BÌNH SƠN
Kỳ I.
Cấp sắc là một nghi lễ tối quan trọng trong cuộc đời người đàn ông dân tộc Dao. Với người Dao quần chẹt ở làng Thành Công (xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), cấp sắc là một lễ thành nhân, chứng nhận sự trưởng thành của một nam nhân; đồng thời cũng là một nghi lễ thụ giới tôn giáo, với sự kết hợp giữa đạo giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào.
Người Dao ở Việt Nam có nhiều ngành, tộc. Đồng bào Dao cư trú tại Vĩnh Phúc thuộc ngành Dao quần chẹt (còn có tên gọi là “Mán sơn đầu”)* với gần 240 hộ và khoảng 800 người (đứng thứ ba trong tỉnh Vĩnh Phúc về dân số các tộc người thiểu số ở Vĩnh Phúc). Đồng bào định cư tập trung trên sườn núi Tẩm Bầu (tiếng Dao: Bọ Hăng Ton, còn gọi là núi Lang) cao khoảng 660m so với mặt nước biển, thuộc sơn hệ Sáng Sơn) tại làng Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô. Tên gọi “Dao quần chẹt” bắt nguồn từ đặc điểm chiếc quần của người nữ được thiết kế ống hẹp, bó sát chân người mặc.
Trải một vòng đời, đồng bào Dao có nhiều nghi lễ, lễ hội. Người Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) cũng vậy. Trong đó, cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời mọi nam nhân trong làng.
Người Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) quan niệm: lễ cấp sắc (còn gọi là “lên đèn’, “chẩu đàng”, “làm đường”, “quá/quả tăng”, chàay phí đàng, đặt tên âm…) là nghi lễ bắt buộc để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông Dao quần chẹt. Với lễ cấp sắc, người thụ lễ sẽ được nhận tên thánh, khi còn sống sẽ được làng tộc công nhận là một con người đã trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt, sẽ có đủ uy lực để thống lĩnh âm binh, bảo vệ con cháu, gia đình; khi tạ thế, linh hồn được về Dương Châu, đoàn tụ với tổ tiên. Đồng thời, nghi lễ này còn là dịp để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn các vị thần linh, tổ tiên, Bàn Vương đã phù hộ, che chở cho con cháu, dân làng được bình an, mạnh khỏe, no ấm, hạnh phúc… Cũng thông qua nghi lễ, hướng con người tới những điều thiện lành, những giá trị nhân văn, tốt đẹp.
Đồng bào Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) luôn tin rằng: khi có thêm một người đàn ông trong làng được cấp sắc thì không chỉ riêng người đó nhận về niềm vinh dự mà đó còn là niềm tự hào chung của gia đình, dòng tộc. Bởi lẽ, chỉ khi nào gia đình hội đủ mọi điều kiện, chỉ khi người đàn ông trong gia đình đã hội đủ tiêu chuẩn theo quy định của làng tộc (đã trưởng thành, đã có vợ con, gia đình riêng, có cuộc sống no ấm…) thì mới được tổ chức và tổ chức được lễ cấp sắc. Và cũng chỉ khi nào lễ cấp sắc được tổ chức thành công thì bên cạnh việc có thêm một người đàn ông trong gia đình được công nhận trưởng thành; gia đình người đó mới được nhận thêm về niềm tự hào, rằng đã có thêm một con người hoàn thiện, là trụ cột cho gia đình, dòng họ, cho làng bản.
Thông qua lễ cấp sắc, với 10 độ, 10 điều răn, 10 điều kiêng cấm, 10 lời thề được các ông thầy truyền dạy cho người thụ lễ mang ý nghĩa giáo dục, khuyên răn con người biết sống ngay thẳng, dũng cảm, không ham mê sắc dục, không vụ lợi, sẵn sàng giúp đỡ người khác... người Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) giáo dục con cháu hướng tới sự thiện lương, nhân văn, luôn nhớ về cội nguồn, gốc tích.
Lễ cấp sắc còn là dịp để cộng đồng dân làng tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cá nhân với cá nhân, giữa các gia đình, dòng tộc, làng xóm trong cộng đồng.
Cùng các nghi thức, nghi lễ, là các vũ điệu dân gian, âm nhạc dân gian truyền thống được đồng bào sử dụng trong suốt quá trình hành lễ. Vì thế, lễ cấp sắc không chỉ là một hệ thống các nghi lễ mang tính tín ngưỡng, tâm linh gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào; mà còn là một tập tục giàu ý nghĩa, góp phần đắc lực duy trì, bảo tồn di sản văn hoá tâm linh, tín ngưỡng độc đáo, đặc sắc của các ngành, tộc người Dao tỉnh Vĩnh Phúc cũng như trên cả nước.
Lễ cấp sắc của đồng bào Dao quần chẹt Thành Công (Vĩnh Phúc) thường được tiến hành vào cuối năm - dịp nông nhàn - khi con người thảnh thơi và trời đất cũng ôn hoà hơn cả. Muốn được cấp/ nhận “sắc”, người thụ lễ phải trải qua một hệ thống những nghi lễ do các thầy cúng tiến hành. Những nghi lễ này được thực hiện trong một “không gian thiêng”, “thời gian thiêng” với sự chứng kiến của các bậc thần linh và cộng đồng làng tộc, gia đình, thân hữu...
Thành phần chính thực hiện lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt làng Thành Công, gồm:
- Thầy cúng (tiếng Dao: saay ông): 15 người, trong đó, có 7 thầy chính:
+ Thầy Cả (tiếng Dao: diền chải saay) - người chuyên trông coi các lễ vật và thực hiện các lễ cúng ma nhà (ma nội);
+ Thầy Hai (tiếng Dao: chì chiểu saay) - ông thầy chuyên trông coi đảm nhận việc cúng ma ngoài (ma ngoại), gồm: thần trời, thần đất, thần sông, thần suối, thần mưa, thần sấm sét…), phụ trách việc nhảy múa, tế lễ, khao quân… đồng thời truyền dạy mọi kiến thức cho con hương;
+ Thầy Ba - thầy chính minh (tiếng Dao: chềnh mềnh saay): Người chứng kiến buổi lễ; chuyên ra câu đố (theo lối đố tục giảng thanh), bảo ban con hương những điều kiêng kỵ, giúp con hương luôn được thanh tịnh, minh mẫn để có thể tiếp nối công việc của thầy…;
+Thầy Tư - thầy khai đàn (tiếng Dao: khoi tàn, pù cấy saay): Người diễn xướng chương trình, có nhiệm vụ cúng “khai đàn” (tiếng Dao: “khi/ khoi tàn” tức là “khai lập đàn”) và mặc áo tế, cùng với thầy Cả, thầy Hai nhảy múa trong suốt hai ngày đại lễ;
+ Thầy Năm - thầy quản (tiếng Dao: chì dùn saay): quản lý trông coi, cai quản, chỉ bảo việc sắp lễ, hậu cần, bếp núc;
+ Thầy Sáu - thầy hướng dẫn (tiếng Dao: trò tàn saay): chịu trách nhiệm chỉ dẫn, hỗ trợ người được cấp sắc (con hương) mọi thủ tục, nghi thức như thay đổi trang phục, cách thực hành các động tác trong suốt quá trình diễn ra lễ cấp sắc như làm lễ, múa tế, lên thiên đàng (Dương Châu) để “trông công” với các chúa các thánh…);
+ Thầy Bảy (tiếng Dao: pà tàn saay): Có trách nhiệm bao quát, quán xuyến toàn bộ mọi lễ nghi, lập bàn thờ các vị thần trong buổi lễ…
Bảy thầy cúng chính cùng vợ các thầy sẽ trở thành người cha người mẹ thứ hai (cha mẹ tinh thần) của người được cấp sắc, có trách nhiệm tiếp tục dạy dỗ, chỉ bảo người con tinh thần của mình những nghi thức, phong tục truyền thống của dân tộc, dạy cách đọc sách chữ Nho (chữ Nôm Dao) và các bước làm thầy nếu con hương hội đủ những tố chất để trở thành một thày cúng của làng tộc...
- Người được cấp sắc/ thụ lễ (tiếng Dao: sày cỏ, còn được gọi là “con hương”);
- Bà hát (tiếng Dao: tò plây mạ, pả dung mạ, còn gọi là “mẹ hát”);
- Các em nhỏ, gồm 3 bé trai (tiếng Dao: bèo ton) và 3 bé gái (tiếng Dao: bèo siía) tuổi từ 10 - 12, giúp làm vui cho các thánh thần trong buổi lễ;
- Người giúp việc (tiếng Dao: chẩu công miền). Trong đó, có một người chuyên thổi kèn hành lễ.
Các chẩu công miền đang gói bánh pêu dua chăng tại một lễ cấp sắc ở làng Thành Công (Vĩnh Phúc)
Toàn bộ đồ cúng phục vụ các nghi lễ, các món ăn để cúng thần thánh, thức ăn cho thày cúng, đều do các chẩu công miền chế biến, xếp sắp. Phụ nữ không được làm việc này.
Để có thể tổ chức một lễ cấp sắc thành công, ngày trước, đồng bào phải dày công chuẩn bị. Công việc này có khi kéo dài nhiều năm, từ việc thỉnh thày cúng làm lễ biến báo với tổ tiên, thần linh về việc trong gia đình có một nam nhân đã đủ điều kiện để làm lễ cấp sắc (đạt được những tiêu chí theo quy định chung của làng, tộc: có vợ con, cuộc sống no ấm, hạnh phúc; gia đình không có tang trở, biến cố, bất trắc… đến việc chuẩn bị kinh phí, vật chất (lương thực, thực phẩm, các vật dụng… cần thiết theo quy định).
Trước đây, một lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) được tổ chức kéo dài tới 7 ngày đêm. Ngày nay, trình độ dân trí được nâng cao; năng lực, uy tín, kinh nghiệm, tay nghề các ông thầy ngày càng dày dặn, thuần thục; kinh phí, vật chất cho buổi lễ đầy đủ, sẵn sàng… Vì thế, trong cùng một thời gian hành lễ cấp sắc, mọi nghi thức đồng thời được nhiều ông thày cùng lúc thực hiện trôi chảy, liền mạch, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo đầy đủ mọi công đoạn. Nhờ đó, thời gian hành lễ được rút ngắn, chỉ còn 3 ngày đêm.
Điểm khác biệt cơ bản giữa lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) với lễ cấp sắc của các tộc/ ngành Dao ở các địa phương khác đó là: một số ngành/ nhóm Dao khác, có thể làm lễ cấp sắc tới bậc 9 đèn (cửu tinh) hay bậc 12 đèn (thập nhị tinh); trong một lễ cấp sắc, có thể cấp cho nhiều người, từ trẻ em lên 5 tuổi đến ông già; còn lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc chỉ tổ chức một lần, mỗi lần chỉ dành cho một người đã trưởng thành; và thực hiện luôn việc cấp nhiều bậc, gồm lễ cấp 3 đèn và lễ cấp 7 đèn. Vì thế, trong vòng đời một người đàn ông tộc Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc), chỉ duy nhất có một lần được làm lễ cấp sắc, gồm lễ cấp sắc 3 đèn (còn gọi là lễ đặt tên thánh, con hương được cấp 3 đèn và 36 binh mã) và lễ cấp sắc 7 đèn (bậc “thất tinh”, con hương được cấp 7 đèn và 72 binh mã); tương đương với việc con hương (người thụ lễ/ học đạo) lần lượt trải qua các nghi thức từ thụ giới đến kế đăng rồi truyền đăng; đồng nghĩa với quá trình từ học đạo, tu đạo đến hành đạo.
Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc được tổ chức lần lượt theo thế hệ và thứ bậc: cha làm lễ cấp sắc trước, con thực hiện lễ cấp sắc sau; anh thụ lễ trước, em thụ lễ sau…
Một cảnh trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc)
Lễ cấp sắc của đồng bào Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) bao gồm các công đoạn, nghi lễ chính sau:
Ngày thứ nhất:
- Làm tiền âm: do các thày phụ lễ thực hiện việc làm tiền âm, cờ giấy, bùa phép, đẽo kiếm gỗ, gậy thờ; tấu, sớ, biểu, cờ lễ, sắc, cây đèn…
- Sắp xếp, chuẩn bị lễ đường (tiếng Dao: tầm toòng), dựng khung treo/ thả tranh (tiếng Dao: gộng pủng miên);
- Lễ cúng tổ tiên (tiếng Dao: bủa thông; bủa: báo, bủa thông: thông báo…);
- Thực hiện các công việc khác: dựng rạp, kê đặt bàn ghế, chuẩn bị củi đuốc, chế biến thực phẩm làm lễ vật…
Ngày thứ hai:
- Đón thầy (tiếng Dao: saay tỉa);
- Kiểm tra, sắp xếp lại các loại tiền âm dành cúng thần linh, Bàn Vương, tổ tiên trong lễ cấp sắc;
- Lễ cúng mời tổ tiên, thổ công, táo quân về chứng giám, dự lễ (tiếng Dao: hấp lồ chúa tiu chó miiền lộc);
- Lễ treo/ thả tranh (tiếng Dao: pủng miiên);
- Lễ cấp sắc, bao gồm 10 nghi lễ, mỗi nghi lễ là một công đoạn (tiếng Dao: coỏng miiến), mang ý nghĩa sâu sắc dành cho người thụ lễ, bao gồm:
+ Lễ ban mũ;
+ Lễ trình diện;
+ Lễ lên đèn, gồm lễ cấp sắc 3 đèn (tiếng Dao: quả tăng, phong đăng) và lễ cấp sắc 7 đèn (tiếng Dao: thiết phing tăng)…;
+ Lễ hạ đèn và giao quân;
+ Lễ đặt tên âm (tiếng Dao: phạt búa);
+ Lễ qua cầu;
+ Lễ trình diện Ngọc Hoàng;
+ Lễ tơ hồng (tiếng Dao: tài slay tỉa);
+ Lễ thăm thiên đình (còn gọi là “thoát xác”, tiếng Dao: phảo lùng thây);
Ngày thứ ba:
- Lễ trả ơn Bàn Vương (hoàn tất lễ cấp sắc)…
Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chọn được ngày lành tháng tốt, gia chủ tiến hành tổ chức lễ cấp sắc.
Kỳ II.
Như đã nói ở phần đầu bài viết, lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt làng Thành Công (xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày nay được tổ chức trong 3 ngày đêm. Trong đó, ngày thứ nhất bao gồm các công việc như: lễ làm tiền giấy (nhàn), lễ cúng tổ tiên (tiếng Dao: bủa thông) do hai thầy cúng đảm nhiệm, với nội dung thông báo (bủa thông) tới ông bà tổ tiên hương hoả việc gia đình sẽ tổ chức lễ cấp sắc cho con (cháu) trong nhà; mời tổ tiên, thánh thần về chứng giám, công nhận cho một nam nhân trong dòng tộc, gia đình nay đã trưởng thành, được phép nhận tên âm. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cụ gia tiên tiền tổ, các bậc thần linh chúa đất sẽ chấp nhận lễ vật cũng như lời khẩn cầu của con cháu mà phù hộ độ trì cho buổi lễ được suôn sẻ, thành công tốt đẹp.
Bước sang ngày thứ hai (ngày quan trọng nhất trong lễ cấp sắc), với nhiều công đoạn chính được thực hiện để cấp sắc, công nhận sự trưởng thành toàn diện của một con người trong làng tộc.
Khởi đầu là lễ đón thầy (tiếng Dao: saay tỉa)
Nhận lời mời của gia chủ (từ trước đó), buổi sáng ngày tổ chức lễ cấp sắc cho con hương, trước khi đi tới nhà gia chủ, tại bàn thờ nhà mình, thầy Cả và thầy Hai thực hiện nghi lễ cúng biến báo (kính cáo) với Bàn Vương, thần linh, tổ tiên… về việc mình đã nhận lời làm lễ cấp sắc cho một con hương trong làng. Với nghi lễ này, các thầy tào nhằm:
-
Thông báo với ma tổ tiên biết công việc sắp tới của mình (cụ thể là làm lễ cấp sắc cho một con hương trong làng) để ma tổ tiên biết và phù hộ cho việc cúng bái sắp tới được thuận lợi, hanh thông;
-
Thông báo và mời các loại ma tổ tiên của các thầy đã cấp sắc cho mình biết;
-
Mời các binh mã, thần linh trong bộ tranh thờ của mình cùng đi đến nơi hành lễ để chứng giám, phù trợ
Khi cúng, thầy lấy gói muối gia chủ đã mang tới từ hôm trước, đặt lên bàn thờ, tiếp đó đếm và trình lên tổ tiên và thần linh một số tiền âm kèm lời hứa sẽ cúng tiến số tiền đó cho tổ tiên và các thần linh, ma nhà khi công việc làm lễ cấp sắc cho người trong làng được hoàn tất tốt đẹp. Tuy nhiên, lúc này, thầy chỉ khấn và hứa mà chưa đốt/ hoá ngay số tiền âm này. Đợi đến khi đã thực hiện hoàn tất lễ cấp sắc cho con hương trở về, thày mới bày thủ lợn (phần lễ biếu tạ ơn của gia chủ dành cho thày Cả, thày Hai) được lấy từ hai con “lợn thần” đã cúng tạ Bàn Vương trong lễ cấp sắc của gia chủ bày lên trước bàn thờ, làm lễ cúng biến báo với tổ tiên, thần thánh một lần nữa công việc cấp sắc cho con hương do mình làm thày đã được hoàn tất tốt đẹp, sau đó thầy mới thiêu hoá số tiền âm nói trên cho các thần linh, ma nhà, tổ tiên.
Sau khi đã cúng biến báo công việc sắp làm trong ngày (đi cấp sắc cho con hương) với tổ tiên, thần linh và xin âm dương được quẻ thuận xong xuôi, các thầy cúng liền đi tới nhà người được thụ lễ. Để tỏ lòng kính trọng thày, nhiều gia chủ đã cử người đến tận nhà đón thày.
Khi đi làm lễ, hành lý của các thầy cúng mang theo chỉ gồm hai chiếc túi vải. Túi thứ nhất đựng bộ Tam Thanh Đại Đường và sách cúng. Chiếc túi vải còn lại do đồ đệ, người giúp việc (thường là con, cháu trai của thầy, là người đã được cấp sắc, được thầy tín nhiệm cho đi theo, giúp việc) mang giúp. Chiếc túi thứ hai dùng để đựng bộ lễ phục thầy sẽ mặc khi hành lễ, ô, mũ, khăn mặt… và pháp trượng (gậy làm phép) của thầy cúng, còn gọi là gậy tầm xích. Đầu trên của gậy có gắn nhiều vòng kim loại kèm những quả cầu nhỏ, làm bằng đồng (gọi là quả nhạc). Khi thầy làm lễ, rung cây gậy lên khiến những quả nhạc va vào nhau, sẽ tạo ra tiếng vang, tăng thêm sự huyền bí cho buổi lễ đồng thời tạo sự lôi cuốn, thu hút với xung quanh.
Tới nhà con hương, thầy cúng đi thẳng đến trước bàn thờ của chủ nhà, thi lễ, khấn báo với tổ tiên gia chủ lý do mình có mặt tại đại lễ đường này, sau đó, mới cất túi và đồ dùng cá nhân vào nơi chủ nhà đã chuẩn bị từ trước dành riêng cho các thầy bên cạnh khung treo tranh nơi lễ đường. Sau đó, gia chủ có lời mời các thầy xơi nước, hút thuốc, nghỉ ngơi đôi chút trước khi bước vào công việc chính.
Tiếp đó, các thầy cúng bắt đầu tiến hành các thủ tục, như: lập đàn, tẩy uế, đánh bốn hồi trống mời gọi các thần linh và tổ tiên chủ nhà về dự lễ.
Một lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc gồm có 15 thầy cúng tham gia, trong đó, có 7 thầy chính. Thầy Cả (diền chả saay) phụ trách lễ cúng bàn Vương, người âm và thầy Hai (chì chiểu saay) là người chuyên dạy kiến thức cho người được cấp sắc. Đây là hai ông thầy giữ vị trí, vai trò quan trong nhất trong toàn bộ buổi lễ.
Bảy thầy cúng chính cùng vợ các thầy sẽ trở thành người cha người mẹ thứ hai (cha mẹ tinh thần) của người được cấp sắc, có trách nhiệm tiếp tục dạy dỗ, chỉ bảo người con tinh thần của mình những nghi thức, phong tục truyền thống của dân tộc, dạy cách đọc sách chữ Nho (chữ Nôm Dao) và các bước làm thầy nếu con hương hội đủ những tố chất để trở thành một ông mo của làng tộc...
Đến giờ, lễ cấp sắc chính thức được bắt đầu.
Mở đầu buổi lễ, hai bà hát đứng ngoài cửa (pả nhằng muồn dung), lần lượt cất tiếng hát, với nội dung, đại ý:
“Ta là hai bà tiên của người giời được Ngọc Hoàng phái xuống đây xem các ngươi làm gì…”
Tiếng Dao: Ê khía đáo hút ê ế xiểm nà ê ế…! Pây ề sòng… Hư ối vị liềm ối… ví xiểm pả sỉ sì ới máng màng, hư ới ví ới sỉ sì ới…
Kiểm tra, soát xét lễ vật
Tiếp đó, thầy Cả, thầy Hai, thầy Năm và con hương tiến hành kiểm tra, soát xét lễ vật, sắp xếp lại các loại tiền âm dành cúng thần linh, Bàn Vương, tổ tiên trong lễ cấp sắc
Toàn bộ số tiền âm dành cho lễ cấp sắc được mang ra, được các thầy và con hương cùng kiểm tra việc thiếu, đủ; rồi chia thành 5 phần (mô, món), mỗi phần có 5 tiền; gồm hai loại: một loại được bó lại thành từng bó nhỏ, hình tròn dành cúng hương hỏa, Tam Thanh; loại kia xếp chồng, so le lên nhau tạo hình chữ Thập dành cúng Bàn Vương. Kèm theo mỗi phần tiền âm này là tờ giấy (giấy bản) nhỏ, ghi rõ số tiền đó dành để cúng ai, cúng vào thời đoạn nào trong lễ cấp sắc, tránh bị nhầm lẫn, sai sót - điều tối kỵ trong một lễ cấp sắc. Bởi theo đồng bào quan niệm thì: nếu để xảy ra chút lầm lẫn sai sót là sẽ bị các vị thần linh, người âm… giận, không chứng kiến, không nhận lễ, khiến lễ cấp sắc không thành công, phải huỷ đi, làm lại từ đầu với rất nhiều công phu cầu kỳ, phức tạp, tốn kém.
Cúng mời tổ tiên, thổ công, táo quân về chứng giám, dự lễ
Thầy Cả, thầy Hai, thầy Ba sẽ cùng thực hiện nghi thức này nhằm mời tổ tiên, thổ công, Táo quân (tiếng Dao: hấp lồ chúa tiu chó miiền lộc) về chứng giám, dự lễ cấp sắc của con cháu.
Lễ vật là lễ chay, gồm có ba bát canh rau (chỉ được nấu rau với nước sạch và muối trắng, không được dùng dầu mỡ), 6 chén rượu, 6 đôi đũa bày trên bàn lễ trong lễ đường.
Ba thầy cúng gồm thầy cả, thầy Hai, thầy Ba ngồi về một bên bàn lễ, ngồi đối diện là với các thầy là ba đồ đệ, theo giúp việc, phụ lễ. Cả 6 người mỗi người cùng cầm trên tay một đôi đũa. Các thầy cúng thực hiện nghi thức, đọc bài cúng mời tổ tiên, thổ công, táo quân về chứng kiến, dự lễ.
Tiếp đó, các thầy đọc bài cúng, thông báo với các bậc thần linh, tổ tiên, mà nhà về việc gia chủ đã mời được bảy ông thầy cúng chính tham gia tổ chức lễ cấp sắc cho con hương, mời các bậc thần linh, tổ tiên, ma nhà chứng giám. Đến đây, lần lượt các thầy Tư, thầy Năm, thầy Sáu, thầy Bảy bước vào lễ đường nhận chén rượu do con hương nâng mời, nhúng một ngón tay vào chén rượu rồi lần lượt búng qua hai vai để làm phép, ngụ ý mời “quỷ thần hai vai chứng giám” việc này (được mời làm thầy và đã nhận lời làm thầy trong lễ cấp sắc này).
Làm bánh
Sau lễ cúng mời tổ tiên, thổ công, táo quân, các chẩu công miền thực hiện nghi thức làm bánh lễ.
Trong lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc, có ba loại bánh là phẩm vật dâng cúng thần linh, hương hỏa, gồm bánh pêu dùa (hoặc dua) om, pêu dùa chăng và dùa chỉu. Tuy nhiên, trong ngày thứ hai của lễ cấp sắc, chỉ làm bánh pêu dùa chăng và pêu dùa chỉu. bánh dùa om được làm vào ngày thứ ba của lễ cấp sắc, dành cúng Bàn Vương.
Việc làm bánh được thực hiện tại lễ đường. Cụ thể như sau:
- Bánh dùa chăng:
+ Nguyên liệu: Xôi nếp và vừng rang chín thơm
+ Cách làm: Xôi nếp được nấu vừa chín tới, được các chẩu công miền (người giúp việc) đưa lên nhà lớn (nơi đặt lễ đường). Một chiếc bàn lớn được bày ra trong lễ đường. Các chẩu công miền xúm quanh, nhanh tay gói bánh. Phải gói cho xong phần bánh lễ này khi xôi còn đang nóng già tay.
Bánh dùa chăng có phần ruột bánh làm từ xôi nếp bao quanh bằng muối vừng rang chín thơm, vỏ bánh là lá dong bánh tẻ. Đặt nắm xôi nếp đã được bao quanh bằng bột vừng, được viên tròn vào giữa chiếc lá dong xanh biếc, nhanh tay gấp hai mép lá, tạo hình vun nhọn ở giữa, gấp mép hai đầu bẻ về phía sau thân bánh. Bánh dùa chăng được tạo hình giống chiếc bánh dợm của đồng bào Kinh. Trong lễ cấp sắc, không nhất thiết phải quy định số lượng bánh dua chăng phải gói là bao nhiêu chiếc. Tuy nhiên, ít nhất cũng phải gói được dăm vài chục chiếc trở lên, để vừa cúng thần thánh tổ tiên, sau đó còn đưa ra cho dân làng thụ lộc.
- Bánh dua chỉu: Bên cạnh bánh dua chăng, còn có bánh dua chỉu.
Cách làm bánh dùa chỉu rất đơn giản: bột nếp đem hấp chín. Lá chít đã được luộc, lau sạch. Trên một tấm lá chít, các chẩu công miền lần lượt đặt lên đó 3 miếng bột nếp nhỏ, tạo thành bánh dua chỉu.
Toàn bộ số bánh dùa chăng, dua chỉu sau khi gói xong sẽ được các chẩu công miền chia ra, xếp cẩn thận vào 6 chiếc thùng gỗ (tiếng Dao: chẳng) theo thứ tự bánh dùa chăng xếp xuống dưới trước, rồi đặt bánh dua chỉu lên trên, đạy nắp cẩn thận, rồi đem cất vào nơi quy định, chờ đến lễ mới mang ra dâng cúng. Thùng (chẳng) dành đựng bánh lễ là loại thùng gỗ được tạo ra chuyên dành cho công việc đựng bánh trong lễ cấp sắc. Những chiếc thùng gỗ này cứ khi xong công việc trong một lễ cấp sắc, sẽ được bà con cất đi. Khi nào có lễ cấp sắc mới lại lấy ra sử dụng.
+ Dùa (dua) om: Là loại bánh được gói bằng gạo nếp trong lá dong, có hình dáng giống chiếc bánh chưng tày loại nhỏ (bánh chưng con) của đồng bào dân tộc Kinh. Cứ hai chiếc (cái) bánh dùa om buộc lại với nhau tạo thành một cặp. Tổng cộng có khoảng mươi, 12 cặp bánh dua om, tương đương 20 - 24 chiếc bánh. Ít nhất cũng phải gọi được 7 - 8 cặp bánh dùa om để làm lễ vật dâng lên cúng trong lễ tạ ơn Bàn Vương. Ngoài ra, chủ nhà còn gói thêm hàng chục chiếc dùa om để sau khi lễ cấp sắc kết thúc tốt đẹp, gia chủ sẽ làm quà biếu, tạ ơn thày cúng, mẹ hát, những người giúp việc lễ và bà con quyến thuộc đến dự.
Bánh pêu dua chăng và bánh dùa chỉu dùng để dâng cúng hương hỏa, thần linh, được làm vào sáng ngày thứ hai trong lễ cấp sắc. Trong đó, một thùng bánh sẽ được dâng cúng thánh thần, tổ tiên trong lễ khai đàn; 5 thùng bánh còn lại sẽ được dâng cúng thánh thần trong lễ suúng panh - diễn ra vào khoảng nửa đêm ngày thứ hai của lễ cấp sắc.
Bánh pêu dua om dành cúng tạ ơn Bàn Vương vào ngày thứ ba (ngày cuối cùng) của lễ cấp sắc nên sẽ được làm vào sáng cùng ngày.
Lễ thả tranh (pủng miến, pủng miên)
Từ trước đó, tại lễ đường (tiếng Dao: phàm ching toòng), những người giúp việc (chẩu công miền) đã tạo dựng một hệ thống khung treo tranh (tiếng Dao: gộng pủng miên, xem thêm ở mục “Phần lễ đường” bên trên).
Trên gộng pủng miên, các ông thầy lần lượt thực hiện nghi thức thả/ treo tranh (tiếng Dao: pủng miến, pủng miên) gồm bộ tranh Tam Thanh lớn (của thày Cả) gồm 12 tranh to, bộ tranh Hành Sư (của thầy Hai) gồm ba tranh, bộ tranh Hành Sư của gia chủ (3 tranh). Trong đó, bộ tranh Tam Thanh của thầy Cả được treo/ thả trên vách chính của lễ đường, hai bộ tranh Hành Sư treo vào hai vách bên của lễ đường. Ngoài ra, còn có bộ tranh phụ (tranh nhỏ) gồm 4 tranh (đồ đệ) của Tam Thanh được treo/ thả trên bên mép ngoài hai vách bên của lễ đường.
Khi tất cả các bộ tranh đã được thả/ treo hoàn chỉnh, thầy Cả thực hiện nghi thực gắn chầy vậy (tiếng Dao) - là chùm các dải giấy nhỏ, màu trắng, trên các dải giấy ghi tên của những con hương từng được thày làm lễ cấp sắc, công nhận sự trưởng thành trước đó lên bức tranh thờ nơi trung tâm nhất trong lễ đường.
Lễ thả tranh được tiến hành trong tiếng kèn, trống, chiêng, tù và… rộn rã, khiến buổi lễ càng thêm phần huyền bí, linh thiêng.
Sau lễ thả tranh, các thầy cúng đồng thời dâng hương biến báo với thần linh về lý do thả tranh, tổ chức buổi lễ.
Tranh treo/ thả trong lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc được treo/ thả, sắp xếp theo quy định một cách hài hoà, theo thứ tự lớp trong, lớp ngoài với đầy đủ các vị thần thuộc ba cõi: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên; bộc lộ sự hoà nhập giữa đạo Giáo và tín ngưỡng dân tộc, cho thấy sự tôn trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào Dao quần chẹt Vĩnh Phúc cũng như sự thích hợp với quy phạm trình bày lễ đường của đạo Giáo.
Sau lễ thả tranh, các chẩu công miền bày lễ vật lên bàn thờ Tam
Thanh (tiếng Dao: phàm ching tìa) gồm: cờ giấy, gạo, bánh dùa chăng, đèng đẩn (đồ vật của người âm), 5 chén rượu (rượu ủ lên men, chắt lấy nước cốt mà không nấu, dành để làm lễ, đồng bào thường gọi là rượu hoẵng), một chén nước, bát nhang, sớ trắng, nhả kên, thoỏng chảo (là vật dùng để xin âm dương của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc, được làm bằng gốc tre già hoặc gỗ)… với ý nghĩa: một bên mời tổ tiên, một bên mời ma ngoài là khách, bạn của tổ tiên về cùng dự. Cũng trên bàn lễ, còn đặt một số vật dụng dùng trong lễ cấp sắc như chuông (4 chiếc, gồm 1 chiếc của thầy cả, 1 chiếc của thầy Hai, 1 chiếc của thầy Ba và 1 chiếc của con hương/ sư nam).
Trong lễ đường, đặt thúng tiền âm và hai chiếc nia, một chiếc đựng lúa (hạt), chiếc kia đặt dưới gầm bàn thờ, đựng lúa bông (cum lúa, tức các gié lúa còn nguyên hạt, được phơi khô, cất kỹ, dành làm lễ vật trong lễ cấp sắc), trên các cum lúa đặt đôi chiếu cói mới nguyên.
Thầy Cả thực hiện nghi thức viết sớ, viết tên âm (dự kiến) sẽ đặt cho con hương để trình lên thánh thần, tổ tiên trong lễ đặt tên. Thông thường, thầy sẽ chọn dự kiến sẵn 3 cái tên. Những tên chọn làm tên âm đặt cho con hương không được trùng với tên ông bà trong nội, ngoại tộc. Vào lễ, thầy sẽ đọc bài cúng tấu trình thần thánh rồi gieo quẻ âm dương để xin lấy một trong ba cái tên dự kiến này đặt cho con hương. Nếu quẻ không thuận, thầy phải cúng và gieo quẻ tiếp. Nếu cả ba tên dự kiến đều không được thần linh đồng ý (thông qua việc xin quẻ không được quẻ thuận), thầy sẽ phải viết, dự kiến tiếp những tên khác, rồi tiếp tục làm lễ xin âm dương đến khi nào được quẻ thuận mới thôi.
Lễ mời các bậc tổ tiên, Bàn Vương, thần linh về chứng kiến
Tiếp đến, các thầy cúng lần lượt mang, bận y phục hành lễ (tiếng Dao: tầm lui) để làm lễ xiinh miến (xiinh miiễn) khấn mời các bậc tổ tiên, Bàn Vương, thần linh về chứng kiến lễ cấp sắc.
Lễ xiiinh miễn này được thực hiện 9 lần, con hương được tham gia. Các thầy cúng tay cầm chuông và nhả kên, thay nhau vừa đọc bài cúng, vừa kết hợp các điệu múa chuông trình diễn trước các bậc thần linh, Bàn Vương, tổ tiên… Con hương trên tay cầm nhả kên, hung đang (mảnh vỏ cây thơm) và chuông, quan sát động tác của các thầy và tập làm theo.
Sau mỗi lần xiinh miễn, tù và, chiêng, trống, kèn, chũm chọe… cùng đồng thanh vang lên rộn rã, khiến buổi lễ càng về sau càng thêm rộn rã, huyền bí.
Gia chủ có thể mời tất cả anh em, họ hàng, tất cả những người biết nhảy múa (tiếng Dao: laạp miiễn/miiến) cùng tham gia. Đây có thể xem là màn sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, đặc sắc của đồng bào Dao quần chẹt Vĩnh Phúc trong lễ cấp sắc.
Bàn thờ tổ tiên (tầm toòng) của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc
Thầy Hai đọc bài cúng mời Ngọc Hoàng giáng xuống chứng kiến lễ cấp sắc cho con hương.
Thầy Năm tiến hành nghi lễ cúng khai đàn (tiếng Dao: khoi tàn, khi tàn). Đồng thời với việc đọc sách cúng, các ông thầy và con hương còn trình diễn các điệu múa, tế lễ Tam Thanh.
Lễ yểm bùa, trấn đuổi tà ma Do thầy Cả thực hiện.
Khi hành lễ, thầy Cả miệng ngậm một con dao nhỏ, có phần lưỡi nhọn, tay thầy chống hai bên hông, khi đứng, khi ngồi, thực hiện các động tác yểm, trấn đuổi tà ma trước ban thờ tổ tiên của gia chủ có lễ cấp sắc. Trong quá trình thầy thực hiện nghi lễ, có hai thầy phụ lễ ngồi hai bên cửa nơi thầy Cả làm lễ để canh chừng, nhắc nhở tất cả mọi người không ai được qua lại nơi này, tránh bị tà ma quấy nhiễu, làm hại.
Kỳ III.
Lễ khai đàn (khoi tàn) và cúng tống bỏ thương thần
Do thầy Ba thực hiện tại lễ đường chính. Đồng thời, ở đầu sân, diễn ra lễ cúng tống bỏ thương thần, xóa tội cho tổ tiên.
Về sự tích của nghi lễ tống bỏ thương thần, xóa tội cho tổ tiên được đồng báo khái thuật như sau: Ngày xa xưa, trong họ Dương tộc Dao quần chẹt có người mắc tội to nên khi chết đi thường bị các thương thần (quỷ đầu trâu mặt ngựa) đi theo quấy nhiễu. Vì thế, về sau, cứ khi trong họ Dương có người làm lễ cấp sắc, thì gia chủ đồng thời cũng chuẩn bị lễ vật, vật hèm, bày đàn cúng để cắt bỏ việc âm binh theo quấy phá người thân của mình. Dòng họ nào có người thân bị mắc vào việc tương tự cũng phải thực hiện nghi lễ này. Ở làng Thành Công (xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có họ Dương và họ Phùng mỗi khi có người làm lễ cấp sắc đều thực hiện nghi lễ này.
Lễ vật trong lễ cúng tống bỏ thương thần, xóa tội cho tổ tiên gồm: một đĩa trứng rán, một bát gạo; rượu; một chiếc ô (lọng) và hai lá cờ đuôi nheo (đều làm bằng giấy màu, mép cờ được tạo hình răng cưa; tiền âm (nhàn). Đặc biệt, lại phải tìm được cây tre hai ngọn, cắt lấy một đoạn thân, chẻ chia đều thành 120 thanh nhỏ, mỗi thanh dài khoảng 7 - 10cm làm vật “hèm”.
Hai thầy cúng lần lượt đọc bài cúng, hóa tiền âm, cờ, lọng ... để tống tiễn thương thần, ngăn không cho quấy phá hồn người thân.
Lễ ban mũ, áo
Là nghi lễ ban mũ, áo (trang phục) cho người thụ lễ (con hương).
Thầy Cả đọc bài cúng, sau đó làm thủ tục ban mũ, đội mũ cho con hương.
Thầy Sáu chỉ dẫn, hỗ trợ cho con hương cách mang, vận trang phục hành lễ, gồm: mặc váy, mặc áo dài, đội khăn, đội mũ… cách thực hiện các thủ tục, nghi thức trong suốt quá trình diễn ra lễ cấp sắc.
Lễ trình diện
Thầy Cả tiến hành đọc sớ, tâu với thần linh về lai lịch của con hương. Nội dung gồm: họ, tên, tuổi của con hương, thuộc dòng tộc nào, quê hương, bản quán ở đâu…
Sau khi tâu trình xong phần lý lịch con hương lên thánh thần, trống, chiêng, chuông, kèn pí-lè, chũm chọe, tù và… cùng lúc đồng thanh tấu lên rộn rã, báo hiệu buổi lễ chính thức bắt đầu.
Toàn cảnh lễ đường trong lễ cấp sắc
Theo sự hướng dẫn của các ông thầy, con hương lần lượt thực hiện các công việc: tập múa chuông, làm lễ, nhận các phép tắc…
Lễ lên đèn (quá tăng, phong đăng)
Còn gọi là “lễ cấp đèn”, gồm lễ cấp 3 đèn và 7 đèn. Đây là nghi lễ trọng tâm của lễ cấp sắc. Ở nghi lễ này, con hương sẽ được cấp đèn - phong chức. Trong một lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Thành Công, con hương lần lượt sẽ được cấp 3 đèn và 7 đèn.
Vào lễ, con hương ngồi trên một chiếc ghế, trước ban thờ tổ tiên và hai đàn cúng. Thầy Cả, thầy Hai khấn xin thần linh cấp đèn cho con hương. Thầy Cả mời rượu thần linh, gieo quẻ xin âm dương, làm lễ xua những điều xấu ra khỏi người được cấp sắc. Thầy Hai làm lễ đón điều tốt, điều thiện về cho người được cấp sắc.
Tiếp đó, hai ông thầy trao cho con hương cây đèn (cây tăng). Trên cây đèn đã được các chẩu công miền gắn sẵn các giá đèn (mỗi giá đèn được tạo từ một nửa quả đu đủ xanh đã nạo bỏ phần lõi và hạt rồi đặt vào đó một chiếc chén tống, dành làm nơi đặt ngọn nến).
Các thầy vừa làm phép, vừa lần lượt đặt một ngọn đèn lên đỉnh đầu, hai ngọn đèn kia đặt lên hai vai con hương, sau đó đặt trở lại giá đèn.
Thầy Hai đọc bản sắc, nội dung nêu rõ lý lịch người được cấp sắc, người cấp, cấp vào ngày, tháng, năm nào… Bản sắc này được sao thành hai bản. Sau khi tấu đọc trước thần linh, một bản giao con hương giữ, một bản đem hóa (đốt). Khi người được cấp sắc qua đời, bản còn lại này sẽ được hóa theo, là “giấy thông hành” cho người đó sang thế giới bên kia, được về Dương Châu, đoàn tụ với tổ tiên.
Thày Cả và thày Hai đang thực hiện nghi thức cấp/lên 3 đèn cho con hương
Tiếp đó, thầy Hai tuyên đọc 10 độ, 10 nguyện, 10 lời thề và 10 điều răn dành cho con hương.
Nội dung cụ thể của 10 độ gồm:
1. Độ Tam nguyên chức lộ
2. Độ sư tượng tùy thân
3. Độ Tam nguyên bảo hộ
4. Độ Lục pháp quang huy
5. Độ Ngũ tinh soi chiếu
6. Độ Lục mã cương cường
7. Độ gia súc thịnh đạt
8. Độ tài mã quy thiên
9. Độ lang bảo cứu hộ
10. Độ trừ tà diệt quỷ.
Nội dung cụ thể của 10 lời nguyện, gồm:
1. Nguyện linh thiêng
2. Nguyên không nghi hoặc
3. Nguyện Tam nguyên xuống giúp
4. Nguyện Tứ Thánh phát binh
5. Nguyện Ngũ sư phù hộ
6. Nguyện Lục Thần trong sạch
7. Nguyện Thất tinh phù hợp
8. Nguyện Bát quái hiện hình
9. Nguyện Cửu quyết khai thai
10. Nguyện mười phân vẹn mười.
10 lời thề được thể hiện qua sự đối đáp; thầy hỏi, con hương trả lời, có nội dung như sau:
1. Thầy: Thầy hỏi con: Nước sông, nước suối, nước khe lên to, người ta mời con đi. Con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
2. Thầy: Thầy hỏi con: Mưa to, bão lớn, người ta mời con đi, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
3. Thầy: Thầy hỏi con: Sâu to bọ lớn chắn đường, người ta mời con đi, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
4. Thầy: Thầy hỏi con: Nửa đêm, người ta đến mời con đi, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
5. Thầy: Thầy hỏi con: Có người ốm nặng, người ta đến cầu cứu, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
6. Thầy: Thầy hỏi con: Vượt suối, trèo non, người ta mời con, con có đi không?
Con hương: Có đi!
7. Thầy: Thầy hỏi con: Giặc chắn đường, người ta mời con, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
8. Thầy: Thầy hỏi con: Nhà nghèo đến mời, con có đi hay không?
Con hương trả lời: Có đi!
9. Thầy: Thầy hỏi con: Cách núi, cách biển, người ta mời con, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
10. Thầy: Thầy hỏi con: Đương lúc làm chay, cấp sắc, người ta mời con, con có đi hay không?
Con hương: Có đi!
Nội dung cụ thể của 10 điều răn, gồm:
1. Cấm con không được giết hại gia súc, loài vật
2. Cấm con không được chửi mắng trời đất, mặt trăng, mặt trời
3. Cấm con không được chửi mắng cha mẹ, lục thân cửu tộc
4. Cấm con không được gian lận, tham sắc, tham tài
5. Cấm con không được ham sống, sợ chết
6. Cấm con không được gian dâm, buôn bán
7. Cấm con không được trọng người giàu, khinh người nghèo
8. Cấm con không được khinh thường anh em, bạn bè, họ hàng
9. Cấm con không được sợ hổ cắn, mưa to, gió lớn sẵn sàng đi
10. Cấm con không được chửi thần thánh, phải giữ gìn nề nếp.
Con hương (người ngồi) nhận cấp sắc 3 đèn. Cha đẻ của con hương (người mặc áo đen, đứng sau con hương) chứng kiến.
Có thể nói: 10 độ, 10 nguyện, 10 lời thề, 10 điều răn này cũng chính là những quy tắc, lời răn dạy hữu ích… được các thế hệ người Dao đúc kết, trao truyền qua các thế hệ, thông qua lễ cấp sắc, nhằm răn dạy, khuyên nhủ con người hướng tới cái Chân, điều Thiện, sự tốt đẹp… để tu dưỡng, rèn rũa bản thân ngày càng hoàn thiện về mọi mặt. Ai làm trái những điều trên, sẽ bị chê trách, trừng phạt.
Lễ cấp 7 đèn
Còn gọi là “lễ lên 7 đèn” (tiếng Dao: thất tinh đăng, sất phing tăng…).
Sau lễ cấp 3 đến, thầy Cả tiếp tục tấu, khấn, làm phép và thắp đèn, lên đèn (nến). Các thầy còn lại thực hiện nghi thức thắp đèn (nến) xung quanh nơi con hương ngồi, rồi lần lượt làm lễ cấp 7 đèn cho con hương. Trong đó, 6 ngọn đèn được đặt trong các giá đèn trên cây đèn, một ngọn được đặt dưới ghế con hương đang ngồi thụ lễ. Tiếp đó, cả bảy ông thầy vừa đi vòng quanh con hương vừa thực hiện các nghi thức múa chuông, làm phép, khấn nguyện, ban trí tuệ, quân binh…
“Ban phép” cho con hương (người ngồi) nhận cấp sắc 7 đèn
Theo đạo Giáo, muốn trở thành một con người, thành bậc thầy hoàn hảo, các môn đồ thụ pháp phải lần lượt trải qua các bậc cấp sắc, gồm:
- Lễ cấp sắc 3 đèn (tam đài đăng, phàm thoi tăng)
- Lễ cấp sắc 7 đèn (thất tinh đăng, sất phing tăng, thiết phing tăng)
- Lễ cấp sắc 9 đèn (cửu tinh)
- Lễ cấp sắc 12 đèn (tẩu slai)
Theo đó, người đã trải qua lễ cấp sắc ba đèn được xem là người có hành vi tuyệt vời; qua lễ cấp sắc 7 đèn là người có đạo đức tuyệt vời và được thụ lễ cấp sắc 12 đèn sẽ là người có phẩm chất Đạo tuyệt vời.
Dù có thể không thực hiện nghi thức cấp sắc 9 đèn hoặc 12 đèn nhưng những mục tiêu nói trên cũng chính là động lực, là mong muốn phấn đấu đạt tới của mọi người đàn ông dân tộc Dao Quần chẹt Vĩnh Phúc nói riêng, người đàn ông dân tộc Dao nói chung. Để trở thành người có đạo đức tuyệt vời, sau lễ cấp sắc, các con hương đều phải tiếp tục nỗ lực thực hành 10 độ, 10 lời nguyện, 10 điều răn, 10 lời thề (như đã nói ở trên) để tu dưỡng bản thân, sống ngay thẳng, chăm chỉ làm việc, chịu khó đọc sách, học hành, sống ngay thật, không lừa lọc, dối trá, không làm điều ác, sẵn sàng giúp đỡ người khác… nhằm làm cho bản thân đạt tới phẩm hạnh tốt đẹp cả ở đời lẫn trong đạo, trở thành một con người đàn ông hoàn thiện về mọi mặt.
Ngày nay, nhiều nhóm, ngành Dao thường chỉ tổ chức cấp sắc từ bậc 3 đèn đến bậc 7 đèn, mà ít có người tổ chức lễ cấp sắc 12 đèn. Ngay trong các nhóm/ngành Dao còn duy trì lễ cấp sắc 9 đèn, 12 đèn cũng rất hiếm có người tổ chức. Đồng bào quan niệm: để được cấp sắc ở những bậc cao như vậy (9 đèn, 12 đèn) thì con hương phải có trình độ, tài năng, phẩm cách tương xứng, phải thông thái đọc - hiểu được sách thánh hiền, có tri thức, hiểu biết, có uy tín lớn trong cộng đồng, làng bản.
Tộc người Dao quần chẹt làng Thành Công chỉ làm lễ cấp sắc tới 7 đèn**. Tuy nhiên, phẩm cách, uy tín người được cấp sắc không vì thế mà bị ảnh hưởng. Trên thực tế, những người đã được cấp sắc đều luôn có ý thức rèn rũa, hoàn thiện bản thân, để luôn có được sự trọng thị của gia đình, dòng họ, làng bản.
Lễ hạ đèn
Sau lễ cấp đèn và răn dạy con hương, là nghi thức hạ đèn. Lần lượt, đèn của thầy nào, thầy đó sẽ nhấc ra khỏi cây đèn (cây tăng) mà con hương đang giữ, đưa xuống đặt lên bàn lễ (hạ đèn).
Lễ giao quân (còn gọi là lễ cấp âm binh)
Các chẩu công miền đưa đến trước lễ đường một tấm vải trắng có chiều dài 4 m, chiều rộng 0,8m. Tấm vải được trải ra trước bàn lễ. Trên tấm vải đặt sẵn 120 đồng bạc trắng (hoặc đồng tiền xu, xanh-căng) và hai ống gạo (tấm vải và số gạo, bạc trắng này tượng trưng cho âm binh). Vào lễ, thầy Cả giữ một đầu tấm vải, đầu kia con hương giữ. Cả hai cùng kéo căng tấm vải tạo thành đường thẳng song song với mặt đất phía trước bàn cúng. Thầy Hai tiến hành làm phép, sau đó dùng gậy tầm xích luồn xuống bên dưới đoạn giữa tấm vải và nâng nhẹ chia tấm vải thành hai phần đều nhau. Tấm vải bị nâng cao lên ở phần giữa tạo thành hai phần có độ nghiêng nhẹ, sẽ xô dồn các đồng bạc trắng và số gạo trên đó chảy đều về hai phía đầu tấm vải. Thầy Hai dùng kéo cắt, chia tấm vải làm hai phần. Người được cấp sắc sẽ được giao giữ lại một nửa tấm vải kèm theo số bạc trắng và gạo - tượng trưng cho số quân (âm binh) mà con hương vừa được cấp.
.jpg)
Gạo và tiền (bạc trắng hoặc tiền xu) được làm phép để tượng trưng cho quân âm binh
Với lễ giao quân, con hương đã được cấp cho một đội âm binh. Cũng đồng nghĩa với việc, từ đây, con hương đã là người có vị trí trong dòng tộc, làng bản, có quyền phép, có đủ điều kiện để đứng ra cúng giỗ tổ tiên, cũng như có thể giao tiếp, nói chuyện với người âm.
Lễ “giao quân” cho con hương
Kỳ cuối
Lễ đặt tên thánh (tên âm)
Sau khi làm lễ hạ đèn và giao quân, các ông thày tiến hành nghi lễ đặt tên thánh (tên âm) cho con hương.
Với nghi lễ này, con hương sẽ được thần thánh ban định cho một cái tên; vì thế, lễ đặt tên thánh còn được ví như “lễ khai sinh” cho người đàn ông Dao quần chẹt Vĩnh Phúc trưởng thành.
Đối với người đàn ông Dao đã được cấp sắc, tên thánh mang một ý nghĩa đặc biệt. Có được tên thánh, người đàn ông Dao mới có đủ điều kiện để nói chuyện với thần thánh; được đứng vào hàng ngũ những người có vai vế trong dòng tộc; được đảm nhận trách nhiệm cúng giỗ gia tiên.
Để thực hiện nghi thực này, thầy Cả dùng bút viết một cái tên định đặt cho con hương vào tờ giấy rồi dâng tờ giấy đó lên đàn lễ. Con hương được ngồi trên một chếc ghế nhỏ đặt trước bàn lễ. Bảy ông thầy, mỗi ông một tay cầm ngọn đèn, tay kia cầm chuông thực hiện nghi thức múa vòng quanh con hương. Hết bài cúng, các ông thầy dừng múa, chuyển sang thực hiện nghi thức đặt tên thánh (tên âm) trong đó, có nghi thức gieo quẻ.
Khi được quẻ thuận, có nghĩa thánh thần đã đồng ý ban cho con hương cái tên muốn xin, thầy Cả sẽ hóa (đốt) tiền vàng để cảm tạ thần linh. Cũng từ lúc này, con hương đã có được tên thánh (tên âm) do thánh thần ban định.
Hoàn tất lễ đặt tên, các ông thầy cùng những người phụ lễ tiến hành việc cúng tạ ơn Bàn Vương, tổ tiên và thần linh. Vừa thực hiện nghi thức cúng tạ ơn, các ông thầy, con hương còn đồng thời tham gia múa những vũ điệu truyền thống của người Dao (múa chuông, thổi tù và, kèn pí lè…). Các bài múa với sự biểu cảm sinh động qua những động tác của hình thể, với vũ đạo mang tính ước lệ, tạo sự liên tưởng phong phú, được các ông thầy và trai bản trong trang phục truyền thống vừa nghiêm trang vừa gần gũi… biểu diễn thuần thục, đẹp mắt trong tiếng chiêng, trống, chũm chọe, nhạc chuông… tươi vui rộn rã mô phỏng cuộc sống lao động với những công việc đời thường và tình cảm của đồng bảo Dao quần chẹt với làng bản, dòng tộc; đồng thời còn dẫn dắt người xem ôn nhớ lại quá khứ của dân tộc mình, từ buổi vượt biển sâu, đường xa vạn dặm, qua bao gian khổ khó khăn, đi tìm đất hứa lập làng mở bản để có được cuộc sống hôm nay. Các vũ điệu dân gian truyền thống này còn mô phỏng nhân sinh quan về vũ trụ của người Dao, mô tả hình ảnh cuộc sống, phong tục, tập quán, nét văn hóa độc đáo… của đồng bào Dao quần chẹt Vĩnh Phúc.
Theo bà con, sau nghi lễ này, con hương (người thụ lễ) trở thành môn đệ của nghề cúng và có thể hành nghề. Tuy nhiên, ở lần đi cúng đầu tiên, “học trò” mới phải mang lễ đến nhà thầy, xin được truyền phép, truyền “bí tích” (piết pát); cẩn thận hơn, nhiều người còn tự nguyện xin theo làm đồ đệ cho thày hoặc mời thầy đi kèm để giúp đỡ, chỉ dẫn thêm cho mình… tới khi mình thật sự thuần thục các nghi thức, công đoạn làm thầy thì mới hành nghề.
Lễ qua cầu
Sau khi con hương nhận tên thánh ban, lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc bước vào công đoạn thực hiện nghi lễ qua cầu.
Trước tiên, các thầy phụ lễ và chẩu công miền mang tới lễ đường một chiếc ghế dài, một tấm vải trắng. Đặt chiếc ghế dài trước ban thờ và đàn lễ, sau đó, trải tấm vải trắng lên trên ghế dài, xếp lên đó 7 đồng bạc trắng thành ba hàng (xếp nghiêng theo chiều tấm vải), gồm hai hai đâu mỗi hàng có 2 đồng tiền, hàng giữa có 3 đồng tiền. Thầy Cả tiến hành làm phép. Tấm vải và những đồng tiền này đã trở thành “cây cầu” nối hai thế giới âm - dương (người Dao gọi đó là “cầu ma”). Con hương ra ngồi trên chiếc ghế đặt trước ban thờ và đàn lễ, tập trung quan sát, ghi nhớ sự chỉ dạy của các ông mo.
Để con hương nắm được cách thức bước đi trên “cầu âm - dương”, thày Cả và thày Hai lần lượt thị phạm. Theo hướng dẫn của ông thày, con hương đặt chân đi theo hình chữ chi (chữ Z) tiến lên ba lần, lùi xuống ba lần trên tấm vải có trải các đồng tiền cổ. Thày cúng tiếp tục khấn trình với thánh thần rồi gieo quẻ xin âm dương.
Khi con hương thực hiện xong lễ qua cầu, các thày phụ lễ thu cầu, kèm 7 đồng tiền xu, đặt lên chiếc ghế dài.
Thầy Cả tiếp tục làm lễ, đọc sách cúng, sau đó, dẫn dắt con hương cùng đi, vừa đi thầy vừa đọc bài cúng. Đi đủ 5 vòng xung quanh chiếc ghế dài, trên đang đặt chiếc “cầu ma” nối liền hai bờ âm - dương. Việc này nhằm hướng dẫn cho con hương nhận biết được con đường đi sang thế giới người âm, để về sau, nếu con hương (khi đó đã là người đàn ông trưởng thành, có thể đang làm thầy) nếu có cúng bái thì sẽ biết được con đường đi sang cõi âm để cầu viện sự phù trợ của thánh thần.
Kết thúc lễ qua cầu, con hương được nhận về chiếc “cầu âm - dương” (là tấm vải trắng kèm bảy đồng bạc vừa làm lễ khi trước). Đó chính là vật chứng để về sau, mỗi khi cúng bái, người được cấp sắc cần phải dùng đến.
Dưới sự chỉ dẫn tận tình của các ông thày, con hương thực hiện nghi lễ “qua cầu”
Lễ trình diện Ngọc Hoàng
Nếu các nghi lễ trên được tổ chức trong nhà, trước bàn thờ và đàn lễ thì lễ trình diện Ngọc Hoàng trong lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc được tổ chức ngoài trời, trong sân nhà. Điểm khác biệt giữa nghi lễ này với các nghi lễ khác trong lễ cấp sắc đó là, trong khi người chồng đang thụ lễ, người vợ phải ở yên trong buồng, có các mẹ hát ở cùng để ngăn không cho những người xung quanh, nhất là người lạ, nam giới được đến gần, đụng chạm vào vợ người đang thụ lễ (con hương). Đặc biệt, vợ người đang được thụ lễ tuyệt đối không được ngó xem chồng trong lúc đang thụ lễ. Tuy nhiên, khi con hương bước vào công đoạn thực hiện nghi lễ trình diện Ngọc Hoàng, thì người vợ sẽ được xuất hiện và được tham gia thực hiện nghi lễ này cùng chồng.
Trên sân nhà người thụ lễ, các thầy phụ lễ đã dựng một cái giàn nhỏ ngoài sân. Bước vào nghi lễ, thầy phụ lễ hổi lên ba hồi tù và thật lớn để thỉnh cho Ngọc Hoàng biết được và chứng giám. Tiếp đó, trước sự chứng giám của Ngọc Hoàng, thầy Năm sẽ lần lượt đóng dấu cho các bản sắc.
Người thụ lễ nằm sấp trên sàn nhà. Thầy Cả và thầy Hai đứng ở hai bên cùng nhau kể về lai lịch người được thụ lễ cấp sắc và xin Ngọc Hoàng trao “chứng chỉ” cấp sắc cho người vừa được thụ lễ.
Tiếp đó, con hương ngồi lên một cái ghế nhỏ, đặt trên chiếc chiếu trải giữa sân. Người vợ con hương đứng bên cạnh, tay giữ một chiếc nong đang đặt trên đầu chồng. Bảy thày cúng cùng nhau đi vòng quanh hai vợ chồng con hương, vừa đi vừa đọc sách cúng. Đọc xong, các thầy hóa giấy vàng trên chiếc nong đang đặt trên đầu con hương.
Hóa vàng xong, các ông thày tiếp tục nhảy múa, làm phép, làm dấu, ban truyền sức mạnh... cho con hương. Sau đó, thầy Cả (được phép của Ngọc Hoàng) sẽ trao cho vợ chồng con hương hai tờ “chứng chỉ” (sắc). Bản sắc được làm bằng giấy dó bồi nhiều lớp dày dặn, chắc chắn, có kích thước khoảng 20x30cm, được viết bằng chữ Nôm Dao bằng mực đỏ; ghi rõ họ tên, tuổi, quê hương bản quán người được cấp sắc.
Sau khi vợ chồng con hương đã tiếp nhận sắc, thầy Cả tiếp tục làm phép, biến báo các nội dung, công đoạn trong lễ cấp sắc đã hoàn thành với Ngọc Hoàng.
Lễ tơ hồng
Tiếp sau lễ trình diện Ngọc Hoàng, vợ chồng con hương cùng có mặt, thực hiện lễ tơ hồng (tiếng Dao: tài slay tỉa). Với nghi lễ này, hai người sẽ được thần thánh công nhận vĩnh viễn là vợ chồng, cả khi chết đi, hồn của họ vẫn tìm đến nhau để mãi là vợ chồng của nhau.
Tại lễ đường, hai vợ chồng con hương đứng cạnh nhau trước bàn thờ tổ tiên. Các thầy cúng vắt qua vai hai người một tấm vải màu đỏ và tiến hành làm lễ, đọc sách cúng. Bài cúng trong lễ tơ hồng sẽ được sao thành hai bản. Cúng xong, một bản giao cho vợ chồng con hương, với ngụ ý đây là vật chứng, sau này dù có về Dương Châu (chết đi) thì hai vợ chồng vẫn tìm thấy nhau, vĩnh viễn được ở bên nhau. Đồng bào Dao rất trọng sự thủy chung một vợ một chồng nên rất tránh việc vợ chồng ly hôn. Vì thế, với lễ tơ hồng trong lễ cấp sắc, đồng bào muốn nhắc nhở người vợ người chồng hãy luôn biết giữ lễ thủy chung, yêu thương tôn trọng nhau trọn đời. Kể cả những đôi nào đã ly hôn thì khi chết đi hồn vẫn sẽ về đoàn tụ với nhau, bởi thánh thần chỉ công nhận hôn nhân một vợ một chồng mà thôi.
Một điểm khác biệt của lễ trình diện Ngọc Hoàng so với các nghi lễ khác trong lễ cấp sắc đó là, hầu hết các nghi lễ trước đó đều diễn ra ở trong nhà, trước lễ đường; còn lễ trình diện Ngọc Hoàng được thực hiện ở ngoài trời.
Lễ thăm thiên đình
Lễ thăm thiên đình (tiếng Dao: phảo lùng thây) là nghi lễ đưa hồn con hương lên thăm thiên đình. Nghi lễ này được tổ chức vào đêm thứ hai trong lễ cấp sắc, khi trời đã vào khuya, bồn bề xóm làng yên tĩnh, thanh vắng.
Đây là một nghi lễ chứa đựng nhiều yếu tố huyền bí, linh thiêng, vì thế trong quá trình thực hiện, để đảm bảo sự linh ứng của buổi lễ, bên cạnh những thủ tục kiêng kỵ chung trong lễ cấp sắc, với lễ đưa hồn con hương thăm thiên đình, đồng bào Dao Quần chẹt Vĩnh Phúc còn cấm tất cả mọi hoạt động gây kinh động đến thánh thần và ảnh hưởng đến không gian thiêng thực hiện nghi lễ, như cấm quay phim, chụp ảnh, cấm đi lại lộn xộn…
Sau khi thực hiện xong lễ tơ hồng, các thày cúng đưa con hương vào lại trong nhà đến trước lễ đường. Tại lễ đường lúc này, những người giúp việc, phụ lễ đã trải sẵn một chiếc đệm làm bằng rơm nguyên thân cây lúa và rất khô, sạch, trên đệm rơm, trải một chiếc chiếu mới tinh.
Các ông thày đặt vào trong chiếu một chiếc lồng đựng 7 chiếc chén nhỏ và một ít tiền âm. Cùng một lúc, trống, thanh la, chũm chọe, tù và, não bạt, kèn… đồng thanh nổi lên khiến không gian trong đêm khuya nơi bản làng vùng cao càng thêm huyền hoặc.
Con hương được đưa ra đứng cạnh chiếc chiếu trải trên đệm rơm. Bảy ông thầy cùng xúm lại, đỡ lấy con hương, rồi cùng nhau du đi đẩy lại con hương nhiều lần cho đến khi con hương mê (ngất) đi. Theo quan niệm của người Dao, lúc này hồn con hương đã rời thân xác, “bay” lên thăm thiên đình. Các ông thầy liền nhẹ nhàng đỡ cho con hương (lúc này đang trong trạng thái hầu như bất động) nhẹ nhàng nằm xuống đệm rơm đã trải sẵn chiếc chiếu cói (đã nói ở trên). Đầu con hương được đặt gối lên một chiếc lồng nhỏ. Thầy Cả ghé vào tai con hương, nói nhỏ những lời dặn dò rồi làm phép để hồn con hương lên thăm thiên đình được bình an vô sự.
Năm ông thầy tiếp tục đọc sách cúng. Thầy Cả, thầy Hai vừa đi vòng quanh con hương (đang nằm mê man trên chiếu) bảy vòng vừa tiếp tục đọc bài cúng và làm phép. Đọc xong sách cúng, bảy ông thầy tiếp tục vừa nhảy múa xung quanh con hương vừa ban phép cho con hương. Thầy Cả ban phép trước tiên và ban nhiều phép nhất rồi đến thầy Hai, thầy Ba và các ông thầy còn lại. Số phép được các ông thầy ban cho con hương sẽ ít dần đi, ngược lại với số thứ tự của các thầy.
Sau khi các ông thầy ban phép cho con hương xong xuôi, thầy Cả sẽ làm phép nâng con hương dậy, làm lễ đưa hồn con hương sau khi lên thăm thiên đình trở lại dương gian, nhập vào thể xác. Thầy Cả và thầy Hai tay cầm gậy, làm phép bước qua người con hương, thầy Cả bước trước rồi đến lượt thầy Hai. Con hương được các thầy đỡ ngồi dậy, nhận phép của các thầy để hồn nhập trở lại vào thân xác, tỉnh táo, bình thường trở lại.
Trong suốt thời gian hồn con hương lên thăm thiên đình, những người phụ lễ đồng loạt thổi kèn, tù và, khua chiêng trống, thanh la, chũm chọe… rộn rã, vang động để “tiễn” hồn con hương trên chặng đường dài lên thăm thiên đình được bình an, suôn sẻ. Những âm thanh này hòa trộn với nhau, vang lên, lan đi xa, vừa tạo sự rộn rã đồng thời càng tăng thêm tính huyền bí, thiêng liêng của nghi lễ.
Như vậy, với sự ban phép của các ông thầy, con hương đã hoàn tất thủ tục quan trọng nhất của lễ cấp sắc đó là lễ thăm thiên đình. Đồng bào Dao quần chẹt Vĩnh Phúc cho rằng: Với thủ tục này, con hương đã được lên thăm thiên đình, được gặp Ngọc Hoàng, được thiên đình công nhận là con cháu Bàn Vương. Theo đó, đến khi tạ thế, linh hồn sẽ được về Dương Châu đoàn tụ với tổ tiên, được con cháu cúng giỗ. Với ý nghĩa đó, lễ thăm thiên đình trong lễ cấp sắc được người Dao quần chẹt làng Thành Công Vĩnh Phúc xem là một trong những nghi lễ đặc biệt hơn cả trong toàn bộ tiến trình thực hiện lễ cấp sắc, bởi những nghi thức huyền bí, thiêng liêng, đậm sắc màu tôn giáo của nó.
Với công đoạn (coỏng miến) thăm thiên đình, các bước cơ bản, chủ yếu trong lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc đã được hoàn tất. Buổi lễ kéo dài ba ngày hai đêm đến đây đã thành công.
Các ông thầy tiếp tục đọc sách cúng, làm lễ hạ tranh, cất tranh.
Tiếp đó, các thầy cúng tiến hành lễ cúng, xin thần linh chứng giám và công nhận sự thành công của buổi lễ; cúng tạ ơn thần linh đã phù hộ cho buổi lễ được thành công. Nghi thức này được gọi là lễ cúng trả ơn Bàn Vương.
Lễ trả ơn Bàn Vương
Lễ cúng này thường được tổ chức vào nửa sau đêm thứ hai sang ngày thứ ba của lễ cấp sắc, sau khi đã hoàn tất 10 công đoạn thực hiện lễ cấp sắc cho người thụ lễ.
Vào khoảng khuya nửa đêm sang rạng sáng ngày thứ ba của lễ cấp sắc, các chẩu công miền đưa hai con lợn nuôi làm lễ (tiếng Dao: tủng tủng, tàu tủng) được đồng bào gọi là “lợn thần” (xem thêm ở phần trên), mỗi con có trọng lượng từ 100kg trở lên, vào lễ đường để làm thủ tục trình thánh thần, tổ tiên. Sau đó, các chẩu tiến hành sát sinh, mổ lợn lễ để cúng tạ ơn thần linh. Con thứ nhất cúng tạ ơn Bàn Vương (tiếng Dao: piêng hùng, biềng hùng), con thứ hai tạ ơn Thánh Tam Thanh (tiếng Dao: pam xiinh). Hai con lợn thần này được làm lông sạch sẽ, mổ bỏ nội tạng, để nguyên con dâng lên đàn cúng.
Trong lễ đường, những người giúp việc dọn lên một chiếc bàn dài làm đàn cúng (tiếng Dao: hạ chì tìa). Các lễ vật (la lấy la) gồm có: ba bát thịt sóc sấy khô, một con gà luộc, một bát thịt lợn luộc, ba bát rau xanh, bảy chén rượu, bảy đôi đũa.
Thầy tào mở sách cúng “Bình Hoàng khoán điệp”, thực hiện nghi lễ cúng tạ ơn Bàn Vương. Bài cúng có nội dung mời thủy tổ, tổ tiên về chứng giám, hiến hưởng lễ vật con cháu tạ ơn.
Xen giữa bài cúng là những bài múa chuông do hai ông thầy cùng thực hiện.
Trong lễ cúng tạ ơn, bên cạnh việc đọc sách cúng và múa chuông do các ông thầy thực hiện nói trên, còn có nhiều trò xướng ca (hát mừng) như các bà hát (tò plây mạ) thay nhau cất tiếng hát, nam giới trong làng đến dự lễ cấp sắc tham gia nhảy múa, đi vòng quanh lễ đường tạo khung cảnh tươi vui, rộn rã… vừa “làm vui” cho thánh thần, và chúc mừng con hương đã được cấp sắc thành công.
Bước sang ngày thứ ba (ngày cuối cùng) của lễ cấp sắc, mọi nghi lễ đã hoàn tất, gia chủ tổ chức lễ hát mừng. Từ sáng sớm, 6 em nhỏ gồm ba nam và ba nữ (bèo ton, bèo siía) tuổi từ 9 - 12, được gia chủ chọn mời từ trước đã có mặt. Các bé gái mặc trang phục truyền thống của cô dâu Dao quần chẹt trong ngày cưới. Các bé trai mang trên tay một số vật dụng, nhạc cụ mang tính tượng trưng, như: cuốn sách, cây sáo, chiếc chuông nhỏ… Các em được bà hát hướng dẫn, xếp thành hai hàng, đứng trước cửa nhà, nơi có lễ đường. Sau khi ông thầy đọc lời khấn, các bà hát cất tiếng hát, các bèo ton làm động tác vái lạy, các bèo siía đung đưa người mềm mại theo nhịp hát. Đồng thời, trong nhà, nhiều nam giới trong làng đến dự lễ cấp sắc cũng tham gia nhảy múa. Tiếng chiêng, trống, thanh la, chũm chọe… cùng nổi lên, rất rộn rã, vui vẻ.
Các ông thầy tiếp tục đọc sách cúng có nội dung mừng lễ cấp sắc đã thành công tốt đẹp.
Sau khi các ông thầy tấu xong bài cúng tạ ơn Bàn Vương, số gạo dâng làm lễ vật trên bàn thờ Tam Thanh được mang đi nấu cơm. Tất cả các anh chị em ruột thịt đang chung sống trong gia đình con hương sẽ cùng nhau ăn hết chỗ cơm này kèm các lễ vật đã được dâng cúng trước đó. Đồng bào Dao quần chẹt Vĩnh Phúc quan niệm: Đó đều là “lộc” của thần linh, ông bà tổ tiên ban cho, mọi người đều mong được “thụ lộc” để lấy khước, cầu ước luôn được may mắn, tốt lành.
Thầy Cả vẫn tiếp tục thực hiện các nghi lễ trấn mạch trừ tà cho gia chủ, hoá tiền vàng tạ ơn thánh thần. Tiếp đó, thầy làm lễ “khai chê” (lễ xin thánh thần cho người vừa được cấp sắc kết thúc việc ăn chay, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường hằng ngày).
Sau lễ “khai chê”, gia chủ dọn cỗ mời dân làng. Các ông thầy làm “phép”, đưa “quân” (các âm binh) của mình ra về.
Tới lúc này, lễ cấp sắc người Dao quần chẹt Vĩnh Phúc mới hoàn mãn. Để tỏ lòng cảm ơn những người đã tới giúp đỡ, hỗ trợ, gia chủ tản “lộc” (là hai con lợn tế thần và bánh dua om…) làm quà biếu ông thầy, bà hát, người giúp việc, các em bé… Riêng thầy Cả được biếu thủ lợn kèm đuôi lợn và một chiếc chân giò. Mọi người vui vẻ nhận “lộc” thánh, chúc mừng gia chủ và người vừa được cấp sắc rồi hoan hỉ ra về.
Về phần con hương, sau lễ cấp sắc vẫn tìm đến các ông thầy trong làng, tiếp tục học hỏi, rèn luyện để bản thân ngày càng tiến bộ, hoàn thiện về mọi mặt.
B.S
* Có tên gọi này là do ngày trước, để làm đẹp và cũng là một cách giữ vệ sinh, phụ nữ Dao quần chẹt làng Thành Công (Vĩnh Phúc) thường dùng sáp ong để chải tóc.
** Đây cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản trong lễ cấp sắc của đồng bào Dao Quần chẹt làng Thành Công, Vĩnh Phúc so với các nhóm/ngành Dao khác.