XUÂN MAI
Dân tộc Dao có nhiều nhóm người Dao khác nhau như: Dao đỏ, Dao quần trắng, Dao thanh y, Dao lô gang, Dao tiền… Ở Vĩnh Phúc duy nhất chỉ có nhóm Dao quần chẹt hiện cư trú tại hai xã miền núi Lãng Công (huyện Sông Lô) và xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên).
Tìm hiểu về đồ ăn, đồ uống từ nhiều năm trước đây của nhóm Dao quần chẹt ở Vĩnh Phúc, chúng tôi thấy cũng có những nét tương đồng và khác biệt với các nhóm người Dao khác.
1. Về đồ ăn
Cũng như nhiều nhóm dân tộc Dao khác, Dao quần chẹt ở Vĩnh Phúc cũng ăn hai bữa trong một ngày. Bữa trưa khoảng từ 11 đến 12 giờ. Bữa tối khoảng từ 19 đến 20 giờ. Vào những ngày mùa màng bận rộn và phải làm nhiều công việc nặng nhọc, đồng bào còn ăn thêm bữa sáng. Nếu hôm nào ăn thêm bữa sáng thì bữa trưa chỉ ăn cơm nắm ở ngay nơi làm việc.
Người Dao ăn cơm bằng gạo tẻ, gạo nếp, gạo nương là chủ yếu. Ngoài cơm còn có ngô, khoai, sắn. Ăn cơm xong đồng bào còn ăn thêm bát cháo. Do phải sống du canh du cư nên cuộc sống người Dao quần chẹt còn rất nhiều thiếu thốn. Vì vậy, thức ăn chủ yếu hằng ngày của đồng bào là măng rừng, các loại rau rừng và các loại rau trồng được như: Cải, bí đỏ, bí xanh, bầu, rau muống, rau dền, lạc, đậu, vừng… họa hoằn mới có thịt, cá. Đôi khi đồng bào còn kiếm thêm được cá, cua và các loại nhuyễn thể ở dưới các khe, suối.
Tuy người Dao chăn nuôi được nhiều gà, lợn nhưng chủ yếu dùng để làm lễ cúng ma vào những ngày Tết, ngày đám. Món thịt và tiết canh được đồng bào ưa dùng nhất. Các loại thịt như cầy, cáo, chim, chuột… bà con hầu như không ăn tươi mà thường đem sấy khô để dành. Trước khi đem treo lên gác bếp, người ta lấy nước dấp ướt hết lông con vật rồi vùi trong tro bếp nóng khoảng 10 phút, sau đem vặt lông. Lông được vặt sạch lại đem thui trên lửa. Thui xong mới mổ, moi bỏ hết lòng gan. Rửa sạch bằng nước muối, để ráo, đoạn lấy cặp tre cặp lại. Phun thêm một lần rượu trắng, rồi đưa lên gác bếp. Do hằng ngày khói bếp bốc lên, ám vào thịt nên vi khuẩn không huỷ hoại được. Trong khi đó, rượu ngấm dần vào thịt, giúp thịt có vị chua chua. Miếng thịt khô quắt lại. Thịt sấy khô khoảng nửa tháng là ăn được và có thể để dành đến nửa năm. Khi muốn ăn người ta lấy thịt khô xuống đem ngâm trong nước ấm từ hai mươi đến ba mươi phút, rồi rửa sạch, thái mỏng là ăn được ngay. Thường thì bà con ướp thịt sấy khô với mấy lát khế chua, bi chuối, hành hẹ, mắm, muối… khoảng 10 phút, sau đó phi hành mỡ, đoạn cho thịt ướp vào xào chín, xúc ra đĩa. Chỉ cần một chén rượu nếp nhâm nhi với thịt sấy khô xào, người thưởng thức bị say mềm lúc nào không biết. Món thịt sấy ngâm chua là một món ăn đặc biệt, khách quý mới được mời.
Khi thực phẩm dồi dào, ăn không hết, người Dao quần chẹt để dành thịt các loại động vật khác bằng nhiều cách như phơi khô, sấy khô, đặc biệt là món thịt ướp chua ít có người đem sào nấu mà cứ để vậy thái ra ăn. Đây là món ăn đồng bào thường giúp đỡ nhau khi anh em trong dòng họ có đám.
Ớt, gừng, riềng, tỏi, hành, sả, lá chanh… Các loại rau thơm, các thứ nước chua là những gia vị mà người Dao quần chẹt rất thích dùng trong chế biến thức ăn và trong khi ăn.
Vào những ngày lễ, Tết đồng bào Dao thường làm bánh. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu được chế biến từ gạo, ngô, khoai, sắn như bánh chưng, bánh dày, bánh bột, bánh ngô, bánh sắn, bánh kê, bánh tro, bánh rán, bánh trôi, bánh nếp…
Trong bữa ăn của đồng bào Dao thường rất đơn giản, gồm có cơm, rau, canh và thức ăn mặn. Đồng bào thường xếp mâm ăn đặt ở gần bếp chính. Khi nhà có khách, mâm chính dành cho khách và các thành viên nam đặt ở giữa nhà, gần với bàn thờ. Mâm còn lại dành cho phụ nữ, trẻ em, người già, đặt gần bếp lửa. Thức ăn ở hai mâm gần như nhau. Riêng mâm nam có thêm chai rượu.
Trong bữa ăn, nồi cơm được vùi trước cửa bếp cho cơm luôn nóng. Khách được chủ nhà mời rượu và những món ăn ngon nhất. Sau khi ăn, khách lại được chủ nhà lấy tăm, nước rửa tay rất chu đáo.
Trong mâm cỗ ngày xưa của người Dao, đồng bào thường lấy phần cuối của tàu lá chuối rừng (hoặc chuối nhà trồng), cũng có gia đình lấy tàu lá cọ, cắt tròn để làm mâm. Đối với cỗ làm bằng thịt lợn thì ở giữa “mâm” được bày lòng, gan, tim, phổi lợn. Tiếp đó là thịt của bộ đầu con lợn gồm: Tai, mũi, thịt sỏ. Vòng tiếp nữa là xương sườn nướng (hoặc được hầm kỹ), vòng tiếp nữa là thịt nạc luộc (hoặc nướng), vòng ngoài cùng to hơn, nhiều hơn là thịt nửa nạc nửa mỡ, mông và vai luộc. Nếu có thịt gà thì bày thêm một vòng thịt gà, mỗi người chỉ một miếng. Cuối cùng là xôi nếp và một, hai bát canh bằng nước luộc thịt lợn. Rượu uống bằng chén ống nứa. Mỗi mâm cỗ thường ngồi bốn, năm người.
Ăn uống xong, đồng bào Dao kiêng không được đặt đũa ngang miệng bát, vì đó là dấu hiệu trong nhà có người chết.
2. Về đồ uống
Trong sinh hoạt hằng ngày, đồng bào Dao uống nước chè, nước vối, nước các cây thuốc, nước nhân trần hoặc nước đun sôi để nguội. Đôi khi cũng có người chỉ quen uống nước lã.
Dao quần chẹt cũng giống các nhóm Dao khác, trong bữa cơm mời khách, đặc biệt là trong lễ cúng, đồng bào kể cả phụ nữ và trẻ em, hay uống rượu hoẵng (rượu mộng). Đây là thứ rượu không chưng cất, ít cay và có vị chua ngọt. Riêng loại rượu được chưng cất từ gạo, ngô, khoai, sắn… thì men được chế biến từ các thứ lá và rễ cây thuốc ở trong rừng.
Đàn ông Dao quần chẹt ở Vĩnh Phúc ngoài uống rượu họ còn hút thuốc lá, thuốc lào. Loại phổ biến nhất là điếu cày và tẩu. Điếu cày được làm từ ống cây mai, cây tre, cây nứa. Nõ điếu làm bằng lõi cây mỡ, cây thị, loại cây chịu lửa và không bị nứt nẻ.
Phụ nữ dân tộc Dao cũng biết ăn trầu, nhưng không phổ biến như phụ nữ dân tộc Kinh.
X.M