NGUYỄN THU TRANG
Tôi gặp thầy Nguyễn Duy Liên, nguyên giáo viên tổ Toán - Tin, Trường trung học phổ thông (THPT) chuyên Vĩnh Phúc vào một ngày đầu năm Quý Mão tại nhà riêng, số 46 Bà Triệu, thành phố Vĩnh Yên. Trong ngôi nhà khang trang, bên ấm trà sen, chúng tôi được nghe thầy Liên kể về những buồn vui và tình yêu với nghiệp “trồng người”.
Trải nghiệm từ đồng ruộng đến bục giảng
Sinh ra và lớn lên tại xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, cậu bé Nguyễn Duy Liên, con trai của một cán bộ thống kê xã, được các thầy cô giáo ngợi khen là có tư chất thông minh và thích Toán học. Thường xuyên giảng giải những bài toán khó cho các bạn nên ai cũng nghĩ, Liên sẽ yêu thích và chọn nghề dạy học để theo đuổi. Thế nhưng cuộc sống lại đặt ra bài toán với bộn bề dữ kiện buộc Liên phải thử những nghiệm gần đúng để chọn ra đáp án đúng nhất cho cuộc đời mình. Và thế là trước khi trở thành người thầy dẫn dắt bao thế hệ học sinh giỏi Toán cấp quốc gia, quốc tế, đem lại niềm tự hào cho ngành giáo dục Vĩnh Phúc, Liên phải mất hơn chục năm trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp phổ thông năm 1979, Liên dự thi vào Đại học Bách khoa chứ không phải sư phạm. Đáng tiếc là người trò giỏi năm đó không đỗ đại học. Khi có giấy báo đỗ Trường Cao đẳng Ngân hàng, bố của Liên đã lên Ban tuyển sinh tỉnh Vĩnh Phú đổi quyết định cho con học Sư phạm để sau này về dạy học gần nhà. Bất đắc dĩ trở thành giáo sinh Khoa Toán, khóa I, Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phú, Nguyễn Duy Liên lúc ấy không hề nghĩ dạy học chính là nghề phù hợp nhất với mình.
Năm 1983, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Duy Liên nộp hồ sơ thi lại Đại học Bách khoa. Lần này, Liên thi đậu với số điểm cao. Đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Liên buộc phải thôi học vì lý do: Địa phương không đồng ý khi anh đã học xong sư phạm nhưng không thực hiện nghĩa vụ dạy học mà lại bay nhảy với ước mơ của riêng mình ở trường đại học.

Trở về địa phương, Nguyễn Duy Liên cũng không được phân công đi dạy ở trường nào. Tự anh phải kiếm tìm các công việc khác nhau để phụ thêm thu nhập cho gia đình. Buồn vì ước mơ học đại học dang dở, Liên không nề hà bất cứ công việc gì, từ làm ruộng đến buôn bán. Không chỉ bầu bạn với lúa, ngô, khoai, lạc trên đồng ruộng, Liên còn ngược xuôi các nơi đổi lạc nhân lấy vải Ga ba zin ở Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Sơn Tây (Hà Nội); đổi lạc nhân lấy bột mì Liên Xô (Việt Trì); mua - bán ngô, lúa, sắn ở Phú Hộ, Bãi Bằng (Phú Thọ); mua - bán chè, chuối xanh ở Thanh Ba, Hạ Hòa (Phú Thọ); buôn bán đồ điện từ Hà Nội, Hải Phòng về Thổ Tang….
Vùi mình vào công việc, Nguyễn Duy Liên đã tạo dựng được cuộc sống sung túc, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn Liên vẫn có khoảng trống, nhiều lúc anh tự hỏi lòng mà không tìm được đáp án. Cho tới một ngày, thầy giáo Vũ Việt Khoái - Hiệu trưởng trường cấp 3 Nguyễn Viết Xuân ghé vào cửa hàng đồ điện của Liên. Vốn biết Liên giỏi Toán, đã tốt nghiệp sư phạm mà trường lại đang thiếu giáo viên, thầy Khoái ướm lời: “Này Liên ơi, cậu về trường mình dạy Toán cho học sinh đi...”. Liên gật đầu đồng ý khiến thầy Khoái ngỡ ngàng, vui sướng. Thầy đâu biết đã khơi trúng nguồn lạch ở con người dồi dào năng lượng nhưng như cỗ máy chưa được vận hành đúng cách nên chưa bộc lộ hết sở trường, ưu việt của bản thân.
Sau hơn chục năm tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, trải nghiệm công việc của người nông dân làm ruộng, buôn bán, Nguyễn Duy Liên trở lại đúng với nghề mà anh được đào tạo. Là giáo viên hợp đồng trường cấp 3 Nguyễn Viết Xuân từ tháng 9 năm 1995 đến tháng 11 năm 1996 Liên được biên chế chính thức vào Trường phổ thông Chuyên cấp 2, 3 Vĩnh Tường. Khi trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc được thành lập, thầy giáo Nguyễn Duy Liên là một trong những giáo viên được tỉnh điều động trở thành thế hệ giáo viên đầu tiên của nhà trường.
Sau khi đi những đường vòng, khúc ngoặt, Nguyễn Duy Liên mới ngộ ra mình có mối lương duyên sâu nặng với nghề giáo, dù không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng lại trọn đời gắn bó và thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình. Không thể phủ nhận, những năm tháng làm đủ nghề để mưu sinh ấy đã cho thầy giáo Liên những trải nghiệm thiết thực. Toán học và cuộc sống có mối liên quan nội hàm hấp dẫn và đẹp đẽ trong bài giảng mà thầy truyền thụ cho học sinh cũng từ những trải nghiệm này. Đã thế, học sinh luôn thấy hấp dẫn, mới lạ, khi người thầy dạy Toán lại hay đọc thơ Pushkin, Yesenin; hay nói những câu thoại đầy triết lý trong kịch của Shakespeare… Với những chiêm nghiệm từ cuộc sống, thầy Liên đã đã “gieo” vào tâm khảm bao thế hệ học trò một ý chí quyết tâm mạnh mẽ, thái độ sống tự tin, tích cực và ý thức làm chủ cuộc sống. Tìm kiếm và thực hiện đam mê không bao giờ là muộn - đó là điều thầy Liên luôn nhắc nhở học sinh.
Làm thầy vẫn không ngừng học
Điểm chung của những người thầy giỏi là họ luôn xác định học tập là việc suốt đời, học không bao giờ là đủ, không ngừng học ngay cả khi đã làm thầy - đây là điều mà thầy giáo Liên luôn tâm niệm. Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Duy Liên say mê nghiên cứu tài liệu, sách vở, học không biết mệt, luôn dẫn đầu cả lớp về kết quả học và thi. Ngay cả khi là người nông dân làm ruộng và buôn bán, khi rảnh, Nguyễn Duy Liên lại miệt mài đọc sách. Liên tìm mua, nghiền ngẫm rất nhiều sách toán và các tiểu thuyết văn học kinh điển của tác giả trong, ngoài nước. Gia tài sách tích đầy trong nhà, bà cụ thân sinh thầy giáo Liên đã từng bồn chồn lo lắng: “Không khéo thằng Liên nhà mình nó rồ chữ mất”.
Hồi mới quay trở lại làm giáo viên, thầy Liên như con thoi trên chiếc xe đạp cà tàng, dạy hợp đồng ở trường cấp 3 xong lại về trợ giảng và dạy ôn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia cấp tiểu học cho huyện Vĩnh Lạc. Chính sự háo hức, tiếng reo vui phấn khởi của học sinh mỗi khi giải được bài toán khó đã tiếp cho thầy Liên động lực, cảm xúc phấn chấn để hết sáng lại chiều đi đến các điểm trường say sưa dạy toán không biết mệt. Vì yêu cầu của công việc và tự nhủ phải viết tiếp ước mơ dang dở, từ năm 1996 đến năm 1999 thầy giáo Nguyễn Duy Liên đã học hoàn thiện chương trình đại học. Gần bốn mươi tuổi, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, thầy giáo Liên là tấm gương sáng về việc học không bao giờ là muộn.
Trong giáo dục, người thầy có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến học sinh, từ vốn kiến thức trao truyền đến tư duy và cách hành xử trong cuộc sống. Thầy giáo Liên không chỉ là hình mẫu để học sinh noi theo về nghị lực vươn lên, về nỗ lực theo đuổi đam mê trong cuộc đời mà thầy còn ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ học trò bởi lối sống lạc quan, vui vẻ, chan hòa. Thầy khẳng định: “Mình học hỏi được từ những thầy cô giáo dạy mình thời trẻ, học từ việc đọc sách và học nhiều điều từ chính các học trò của mình”.
Thầy Liên kể: Một chiều mùa đông tháng 12 năm 1996 khi ôn luyện cho đội tuyển thi học sinh giỏi Toán cấp 2 của huyện Vĩnh Tường, hôm đó, cả đội cùng giải một bài toán đại số trong đề thi học sinh giỏi Toán của Bulgaria. Bài toán này không có lời giải sẵn và gần bốn tháng nay tôi cũng chưa tìm ra đáp án. Giao bài cho 10 học sinh đội tuyển, sau gần hai tiếng suy nghĩ, 10 học sinh vẫn chau mày im lặng. Trời mùa đông tối nhanh, chợt em Vũ Văn Phong đứng lên quả quyết: “Em tìm ra đáp số rồi, số N bằng 101 thầy ạ!”. Tôi bảo Phong: “Em lên chữa cho thầy và các bạn cùng xem”. Phong trả lời: “Đáp án dài lắm thầy ơi”. Tôi bảo: “Dài cũng được, em cứ lên làm đi” thì Phong thoái thác: “Trời tối rồi, để mai chữa thầy ơi”. Tối đó về nhà, với đáp số mà cậu học trò nói ra và bằng kiến thức, kinh nghiệm, lòng tự trọng cá nhân, tôi quyết tâm chinh phục bài toán hóc búa. Cuối cùng tôi đã giải được bài toán đó trong khoảng 20 dòng. Buổi học hôm sau, tôi gọi Phong lên chữa bài thì cậu bé trả lời: “Thưa thầy, hôm qua vì trời tối rồi, muốn về nên em nói liều chứ em cũng không chắc chắn về kết quả ấy đâu ạ!”. Sau khi hỏi các học sinh khác cũng không em nào đưa ra lời giải, tôi đã chữa cho học sinh xem lời giải bài toán rất hay và đẹp mà mình đã thức trắng đêm suy nghĩ dựa trên con số mà Phong “nói bừa” ra. Thực sự trong lòng tôi có chút ngượng với học trò, vì, nếu không có con số mà em Phong nói ra, chắc chắn tôi cũng không có động lực để giải quyết, và bài toán đó sẽ là ẩn số neo trong tâm trí chưa biết tới bao giờ. Không chỉ vậy, từ bài toán này tôi đã tổng hợp xây dựng nên một dạng bài toán với lời giải thuyết phục. Đó là dạng bài toán kèm lời giải đẹp và hay được rất nhiều tỉnh, thành, quốc gia lấy làm đề thi học sinh giỏi. Dạng toán này chính là cầu nối để tôi trở thành hội viên Hội Toán học Việt Nam; là cộng tác viên của tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, tạp chí Pi, tạp chí Epsilon về cộng đồng những người yêu toán Việt Nam. “Tôi phải cảm ơn học sinh của mình rất nhiều. Chính các em đã giúp tôi học được nhiều điều. Đó là, giải toán cần tin vào suy luận của mình; giải toán không chỉ tìm ra đáp án mà phải tìm lời giải hay, đẹp và thuyết phục. Học toán không chỉ biết mỗi toán mà phải biết nhiều môn học, lĩnh vực khác để cuộc sống thật nhiều màu sắc tươi vui”. - Nhà giáo Nguyễn Duy Liên cho hay.
Còn sức khỏe thì chưa hưu “tinh thần”
27 năm công tác trong ngành giáo dục, đảm trách cương vị Tổ phó, Tổ trưởng bộ môn Toán, thầy giáo Nguyễn Duy Liên không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức, cải tiến và nâng cao nghiệp vụ sư phạm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ngay từ năm học đầu tiên khi trở thành giáo viên biên chế và liên tục các năm học tiếp theo, thầy giáo Liên đều được lãnh đạo trường tin tưởng giao nhiệm vụ ôn luyện đội tuyển thi quốc gia môn Toán. Cùng với các giáo viên tổ chuyên môn Toán - Tin, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, thầy Liên đã bồi dưỡng được 11 học sinh đạt giải Toán quốc tế (gồm 01 huy chương Vàng, 5 huy chương Bạc, 05 huy chương Đồng) và 01 học sinh đoạt huy chương Vàng Toán châu Á Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, năm học nào thầy giáo Nguyễn Duy Liên cũng là giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được lãnh đạo các cấp trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cùng phần thưởng cao quý. Đặc biệt, thầy Liên còn được Hội Toán học Việt Nam trao giải thưởng Lê Văn Thiêm và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tôn vinh là gương nhà giáo điển hình tiên tiến ngành Giáo dục, tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, năm 2020.
Dường như để bù cho quãng thời gian đi đường vòng mới chọn đúng nghề, thầy giáo Liên dồn toàn bộ tâm sức cho công việc dạy học. Ngoài giảng dạy trong nhà trường, thầy Liên còn tham gia dạy từ thiện cho học sinh nghèo tại chùa Biện Sơn (Yên Lạc). Năm học nào thầy Liên cũng cần mẫn viết chuyên đề, sáng kiến chia sẻ kinh nghiệm về toán học với học sinh, giáo viên cả nước. Dù đã tới tuổi được nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng “còn sức khỏe thì chưa hưu tinh thần”, thầy Liên vẫn nhiệt tình tham gia dạy thỉnh giảng cho học sinh đội tuyển môn Toán quốc gia, quốc tế; ôn luyện cho các em học sinh có ước mơ thi vào chuyên Toán. Thầy Liên dự định thời gian tới sẽ về các trường THCS trên địa bàn tỉnh để lan tỏa tình yêu toán học tới học sinh và thầy cô giáo.
Nếu một người vượt qua mọi cản trở, bền bỉ dõi theo ai đó trong suốt cuộc đời bằng tất cả tình cảm ân cần, đấy là tình yêu sâu sắc. Nếu giữa trăm lối nghìn đường, bỏ qua an nhàn chọn đi con đường nhiều chông gai, thử thách bằng tất cả sự tận tâm, nồng nhiệt, đấy là yêu nghề mãnh liệt. Cho nên muốn biết ai đó có yêu nghề, yêu công việc của họ không, chỉ cần nhìn vào cách mà họ làm việc và gắn bó với nghề qua thước đo thời gian, năm tháng. Nhìn vào cuộc đời nhà giáo Nguyễn Duy Liên có thể khẳng định, đây là một người thầy trách nhiệm và tận tụy yêu nghề. Như con tằm nguyện cả đời rút ruột nhả tơ, như con ong tâm niệm việc của đời ong là tìm mật ngọt cho đời.
Tháng 11 năm 2022, kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Nguyễn Duy Liên vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho người thầy tâm huyết cả đời góp sức gây dựng thành tích toán học cho học sinh Vĩnh Phúc… Như con tằm nguyện cả đời rút ruột nhả tơ, như con ong tâm niệm việc của đời ong là tìm mật ngọt cho đời, thầy giáo Nguyễn Duy Liên là một người thầy trách nhiệm, tận tụy yêu nghề như thế.
N.T.T