Truyện ngắn
TRẦN ĐỨC TIẾN
Nhà thằng Đông ở cạnh nhà chú Lý. Là hàng xóm của một người đặc biệt như thế, không hãnh diện mới lạ. Chú Lý đặc biệt như thế nào, hiện giờ chỉ có bố và nó biết. Bố chẳng mấy khi chơi với đám trẻ con. Còn nó, nó giữ kín cái điều đặc biệt đó như giữ của. Phải chờ một dịp đích đáng mới mở cửa “kho báu” cho bạn bè… choáng.
Cuối học kỳ I, trong giờ Tiếng Việt, khi cô giáo dạy bài “Bình minh trên biển”, Đông mới huých nhẹ vào sườn thằng Phú:
- Chú Lý hàng xóm nhà tao đấy.
- Lý nào? - Phú, thằng bạn ngồi bên cạnh Đông ngơ ngác.
- Xuân Lý chứ Lý nào. Tác giả của bài “Bình minh trên biển” đó.
Nói xong Đông lấy móng tay vạch một đường vào dòng chữ in dưới bài văn: “Theo Xuân Lý”.
- Ông ấy là nhà văn à?
- Nhà văn gộc hẳn hoi. - Đông khẳng định.
Thực ra Đông hơi bốc. Cu cậu chỉ biết chú Lý là tác giả của “Bình minh trên biển”, một bài văn ngắn được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, ngoài ra chú còn viết gì khác thì nó chịu… À, nói cho đúng là nó chưa kịp tìm hiểu kỹ.
- Ông ấy chết rồi hả? - Phú hỏi.
Thằng Đông há hốc miệng. Câu hỏi quá bất ngờ. Bất ngờ hơn nữa là nét mặt và cái giọng tỉnh bơ của thằng bạn.
- Mày… mày… có sao không?
- Sao gì? Tao hỏi cái chú nhà văn hàng xóm nhà mày… chết lâu chưa?
Trời ạ. Quá đáng! Sao cái thằng đầu đất này lại nghĩ chú Lý đã chết? Chú ấy không những chưa chết mà còn sống khoẻ. Sáng nào chú ấy cũng chạy bộ một vòng ra biển. Xong về tưới cho mấy chậu cây. Có hôm chú còn tranh thủ phóng xe ra chợ mua thức ăn. Mấy bó rau, mấy quả bí đao, con cá, miếng thịt treo lủng lẳng. Khi thằng Đông xách cặp ra cổng, chuẩn bị leo lên xe để bố chở đến trường thì chú Lý cũng sửa soạn chở cô Hà đi làm. Cô đến cơ quan của cô. Chú đến cơ quan của chú. Nhìn thấy nó, thể nào chú cũng nháy mắt, thay cho câu chào: “Chú cháu mình đúng giờ phết”.
Có lần, bố ghé tai Đông nói khẽ: “Chú ấy là nhà văn đấy”. Ủa, nhà văn mà cũng phải dậy sớm đi chợ, nấu ăn, chở vợ đi làm à? Bố giải thích: “Không những chở vợ đi làm mà chú ấy cũng phải đến cơ quan làm việc. Chú ấy làm ở sở nhà đất. Làm để lĩnh lương, con hiểu không? Đêm đến, mọi người đi ngủ thì chú ấy mới có thời gian ngồi viết văn. Có đêm chú ấy thức đến hai giờ sáng”.
Bố tài nhỉ? Bố biết khá rõ về chú Lý. Còn Đông chả biết gì. Giờ nó mới biết chú Lý vừa là nhà văn, vừa là… nhà đất!
Nghe Đông kể sơ qua về ông hàng xóm còn sống nhăn, thằng Phú kết luận:
- Vậy là còn sống thì được vào sách!
Đến đây thì Đông cụt hứng hoàn toàn. Thằng Phú chỉ tò mò chuyện sống chết của nhà văn chứ tuyệt đối không cần biết bài văn phải hay như thế nào, đặc biệt như thế nào thì mới được tuyển vào sách cho chúng nó học. Mà lớp 3 cả nước học nhé. Ti tỉ đứa học trò lớp 3 học bài văn của một người. Người đó lại ở ngay bên cạnh nhà nó, sáng nào cũng nở nụ cười chào nó.
“Ôi chú Lý!” - Càng nghĩ, Đông càng thấy hãnh diện vô cùng. Nó hãnh diện, tự hào về chú Lý vì nó cũng đang mơ ước trở thành nhà văn như chú. Nó mà là nhà văn… Văn của nó sẽ in vào sách giáo khoa, cho… con thằng Phú học! Ha… Ha… Ha. Lúc ấy, lại chả phổng mũi lên mà khoe với con: “Ấy, cái chú nhà văn ấy ngày trước học cùng lớp với bố, ngồi ngay bên cạnh bố đấy!”.
Không biết đến ngày đó, thằng Phú có phổng mũi thật không. Nhưng hiện giờ thì thằng Đông đang ngây ngất tưởng tượng. Nhưng, vốn kín đáo, chưa ai biết ước mơ của nó, kể cả bố tài giỏi.
Vậy mà hình như chú Lý đoán ra.
Hôm đó, Đông cùng mấy thằng bạn đang chơi ngoài đường, bỗng thấy hai mẹ con con mèo. Hai mẹ con con mèo vờn nhau. Mèo con đùa nghịch, vồ đuôi mèo mẹ. Mèo mẹ âu yếm lấy chân dằn ngửa mèo con, rồi liếm láp cho con. Nhìn cảnh đó, chả hiểu sao Đông buột miệng:
- Bố nó ở miền Trung.
Rõ là bất ngờ! Mấy người lớn ngồi gần đó nghe câu nói lạ tai, ngồ ngộ, cười ầm lên. Vừa lúc chú Lý đi qua. Chú vẫy gọi Đông lại:
- Này, cháu vừa nói gì nhỉ?
Đông bẽn lẽn, tránh nhìn chú.
- Hay - chú Lý gật gù - Bố con mèo ở miền Trung. Có lý lắm.
Đông đứng im. Mãi sau này, nó mới lờ mờ hiểu vì sao bấy giờ lại bột phát nói ra câu đó. Miền Trung đang bị bão lụt tàn phá. Ngày nào trên ti vi cũng tràn ngập cảnh tượng nước dâng, lũ cuốn. Nhà cửa, trâu bò, lợn gà trôi phăng phăng theo dòng nước đỏ ngàu. Phố phường, thôn xóm bị cô lập, chia cắt. Đi không được mà về cũng không xong. Con mèo bố vắng mặt, đương nhiên là do bị kẹt ở miền Trung.
Vậy mà chú Lý nhận ra ngay: Không phải ngẫu nhiên mà thằng bé buột miệng.
- Trong đầu cháu chắc phải còn những ý tưởng rất thú vị - Chú Lý lại tấm tắc - Cháu mà viết ra khối người thích.
Vậy đó. Một câu nói đủ đánh thức một ước mơ lớn. Mà người như chú Lý đã nói thì sức khích lệ bằng cả trăm người bình thường.
Đông mơ thành nhà văn nổi tiếng. Nó bắt đầu ngấm ngầm tính xem nên làm gì để thực hiện mơ ước. Phải có tác phẩm, mà là tác phẩm hay thì mới gọi là nhà văn. Giờ nó học lớp 3, viết chính tả còn chưa giỏi, tác phẩm ở đâu ra. Nhưng chả lẽ đã quyết rồi lại còn chần chừ. Vậy là việc đầu tiên, cu cậu nghĩ, phải chọn được cái “bút danh” thật oách.
Chú Lý “vĩ đại”, mà cái bút danh lại quá bình thường. Xuân Lý. Đầy các ông nhà văn nhà thơ xưa nay đã “xuân” rồi, đến lượt chú lại “xuân”. Viết văn là công việc cả đời. Chả nhẽ đến lúc râu dài tóc bạc vẫn nhận mình “xuân” thì buồn cười chết. Nó mà tên Lý như chú, nó sẽ lấy bút danh là Thiên Lý, Chân Lý, Công Lý, Vạn Lý… hay bét ra cũng phải Đại Lý chứ dứt khoát không giẫm lên vết chân thiên hạ.
Nhưng nói chung - Đông lại nghĩ - không nên dùng tên thật làm bút danh. Nó biết tên thật của chú Lý là Trần Xuân Lý. Chú chỉ việc bỏ bớt chữ Trần. Quá đơn giản. Ví như nó là Vũ Đình Đông, bỏ Vũ, còn Đình Đông. Đình Đông! Đình Đông... Nghe như tiếng chuông đồng. Kêu phết. Nhưng chẳng có nghĩa gì.
Một cái bút danh vừa kêu vừa có ý nghĩa, không dễ tí nào. Vinh Quang. Thành Đạt. Toàn Thắng. Chính Nghĩa. Quyết Tiến… Lần lượt từng cái, kêu và ý nghĩa, diễu qua đầu thằng Đông. Nhưng cái nào cũng chỉ trụ được một vài phút, rồi bị nó loại bỏ. Cái thì kêu điếc tai. Cái thì quá quen dùng. Đến đây, có lẽ vì phải nghĩ nhiều quá, so đo nhiều quá, nó ngả đầu xuống bàn. Định bụng thư giãn tí rồi nghĩ tiếp, không ngờ lại thiếp đi.
Bạn có tin đôi khi, những giải pháp hay nhất, những phát kiến quan trọng nhất sẽ không đến với bạn trong những lúc suy nghĩ tỉnh táo mà bất ngờ xuất hiện trong giấc mơ không. Nó giống như món quà tặng không nhằm vào dịp kỷ niệm hay lễ lạt nào. Thú vị vô cùng.
Lần ấy, trong giấc ngủ gục, Đông mơ thấy một ông thần.
- Ta là Thần Đặt Tên - Giống như trong bài tập làm văn, ông thần vào thẳng phần “thân bài”, bỏ qua phần “mở bài” - Chuyên trị đặt tên cho những đứa mới đẻ.
Nghe vậy, Đông hơi bối rối:
- Ơ… Ơ… Thế ạ? Cháu đã lên 9… Nhưng gặp ông cũng may…
- Hả? Vậy nhà ngươi cần gì?
- Cháu cần một cái bút danh - Đông nói, không tự tin lắm.
- Bút danh? Cũng là tên - Thần tặc lưỡi - Khác gì tên thằng nhóc bú mẹ. Thế ngươi là nhà nghiên cứu khoa học hay là nhà báo, là người viết tiểu thuyết, làm thơ?
Nghe thần hỏi, Đông lại lúng túng. Nó chưa là nhà gì hết. Mới đang định. Chính xác là đang mơ. Nhưng đến nước này thì đánh liều:
- Cháu là nhà văn.
- Nhà văn? Ngần này tuổi? Khí sớm. Vậy ngươi cũng là thần chứ đâu phải người?
Đông chưa kịp hiểu thì Thần Đặt Tên cười phá lên: Ha… Ha… Ha.
Dứt tràng cười, ông nói:
- Thần đồng! Như cái cậu gì… “cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”(*) ngày trước ấy.
“Thuộc thơ gớm” - Đông nghĩ nhanh. Nhưng nó không làm thơ. Nó chỉ viết văn xuôi như chú Lý. Nó cần một cái bút danh cho người viết văn xuôi.
- Nhà ngươi họ tên đầy đủ là gì?
- Thưa ông, cháu là Vũ Đình Đông.
- Vũ Đình Đông… Vũ Đình Đông…
Ông thần lẩm nhẩm cái tên một hồi, chợt reo lên:
- Trời! Dễ ợt. Vậy mà cũng phải nhờ. Hàng xóm nhà ngươi có tay Trần Xuân Lý. Hắn viết văn, lấy bút danh là Xuân Lý?
- Dạ đúng. Nhưng…
- Khoan. Nghe đã. Ta không xúi nhà ngươi lấy bút danh Xuân Đông đâu. Đình Đông cũng dẹp. Nhưng phải công nhận cái tay Xuân Lý ấy rất thành công, đúng không?
- Đúng quá chứ ạ!
- Mà hắn chỉ có một mùa.
Nhìn vẻ ngơ ngác của Đông, Thần Đặt Tên lại phá lên cười:
- Thì đó. Xuân Lý! Mới có mỗi mùa Xuân. Ngươi thì đã có sẵn một mùa Đông rồi. Còn hai mùa nữa, sao không lấy nốt.
- Ông nói gì, cháu chưa hiểu.
- Xí nốt hai mùa đi. Hạ Thu Đông! Hiểu chửa. Thành công gấp bội. Sách giáo khoa chưa phải là đỉnh cao. Hiểu chửa. Hạ Thu Đông, Hạ Thu Đông…
Thần Đặt Tên có vẻ khoái trá với cái bút danh vừa nghĩ ra tặng Đông. Ông rùng mình, biến thành làn khói đen, rồi mất hút. Y hệt Thần Đèn chui tọt vào đèn.
Đông tỉnh ngủ. Hạ Thu Đông! Hạ Thu Đông! Mấy tiếng đó cứ lặp đi lặp lại, vang vang trong đầu. Ba mùa liền. Quá đã. Bút danh của nó là Hạ Thu Đông.
Cảm ơn ông Thần Đèn, í lộn, Thần Đặt Tên.
Thường, các nhà văn trên thế giới phải viết được tác phẩm thì mới cần bút danh. Thằng Đông hơi ngược đời. Bút danh đi trước, văn lội nước theo sau. Ô, nhưng không sao. Năm nay cậu chàng mới 9 tuổi, học lớp ba. Còn quá nhiều thời gian phía trước để thực hiện mơ ước.
T.Đ.T
(*) Thơ Trần Đăng Khoa, người từng được mệnh danh là Thần đồng thơ.