2021, năm Tân Sửu với biểu tượng con trâu
Ngày đăng: 05/05/2022; 119
NGUYỄN QUÝ ĐÔN
 
Những con vật được con người nuôi trong nhà để sử dụng đặc tính của chúng hoặc làm ra của cải vật chất, chữ Nho gọi những con vật ấy là SÚC (畜). Những con vật mang tính hoang dã như chuột, khỉ hay những con vật gắn với con người được tôn vinh tới mức linh thiêng, đặt trong tâm linh và dùng để hiến tế, chữ Nho gọi những con vật ấy là SINH (牲). Phương Đông dùng 12 con vật là chuột, trâu, hổ, mèo (hoặc thỏ), rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, lợn làm biểu tượng cho từng năm để xét đoán vận hội cuộc sống và nhận định số mệnh mỗi người. Những con vật ấy gọi là SINH TIÊU (牲 僄).
Phương Tây dùng các chòm sao làm biểu tượng cho từng tháng. Khoa chiêm tinh xem các vì sao để nghiên cứu thời vận và xét đoán số mệnh con người.
- Tháng Giêng có chòm sao Bảo Bình, mang biểu tượng con người đang ngồi nghỉ.
- Tháng Hai có chòm sao Song Ngư, mang biểu tượng hai con cá nằm tráo đầu đuôi.
- Tháng Ba có chòm sao Dương Cưu, mang biểu tượng con cừu đực.
- Tháng Tư có chòm sao Kim Ngưu, mang biểu tượng con bò tót.
- Tháng Năm có chòm sao Song Nam, mang biểu tượng đứa trẻ sinh đôi.
- Tháng Sáu có chòm sao Bắc Giải, mang biểu tượng con cua.
- Tháng Bảy có chòm sao Hải Sư, mang biểu tượng con sư tử.
- Tháng Tám có chòm sao Xử Nữ, mang biểu tượng cô gái trinh bạch.
- Tháng Chín có chòm sao Thiên Xứng, mang biểu tượng cái cân.
- Tháng Mười có chòm sao Hổ Cáp, mang biểu tượng con bọ cạp khổng lồ.
- Tháng Mười Một có chòm sao Nhân Mã, mang biểu tượng con vật nửa người nửa ngựa.
- Tháng Mười Hai có chòm sao Nam Dương, mang biểu tượng con dê núi.
Cách xem tháng, năm của người phương Đông hay người phương Tây, về cơ bản vẫn giống nhau. Họ căn cứ vào sự chuyển dịch của các hành tinh trong quỹ đạo mặt trời. Mỗi chòm sao là mỗi cung, cũng như mỗi năm là một vòng quay của thiên thể, có ảnh hưởng nhất định tương ứng tính cách, khí chất của con người ra đời hoặc vận mệnh xã hội trong khoảng thời gian thuộc cung ấy hay năm ấy.
Đối với phương Đông, năm 2021, mang SINH TIÊU con trâu. Tên chữ Nho của con trâu là THỦY NGƯU (水 牛), trâu đực là ĐẶC (特), trâu cái là TỰ ( 牸), trâu nghé là ĐỘC (犢), đều có bộ NGƯU (牛) để trỏ.
Theo Âm lịch, năm 2021, ứng vào năm TÂN SỬU (辛 丑), mang SINH TIÊU con trâu.
Chữ TÂN (辛) đứng thứ 8 trong thiên can, gồm chữ LẬP (立) nghĩa là dựng, là đứng, là làm được, đặt trên chữ THẬP (十) là mười, là nhiều, là khắp cả. Hàm ý: “Dù gian khổ, khó khăn đến đâu vẫn vượt qua và lập được chiến công”.
Chữ SỬU (丑) đứng thứ 2 trong địa chi, trông tương tự chữ “Đ” của tự mẫu La tinh, phụ âm đầu các từ: Đạt, Đỗ, Đúng, Được... chữ SỬU nom gần giống chữ ĐÁN (旦), mang hình tượng mặt trời (Nhật: 日) mới nhô lên khỏi mặt đất (nét ngang -), hứa hẹn một ngày nắng đẹp, trong sáng.
Chữ NGƯU (牛) là trâu được viết theo lối tượng hình. Bằng bốn nét đơn giản: Phảy, gạch ngang, gạch ngang nữa, sổ, cổ nhân đã phác họa thành con trâu có đủ sừng, đầu, thân mình, bốn chân và đuôi, thật cân đối với đặc tả.
Tiền thân của con trâu vốn là Ngưu Thần, một viên quan nhỏ ở thiên cung, rất mực chăm chỉ, liêm chính, có tinh thần trách nhiệm. Ngưu Thần giữ việc kết nối giữa Trời, Đất và Người. Một hôm, người phàn nàn với Ngưu Thần: “Trời mưa thì đất trơn trượt. Trời nắng thì đất khô rang, chẳng có gì che phủ cả”. Ngưu Thần báo cáo ngay với Ngọc Hoàng. Thiên đình đồng ý phái Ngưu Thần xuống trần gian gieo hạt giống cỏ. Dặn rằng, cứ ba bước chân mới rắc một rúm hạt. Ngưu Thần mừng quá, hấp tấp nên bị vấp ngã. Hạt cỏ vung vãi khắp nơi, mọc lên chen lấn cả lúa, ngô, khoai, sắn, trùm lấp cả ao hồ, sông suối, khiến cây cối không ra hoa, kết quả được. Ngọc Hoàng giận quá, bắt trâu và con cháu đời đời, kiếp kiếp phải ra sức ăn cỏ, giúp nông dân trừ cỏ dại, đồng thời làm lực lượng chủ yếu bới đất lật cỏ, cày bừa ruộng đồng cho nông dân cấy lúa, trồng hoa màu. Trâu được loài người ca ngợi đủ điều, hay dùng hình tượng trâu để ví von, so sánh, như: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, “Ruộng sâu trâu nái”,... Loài người sáng tác ra những bài ca dao để động viên, an ủi trâu:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa có bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”...
Họ coi trâu như người bạn đồng hành thân thiết:
“Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu...
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”.
Sách giáo khoa bậc tiểu học có bài nói về việc “Chăn trâu”, các cụ già tám, chín mươi tuổi đến bây giờ vẫn nhớ: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che ngất nghểu, ngồi trên mình trâu. Tai nghe chim hót, trên cành cây mát, mắt trông bướm lượn trong khoảng trời xa. Tưởng còn gì vui thú cho bằng?”.
Làng Đông Hồ còn có ván khắc tranh con trâu, năm nào các nghệ nhân cũng in tranh bán tết, nét vẽ tuyệt đẹp, sắc màu rực rỡ, làm thành một di sản văn hóa Việt Nam có tiếng tăm trên thế giới.
Nhưng trâu có nhược điểm chậm chạp, ít linh hoạt sáng tạo, nên người có những câu phê bình: “Trâu lấm vẩy càn”, “Đàn gảy tai trâu”, “Trâu buộc ghét trâu ăn”, “Trâu trắng đi đâu mất mùa đấy”, “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”, “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, “Trâu tìm cọc chứ cọc không tìm trâu”, “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn”.
Nhà thơ Nguyễn Du (1766 - 1820) cũng có lúc lấy hình ảnh con trâu để chỉ bọn hung ác:
“Người nách thước kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi”
                                 (Truyện Kiều)
Nhưng rồi, Nguyễn Du cũng ca ngợi tính nhẫn nại, kiên trì và chung thủy của trâu:
“Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”
                                    (Truyện Kiều)
Con trâu được Ngọc Hoàng Thượng đế chọn làm SINH TIÊU, ứng vào năm Sửu. Do kết hợp với THIÊN CAN nên có những năm Sửu trong Lục Thập Hoa Giáp khác nhau.
- Ất Sửu: Trâu giữa biển, thuộc mệnh kim (người sinh năm 1925, 1985)
- Đinh Sửu: Trâu trong hồ, thuộc mệnh thủy (người sinh năm 1937, 1997)
- Kỷ Sửu: Trâu trong rào, thuộc mệnh hỏa (người sinh năm 1949, 2009)
- Tân Sửu: Trâu giữa đường, thuộc mệnh thổ (người sinh năm 1901, 1961)
- Quý Sửu: Trâu trong chuồng, thuộc mệnh mộc (người sinh năm 1913, 1973)
Vĩnh Phúc khi xưa thuộc vùng đất Phong Châu, nơi sinh tụ đầu tiên của người Lạc Việt. Cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, do đó, rất gắn bó với con trâu. Làng Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có tục kiêng ăn thịt trâu, bò. Theo sách lịch sử làng ghi lại thì trâu, bò đã từng cho sữa để bà Dưỡng nuôi hai em là ông Bạc và ông Bỉnh đến độ trưởng thành. Sau này cả ba chị em bà Dưỡng đều theo cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đánh đuổi quân Tô Định, giải phóng thành Luy Lâu, xây dựng kinh đô Mê Linh.
Vĩnh Phúc có tục rước trâu xuân. Con trâu được gắn một bông hoa bằng lụa đào trên trán, đi giữa những hàng cờ ngũ sắc tung bay. Bên cạnh tục rước trâu xuân, lại có hội thi trâu khỏe, thi trâu đẹp. Những con trâu lực lưỡng, da đen hồng, cày khỏe, lội dưới bùn băng băng, thường là những con trâu trúng giải. Hội chọi trâu nổi tiếng, nay vẫn còn tồn tại ở làng Bạch Lưu Hạ, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô). Sách “Đại Nam nhất thống chí” kể lại: “Làng Bạch Lưu Hạ, huyện Lập Thạch, hằng năm nuôi 20 con trâu, cứ ngày 18 tháng Giêng hoặc ngày 28 tháng Chạp, lập đàn tế thần ở ngoài nội, cho trâu uống rượu rồi thả vào bãi rộng có tường rào xung quanh, cho trâu chọi nhau. Con trâu nào thua thì bị giết thịt để tế thần”.
Sách “Địa chí tỉnh Vĩnh Yên” của Lốt-tơ-rê (Loteger) xuất bản năm 1993 cũng viết: “Làng Bạch Lưu Hạ, huyện Lập Thạch có hội chọi trâu vào ngày 18 tháng Giêng và 28 tháng Chạp âm lịch. Hội chọi trâu được tổ chức để kỷ niệm thành hoàng làng là Lã Công Lộ tức Lữ Gia, tể tướng nước Nam Việt thời nhà Triệu. Người có công chống giặc Tây Hán, bảo vệ biên cương.
Cứ 3 năm, xã Bạch Lưu tổ chức hai hội chính, một hội phụ. Hai hội chính vào tháng Chạp, một hội phụ vào tháng Giêng...”.
Xã Thanh Trù (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), ở bên cạnh Đầm Vạc, có đền thờ “Trinh Uyển linh từ” tục gọi là đền Bà (thờ nữ tướng Thanh Nương thời Hai Bà Trưng). Xưa có con trâu điên do hồn ma Lưu Long (tướng nhà Hán) nhập vào, phạm tội giày xéo và húc mộ bà Trinh Uyển. Dân làng bèn hò reo, mang gậy gộc, dao búa xông tới để trừng trị con trâu hỗn láo. Từ đó, năm nào, người Thanh Trù cũng diễn lại tích ấy. Lâu dần thành tục “đâm trâu”. Người ta ăn miếng thịt trâu một cách ngon lành, có cảm giác đã “xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu” được bọn xâm lược nhà Đông Hán để trả thù cho nữ tướng của Hai Bà Trưng. Ở làng Đồng Vệ, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) còn có hội diễn “Trâu rơm, bò rạ”. Con trâu được kết bằng rơm, to và giống như con trâu thật, được mang ách kéo, cày giữa sân đình, sân miếu để tế lễ...”.
Nhìn chung, lễ hội rước trâu, thi trâu, chọi trâu, đâm trâu ở Vĩnh Phúc đều là những sáng tạo văn hóa mang tinh thần chiến đấu và sản xuất tích cực, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù bọn xâm lược sâu sắc của Nhân dân ta tự ngàn xưa.
 
N.Q.Đ
 

 

Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:
Danh sách tin tức - bài viết

Hệ thống văn bản

Thư viện Video

Khai mạc Triển lãm Gốm và Sách với chủ đề “Lửa ấm làng quê”
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại Vĩnh Phúc - Bản hòa âm đất nước
Truyện ngắn: Trên chuyến tàu đêm - Tác giả: Minh Ánh
Gặp gỡ tác giả bài xẩm: Vĩnh Phúc tang tình
Bến trăng - Nhạc: Minh Đoàn, thơ: Hải Thanh, trình bày: Anh Tuấn
Truyện ngắn: Người vắng mặt của nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương
Truyện ngắn: Khoảng trời riêng; Đồng tiền rách của nhà văn Xuân Mai
Khát vọng phát triển: Vĩnh Phúc - khát vọng phồn vinh
Vĩnh Phúc khát vọng phồn vinh
Nét xưa Vĩnh Phúc
Văn Học Nghệ Thuật - Nơi Lưu Giữ Những Đời Văn
Báo cáo Tổng kết Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc 2018- đầu 2019
Triển lãm Mỹ thuật Trẻ Vĩnh Phúc tại Hội Văn Học Nghệ Thuật Vĩnh Phúc