp nhiều người vẫn thường nói “muội” thay vì “nguội”. Ví như:
- Bác đờ (chờ) em tí! Em làm bát cơm muội cho chắc dạ.
Hay:
- Hượm nào, chờ muội hẵng uống! (để nhắc ai đó rằng nước (mới đun sôi, nước canh) còn nóng, chờ nguội hãy uống kẻo bị bỏng).
Và đó, ngay trong các ví dụ trên, người nghe cũng không khó khăn gì, khi “phát hiện” ra những từ mà người quê ta vẫn nói. Ấy là nói “đờ” thay vì “chờ”; nói “làm” (làm bát cơm) thay vì “ăn”; “hượm” thay vì “gượm”, “hẵng” thay vì “hãy”, “rức” thay vì “nhức”…
Ví dụ: Cuốc (đi) bộ cả ngày, giờ gối tôi rức quá!
Lại nữa, không ít người quê, chỉ quen dùng từ “nom” mà không nói là “nhìn”. Ví dụ:
- Nom cháu tôi kìa! Dạo này mày nhớn (lớn) quá gái ạ!
- Anh là con cái nhà nào trong làng mà tôi nom quen thế nhể (nhỉ)!
- Giời ôi! Nom con tôi xem, mày làm gì mà lấm như ma vùi thế kia…
Có nhiều từ được người Vĩnh Phúc thường dùng, cũng nghe thấy người vùng quê khác vẫn nói, như: nhời nhẽ (lời lẽ); giở về (trở về); ruộm (nhuộm), khơ khớ (kha khá)... Ví dụ:
- Nay các cụ nhà em biện (sắm) cơi giầu (trầu) gọi là sang bên các cụ với ông bà bên này xin có nhời (lời) về việc trăm năm của hai cháu...
Về từ "khơ khớ" (kha khá), còn có một giai thoại vui, kể rằng: Có hai anh "tây", sang làm việc ở Việt Nam. Các anh mê tiếng Việt nên rất chịu khó học hỏi. Một buổi kia, hai anh rủ nhau đi phượt. Trên đường đi, qua một vùng quê nọ. Thấy cảnh xanh tươi, hai anh bèn dừng chân, say ngắm. Chợt thấy một người nông dân vai vác dậm, lưng đeo giỏ từ ruộng đi lên, hai anh vui vẻ chào rồi hỏi: Bác bắt được nhiều cá không? Người kia cười mà rằng: Cũng khơ khớ... rồi chào và bước đi. Hai anh tây đứng ngớ, không hiểu khơ khớ là cái gì. Bèn giở về, mang từ điển tiếng Việt ra tra. Nhưng từ diển cũng chẳng cho biết rõ nghĩa hai từ nọ. Bèn đi hỏi người này, người nọ mà hai anh quen... Chỉ đến khi, gặp rồi hỏi chuyện một bác nhà quê đang bì bũm be bờ dưới cánh ruộng nọ, thì hai anh mới thực hiểu, "khơ khớ" nghĩa là gì!
Và nữa, dân quê Vĩnh Phúc thường gọi “ông vãi”, “bà vãi” thay vì gọi “ông ngoại”, “bà ngoại”. Chẳng tin, ta cứ về làng, là sẽ thoải mái được nghe những câu, như:
- Anh chị cho cháu về chơi nhà vãi (nhà bên ngoại, ông/ bà ngoại) đấy à?
- Về nhà vãi chơi, kiểu gì chả kiếm được yến gạo mới…
Ấy nhưng, nếu bà vãi, ông vãi (bà ngoại, ông ngoại) đã mất, thì lại được nghe nói: Nay nhà tôi có kỵ (cúng giỗ) ông vải… hay "giỗ ông bà ông vải"...
Rồi nữa, nhiều vùng quê, bà con không mấy khi nói “gánh” (gánh vác, gồng gánh, gánh lúa) mà quen nói “gính”, như:
- Tranh thủ chiều mát, em gính nốt mấy gính lúa…
Rồi, để trỏ động tác mang đôi quang gánh trên vai, bà con quê tôi thường dùng từ “gổng”. Một ví dụ:
- Cu ơi! Chiều đi bò, nhớ gổng theo đôi quang để lúc về còn gính ít rạ nhé!
Người dân không ít làng ở Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường… không nói “sinh”, “đẻ” (để chỉ việc ai đó mới sinh con)  mà nói là “sổ”. Cứ về làng thăm em bé nhà nào mới sinh, rất dễ được nghe nhưng câu thăm hỏi mộc mạc và thân thương như: Nhà Nụ mới sổ hử? (từ “nhà” ở đây hoặc được dùng để gọi thân mật tên sản phụ, hoặc chỉ gia đình em bé mới sinh).
Càng thú vị hơn, nếu ta được nghe những đoạn đối thoại rất hóm hỉnh, với cách phát âm đơn đớt rất ngộ nghĩnh của người dân Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về việc này, đại ý như:
- Nhà Nụ mới sổ hử? Đâm người hay người đâm? - Ý hỏi sản phụ sinh con trai (đâm người) hay con gái (người đâm)!
Bạn thấy sao? Còn tôi, khi được về với cảnh quê nhà quen thuộc, được nghe những câu nói chất phác chứa đựng những ngôn từ của ông bà truyền lại, tôi luôn thấy tim mình dâng nỗi gần gũi, thân thương khó tả.
Và nữa, dù cách phát âm, cách dùng từ có khác nhau, nhưng điều thú vị là, khi nghe xong thì hầu như người nghe đều hiểu trọn vẹn điều người nói muốn truyền đạt. Thế mới biết, tiếng quê ta phong phú, đáng yêu chừng nào.
 
Một số từ húy, tránh
Người dân làng Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) gọi củ khoai lang là “củ muống”, bởi kỵ húy tên các vị thành hoàng làng. Không biết, còn có vùng quê nào chung đặc điểm này?
Làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), kỵ húy từ “dong”, gọi chệch thành “dung” vì “dong” là húy danh thân mẫu Lân Hổ Hầu Đô thống đại vương - một danh tướng có công đánh giặc cứu nước thời nhà Trần trên phòng tuyến Gia Ninh (thế kỷ XIII, năm 1256), được tôn thờ tại đình Thổ Tang và miếu Trúc (Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Làng Yên Lập (tục gọi làng Láp), phường Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có quy định cấm các chữ: Cường, Dũng, Mẫn, Dực, Vũ, Đài, Lê, Bảy, Bồ, Trọng, Liên, Lỗ, Đinh Sơn, vì đây là tên bản quán; họ, tên của bảy vị đại vương họ Lỗ núi Đinh, là thành hoàng của làng và tên thân phụ, thân mẫu của các ngài.
Tương tự, ở nhiều làng khác, cũng có những kỵ húy như thế này.
 
Đệm từ sau câu nói
Nhiều người dân kẻ Ngạc (xã Phương Khoan, huyện Sông Lô) trong giao tiếp thường đệm từ “lá” hoặc “á” với ngữ điệu thường là vóng vót, cao lên về cuối câu giao tiếp. Ví dụ: “Bá chợ?” thay vì phải nói đầy đủ là “Bá đi chợ đấy ạ!” hay “Bá đi chợ à?” như thông thường.
Những hiện tượng phát âm “độc đáo” như kể trên (cố nhiên là chưa thể thống kê hết) khiến người không quen sẽ phải rất lắng tai, vừa nghe vừa… luận mới có thể đoán và hiểu đúng từ người nói muốn nói. Vì thế, viết đến đây, tôi lại nhớ một chuyện vui thời chúng tôi còn là sinh viên, tôi có một cô bạn thân, quê ở vùng Chấn Hưng - Đại Đồng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Bạn có cách phát âm rất lạ. Đó là, khi ở quê, bạn nói “đặc sệt” giọng quê, vừa nhanh, vừa mang đậm thổ âm, thổ ngữ địa phương, khiến chúng tôi khá vất vả trong nghe, hiểu. Thậm chí, không ít lần, bạn phải diễn giải tới vài lần chúng tôi mới hiểu nội dung bạn định nói. Bạn cho biết, quê bạn, hầu hết mọi người đều nói như vậy. Càng các bậc cao niên, cách nói càng đậm âm sắc địa phương. Thế nên, về chơi nhà bạn, chúng tôi lại nói vui với bạn rằng: Cậu đừng “phát sóng ngắn” nhanh quá nhé, để bọn tớ còn kịp hiểu cậu nói gì.
Điều khá thú vị ở đây, đó là: khi ở quê, bạn tôi cũng như người làng bạn đều phát âm “đặc sệt” tiếng của quê mình, khiến người ngoài phải lắm phen phải căng tai lắng trí, để nghe và hiểu. Vậy nhưng nếu ra ngoài, hầu hết đều phát âm, nói năng khá chuẩn theo tiếng Việt phổ thông. Rõ ràng, bà con vẫn phát âm đúng tiếng Việt phổ thông, chỉ là thổ âm, ngữ điệu có sự khác. Phải chăng, vùng đất này có một đặc điểm riêng nào đó, như nguồn nước, thói quen di truyền… nên bà con mới có cách phát âm độc đáo như vậy. Về việc này, người viết bài cũng nhiều lần được nghe, trong dân gian vẫn có cách lý giải là “do nguồn nước”, do “phong thổ”… rồi do thói quen, ví như ông bà cha mẹ nói nên con cháu nói theo, di truyền mãi như vậy mà thành?
***
Đến đây, lại nhớ, tiền nhân ta từng khẳng định: … “Tiếng ta còn, nước ta còn” (Phạm Quỳnh). Cuộc sống vô cùng sinh động, phong phú, và ngôn ngữ cũng vậy. Những chi tiết, ví dụ nói trên chỉ là phần rất nhỏ kể về tiếng quê ta, vốn đã trở thành nhời ăn tiếng nói, thành lề thói hằng ngày của bao thế hệ người quê ta. Hơn thế, còn làm thành vẻ đẹp riêng có của văn hóa Việt. Dám chắc, mỗi vùng quê trên đất nước ta cũng luôn có không ít những từ ngữ, cách nói, phát âm rặc “tiếng quê ta” như vậy. Điều đó, cho thấy sự đa dạng, phong phú mà luôn nhất thống của tiếng Việt. Trong khi, bài viết này mới chỉ “chạm” tới phần nhỏ nét độc đáo của tiếng quê ta.  Rất mong được các nhà nghiên cứu và bạn đọc cùng chia sẻ, bổ sung, để cùng thêm hiểu biết, và từ đó, thêm yêu hơn, trọng hơn tiếng mẹ đẻ của chúng ta.
 
N.V
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc