Truyện ngắn
HƯƠNG NGHĨA
Cái Hà từ đâu ào vào nhà tôi:
- Này, cơm tối xong, tập trung tại nhà chị Mẫn nhé.
Nó nói gọn lỏn, tôi chưa kịp trả lời thì thoắt một cái đã lao ra ngoài, rồi oai oái với sang bên kia:
- Cô Hương ơi! Tối nay, chị em mình hội ý xóm về tinh thần ngày mùng 8 tháng 3 nhé!
Xóm tôi chỉ có hơn mươi nóc nhà, nhưng năm nào chuẩn bị tới ngày mùng 8 tháng 3 cũng thật náo nức. Trước ngày ấy, chị em trong xóm có mặt tại nhà chị Mẫn hội ý nhiều vấn đề: Nào là việc tổ chức ra sao? Ăn uống thế nào? Liên hoan thì đặt cỗ hay tự nấu… Ngoài hội ý việc chính, chị em tôi còn tập trung vào chủ đề phụ, ấy là: Kể tội các ông chồng và bàn cách làm thế nào để vùng lên chiến thắng các ông ấy. Cuối cùng, kết luận bằng nghị quyết không văn bản nhưng được thống nhất tuyệt đối: Tinh thần mùng 8 tháng 3, cứ như thế mà tiến hành.
Hôm nay cũng vậy, vừa cơm nước xong, tôi thét thằng cu lớn: “Rửa bát cho mẹ” rồi vội vàng sang nhà chị Mẫn. Cứ tưởng mình đến sớm, ai dè tới nơi, mọi người đã có mặt đông đủ. Khác mọi năm, chủ đề chính được hội ý chớp nhoáng, tất cả đều nhất trí. Chủ đề phụ thì được thảo luận sôi nổi hơn.
Cô Hiển đề cập đầu tiên:
- Đúng rồi các chị ạ. Mình phải có ngày mùng 8 tháng 3 để ăn chơi thỏa thích chứ cứ cắm đầu, cắm cổ vào phục vụ các lão ấy, rồi các lão ấy có coi mình ra gì đâu. Như em đây này, quanh năm vất vả, thế mà hôm nọ mệt quá, bảo lão chồng cắm hộ nồi cơm thì lão ấy bảo: “Tôi còn mệt hơn cô!”. Các chị thấy có bực mình không.
- Úi giời, cái ông nhà này thì có hơn gì, một năm giặt hộ vợ được hai cái áo thì càu nhàu cả buổi. Giặt xong, áo trắng thành áo vàng. Thà mình cố phẩy tay một cái… - Chị Luyến vừa nói vừa vung tay.
- Anh nhà em cũng lười lắm, gì cũng vợ. Ấy thế mà hàng xóm, láng giềng, ai có việc, ới một cái là vội vàng đi ngay. Chỉ được cái ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Làng xã người nào cũng khen, nhưng đối với vợ con thì… Mệt lắm ý. - Cô Mơ vừa kể tội chồng, vừa thở dài đánh sượt nghe mà não ruột.
- Thôi, trông chờ gì vào các ông ấy. Ông nào không rượu chè thì cũng toàn chất kích thích vào người nên… Nghĩ đến mà vẫn tức anh ách đây này. Phu quân nhà này, tối qua, quá chén ở đâu về, vừa đến sân đã “choảng” ra một đống, rồi “uỵch” một cái. Không có vợ, có mà ra nghĩa địa rồi. Thế mà miệng vẫn lảm nhảm: “Tao đây… thông… thông bao giờ… thay né… thằng nào… uống rệu mà… thay là… vớt né...”. Khổ thế đấy. Xem ra, ở đây chỉ có cô Hương là may mắn nhất, lấy được chồng vừa hiền, vừa ngoan, vừa làm ra tiền, lại yêu vợ hết mực cô Hương nhỉ! - Chị Ngọc vừa dứt lời thì Hương đã buồn thiu:
- Cũng chả biết thế nào các chị ạ. Chồng em thì đúng là vừa đẹp trai, tính lại hiền, biết chiều vợ, thương con, còn làm ra tiền nữa. Trước thì không sao, nhưng dạo này anh ấy khác lắm. Lúc nào cũng điện thoại với nhắn tin. Em có hỏi thì anh ấy bảo: “Trao đổi công việc”. Nhưng công việc gì mà cả trưa lẫn tối? Điện thoại đến lại cứ lấm la lấm lét. Có lúc còn chạy cả vào nhà vệ sinh để nghe. Em nghi lắm. Không nhẽ lại đi rình…
- Ối thế thì phải để ý đấy, không khéo chú ấy lại đổ đốn thì khốn… Như nhà cái chị Lan ở xóm Chùa ấy. Chồng vừa lôi về cho đứa con đấy. Đến khổ… Đàn ông ra ngoài chẳng biết thế nào mà lần… - Chị Ngọc nói thêm.
Cuộc thảo luận càng lúc càng sôi nổi, mọi ông chồng gần như lần lượt được lôi ra, cứ đà này chắc hết đêm mất. Tôi cũng muốn góp lời lắm, nhưng thấy dạo này lão chồng tôi hình như có vẻ lại ngoan hơn. Hôm trước, lão còn biết dùng lời lẽ nịnh vợ khôn khôn là. Lão bảo:
- Mẹ nó ạ, nhiều lúc anh cũng không phải với em và các con, nhưng mẹ nó thông cảm cho anh. Vợ chồng có gì đóng cửa bảo nhau, chứ đừng đem ra hàng tổng, chẳng hay ho gì. Nghĩ thế tôi lại thấy thương, nên thôi, tha cho lão ấy.
Đang định nói một câu để kết thúc cuộc thảo luận, nhưng tôi chưa kịp lên tiếng thì đã thấy cái Hằng đứng lên. Hằng là bạn thân của tôi với cái Hà từ thời cấp một, giờ ba đứa lại lấy chồng chung xóm. Hằng là đứa thùy mị, nết na, mọi chuyện đều suy nghĩ trước sau, giải quyết các vấn đề thấu tình, đạt lý chứ không láu táu như Hà hay bộp chộp như tôi, nhất là cái khoản buôn dưa lê, nói xấu chồng thì chẳng khi nào Hằng đóng góp, cho nên các ý kiến mà Hằng đưa ra hầu hết đều được mọi người hưởng ứng và ủng hộ. Hôm nay cũng thế, nó nhẹ nhàng:
- Thôi các chị ạ! Nói gì thì nói chứ chị em mình mà không có các anh ấy là cũng gay go lắm đấy. Bây giờ mà có lệnh bắt tất cả cùng đổi chồng thì chắc gì có ai chịu? Mà thiếu các anh ấy mấy ngày thử xem. Như em đây này, vặn cái vòi nước không được cũng phải chồng ra tay, thế mà… Đành rằng, đôi lúc các anh ấy cũng hơi lười nhác. Nhiều anh tính còn bảo thủ, gia trưởng, nhưng xét cho cùng, không như thế lại không phải là đàn ông. Cũng như chúng mình thường mắc chứng nói nhiều và hay kể tội chồng ý. Còn các anh ấy, tụ tập thì tụ tập thật, nhưng chỉ là chén chú, chén anh rồi nói chuyện trên trời dưới bể, chứ có thấy ông nào lôi vợ ra kể tội đâu.
Nghe Hằng nói vậy, cuộc thảo luận đang sôi nổi bỗng trầm hẳn.
- Ừ mà thế thật đấy, như cái lão nhà chị ý, lúc say thì thế, chứ lúc tỉnh ấy à, mình chịu khó nịnh một tí thì cũng nhàn thân lắm… Nhưng khốn nỗi, vợ chồng chứ có phải hàng xứ đâu mà lúc nào cũng phải nịnh với nọt, ngọt với ngào… - Nghe chị Hiển ca cẩm, Hằng bật cười, nói tiếp:
- Khuyết điểm lớn nhất của chị em mình là ở chỗ ấy đấy. Cứ nghĩ là vợ chồng rồi thì không cần phải câu nệ trong lời nói. Nhưng nghĩ lại, ngày xưa các cụ dạy rất đúng: Lời nói chẳng mất tiền mua. Công, dung, ngôn, hạnh vẫn phải đặt lên hàng đầu. Chị em mình còn thích ngọt ngào nữa là... Không chỉ các ông chồng thời nay, mà chính chúng mình cũng muốn sau này có những cô con dâu biết lo toan cho gia đình, biết cách ứng xử tế nhị trong lời nói, trong việc làm, trong quan hệ với chồng con, gia đình và xã hội.
- Biết thế, nhưng mà có phải ai cũng làm được như thế đâu? Phụ nữ mình thì trăm công, nghìn việc… Có đến vài chị chép miệng.
- Nhưng đây là điều rất cần thiết đấy các chị ạ. Muốn giải phóng cho bản thân thì mình phải biết sắp xếp thời gian, học tập, giao tiếp, rèn luyện các kỹ năng và nhất là phát huy được được đức tính tốt đẹp của chúng mình. Lạt mềm buộc chặt, thế nào các anh ấy chẳng chiều chuộng, yêu thương chị em mình hơn. Đàn ông ai chẳng thích được vợ động viên, khích lệ kịp thời, lại ăn nói dịu dàng, dễ nghe. Chứ lúc nào chúng mình cũng nặng về chỉ trích, kể tội các anh ấy thì làm sao các anh ấy chịu chia sẻ công việc gia đình, tạo điều kiện cho chị em mình tiến bộ được. Nếu chúng mình có đầy đủ các kiến thức để xây dựng một gia đình hạnh phúc và hết lòng quan tâm, chăm sóc các anh ấy thì dù các anh ấy có đi đâu, về đâu cũng không bao giờ quên vợ, quên con, phải không các chị? Phải không cô Hương? - Hằng nói.
Hương đang ỉu xìu, nét mặt bỗng tươi tắn hẳn lên. Thấy vậy Hằng tiếp tục:
- Chính vì thế mà bây giờ, thay cho thời gian kể tội chồng, chị em mình sẽ cùng nhau giao lưu, trao đổi các kỹ năng, kiến thức cần thiết, nâng cao vai trò, vị trí của mình để xây dựng gia đình và xây dựng quê hương… Lúc đó thì ngày nào cũng là ngày mùng 8 tháng 3 đấy các chị ạ.
Hằng vừa dứt lời, một tràng pháo tay vang lên rộn rã. Cuối cùng, Hằng hiến kế:
- Còn mấy ngày nữa mới tới ngày mùng 8 tháng 3, đề nghị các chị em xóm ta hãy thay đổi cách cư xử với các đấng phu quân để xem…
- Thay đổi bằng cách nào? Tất cả nhao nhao.
- Thế này… Thế này…
Ấy thế mà sự thay đổi của chính chúng tôi lại mang đến một kết quả trên cả tuyệt vời. Đúng ngày mùng 8 tháng 3, chị em chúng tôi phấp phới trong những tà áo dài, không phải tất bật tự lo cho mình như những năm trước. Còn tất cả các đấng phu quân, sau khi tặng cho vợ mình những bó hoa tươi thắm thì cùng ới nhau đeo tạp dề vào bếp. Chúng tôi đã có một buổi liên hoan tưng bừng do chính tay các ông chồng nấu nướng, sửa soạn. Hôm ấy, các bà, các chị xóm tôi phấn khởi lắm, nét mặt ai cũng tươi như hoa, xúm nhau lại hân hoan:
- Đấy! Ai bảo là các anh ấy không đáng yêu cơ chứ. Chị em mình hãy cố gắng biết cách làm cho các anh ấy thay đổi. Mà nói vụng sau lưng các anh ấy thôi: Chúng mình cũng không thể nào mà không có các anh ấy được, như nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã thú nhận thay cho toàn phái nữ: “… Thú thực là chúng tôi cũng không sống được/ Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà”.
Và các anh đã làm cho ngày mùng 8 tháng 3 với chị em tôi thật ý nghĩa. Tôi tin rằng, từ nay về sau, phụ nữ xóm tôi sẽ có những ngày mùng 8 tháng 3 thật nhiều niềm vui, ngập tràn hạnh phúc bởi sự thay đổi của chính bản thân mình.
H.N